Bạn có biết một nghịch lý rằng, đôi khi nơi có vẻ buồn chán nhất lại chính là nơi chứa đựng các yếu tố hài hước bất ngờ nhất? Và một điều thú vị rằng, “chọc cười” người khác tại văn phòng làm việc sẽ dễ dàng hơn là tại một câu lạc bộ hài kịch…
Hài hước có thể được xem là một cơ chế tuyệt vời giúp chúng ta đối phó với căng thẳng. Những chuyện cười hay các cuộc trò chuyện dí dỏm sẽ khiến bạn cảm thấy gần gũi hơn với mọi người xung quanh, đặc biệt là tại nơi bình thường và khá nhàm chán như nơi làm việc.
Đây là lý do tại sao những chương trình truyền hình như “Tám công sở”, “Camera công sở” xuất hiện hàng loạt, và sử dụng bối cảnh tại văn phòng làm việc để gây cười. Phim trường là một căn phòng cố định, trong khi các diễn viên sẽ “diễn” những cảnh như xử lý giấy tờ, làm việc…
Lý do cho việc này đơn giản là vì chúng ta thường nhìn nhận rằng văn phòng là một nơi khá nghiêm túc với không gian đơn điệu, tẻ nhạt. Điều đó sẽ tạo ra sự tương phản để làm nổi bật yếu tố “gây cười”, và sẽ vô cùng hài hước một khi chúng ta biến văn phòng thành nơi “diễn trò”.
Lợi ích của sự hài hước trong công việc
Khiếu hài hước giúp bạn vượt qua căng thẳng trong công việc.
Sự hài hước tạo ra một bầu không khí thoải mái, giúp bạn cảm giác như thể mọi khó chịu sẽ trở nên “tan biến”. Do đó, tính hài hước thật sự là “vệ sĩ” bảo vệ chúng ta khỏi áp lực, căng thẳng trong công việc, thậm chí còn mang lại lợi ích tích cực cho sức khỏe của chúng ta.
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng những người tham gia vào các cuộc trò chuyện xã giao vui vẻ với đồng nghiệp sẽ cảm thấy hạnh phúc và có sự hài lòng trong công việc cao hơn. Có thể thấy, khi tiếng cười được tạo ra, các mối quan hệ xã hội sẽ trở nên cởi mở, gắn kết hơn.
Theo giáo sư tâm lý Dacher Keltner của Đại học California, khi bạn bè đồng thanh cười, phản ứng “căng thẳng cấp tính” (như huyết áp tăng) được làm dịu, đồng thời các nơ-ron thần kinh được giải phóng. “Tiếng cười tập thể” trở thành một trải nghiệm chung, là một trong những hành động phối hợp, giúp tăng khả năng hợp tác và tạo ra điểm chung giữa người với người.
Cảm giác thoải mái trong môi trường làm việc có thể mang lại cho ta một tâm trí thoáng đãng để suy nghĩ cởi mở và chấp nhận rủi ro tốt hơn, đây là một nền tảng cho việc sáng tạo các giải pháp trong hoàn cảnh khó khăn, góp phần nâng cao năng suất làm việc.
Trong một nghiên cứu năm 2017 của ba tác giả Bruce Avolio, Jane Howell and John Sosik về việc áp dụng sự hài hước trong công việc, các nhà lãnh đạo sẽ có khả năng đạt được mục tiêu nhiệm vụ cao hơn và nhận được đánh giá tốt hơn từ người giám sát trực tiếp trong một năm sau đó.
Hơn nữa, khi các nhà quản lý tích hợp sự hài hước vào phong cách lãnh đạo của họ, họ trở nên dễ mến hơn, trong khi vẫn duy trì được sự tôn trọng và tầm ảnh hưởng.
Trong một nghiên cứu khảo sát năm 2009 của hai tác giả Larry Hughes và James Avey, những người tham dự là các nhân viên cho biết họ sẽ có cảm giác thân thuộc và hài lòng hơn trong công việc, cũng như trở nên tin tưởng người quản lý của mình hơn khi người này “làm cho chúng tôi cười vào sự quá nghiêm túc của chính mình” hoặc “dùng khiếu hài hước để xua đi giai đoạn căng thẳng trong công việc”.
Một gợi ý về kiểu “hài hước tự ti” cũng có thể là công cụ hữu ích cho các nhà lãnh đạo và nhân viên để khiến bản thân mình dễ tiếp cận hơn. Nghiên cứu năm 2014 của tác giả Barbara Wisse đã tiết lộ rằng khi các nhà lãnh đạo chia sẻ phong cách nói đùa theo cách tự châm biếm bản thân một chút, các nhân viên có xu hướng tôn trọng họ hơn. Kết quả trái ngược với những nhà lãnh đạo không bao giờ thể hiện sự “tự ti” khôi hài về nhược điểm của bản thân.
