Tuesday, April 20, 2021

Tác hại của thói quen dùng máy tính trên giường

 image

Phải công nhận sức cám dỗ của việc nằm dài trên giường làm việc là vô cùng khó cưỡng lại.

 

Thế nhưng luôn ỷ lại vào chiếc giường êm ái và biến nó thành văn phòng luôn thì thật là không hay chút nào bởi vì việc này có thể gây ra hàng loạt vấn đề về sức khỏe, từ tâm lý cho tới thể chất của chúng ta.

 

Đối với rất nhiều người, làm việc tại nhà, thường được gọi tắt là "WFH"(work from home), đã nghiễm nhiên trở thành "WFB" (work from bed) - làm việc tại giường.


image


Việc sửa soạn ăn mặc chỉnh tề và đi đến văn phòng làm việc nay đã bị thay thế bằng một loạt hành động lười biếng như súc miệng rửa mặt qua loa đại khái, leo lại lên giường, chui tọt vào bên dưới lớp chăn ấm áp và mở máy tính lên.

 

Số lượng người làm việc ngay trên giường ngủ đang tăng đến mức báo động; một nghiên cứu hồi tháng 11/2020 cho thấy khoảng 72% trong số 1000 người Mỹ được khảo sát cho biết họ bắt đầu làm việc trên giường trong khoảng thời gian cách ly xã hội bởi dịch bệnh bùng phát - tăng khoảng 50% kể từ khi đại dịch bắt đầu.

 

Cứ mười người thì có một người cho biết họ dành "hầu hết hoặc toàn bộ tuần làm việc" - khoảng từ 24 cho đến hơn 40 tiếng - là ở trên giường.


image


Điều này đặc biệt phổ biến ở những lao động trẻ tuổi; ở Anh, những lao động trong độ tuổi từ 18 đến 34 thường không có sẵn bàn ghế và không gian làm việc thích hợp tại nơi ở của mình, thế nên khả năng mà họ sẽ làm việc tại giường là cao gấp đôi so với những lao động lớn tuổi hơn.

 

Thế nhưng tình trạng WFB không phải chỉ là mỗi chuyện thiếu một cái bàn hoặc ghế hay thiếu không gian làm việc - mà còn ở tâm lý chây ì của chúng ta: nhiều người đơn giản là không thể rời xa khỏi sự ấm áp và dễ chịu mà chiếc giường của họ mang lại.

 

Trên mạng xã hội Instagram, hashtag #WorkFromBed (#Làm Việc Tại Giường) đang nổi đình nổi đám với hàng vạn tấm ảnh, trong số đó có cả những người đang cười rất tươi trong bộ đồ ngủ pijama với một cốc cà phê trên tay tại giường ngủ, hoặc thậm chí có người còn đang dùng bữa sáng trên khay ăn.


image


Thế nhưng trên thực tế, việc biến chiếc giường của bạn thành văn phòng làm việc có thể gây ra các hệ luỵ sức khoẻ cả về mặt tâm lý và thể chất.

 

Và cho dù bây giờ có thể bạn chưa thấy gì, nhưng những hệ quả xấu - thường là bệnh mãn tính - thì về già mới phát sinh.

Cơn ác mộng của hàng loạt tư thế có hại cho cơ thể

 

image

Học và làm bài tập trên giường đã là một thói quen xấu rồi, và làm việc tại giường trong tư thế nằm sấp đặc biệt gây nhiều tác hại cho cơ thể

 

Một điều cần biết là làm việc tại nhà không phải là đặc ân mà hàng trăm triệu người không được hưởng.

 

Ngoài ra, với một số những người làm việc từ xa thì việc có một không gian văn phòng với đầy đủ thiết bị là điều không thể, và do vậy làm việc trên giường có thể là lựa chọn duy nhất của họ.

 

Thế nhưng, với đại đa số những người khác, đây vẫn là lựa chọn dễ dàng và đỡ nhọc nhằn nhất. (Căn bản là, trong thời kỳ chung sống với đại dịch, động lực tích cực trong mỗi người đều ở mức rất rất thấp).

