Có lẽ chưa bao giờ cộng đồng người Việt hải ngoại lại bị giằng xé
giữa những cảm xúc khinh, yêu, giận, ghét, lẫn lộn khi nghe nhắc đến tên nhạc
sĩ Phạm Duy. Tình cảm mâu thuẫn này cũng đồng dạng với phản ứng của cộng đồng
hải ngoại đồi với sự quay lưng của nhiều ca nhạc sĩ trước kia đã từng được
thương mến và giờ đây họ lại chọn lựa trở về Việt Nam để trình diễn, kiếm sống,
hay ngụ cư. Dư luận phê phán và lên án những kẻ bị cho là trở cờ, phản bội lại
cộng đồng, phản bội lại lý tưởng tự do mà ngày xưa chính họ đã liều chết, vượt
biển đi tìm. Trong bối cảnh xã hội xao xác lòng người như vậy, sự ra đi mãi mãi
vào lòng đất của một Phạm Duy vẫn không khiến những người lỡ ghét ông nguôi cơn
giận.
Nếu ngồi tính sổ và nhìn lại trong kho tàng âm nhạc Miền Nam Việt
Nam từ thời tiền chiến khoảng 1945 cho tới nay, chúng ta còn lại bao nhiêu nhạc
sĩ nổi danh còn sống và bao nhiêu người đã mất đi? Phần lớn những đại thụ trong
lĩnh vực ca khúc đã ngã xuống, kể cả Trịnh Công Sơn và Phạm Duy. Theo tôi sự
mất mát to lớn của những bậc tài danh ấy chưa có những tài hoa nổi trội trong
cộng đồng hải ngoại nào thay thế, hoặc nếu có thì rất ít, hoặc nếu lớp trẻ nổi
lên thành danh thì đã hoà nhập vào dòng chính âm nhạc của quốc gia họ đang cư
ngụ.
Nhạc sĩ Phạm Duy và
Trịnh Công Sơn. Hình chụp năm 1970 tại tư gia của nhạc sĩ Phạm Duy
Hơn nữa, tôi thấy chúng ta không nên mang mối quan hệ đạo đức và
chính kiến ra mà hoà trộn cùng những ca khúc của Phạm Duy để bình luận. Tuy con
người và tác phẩm có liên quan với nhau, nhưng đời sống tình cảm hay chính kiến
của cá nhân không phải là mục tiêu của lý luận hay phê bình đối với tác phẩm.
Ngược lại, nếu vì mất cảm tình với con người ông mà phủ định mọi thành quả của
ông, thì có lẽ đó là một đối xử bất công với chính chúng ta hơn là với ông.
Chúng ta sẽ vô tình để mất một gia tài âm nhạc quý báu đã đánh dấu một mốc lịch
sử trong nền âm nhạc phong phú của miền nam Việt Nam trước thập niên 1975. Ngoài ra,
Phạm Duy chỉ là một nhạc sĩ, một nghệ sĩ chứ không phải là một chính khách, một
nhà giáo hay một nhà đạo đức. Chúng ta không nên trông đợi thái quá ở ông như
một con người đứng đắn, mô phạm hoặc một tấm gương sáng cho người sau phải noi
theo.
Trong hồi ký ông để lại, ông cũng chỉ mong mọi người xem ông là một người
hát rong qua thời đại. Ông không giấu giếm những sự kiện trong quá khứ; ông đã
sống một cuộc sống rày đây mai đó theo chân những gánh hát rong; ông đã sống
hồn nhiên với đào hát, với những thiếu nữ ái mộ, cũng như thoả mãn các thú vui
nhục dục, phóng túng, đã đến và đi, cùng các cuộc tình ngắn, dài, như cơn gió
thoảng. Được trời phú và đãi ngộ cho những tài hoa, đến đâu ông cũng được phụ
nữ yêu chiều, ông thẳng thắn xưng tội trong nhật ký “Trót là một nghệ sĩ chỉ
biết xưng tụng tình yêu, không bao giờ tôi trốn tránh tình yêu cả. Vì cầm tinh
con bướm, tôi có thể là một người tình lang chạ, bao giờ cũng biết yêu, biết
quý từng cuộc tình một, nhưng tôi không thờ chủ nghĩa đa thê”. Ông cũng khẳng
định ông không đứng về một phe phái, chính kiến nào. Là một nghệ sĩ thấy chiến
tranh mang tang tóc, chết chóc cho người dân, ông phản kháng, ông chỉ trung
thành với âm nhạc. Như vậy chúng ta nên ngầm hiểu con người Phạm Duy không có
một lập trường chính trị, chính kiến nào rõ rệt. Bản chất nghệ sĩ chuồn chuồn
phóng túng của ông khiến ông không thích ràng buộc bởi nề nếp, luật lệ, đảng
phái. Tại sao chúng ta phải mong đợi sự trung thành ở một lý tưởng hay một chủ
thuyết nào mà ông không bao giờ đi theo?