Tuy nhiên, có một số loại hài hước có thể phản tác dụng, cụ thể là loại hài hước công kích hay coi thường nhân phẩm, địa vị của người khác. Điều này khác với những lời trêu chọc nhẹ nhàng, có thể gắn kết các đồng nghiệp lại với nhau hay khuyến khích chúng ta nên hòa đồng với mọi người thay vì quá coi trọng bản thân.
Làm thế nào để tìm thấy sự hài hước trong công việc
Để có nhiều hơn những khoảnh khắc hài hước diễn ra tại nơi làm việc, điều chúng ta cần làm là hãy là viết chúng ra. Một nghiên cứu năm 2016 tại đại học Zurich cho thấy, những người tham gia viết nhật ký trong một tuần về 3 điều buồn cười vào mỗi tối sẽ cảm thấy vui vẻ ngay sau đó, thậm chí họ còn có thể thấy hạnh phúc hơn cho đến 6 tháng sau, so với một nhóm khác chỉ viết về những ký ức bình thường.
Trong khóa học “Tạo dựng Hạnh phúc tại nơi làm việc”, người tham gia đã được yêu cầu nghĩ đến và liệt kê những gì họ thấy buồn cười trong công việc. Trừ một vài khoảnh khắc hài hước nằm ngoài tầm kiểm soát như là mực bút bị gỉ lên quần áo hay việc vô tình gửi mail cho toàn bộ công ty, tất cả những khoảnh khắc hài hước nhất đều có thể được chúng ta tạo ra với một chút luyện tập.
Thông thường, việc pha trò sẽ liên quan đến cuộc sống, công việc hàng ngày. Một phụ nữ tên Melissa từ Oregon đã viết: “Tôi và đồng nghiệp đang chuẩn bị để uống một tách cà phê, và rồi cô ấy đã ‘chộp ngay’ lấy cái cốc ‘siêu bự’ như cái bình nước. Khoảnh khắc ấy khiến cả hai chúng tôi đều phá lên cười vì đương nhiên việc uống cà phê không cần đến chiếc cốc to như thế”.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể sáng tạo hơn và tích hợp sự hài hước vào các dự án. Anh Leif-Arne đến từ Na Uy chia sẻ: “Bộ phận nhân sự công ty chúng tôi đã cùng hát rap trong một buổi họp mặt lãnh đạo. Điều đó khá buồn cười, và nó đã giúp bầu không khí toàn bộ cuộc họp được ‘thả lỏng’, thoải mái hơn”.
Ngay cả khi bạn đang thực hiện những công việc khá căng thẳng, gặp phải xung đột và bất đồng trong các mối quan hệ của mình, hoặc khi ai đó làm bạn mất thể diện, thì việc tìm kiếm sự hài hước trong những tình huống này có thể giúp làm giảm căng thẳng và khôi phục cảm giác kết nối.
Nhà hiền triết Socrate không chỉ là một nhà tư tưởng lỗi lạc, mà ông còn nổi tiếng với những câu chuyện hài hước về chính cuộc đời mình. Có lần, Socrate đang đàm đạo với các môn sinh thì bà vợ hung dữ đến mắng nhiếc, lăng mạ ông đến nỗi tất cả mọi người đều cảm thấy ông sẽ mất mặt. Khi “cơn tam bành” lên đến đỉnh điểm, bà đã múc một gáo nước tạt vào người ông, ông vẫn im lặng chịu trận. Một lúc sau, khi đám môn sinh vẫn cảm thấy căng thẳng và ức chế, ông bỗng nói đùa với họ: “Sau cơn sấm sét bao giờ cũng phải có mưa giông”, khiến ai nấy bật cười thích thú.
Dù sống trong “bi kịch” hôn nhân như thế, ông vẫn “hài hước” tuyên bố: “Dù sao một khi đã kết hôn, nếu lấy được người vợ hiền thì bạn sẽ hạnh phúc; nếu không, bạn sẽ trở thành một triết gia”.
Có thể thấy rằng, một chút hài hước nhẹ nhàng sẽ nhanh chóng biến những xung đột và căng thẳng thành cơ hội để chia sẻ niềm vui và sự thân mật. Người hài hước không chỉ thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo của tư tưởng, mà còn ẩn chứa biểu hiện của một tinh thần tự tin, tích cực, một nội tâm lạc quan và mạnh mẽ.
Tất nhiên, hài hước không phải lúc nào cũng phù hợp, đặc biệt nếu nó làm chúng ta xao nhãng khỏi công việc hoặc khiến ta trở nên sai lạc khi nhìn nhận và giải quyết các vấn đề. Tuy nhiên, trong nhiều tình huống, việc chia sẻ những câu chuyện cười với đồng nghiệp hoặc tạo ra sự hài hước trong hoàn cảnh hỗn loạn có thể khiến mọi việc trở nên vui vẻ và thú vị hơn.
Ngân Hà
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.