 

Thật ra, đa số mọi người đều có ít nhất một cái bàn học hoặc bàn ăn để có thể đặt máy tính lên và làm việc - chẳng qua là họ chây lười không muốn ngồi làm việc ngay ngắn đàng hoàng mà thôi.


image

 

Những người trẻ thường là các đối tượng dễ bị sa ngã nhất vào những thói quen xấu này, bởi vì với độ tuổi của họ, những hậu quả chưa đến ngay lập tức

 

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng bất kể là bạn có tránh khỏi phương thức làm việc tại giường được hay không, thì lời khuyến cáo về công thái sinh học (ngành nghiên cứu tư thế làm việc sinh học hiệu quả nhất) là nhất quán: làm việc tại giường không hề tốt cho cơ thể một chút nào, vì vậy điều quan trọng là hãy đứng lên đi lại hay thư giãn bất cứ khi nào có thể trong khoảng thời gian làm việc ở lì một chỗ không vận động, để hỗ trợ các bộ phận khác của cơ thể được thư giãn.

 

Cổ, lưng, hông và những vị trí khác của bạn đều bị áp lực đè nén khi chúng ta ngồi quá lâu trên một bề mặt mềm và xốp, và nó khiến bạn có xu hướng nằm co người lại (cong như con tôm) hoặc nằm ườn dài thượt ra.



image


"Cả hai tư thế trên đều không được khuyến khích," Susan Hallbeck, giám đốc kỹ thuật hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Mayo Clinic, một trong những Viện nghiên cứu y tế lớn nhất ở Mỹ, nói. "Đó không phải là những tư thế làm việc chuẩn hay tư thế tốt cho sức khỏe."

 

Đặc biệt là với thế hệ trẻ tuổi, bà cho biết, thường là các đối tượng dễ bị sa ngã nhất vào những thói quen xấu này, bởi vì với độ tuổi của họ, những hậu quả chưa đến ngay lập tức.

 

Nhưng dần dần, những cơn đau sẽ ập đến khi họ có tuổi. Và độ khó chịu của những cơn đau này tỷ lệ với mức ỷ lại dung túng của bạn cho những thói quen xấu này trong năm vừa qua, thậm chí có khi những tổn thương nay đã có mầm mống trong cơ thể bạn rồi.

 

Điều này tùy thuộc vào mỗi người, thế nhưng đôi khi quá trễ để có thể thốt lên câu 'giá mà tôi đã không làm vậy' khi bạn phải đối mặt với những hậu quả lúc tuổi già.


image


Những hậu quả này có thể chỉ dừng ở mức những cơn đau đầu nhẹ, hoặc thậm chí có thể trầm trọng hơn là căng cơ cứng cổ mãn tính, viêm khớp cổ, và đặc biệt là đau đốt sống cổ - tức là đau ở tổ hợp chịu trách nhiệm cho các chuyển động ở cổ gồm xương, dây chằng, và cơ.

 

"Dùng bất kỳ cách nào khác cũng đều tốt hơn nhiều so với việc tạo thói quen xấu là làm việc trên giường. Bất cứ khi nào bạn có thể dừng lại, hãy cương quyết dừng lại," Hallbeck nói.


Nếu như bạn bắt buộc phải làm việc tại giường (dù việc này đã là tệ hại lắm rồi, Hallbeck nhận xét), hãy cố gắng tối ưu hoá phương thức làm việc bằng cách ngồi trên ghế thẳng càng nhiều càng tốt, và cố gắng giữ "tư thế ngồi trung lập" - có nghĩa là hạn chế tạo áp lực đè nén lên bất cứ bộ phận nào của cơ thể.


image


Cuộn một chiếc gối và nhét nó dưới lưng để hỗ trợ vùng thắt lưng, kê thêm đệm cho đầu gối đỡ tê, và nếu có thể thì hãy dùng bàn phím rời (cố gắng giữ một khoảng cách hợp lý giữa bàn phím và màn hình máy tính), để màn hình ngang tầm mắt hoặc cao hơn một chút. Bất kể bạn chọn phương thức nào, tuyệt đối không nằm sấp để làm việc; tư thế này tạo áp lực cực kỳ lớn lên cổ và khuỷu tay của bạn.

 

Nếu bạn vẫn còn hoang mang, thì hãy vận dụng sáng tạo lên, ví dụ như sử dụng một cái bàn dùng cho việc là quần áo thay cho một chiếc bàn làm việc.

 

Nhưng nếu như bạn có thể, thì sự thoải mái khi làm việc cũng xứng đáng để bạn chi tiền sắm một bộ bàn ghế.