Khi ráng chiều đã ngả, con người Phạm Duy đã khuất bóng, xin
những hệ lụy trần gian của ông theo đó mà về, mà lắng xuống với tro bụi thời
gian. Và tại sao chúng ta không đánh giá và xem lại những sáng tác và các đứa
con tinh thần mà Phạm Duy đã đóng góp cho kho tàng âm nhạc Việt Nam từ đó tới
nay để ôm ấp chúng hơn là ruồng bỏ chúng?
Nhìn vào gia tài âm nhạc đồ sộ của Phạm Duy để lại, tôi giật
mình. Tổng cộng vượt quá con số ngàn. Những đứa con tinh thần của ông được nuôi
lớn qua từng biến cố lịch sử và giai đoạn sống. Chúng trưởng thành nhờ những
trải nghiệm đầy thương yêu, nhiệt tâm cũng như hùng tâm trên từng bước chân rong
ruổi của người nghệ sĩ nuôi mộng viễn du. Vạn lời ca, ngàn cánh nhạc ghép lại,
các tác phẩm của ông trông như tấm tranh collage (cắt, dán), đa diện, đa thể,
đầy màu sắc. Nào là bé ca, bình ca, rong ca, ngục ca, tâm ca, đạo ca, hương ca,
v.v..., đúng là vườn hoa muôn vẻ. Ngồi ngắm bức tranh khổng lồ này, tôi gắp ra
những mảnh nhỏ mà tôi cho là lân tinh lấp lánh hợp với nhãn quan của tôi, để
thưởng thức, để khoe với độc giả. Đó là những bản nhạc như bức tranh xã hội
trong nhạc Phạm Duy.
Ông sinh ra trong một gia đình dòng dõi, bố là nhà văn chuyên về
tả chân và phê bình xã hội. Có lẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bố nên ông đã
viết nhiều bài hát có nội dung như những bức tranh xã hội thời đại. Ông viết
trong hồi ký “Những lúc tôi soạn loại bài hát phê bình xã hội như tâm ca hay
tục ca tôi, đều liên tưởng tới việc làm của một người bố tuy không gần gũi mà
hoá ra thân thiết.” Ông cũng từng say mê hội hoạ, theo học trường Cao Đẳng Mỹ
Thuật Đông Dương, và là bạn đồng môn của Võ Lăng, Bùi Xuân Phái... Do đấy, ta
sẽ không ngạc nhiên, hội hoạ và cái đẹp đã góp sức tô màu, vẽ nét vào các bức
tranh trong nhạc Phạm Duy. Hãy xem vài bức tranh sắc màu trong các sáng tác của
ông vào thập niên 1948-1958, là thời gian sức sáng tác của ông sung mãn nhất,
cùng bầu nhiệt huyết thanh niên đầy ắp trong lứa tuổi của 27 đến 37. Những bài
hùng ca, kháng chiến ca, dân ca, tình ca quê hương đã lần lượt ra đời.
