Cuối tuần, thông tin về biến thể Omicron mới phát giác ở Nam Phi dường như chưa chạm đến số đông người Sài Gòn.
Hôm Chủ Nhật 28/11, những hàng quán bình dân lề đường quận 1, quận 3, quận 5 và khu ẩm thực Phan Xích Long, Phú Nhuận vẫn có khách ra vào và sáng đèn đến giờ buộc phải đóng cửa.
Trên các nhóm dân cư mạng ở nhiều quận huyện, mọi người vẫn chỉ lo bán hàng là chính. Còn nhóm Giúp nhau mùa dịch hiện đang tràn ngập thông tin trao đổi cách chữa trị cho F0.
"F0 bị xử lý khi không khai báo, còn trạm y tế phường không làm việc thì ai phạt?"
Đó là câu hỏi của nhiều người dân Sài Gòn ngày 27/11 khi đọc thông tin trên báo trích lời Phó Giám đốc Sở Y tế nói rằng nếu người dân tự test nhanh tại nhà thấy dương tính mà không thông báo cho trạm y tế địa phương sẽ bị xử lý.
F0 "tự bơi" vì thấy khai báo cũng vô ích
Người Saigon vẫn phải mưu sinh trong mùa dịch Covid: điểm bán cà phê nay bán thêm cá khô
Trên diễn đàn của nhiều group dân cư, nhiều người dân Sài Gòn phản ảnh sự thờ ơ lãnh đạm của nhân viên trạm y tế địa phương khiến họ phải chọn cách im lặng, tự test, tự mua thuốc uống, không khai báo.
Một bạn kể: "Báo y tế phường, họ nói chạy ra phường test lại giá 180 ngàn VND, nếu sốt trên 38 độ 5 mới miễn phí, kết quả dương tính mới phát thuốc. Mua thuốc chữa viêm đường hô hấp ở tiệm thuốc tây rẻ hơn tiền test, em chọn cách nào?"
Nhiều bạn phụ họa: "Thiệt, mấy cái trạm y tế phường giờ chỉ mỗi nhiệm vụ cấp giấy, có hỗ trợ gì đâu?" "Khai báo qua các app khai báo y tế cũng không nhận được cuộc gọi, gọi thì chỉ nghe mỗi tiếng tổng đài tự động." "Giờ không cấp thuốc, báo rồi chính quyền xuống phong tỏa rồi thuốc đâu uống?" "Bắt dân khai báo để trạm y tế chỉ làm mỗi việc thống kê, dán bảng, giăng dây thì ai khai báo làm gì?"
Giúp nhau Mùa dịch
Bạn khác kể: "Chị chồng mình bị F0, báo y tế phường mà không ai xuống, nhà tự xử. Hên bà chị không bị nặng chứ bị nặng chờ y tế chắc chết queo. Dân Việt Nam được cái tự lo cho mình là tốt nhất."
Và những câu hỏi không có lời đáp: "Vậy khai báo xong bị bỏ lơ ai sẽ chịu trách nhiệm?" "Vậy nhà nước không nhập thuốc kháng virus đủ cho dân dùng như Monulpiravir có bị xử lý không? Tại sao phải đợi nhà tài trợ, tiền góp mua vaccine, thuốc trị.. cho dân đâu?"
Trong rất nhiều tiếng than, cũng có người phản ảnh nhân viên y tế ở phường họ đưa gói C (có thuốc kháng virus Monulpiravir) đến tận nhà nên mau hết bệnh. Đó là số ít lạc lõng trước tình trạng hiện nay các phường/xã chỉ phát cho dân gói thuốc A (vitamin và thuốc hạ sốt) mà không còn gói B (các loại kháng sinh, kháng viêm chống đông máu) và gói C. Tuy nhiên trên mạng lại rao bán thuốc kháng virus này với giá cả chục triệu đồng một liệu trình điều trị 5 ngày, nên VNE ngày 12/11 có thông tin Sở Y tế đang điều tra cán bộ dược đã bán thuốc này ra ngoài.
Cuối tháng 11, khi một bạn lên tiếng: "Gia đình mình có 6 người đều bị dương tính. Liên hệ y tế phường chỉ nhận được gói thuốc A gồm paracetamol và C. Mình xin thuốc gói C trị Covid thì được báo là hết thuốc. Vậy xin group tư vấn giúp mình phải làm sao ạ. Xin cảm ơn cả nhà" thì mọi người đều khuyên: "Ra nhà thuốc mua về uống đi cho nó lẹ. Con mình cũng bị mấy đứa, ra mua về uống, chờ đợi y tế bệnh còn nặng thêm"; "Kinh nghiệm của mình là nên tự trang bị.