 

"Đặc biệt là nếu bạn sẽ còn tiếp tục làm việc tại nhà trong một khoảng thời gian dài nữa" - và hầu hết các chuyên gia đều dự đoán điều này chắc chắn sẽ xảy ra - "việc đầu tư cho một không gian làm việc chuẩn và hiệu quả là rất cần thiết và xứng đáng, kể cả là một không gian nhỏ và đơn giản thôi cũng được," Hallbeck nói thêm.

 

WFB làm suy nhược não bộ


image


Khi bạn làm việc tại giường trong cả năm trời, điều này không những có khả năng tàn phá cơ thể bạn, mà nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nề nếp và chất lượng giấc ngủ của bạn nữa.


"Như chúng tôi, những chuyên gia nghiên cứu về giấc ngủ, thường hay nhắc nhở mọi người rằng chiếc giường chỉ nên dành cho ba việc sau (ba chữ Ss): ngủ (sleeping), quan hệ tình dục (sex), hoặc khi dưỡng bệnh (sick). Sự tiện dụng của chiếc giường chỉ nên dành cho ba việc đó mà thôi," Rachel Salas, Phó Giáo sư ngành Thần Kinh học và Chuyên gia về Giấc ngủ tại Đại học Johns Hopkins ở tiểu bang Maryland nhận định.

 

"Nếu bạn hay xem TV, chơi điện tử trên giường thay vì đi ngủ, thì não của bạn sẽ bắt đầu nhận thức rằng, 'Hóa ra, giường là nơi có thể làm bất cứ hoạt động nào cũng được'. Não bộ bắt đầu liên kết dần các dữ kiện này, và cuối cùng phát triển thành những phản ứng có điều kiện."


image

Làm việc trên giường không những có khả năng gây ra các thảm họa công thái học tiềm ẩn, mà còn có thể làm rối loạn giấc ngủ của bạn

 

Có một phương pháp mà các chuyên gia gọi là 'giấc ngủ hợp vệ sinh' - về cơ bản, nó là cách thức tốt nhất cho giấc ngủ. Ví dụ như hành động mặc bộ đồ pijama lên người là một hành vi tốt của cách thức 'giấc ngủ hợp vệ sinh' bởi vì nó nhắc nhở cơ thể rằng đã đến lúc lên giường nghỉ ngơi. Lướt mạng xã hội, nhắn tin hoặc gửi email trên giường là ví dụ xấu của 'giấc ngủ không hợp vệ sinh'

 

Vậy nên, khi bạn bắt đầu đóng đô trên giường với máy tính, điện thoại, ứng dụng Slack và tất cả những tương tác với các màn hình phát sáng mà công việc của bạn yêu cầu mỗi ngày, thì não bộ và cơ thể bạn cuối cùng sẽ ngừng liên kết dữ kiện "chiếc giường" với việc "nghỉ ngơi".


image


Đó là nguyên nhân chính giải thích vì sao dịch bệnh đã phát sinh ra một khái niệm gọi là "coronas omnia (chứng mất ngủ thời covid)", Salas cho biết, và nói tới sự tăng đột biến số lượng người mắc chứng mất ngủ và các hội chứng rối loạn giấc ngủ khác trên toàn cầu xảy ra dưới thời đại dịch COVID-19.

 

"Thực chất bạn đang đẩy não của mình vào trạng thái căng thẳng hơn, 'đánh lừa' nó rằng trên giường là nơi mà các ý tưởng công việc tuôn trào và đây chính là nơi nó luôn hoạt động với tổng công lực" khi bạn làm việc tại giường, bà Salas nói thêm.

 

"Qua thời gian với thói quen đó, khi bạn đang cố gắng thư giãn và muốn ngủ, thì não của bạn sẽ lại hiểu như sau - 'ủa, khoan đã, chúng ta đang làm gì thế này? Đây là chỗ làm việc cơ mà'."

 

Việc tiếp tục duy trì thói quen xấu này trong cả năm trời, hoặc trong một khoảng thời gian tương đối dài, có thể sẽ gây ra chứng mất ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ sinh học. Đó là khi đồng hồ sinh học của chúng ta, vốn có chức năng cho ta biết lúc nào là giờ đi ngủ, lại không làm đúng phận sự trong một thời gian dài.