Bức hoạ đồng quê
Đám cưới năm 1948:
Phạm Duy trong bộ quân phục bên Thái Hằng
Trước khi có biến cố chia cắt đất nước năm 1954, Phạm Duy đã lên
đường vào Nam
tìm tự do từ năm 1951. Người dân sông nước Miền Nam trước năm 1954 đã biết đến
ông nhờ các cuộc lưu diễn, giờ có thêm cơ hội được nghe vang vang những khúc
tình ca. Nhắc đến “Tình Ca” (1953), có lẽ người dân Miền Nam không ai không
từng nghe qua một lần. Bài hát này đã làm vang lừng tên tuổi ông. Có người còn
gọi bài hát này là “Tiếng nước tôi”. Vì chỉ cần một tiếng nói Việt Nam cất lên,
bất cứ ở đâu đó, cái tình yêu quê liền bừng dậy. Quê hương là sông, là suối,
biển, hồ, tường vôi, mái ngói, đất ẩm, mưa ngâu. Ông đã thâu tóm được cả quê
hương một cách khéo léo trong một bài hát nhỏ. Rồi đến “Tình hoài hương” và
những lời ca hoài quê, nhớ nước, nhớ vòm tre non, nhớ làn khói ấm, nhớ cả dòng
Hương. Và còn nữa, những bức tranh vẽ uốn theo tấm bản đồ chữ S đi từ Ải Nam
Quan cho tới Mũi Cà Mau bằng khúc “Trường ca con đường cái quan”. Yêu quá là
yêu những bài tụng ca cho quê hương.
Trong tâm khảm thương yêu của Phạm Duy, ngoài tình yêu quê hương
đầy ắp, ông còn yêu phụ nữ rất nhiều, nhất là yêu mẹ. Ông có ba bà mẹ: mẹ ruột,
mẹ nuôi và mẹ Việt Nam .
Những “Bà Mẹ Gio Linh”, “Bà Mẹ Quê”, “Mẹ Trùng Dương”, “Trường Ca Mẹ Việt Nam”,
v.v... đã ra đời như một tri ân đối với những người phụ nữ Việt Nam .
Phạm Duy thời trai
trẻ ở chiến khu Bình Trị Thiên
Trong tập hồi ký, ông có nói rằng bài “Bà Mẹ Quê” nguyên thủy có
tên là “Bà Mẹ Chiến Sĩ” sáng tác năm 1949 cho tinh thần kháng chiến, sau ông
đổi thành “Bà Mẹ Quê”. Những bài hát có màu sắc chính trị giờ lại mang nét xã
hội và văn hoá. Ông tâm sự “Thứ bẩy 21 tháng 8, 1999 là ngày lễ an táng Thái
Hằng. Trước đó vài ngày, tôi bỏ ra khá nhiều thời gian để tìm tòi trong số trên
dưới 1000 cuốn cassettes, một cuốn băng có ghi âm bài Bà Mẹ Quê do Thái Hằng
hát trên đĩa 78 tua của Hãng Ðĩa Việt Nam vào năm 1951 mà tôi còn giữ được trải
qua biết bao nhiêu cuộc tang thương... Hôm sau, trước khi đậy nắp quan tài, tôi
gọi các con ra trước linh cữu để nghe bài ca mẹ hát khi mẹ 23 tuổi... Ðó là một
bài hát về tình mẹ. Rồi tôi nói với các con rằng: Không phải tôi chỉ soạn có
hai bài nhạc tình cho vợ, mà bất cứ bài ca nào tôi soạn cho tình mẹ đều lấy
hứng từ hai người đàn bà thiêng liêng là mẹ tôi và vợ tôi.”
“Vườn rau, vườn rau xanh ngắt một mầu
Có đàn, có đàn gà con nương náu
Mẹ quê, mẹ quê vất vả trăm chiều
Nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt chiu.
Bà bà mẹ quê !
Gà gáy trên đầu ngọn tre
Bà bà mẹ quê !
Chợ sớm đi chưa thấy về
Chờ nụ cười son, và đồng quà ngon...”
(“Bà Mẹ Quê” hay “Bà Mẹ Chiến Sĩ”, 1949) - với tiếng hát Thái
Hằng
Bài hát khai hoa một bức họa đồng quê tươi sáng với một vườn rau xanh ngắt (Phạm Duy rất yêu màu xanh). Hình ảnh đàn gà con lon ton theo chân gà mẹ tìm mồi tạo nên những vẻ sinh động. Chúng ta có thể hình dung được qua gà mẹ, một bà mẹ quê tất tả ngược xuôi, ra đi từ sớm tờ mờ đất. Trong cái tranh tối tranh sáng của con đường làng, với đôi vai gầy quang gánh, bà mẹ trẻ trong chiếc áo nâu non, ẩn hiện như một bóng ma. Tôi tưởng tượng ra được cảnh chợ quê ồn ã trong tiểu thuyết Xóm Cầu Mới mà Nhất Linh đã tả. Đàn con thì ở nhà thơ thẩn đợi mẹ về, đợi quà, đợi nụ cười hồng của mẹ. Tan chợ, vừa về đến nhà, thấy bầy con, mẹ cười quên cả nhọc nhằn, mở gói quà phân phát cho chúng tấm bánh, củ khoai. Nghe hết bài hát chúng ta có được một góc sinh hoạt bức tranh 3 chiều của bà mẹ hiền: một thân ướt mưa dầm, lo toan việc nhà, việc ruộng nương, phơi lúa, tát nước. Quá là đảm đang.