Đừng tin vào mấy ổng"; "Giờ này mà ngồi chờ phát thuốc gì nữa. Tự mua cho nhanh".
Một phụ nữ bán rau và trái cây ngoài phố
Sáng 28/11, bác sĩ Võ Xuân Sơn viết trên Facebook: "Một số bệnh nhân liên hệ với chúng tôi, họ cho biết sau khi xác định bị nhiễm, họ báo lên phường nhưng phường không có động thái nào như thăm khám hay cấp thuốc. Câu chuyện này xảy ra ở nhiều địa bàn, như Thủ Đức, Bình Thạnh và một số nơi khác... Tuy nhiên, những thông tin này đến từ phía người gọi điện, chúng tôi không kiểm chứng được độ chính xác. Chúng tôi nhận được báo cáo của bộ phận thư ký.
Theo qui định, khi có kết quả xét nghiệm kháng nguyên Sars CoV-2, chúng tôi sẽ phải báo cho y tế phường, và yêu cầu người có kết quả dương tính phải báo cho y tế phường. Thế nhưng, gần đây, việc báo cho y tế phường đôi khi rất khó khăn. Có nơi thì gọi không ai nghe, dù gọi nhiều lần trong ngày, nhiều ngày liên tiếp. Có nơi thì la lối nhân viên của chúng tôi."
Việc trao quyền cho y tế địa phương và mỗi nơi làm một kiểu khiến nhiều F0 chọn cách "tự bơi", vì hầu như ai cũng chủng ngừa hai mũi và chẳng cần giấy chứng nhận là F0 mới khỏi bệnh của phường/xã nữa.
· Ra đường đụng F0 là chuyện có thật.
· Câu chuyện của F0, ai có bệnh nền đều sợ đi cách ly
· Các bạn tôi khi là F0 thì mỗi người một hoàn cảnh không ai giống ai.
Trong đỉnh dịch giữa tháng 8, hai anh chị bạn ở quận Tân Bình khi tự test thấy dương tính đã lập tức gọi xe cấp cứu của bệnh viện (BV) An Sinh (một BV tư nhân quận 3 vừa được phép chữa bệnh nhân Covid). Anh chị không thông báo cho địa phương vì nhìn thấy chung quanh ai đi cách ly theo sự sắp xếp của phường đều không trở về. Chị điều trị 3 tuần rồi được về nhà nhưng anh do có bệnh tim từ trước nên phải nằm lại 5 tuần.
Tổng chi phí điều trị của hai người hết 230 triệu đồng, bảo hiểm y tế không chi trả, nhưng anh chị bảo rất may mắn vì không ai phải thở ECMO (tim phổi nhân tạo).
Người ở khu phố tôi ở rủ nhau mua xe đạp tập thể dục ngày càng nhiều' - tác giả Song May cho biết
Giữa tháng 11, em trai anh chị là F0 muốn điều trị tại An Sinh thì bị bệnh viện từ chối vì sau phong tỏa, bệnh viện tư nhân không được điều trị bệnh nhân Covid. Thế là vì có bệnh nền, em trai anh chị phải đi cách ly tại bệnh viện dã chiến do phường chỉ định, hai tuần nay kết quả vẫn dương tính.
Một chị bạn F0 khác ở quận Phú Nhuận đầu tháng 9 buộc phải vào bệnh viện dã chiến quận 2 vì có bệnh nền nên phường không cho ở nhà. Chị bảo 14 ngày đó có lúc chị tưởng mình không qua khỏi vì không ngủ được - tiếng còi hụ cấp cứu suốt đêm, không ăn được - đồ ăn công nghiệp không hợp vị, lại sa sút tinh thần vì xa cách người thân. Khi trở về nhà, chị bảo phải đi cách ly vì sợ bệnh trở nặng phường bỏ luôn không quan tâm thì chết!
Một đứa cháu F0 ở quận 6 đầu tháng 10 đã tự cách ly tại căn nhà nhỏ bình thường vẫn cho thuê. Cháu bảo: Thuốc con tự chuẩn bị theo toa bác sĩ quen cho, cơm thì em nấu mang qua để trước cửa nên cũng ổn. Sau khi hết bệnh con ra phường xin giấy chứng nhận là F0 khỏi bệnh vì con chưa được chủng ngừa thì họ làm khó dễ lắm cô ơi, vì lúc con báo F0 họ buộc con đi cách ly, con không chịu thì họ hăm he bỏ mặc. Và họ bỏ thiệt cô, không cho thuốc và cả nhà con phải tự thuê dịch vụ test!
