COVID-19 đã có những tác động lớn đến thế giới của chúng ta. Theo một cách nào đó, mọi người trên hành tinh này đều bị ảnh hưởng bởi loại siêu vi này và sự phân chia của nó. Một vài người không hồi phục hoàn toàn sau nhiễm siêu vi, bao gồm cả COVID-19.
Rất may, chúng ta biết rằng hầu hết những người nhiễm SARS-CoV2, loại coronavirus gây ra COVID-19, có mức độ từ nhẹ đến trung bình và thuyên giảm nhanh chóng. Tuy nhiên, một vài người tiếp tục gặp các triệu chứng và mệt mỏi. Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng hội chứng hậu siêu vi có thể là kết quả của các loại virus thông thường khác. Bất kể virus ấy là gì, khi các triệu chứng vẫn tồn tại và sức khỏe không được phục hồi, điều quan trọng là phải tìm ra lý do tại sao nó lại xảy ra.
Hội chứng hậu siêu vi
Nhiều người phải chịu đựng chứng suy nhược và các triệu chứng khác rất lâu sau khi bị nhiễm siêu vi như COVID-19.
Hội chứng hậu siêu vi, còn được gọi là suy nhược sau khi nhiễm virus hoặc hội chứng suy nhược hậu siêu vi, không phải là một hiện tượng mới. Chỉ là bây giờ mọi người ví những triệu chứng đang diễn ra này với hội chứng hậu COVID. Chúng ta có thể gặp phải các triệu chứng và phản ứng liên tục sau khi nhiễm virus Epstein Barr, hội chứng suy hô hấp cấp nghiêm trọng do virus SARS-COV1, virus West Nile, bệnh cúm H1N1 và nhiều bệnh khác. Những loại virus này có thể khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi thường xuyên và khó chịu trong nhiều tháng. Nếu không được kiểm soát, điều này có thể tiếp tục tiến triển thành bệnh tự miễn và bệnh mãn tính.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết phần lớn mọi người sẽ hồi phục sau nhiễm COVID-19 trong vòng từ 2 đến 6 tuần. Đối với người đã từng nhiễm bất kỳ loại virus nào ở mức nặng, bao gồm cả COVID-19, có thể có thời gian hồi phục lâu hơn. Trên thực tế, Tạp chí Hiệp hội Y học Hoa Kỳ đã công bố một nghiên cứu cho thấy 80% bệnh nhân nhập viện do COVID-19 vẫn có các triệu chứng dai dẳng sau tám tuần.
Như chúng ta đã biết với các loại virus khác, COVID có khả năng gây ra bệnh mãn tính. Thông thường, chúng ta thấy nhiều bệnh do virus và các bệnh khác gây ra tự miễn, đau cơ xơ hóa hoặc hội chứng suy nhược mãn tính. Hội chứng hậu COVID và hội chứng hậu siêu vi trông rất giống với hội chứng suy nhược mãn tính.
Hội chứng suy nhược mãn tính
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), ước tính có 2.5 triệu người Mỹ phải vật lộn với hội chứng suy nhược mãn tính hay viêm não tủy. Tình trạng này được đặc trưng bởi sự mệt mỏi cực độ không thuyên giảm khi nghỉ ngơi. Thông thường, sự suy nhược làm chúng ta kiệt sức.
Các triệu chứng của suy nhược mãn tính
Các triệu chứng của hội chứng hậu siêu vi hầu như giống với các triệu chứng của hội chứng suy nhược mãn tính. Người nhiễm COVID có các triệu chứng mệt mỏi mãn tính cũng như khó thở, mất khứu giác hoặc vị giác, chứng “sương mù não” và rối loạn tiêu hóa. Điều thú vị là, chứng “sương mù não” và rối loạn tiêu hóa thường đi đôi với nhau do sự liên hệ của não và ruột thông qua trục não-ruột.
Để chẩn đoán chính xác chứng suy nhược mãn tính, phải loại trừ các nguyên nhân tiềm ẩn khác gây ra mệt mỏi và bệnh nhân phải có các triệu chứng ít nhất sáu tháng. Các triệu chứng này bao gồm:
· Mệt mỏi và suy nhược khi gắng sức (thể chất, cảm xúc hoặc nhận thức)
· Ngủ không ngon giấc
· Suy giảm trí nhớ hoặc khả năng tập trung
· Đau cơ
· Đau khớp
· Đau họng
· Các hạch bạch huyết sờ chạm
· Nhức đầu
Nguyên nhân của suy nhược mãn tính
Thông thường, hội chứng suy nhược mãn tính gây khó khăn cho cộng đồng y khoa vì không có phương pháp điều trị rõ ràng trong phác đồ của họ. Khắc phục các tình trạng như mệt mỏi mãn tính hoặc hội chứng hậu siêu vi là nơi mà y học tích hợp và chức năng phát huy tác dụng vì trọng tâm của chúng tôi là tìm ra nguyên nhân gốc rễ của chúng. Bằng cách giải quyết nguyên nhân gốc rễ, chúng tôi có thể tác động đến nguồn gốc của các triệu chứng. Một số nguyên nhân gốc rễ tiềm ẩn được liệt kê dưới đây nhưng không phải là tất cả:
· Bệnh celiac
· Nhạy cảm với thực phẩm
· Nhiễm độc kim loại nặng
· Độc tính của chất diệt cỏ glyphosate
· Nhiễm trùng mãn tính
· Rối loạn chức năng ty thể
· Kích hoạt tế bào Mast và tăng phản ứng histamine
Mỗi yếu tố trong số này, hoặc sự kết hợp của chúng, có thể gây ra các triệu chứng của hội chứng suy nhược mãn tính. Nếu các triệu chứng bắt đầu sau khi tiếp xúc với độc tố môi trường hoặc bệnh do virus bao gồm COVID-19, bệnh tăng bạch cầu đơn nhân (mono) hoặc bệnh zona, thì có thể do hệ thống miễn dịch không được khỏe mạnh. Có lẽ mọi người đều biết, nhưng con đường khắc phục từ mỗi nguyên nhân gốc rễ này sẽ khác với những nguyên nhân còn lại. Ví dụ, cần áp dụng các biện pháp can thiệp khác nhau đối với một người đã từng tiếp xúc với gluten hoặc bị bệnh do virus. Đây là lý do tại sao thăm hỏi tiền sử bệnh tật kỹ lưỡng và tiếp cận thăm khám một cách cá nhân hóa là rất quan trọng.
Những vấn đề tiếp theo
COVID-19 và các bệnh do virus khác không chỉ có thể gây ra hội chứng hậu siêu vi mà còn có thể kích hoạt các bệnh lý tự miễn dịch. Chúng tôi sẽ đi sâu vào chủ đề này trong bài viết tiếp theo của chúng tôi. Nếu bạn thấy mình vẫn còn tiếp diễn các triệu chứng hoặc cảm thấy có điều gì đó không ổn, đừng gạt bỏ chúng. Tìm một bác sĩ lâm sàng dày dặn kinh nghiệm, người sẽ lắng nghe bạn và giúp bạn tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề.
Tiến sĩ Ashley Turner là một bác sĩ được hội đồng chứng nhận về sức khỏe toàn diện, y học tự nhiên được đào tạo theo phương pháp truyền thống, tác giả, chủ trang trại và là người mẹ của ba cô con gái ngọt ngào. Bạn có thể liên hệ với cô ấy tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe Phục hồi, nơi cô ấy thực hành y học chức năng.
Ashley Turner _ Thu Ngân
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.