Tôi sinh ra ở thành thị nhưng mẹ tôi cũng là một bà mẹ quê. Tôi
chưa từng sống ở nhà quê bao giờ, nhưng vì đi nhiều, tôi cũng được đặt chân lên
những con đường đất trơn trượt men theo cánh đồng lúa mênh mang bát ngát. Chỉ nhìn
mẹ, tôi cũng hiểu được sự cần cù, nhẫn nại, đức hy sinh vô biên của những bà mẹ
quê như thế nào. Ơi! Hình ảnh các bà mẹ Việt Nam sao mà đẹp.
Có điếc tai vì cái ồn ào phố thị, mới nhớ nếp tịch lặng nông
thôn. Có chật chội trong nêm cối phố phường, mới thương sao đồng mạ xanh bát
ngát. Chính sách cải cách điền điạ của chính phủ Ngô Đình Diệm đã thay đôi bộ
mặt của thôn quê Miền Nam
những năm sau 1954 đến 1960. Chính sách này đã khôi phục, bảo vệ quyền dân sự
cơ bản là quyền tư hữu, và tôn trọng quyền lợi của chủ đất. Nó giúp nông dân
chưa có đất có cơ hội sở hữu một diện tích đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất của họ.
Đời sống người dân quê sung túc hơn. Trong bối cảnh xã hội thịnh vượng ấy, đi
dạo trên đồng nương, người ta chợt nghe thoảng vọng đâu đó tiếng hát trêu, hát
đố, chòng ghẹo nhau của các cặp trai gái. Thú hơn cả là được nghe các câu dân
ca khoan hò đối đáp trong những đêm trăng giã gạo. Phạm Duy đã từng sống, làm
ruộng, cày sâu cuốc bẫm như một nông dân, nên trong tác phẩm ông đã cảnh quê tả
rất thực và bàng bạc. Ông đưa dân ca vào tân nhạc, những luyến láy, nguyên âm “ứ
ư, ớ ơ, à ơi” được ông tận dụng cùng giai điệu ngũ cung, khiến người nghe thấy
ngay một Đông Phương gần gụi. Bài hát “Vợ Chồng Quê” hạnh phúc mà ông soạn như
một biểu trưng lý tưởng cho tình yêu trong sạch và mẫu mực của dân quê từ những
năm 1953, giờ mang ra hát lại còn thú vị gì bằng?
“Chàng là thanh niên mạch sống khơi trên luống cầy
Nói năng hiền lành như thóc với khoai
Nàng là con gái nết na trong xóm
Nước da đen giòn với nụ cười son.
Hỡi anh gánh gạo ư ứ trên đường, chàng ơi
Gạo Nam ,
gạo Bắc ứ ư
Ðòn miền Trung, gánh đừng để rơi
Chàng chàng ơi, gánh đừng để rơi...”
(“Vợ Chồng Quê”, 1953) - với tiếng hát Thái Thanh
Bức tranh sinh động có âm thanh vẽ được hình ảnh người con trai
vai mang chiếc đòn gánh Miền Trung, gánh đôi gạo đầy hai thúng Nam Bắc, đi trên
đường cái quan, là một hình tượng tuyệt đẹp. Cô thiếu nữ nết na Miền Nam nước da
bánh mật, đen giòn đứng cười tươi, nhắn nhủ chàng rằng “Đòn Miền Trung gánh
đừng để rơi, chàng chàng ơi gánh đừng để rơi”. Chàng và nàng sống chung hoà
thuận, như chim chia mồi, như đũa có đôi. Họ cùng nhau trồng lúa, rẫy khoai,
cày sâu cuốc bẫm, học i tờ, nuôi con thơ, tát cạn biển đông.