 

Salas nói rằng điều này cũng có thể làm các quá trình khác bị rối loạn theo, ví dụ như hội chứng chân không nghỉ, xảy ra khi các bộ phận cơ thể cần được nghỉ ngơi.

 

Sự rối loạn này dẫn đến những đêm trằn trọc khó ngủ, hay đau nhức cơ thể. Điều đó đồng nghĩa với việc hiệu suất làm việc, tính sáng tạo, hay khả năng tập trung của bạn sẽ bị suy giảm đáng kể, các chuyên gia nhận định, và kết quả là công việc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

 

Vấn đề không của riêng ai?


image


Tuy nhiên, vấn đề nan giải nhất là, dù là cùng làm việc theo phương thức WFB, thế nhưng những hiểm nguy tiềm ẩn đó có thể chỉ xuất hiện ở một số người, nhưng lại không gây vấn đề ở những người khác.

 

"Sẽ có một số người khăng khăng thề rằng đây không phải là một vấn đề với họ: họ có thể làm việc trên giường, và cũng có thể ngủ trên giường mà chẳng sao cả," bà Salas nói. "Họ có thể làm bất cứ thứ gì họ muốn ở trên giường và chắc chắn nó sẽ không ảnh hưởng xấu gì đến giấc ngủ của họ cả."

 

Yếu tố di truyền, các tác nhân môi trường, tất cả những thói quen này xấu đến như thế nào và bạn ỷ lại vào chúng trong bao lâu, tuổi tác: tất cả đều đóng một vai trò quyết định rằng liệu làm việc trên giường trong suốt một năm hay thậm chí lâu hơn có thật sự có hại cho bạn hay không.

 

"Đây không phải là mối quan hệ liều lượng-tác động tỷ lệ thuận (liều càng tăng thì tác hại càng nhiều)," Hallbeck, giám đốc kỹ thuật hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Mayo Clinic, nói.

 

Và mặc dù làm việc trên giường có thể không hẳn là vấn đề hàng đầu mà bạn cần thay đổi - hoặc muốn thay đổi - thế nhưng bạn nên lưu ý rằng, cho dù hiện tại cơ thể và não bộ của bạn có thể chưa bị suy nhược, vào một ngày nào đó, việc này hoàn toàn có thể xảy ra.


image


"Chưa bị suy nhược ngay lúc này," bà Hallbeck nói, đặc biệt là với những lao động WFB trẻ.

 

"Thế nhưng khi họ già đi, tất cả những hậu quả sẽ kéo đến."

 

Hậu quả của làm việc trên giường có thể là một điều đáng lưu tâm về tác hại của kỷ nguyên COVID-19.

 

Thế nhưng khoảng thời gian đặc biệt này đã dạy chúng ta một điều, khi cân nhắc về sức khoẻ, thì phòng bệnh luôn luôn tối ưu hơn chữa bệnh. "Nếu bạn chưa gặp một tác hại sức khoẻ nào thì quả là tuyệt vời và chúc mừng bạn," bà Salas nói. "Nhưng hãy nhớ rằng, không phải lúc nào điều đó cũng xảy ra."


image


Sự phủ nhận cái ác _ Trường hợp của chủ nghĩa cộng sản
Những lựa chọn giúp bạn vượt qua sợ hãi
Con trai bị nứt đốt sống _ người cha vượt qua sợ hãi nhờ đức tin
Truyền thông Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam
Tương lai buồn của những công trình xây trên băng tan
Hai người thiệt mạng trong vụ đi xe Tesla 'không tài xế'
Khiếu hài hước giúp bạn vượt qua căng thẳng trong công việc
9 thói quen xấu khiến người khác ‘xa lánh’ bạn
Kimono _ Hanbok và Hán phục: Những nét đẹp văn hóa vượt thời gian
Sự nghiệp của Raul Castro trong hơn sáu thập kỷ
Cuba hiện nay là quá khứ của Việt Nam?
Những bài học từ ‘Các trận chiến cuối cùng’
Lợi ích cho sức khỏe của trái kiwi
Thành phố Trang Thái Lan mê ăn sáng
Tìm hiểu sự tích về rét nàng Bân
Tại sao Trung cộng lại thực hiện Ngoại giao ‘Chiến lang’
Chính sách đối ngoại của Biden
Dùng rác thải nhựa để làm những con đường bền chắc
Trào ngược dạ dày thực quản
Trung cộng đơn độc trong liên minh chống Hoa Kỳ

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.