Về phương diện chính
trị, ở Việt Nam hiện nay có một nghịch lý: Một mặt, đảng Cộng sản tự khẳng định
một cách công khai, chính thức và dõng dạc trong Hiến pháp là đảng duy nhất
lãnh đạo đất nước; mặt khác, trên thực tế, chưa bao giờ Việt Nam lại thiếu sự
lãnh đạo như là bây giờ.
Lãnh đạo chứ không
phải là cai trị. Đó là hai điều hoàn toàn khác nhau. Cai trị chỉ cần dùng sức mạnh
để dập tắt mọi sự phản kháng của những người bị trị để giữ nguyên tình trạng hiện
có trong đó người cai trị vẫn là những người cai trị và những người bị trị vẫn
tiếp tục bị trị. Nói cách khác, cai trị là nỗ lực kéo dài một quá khứ. Lãnh đạo
thì khác: Lãnh đạo hướng tới tương lai. Lãnh đạo là dẫn dắt một tập thể hướng tới
một chân trời mới trong tương lai.
Cai trị cần sự vâng phục trong khi lãnh đạo
cần sự đồng thuận. Cai trị được xây dựng trên bạo lực và áp chế trong khi lãnh
đạo được xây dựng trên sự khai sáng và tin tưởng. Cai trị cần ngục tù và súng đạn
trong khi lãnh đạo cần ánh sáng và trí tuệ.
Trong quá khứ, đảng
Cộng sản, với một mức độ nào đó, từng đóng vai trò lãnh đạo. Những người lãnh đạo
biết rõ họ tin gì và muốn gì. Dân chúng cũng biết rõ các nhà lãnh đạo tin gì và
muốn gì: Họ tin vào chủ nghĩa xã hội và muốn đất nước, hoặc thoát khỏi ách Pháp
thuộc hoặc được thống nhất. Những điều họ tin và họ muốn chưa chắc đã chính
đáng, có khi, ngược lại, chỉ dẫn đến chiến tranh tang tóc và hoạ độc tài hà khắc.
Nhưng có hai điều quan trọng nhất là: một, dân chúng biết rõ giới lãnh đạo tin
gì và muốn gì, và hai, một số bộ phận không nhỏ trong dân chúng chia sẻ những
điều họ tin và muốn ấy.
Còn bây giờ?
Trong các kỳ đại hội
đảng, người ta cũng có những bản báo cáo về những thành tựu trong quá khứ cũng
như những kế hoạch năm năm, nhưng tất cả đều được viết theo những công thức
chung chung, mơ hồ và rối rắm. Người ta vẫn nói đến chủ nghĩa xã hội và tư tưởng
Hồ Chí Minh nhưng tất cả đều không có một nội dung cụ thể nào cả. Không ai có
thể hiểu chủ nghĩa xã hội sau khi bị phá sản ở Liên Xô và các nước Đông Âu ấy
có diện mạo ra sao.
Còn cái gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh đến nay vẫn chưa có một
đường nét rõ rệt. Ngay cái gọi là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ
nghĩa mà người ta thường lặp đi lặp lại trong các nghị quyết cũng như trong
ngôn ngữ tuyên truyền cũng không ai biết là gì. Từ các văn bản chính thức ở các
đại hội đảng ấy, dân chúng hoàn toàn không thể hình dung con đường mà đảng Cộng
sản muốn dẫn dắt mọi người đi sẽ đến đâu. Không. Hoàn toàn không thể biết. Ngay
chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng không biết khi thừa nhận có khi đến tận
cuối thế kỷ 21 người ta mới có thể đạt đến chủ nghĩa xã hội. Lâu. Lâu quá.
Trong hiện tại thì tất cả đều mù mịt. Trước sự mù mịt ấy, mọi danh xưng lãnh đạo
đều mất hết ý nghĩa.
Mà chưa bao giờ dân
tộc Việt Nam cần sự lãnh đạo như là bây giờ.
Ở đâu cũng thấy bế tắc.