Hội hoạ Tây Phương có những bức tranh bộ ba (triptych). Phạm Duy cũng có ca khúc bộ ba về con người Việt
“Ai bảo chăn trâu là khổ
Chăn trâu sướng lắm chứ
Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau
Và miệng hát nghêu ngao
Vui thú không quên học đâu
Nằm đồi non gió mát
Cất tiếng theo tiếng lúa đang reo
Em đánh vần thật mau...”
(“Em bé quê”, 1953) - với tiếng hát Hà Phạm Anh Thư
Bức tranh đô thị, con người và thân phận
Nói tới Miền Nam Việt Nam thì đồng quê, lúa gạo là cái
nôi nuôi nấng con người, nhưng Sài Gòn chính là hòn ngọc tinh hoa tư duy và
điều khiển cái nôi quý báu ấy. Phạm Duy đã về thành, đã sống an vui trong hạt
gạo châu thổ vào những giai đoạn từ 1951 tới 1975 ở Sài Gòn. Những giai khúc
của phố phường, xóm khuya, phòng trà, kiếp nghèo, theo nhau mà trổi lên như một
hoạt cảnh xã hội đô thị. Các bài “Tình kỵ nữ”, “Tiếng bước trên đường khuya”,”Phố
buồn” được người dân Sài thành đón nhận như đời sống, thân phận hay những mạch
máu luân lưu trong tim họ hàng ngày.
“Đường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em
Bùn lầy không quên bôi thêm lối ngõ không tên
Qua mấy gian không đèn
Những mái tranh im lìm
Đường về nhà em tối đen...”
(“Phố buồn”, 1954) - với tiếng hát Thanh Thúy
Những người nghệ sĩ rất nhạy cảm trước cái hay, cái đẹp, cái thơ. Phạm Duy cũng không khác. Ông rung động trước nhiều bài thơ hay và ông đã phổ nhạc. Phổ nhạc vào thơ là chắp cánh cho thơ bay xa. Nhạc có thơ, nhạc như chứa chan vần điệu, ca từ thêm mượt mà, gợi hình, gợi cảnh. Thơ được phổ nhạc, thơ như giàu có, đầy âm điệu, tiết tấu khiến người nghe, người biết đến nhiều hơn. Khi Phạm Duy đọc được bài thơ “Tương Phản” của Cung Trầm Tưởng ông đã “cảm” ngay lập tức. Ông không chỉ phổ nhạc bài thơ này mà còn phổ nhạc vài bài nữa của thi sĩ Cung Trầm Tưởng, nổi tiếng nhất là bài “Chưa bao giờ buồn thế”. Phạm Duy và Cung Trầm Tưởng cùng du học ở Pháp. Ông ở Pháp 3 năm (1952-1954) còn Cung Trầm Tưởng ở 5 năm(1953-1957). Năm 1958, ông phổ hai bài thơ của Cung Trầm Tưởng và đều đổi nhan đề. Bài “Chưa bao giờ buồn thế” thành “Tiễn Em” và “Tương Phản” thành “Bên ni, bên nớ”.
“Đêm chớm ngày tàn, theo tiếng xe về, lăn về viễn phố
Em hỡi sương rơi, ngoài song đêm hạ, ôi buồn phố xá
Hoang liêu về chết tha ma, tiếng chân gõ guốc xa xa
Người xa vắng người, người xa vắng người...”
(“Bên ni, bên nớ”, 1958) - với tiếng hát Khánh Ly
Lời bài hát tuy không phải do Phạm Duy viết nhưng, tôi nghĩ, khi phổ bài này ông đã đem hết tâm huyết mình viết nên ca khúc. Bức tranh mở ra hai cảnh đời tương phản của xã hội. Một nghèo, một giàu, một bên thị thành xa hoa, một phía ngoại ô liếp tranh nghèo đói. Tiếng guốc gõ đêm vang vọng nơi này hoang liêu nghĩa địa, dội về nơi kia ồn ã thành đô hoa lệ. Tiếng bi ai ấp úng bên ni, hoà vào tiếng cốc pha lê vỡ và những trận cười giai nhân loã thể thâu đêm suốt sáng bên tê.