Mấy người bạn F0 trong tháng 11 mà tôi biết đều chọn tự cách ly. Người chị ở quận Bình Thạnh được phát gói C tận nhà nên mau khỏi bệnh. Hai người em, một người ở quận 1 được phát gói B, một người ở quận Tân Bình chỉ có gói A. Nhờ chuẩn bị trước dụng cụ test, máy đo nồng độ oxy và gói thuốc kháng viêm kháng đông tại nhà từ trước nên người em ở quận Tân Bình đã khỏi bệnh sau hai tuần dù chưa chích vaccine (do em bị máu loãng và giảm tiểu cầu).
Đau lòng nhất là tình trạng lạc mất thân nhân trong khu cách ly. Tình trạng kêu cứu tìm thông tin thân nhân bị đưa vào khu cách ly rộ lên hồi tháng 8 vẫn tiếp diễn cuối tháng 11. Thật đau lòng khi đọc thông tin từ một bà mẹ trẻ có con được 3 tháng ngày 27/11 trên group Giúp nhau mùa dịch: "Dạ các anh chị ơi cho em hỏi với. Có anh chị nào đang công tác tại bệnh viện Dã Chiến 16 không ạ? Em có thể nhờ hỏi thăm tình hình chồng em trong đó không. Hai tuần hơn em không có thông tin gì của chồng. Em lo lắm. Em cảm ơn ạ." Hỏi ra thì người chồng còn trẻ sinh năm 1993, đã chích hai mũi vaccine, nhưng không hiểu sao trở nặng đến nỗi khi vào bệnh viện đã hôn mê phải thở ECMO, mọi thông tin người nhà chỉ trông vào bệnh viện mà chắc chả ai rảnh?
Chuyện bệnh viện, cấp cứu và lấy xác
Tinh thần 'dân tự cứu nhau' và lời than phiền về sự bối rối trong cách chống dịch giữa các cấp. Giờ nhập viện phải chờ kết quả xét nghiệm PCR.
Ngày 26/11 có một dòng thông tin kêu cứu trên mạng: "Em có bà lớn tuổi SP02 85 đi cấp cứu mà bệnh viện không nhận vì bà quốc tịch Mỹ, mọi người có thể giúp em biết bệnh viện nào nhận không ạ?"
Người kêu cứu là một cô gái, kể đã kêu xe cấp cứu giá gần 4 triệu đồng đưa bà từ huyện Bình Chánh đến bệnh viện An Bình quận 5 nhưng đến nơi bệnh viện từ chối do bà quốc tịch nước ngoài. Gọi bệnh viện FV bị từ chối do quá đông bệnh nhân, bệnh viện Chợ Rẫy thì bảo chỉ nhận bệnh nhân chuyển viện, cuối cùng bệnh viện 115 nhận nhưng không cho người nhà theo nên cô gái đưa bà vào Bệnh viện Quốc tế. Chạy "lòng vòng" thế thì "cơ hội vàng" chữa trị cũng mất!
Cuối tuần qua, anh tôi gọi điện kể ông hàng xóm bị cây kéo rớt vào chân gây hoại tử và đã chết sau khi cấp cứu ở BV Thống Nhất (nơi ông có bảo hiểm y tế). Người cháu của ông kể phải chờ ông có kết quả PCR thì mới được nhập viện. Sau 8 tiếng có kết quả, bệnh ông đã trở nặng và điều trị được hai ngày thì bệnh viện bắt về với lý do chết trong đó thủ tục lấy xác rắc rối. Người cháu phải đưa ông về và ông mất trên đường đi.
Anh tôi kết luận: Giờ cố gắng đừng bệnh, có bệnh tự mua thuốc uống, vào bệnh viện giờ khổ lắm. Khám bệnh test nhanh đã khổ mà nhập viện test PCR còn khổ hơn.
Điều tích cực là hàng xóm trong khu phố tôi ở rủ nhau mua xe đạp tập thể dục ngày càng nhiều.
Phập phồng lo lắng cũng chả ích gì, mỗi người tự tìm môn thể dục tập thôi.
Song May
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.