Về giáo dục, ai cũng
than là chưa bao giờ xuống cấp như bây giờ: học trò đạo văn, các thầy cô giáo
cũng đạo văn. Không đạo văn thì cũng nhai lại những kiến thức cũ mèm. Quan hệ
giữa thầy trò cũng càng lúc càng tệ hại: thầy cô thì coi học sinh như những
khách hàng mình vơ vét được bao nhiêu trong các lớp dạy kèm được thì vơ vét còn
học sinh thì cũng chả coi trọng gì các thầy cô giáo; có học sinh còn đánh gục
các thầy cô giáo ngay trong lớp học. Nhà nước có chính sách gì để ngăn chận
tình trạng xuống cấp ấy không? Không.
Về đạo đức thì càng
lúc càng suy đồi, quan hệ giữa người và người càng lúc càng lạnh lẽo, tâm lý vô
cảm trước những nỗi đau của người khác càng lúc càng phổ biến. Cái gọi là tình
hàng xóm hay tình người vốn là nét son mà người Việt Nam trước đây thường tự
hào đến giờ biến mất. Nhà nước có chính sách gì để diệt trừ nạn vô cảm ấy và
khôi phục lại truyền thống tốt đẹp ngày trước không? Không.
Về kinh tế thì nợ
công càng ngày càng chồng chất kéo theo những di hại có khi đến cả mấy thế hệ,
mức phát triển càng lúc càng chậm chạp, về nhiều phương diện, có khi còn thua cả
Campuchia và Lào. Về xã hội, nạn tham nhũng tràn lan, lớn ăn lớn, nhỏ ăn nhỏ,
làm gì cũng cần tiền đút lót; người ta mua bán chức quyền cho nhau, bất kể tài
năng và tư cách. Nhà nước có chính sách gì để giải quyết các khó khăn và đẩy mạnh
sự phát triển kinh tế cũng như giảm trừ nạn tham nhũng không? Không.
Về nhân quyền, tất cả
những quyền căn bản của con người đều bị vùi dập. Tự do ngôn luận: không. Tự do
biểu tình: không. Tự do lập hội, dù chỉ là những hội dân sự rất ư bình thường:
không. Xuống đường để chống đối các chính sách của nhà nước bị cấm đoán, đã
đành. Ngay cả xuống đường để chống Trung Quốc một cách chính đáng cũng bị ngăn
cấm, hơn nữa, khủng bố. Nhà nước có chính sách gì để cải thiện tình trạng ấy
không? Không.
Nhưng quan trọng nhất
là những bế tắc trong lãnh vực chính trị. Cả chính trị đối nội lẫn chính trị đối
ngoại đều bế tắc. Về đối nội, ai cũng biết cái nhãn chủ nghĩa xã hội chỉ là một
chiêu bài dối trá, nhưng vất bỏ cái chiêu bài ấy, Việt Nam sẽ có một thể chế
như thế nào?
Không ai biết cả. Cả chính quyền có lẽ cũng không biết. Người ta
chỉ đe doạ: đa đảng và đa nguyên chỉ dẫn đến hỗn loạn. Nhưng các nước dân chủ
trên thế giới thì sao? Sao không có hỗn loạn? Tại sao dân chủ chỉ gây hỗn loạn ở
Việt Nam mà thôi? Về đối ngoại, có một trọng tâm khiến mọi người đều nhức nhối:
chính quyền Việt Nam sẽ giải bài toán Trung Cộng ra sao? Sẽ theo hùa Trung Cộng và mặc kệ các sự xâm lấn ngang ngược của Trung Cộng hay sẽ tìm cách chống lại Trung Cộng để bảo vệ độc lập và chủ quyền trên biển và đảo? Gần đây, Việt Nam có vẻ muốn thắt chặt quan hệ với Mỹ nhưng quan hệ ấy sẽ được đẩy xa đến mức
nào? Việt Nam sẽ tìm kiếm điều gì ở Mỹ? Đó chỉ là một trò đu dây để mua thời
gian hay một thực tâm muốn có đồng minh để đối đầu với Trung Cộng? Tất cả những
thắc mắc ấy không có ai trả lời cả. Ở điểm dân chúng cần sự lãnh đạo nhất, những
người gọi là lãnh đạo lại kín như bưng. Mà chưa chắc họ đã có một chính sách
nào cụ thể.
Bởi vậy, có thể nói
không có gì quá đáng khi cho đảng Cộng sản hiện nay đang từ khước vai trò lãnh
đạo của mình. Họ chỉ còn là những nhà cai trị độc đoán và hung bạo. Vậy thôi.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.