Gần đây tôi có duyên gặp gỡ thi sĩ Cung Trầm Tưởng và trong câu
chuyện làm quen tôi bỗng tò mò hỏi ông rằng “Cháu hơi ngạc nhiên khi chú là
người Bắc, tại sao bài thơ của chú do Phạm Duy phổ nhạc lại có cái nhan đề ‘Bên
ni, bên nớ’ là tiếng miền Trung hở chú?” Chú cười và cho tôi biết “Bài thơ có
cái nhan đề là “Tương Phản” đã được sửa lại thành “Bên ni, bên nớ”. Nó ra đời ở
một nghĩa điạ thuộc phố Đa Kao. Ngày ấy (những năm 1950) Đa Kao còn nhiều bãi
đất hoang, phía bên kia là Sài Gòn.”
“Đêm chớp ngày tàn” (trong nguyên tác bài thơ), đèn đêm vừa chớp
loé, ngày đã tàn, sương vừa rơi, đêm hạ bắt đầu. Một bóng dạ hành, chân bước
theo tiếng xe lăn, ngang chỗ tha ma, đi về viễn phố. Trong vùng tăm tối nhất
của đêm, của nghĩa địa, của cuộc đời, tiếng guốc rộn rã vang vọng như tiếng
chuông của sự sống, một nối kết của cõi âm với loài người. Hình dáng kẻ ăn xin
lên tiếng ấp úng, van xin chút tình thương, chút rộng lượng, chút giao cảm của
đồng loại, bi ai như tiếng oan hồn. Bên cái cô liêu, hoang vắng ấy, trong một
liếp tranh có đôi bạn nghèo, tuy rất yêu nhau nhưng phải ly tan và đang đợi một
bé thơ sắp ra đời. Đêm vẫn chảy trôi, sương vẫn pha muối, ánh lửa trong liếp
tranh vẫn ấm áp, người chết nằm yên trong thế giới của mình vẫn hạnh phúc.
Tôi thích bố cục và nội dung của bài thơ khi tác giả bày ra hai
cảnh đời mâu thuẫn nhưng vẫn đề cao tình nhân ái, tinh thần tích cực và an vui
hạnh phúc của con người dù trong cảnh nghèo. Theo tôi, phải nói Phạm Duy phổ
nhạc bài này thật tuyệt vời.
Trong mênh mông của đại dương cuộc sống, thân phận nhỏ nhoi của
con người bao giờ cũng là hình ảnh tương phản đáng ghét. Hạnh phúc luôn gắn
liền với khổ đau. Sinh thành đi đôi cùng tử vong. Phạm Duy sống cùng, hưởng
tận, nhưng ông cũng luôn đối diện với sự ám ảnh của cái chết. Ông bị bệnh tim
to và có bướu trong phổi. Cùng trong năm 1958, Phạm Duy đã chạm tới nỗi buồn
của những chiếc lá rụng. Suốt cuộc đời trai trẻ ông đã nhìn thấy nhiều cái chết
trong thời kháng chiến. Thân phận mỏng manh của con người như chiếc lá, nối
tiếp từ màu xanh đến màu vàng và cái chết, đôi khi chỉ trong một sát na. Ông
thấy gì trong những đường gân của lá khi ông yêu biết bao màu xanh? Ông sợ gì
khi chiều xuống lúc nắng phai, hoàng hôn thở hơi ngắn, đánh dấu ngày hấp hối?
Phạm Duy nhìn lá chao nghiêng, đi rưng rưng giữa trời hoa đung đưa. Từng chiếc
lá úa, tả tơi trong gió. Tóc sẽ thôi dài, đàn sẽ thôi gảy, mắt lá răm ai thôi
lúng liếng, tay gầy ai thôi níu lưng người tình. Hồn ai sẽ rã mềm, lúng búng,
uống cháo lú để nổi lên như gò mối, chờ phút đầu thai.
“Chiều rơi trên đường vắng, có ta rơi giữa chiều.
Hồn ta theo vạt nắng, theo làn gió đìu hiu.
Lá vàng bay ! Lá vàng bay !
Như dĩ vãng gầy, tóc buông dài, bước ra khỏi tình phai
Lá vàng rơi ! Lá vàng rơi !
Như chút hơi người giã ơn đời trên nẻo đường hấp hối...”
(“Đường chiều lá rụng”, 1958) - Lệ Mai hát / Hoàng Ngọc-Tuấn đệm
guitar
Bức tranh thân phận của ông đã có hư hao những giọt lệ chia ly dù
ông đang yêu và được yêu. Tuy nhiên ông vẫn chấp nhận cuộc đời, chấp nhận thân
phận, yêu thương nó như một “Amor fati” (Yêu thương tính mệnh). Ông đã tạ ơn
đời trong ca khúc của mình (“Tạ ơn đời”, 1959). Có lẽ đấng thượng đế thiêng
liêng cũng trả ơn ông đã sống trọn kiếp con tằm nhả tơ mà ban cho ông một đời
sống dài tới 93 tuổi, dài gần cái mốc trăm tuổi ước mơ của con người. Ông cũng
hoạ xong các bức hoạt cảnh thời đại qua nhiều giai đoạn. “Nương Chiều” và “Gánh
Lúa” trong giai đoạn kháng chiến chính là không gian quen thuộc của trường phái
hiện thực, đậm vẻ trữ tình. Phạm Duy không quên đi vào ấn tượng với “Chiều Về
Trên Sông”, nhục tính với “Cỏ Hồng”, còn “Mẹ Việt Nam” chính là tượng trưng, “Tổ
khúc Bầy Chim Bỏ Xứ” là ẩn dụ và “Trường Ca Hàn Mặc Tử” là siêu thực, v.v...
Phạm Duy – Thái Hằng,
một tháng sau ngày cưới (Ảnh chụp tại Chợ Neo, 1949)
Sau cùng tôi cũng tạ ơn Phạm Duy đã để lại cho chúng tôi, những
người Việt Nam ,
gia tài âm nhạc để đời đầy ắp quê hương và tình tự. Cám ơn sự góp sức của ông
cho nền âm nhạc Việt Nam nói
chung, Miền Nam
nói riêng. Ông cũng mang lại cho kho tàng này một màu sắc đa diện, đa phương,
chỉ có được trong một thế giới tự do như ông đã nhận định trong hồi ký:
“Hai mươi năm ở miền Nam là thời gian của khói lửa chiến tranh
đem lại chết chóc, của ô nhiễm chính trị đem lại mệt mỏi, của tiền bạc và lối
sống ngoại nhân đem lại sa đoạ... khiến cho cả xã hội lẫn con người có thể bị
tha hoá. Tại sao vẫn còn những người hùng trong trắng, những chiến sĩ vô danh,
những phụ nữ kiên trinh, những tuổi thơ ngọt ngào, những người mẹ hiền khô —
như mẹ ở đất Phù Sa hay trong Ca Dao Mẹ — trong đám đông thầm lặng ở xã hội
này? Tôi trộm nghĩ, nhờ biết qua phúc lợi Kinh Nhạc của Cụ Khổng, xã hội và con
người miền Nam
đã phần nào được điều hợp bởi hàng trăm ca nhạc sĩ. Hãy tưởng tượng một miền
Nam không có nhạc tình hay chỉ có nhạc tuyên truyền như miền Bắc. Hai mươi năm
âm nhạc ở miền Nam xưng tụng một cách rất hùng hồn nhiều khiá cạnh cuộc đời
(chứ không chỉ có both sides mà thôi) với tất cả hạnh phúc và khổ đau, sự sống
và sự chết... để bình thường hoá mọi sự, hoá giải mọi khó khăn. Nói ra bi đát
là hết bi đát, tôi nhắc lại một lần nữa câu nói của nhà văn Pháp Albert Camus.
Tôi khẳng định: âm nhạc trong giai đoạn chịu đựng của miền Nam có khả năng
trị liệu những căn bệnh tinh thần, vì trong đó, TÌNH YÊU và CON NGƯỜI lúc nào
cũng được xưng tụng.
Sẽ chẳng bao giờ có một diễn đạt phong phú như thế nữa.”
Trịnh Thanh Thủy
---------------------------
Tài liệu tham khảo:
Hồi ký Phạm Duy http://phamduy.com/en/van-nghien-cuu/hoi-ky-1
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.