Khi người Mỹ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống, họ không bỏ phiếu trực tiếp cho tổng thống và phó tổng thống. Họ chọn trong số các nhóm đại cử tri đã cam kết bầu cho các ứng cử viên khác nhau.
Các đại cử tri này sau đó sẽ bỏ phiếu vào tháng sau đó cho vị trí tổng thống và phó tổng thống.
Mỗi tiểu bang có số lượng đại cử tri bằng với số thượng nghị sĩ và dân biểu trong Quốc hội. Do đó, 18 dân biểu và hai thượng nghị sĩ của Pennsylvania cho phép tiểu bang có 20 đại cử tri.
Dân biểu duy nhất của Wyoming và hai thượng nghị sĩ cho phép tiểu bang này có ba đại cử tri. Ngoài các đại cử tri đến từ tất cả các tiểu bang, có ba đại cử tri của District of Columbia, nâng tổng số lên 538. Các đại cử tri được gọi chung là Đại cử tri đoàn.
Hiến pháp trao cho các đại cử tri quyền lực và chức năng duy nhất của họ: tập hợp tại thủ đô của tiểu bang tương ứng để bỏ phiếu bầu tổng thống và phó tổng thống. Sau đó, họ sẽ giải thể vĩnh viễn. Cả nhóm sẽ không bao giờ gặp nhau ở cùng một nơi.
Ông Charlie Gerow (bên phải) và các thư ký đếm phiếu đại cử tri từ một thùng phiếu trong phòng họp Hạ viện của Tòa nhà Quốc hội Pennsylvania vào ngày 19/12/2016 ở Harrisburg, Pennsylvania.
Để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hoặc phó tổng thống, một ứng cử viên phải nhận được đa số tuyệt đối phiếu đại cử tri — hiện tại là 270.
Đôi khi, mặc dù hiếm xảy ra, các đại cử tri phân chia phiếu bầu giữa nhiều ứng cử viên, vì vậy không ứng cử viên nào giành được đa số tuyệt đối. Hãy xem xét cuộc bầu cử giả định sau:
· Ứng cử viên A – 200 phiếu bầu
· Ứng cử viên B – 180 phiếu bầu
· Ứng cử viên C – 88 phiếu bầu
· Ứng cử viên D – 70 phiếu bầu
· Tổng cộng – 538 phiếu bầu
Ứng cử viên A đã giành được 37% đa số — nghĩa là ông ta nhận được nhiều phiếu bầu hơn bất kỳ người nào khác. Nhưng không ai chiếm được đa số tuyệt đối (50% cộng một). Vì vậy, Hiến pháp quy định có một cuộc bầu cử tìm ra người thắng tại Hạ viện. Các dân biểu chọn trong số ba ứng cử viên đứng đầu, bỏ phiếu chung cho tiểu bang (mỗi tiểu bang có một phiếu bầu). Ít nhất hai phần ba các phái đoàn tiểu bang phải có mặt và cuộc bầu cử phải đạt được đa số các tiểu bang (26 trên 50).
Tương tự, nếu không có ứng cử viên nào cho vị trí phó tổng thống chiếm được đa số phiếu của Cử tri đoàn, thì Thượng viện sẽ tổ chức bầu cử tìm ra người chiến thắng cho hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất. Hai phần ba số thượng nghị sĩ phải tham gia và cuộc bầu cử yêu cầu phải đạt được đa số phiếu của các thượng nghị sĩ (51 trên 100).
Các yêu cầu đa số trong Cử tri đoàn và trong các cuộc bầu cử bổ sung bảo đảm rằng hai quan chức hàng đầu của chúng ta có được sự ủng hộ rộng khắp của cả nước.
Xem xét cẩn thận
Các nhà soạn thảo Hiến pháp đã dành nhiều sự quan tâm đến cách chọn tổng thống và phó tổng thống. Họ đã xem xét nhiều phương pháp — trong đó có bỏ phiếu trực tiếp theo đa số, bầu cử bởi Quốc hội và bầu cử bởi các thống đốc tiểu bang.
Một số tác giả cho rằng những nhà soạn thảo Hiến pháp đã chọn thủ tục bầu cử gián tiếp vì họ không tin tưởng vào nền dân chủ. Quan niệm này là một sự đơn giản hóa quá mức. Các nhà soạn thảo đã cân bằng nhiều yếu tố:
· Cho phép tổng thống đưa ra quyết định độc lập với Quốc hội hoặc các tiểu bang.
· Bảo đảm tổng thống đại diện cho toàn thể quốc gia thay vì chỉ một số bộ phận.
· Bảo đảm rằng ngay cả khi tổng thống không phải là người được ưa thích nhất trong nước, ông ấy vẫn có đủ sự ủng hộ để điều hành.
· Bảo đảm rằng cuộc bầu cử không bị chi phối từ ngoại quốc, hành vi của đám đông và ảnh hưởng quá mức từ các nhóm lợi ích đặc biệt.
· Bảo đảm sự tham gia của cả các khu vực bầu cử quốc gia và tiểu bang.
· Tăng cơ hội bầu được một tổng thống có đủ năng lực để điều hành.
Sau khi được sửa đổi trong Tu chính án thứ 12 (1804), cơ chế này đã hoạt động tốt cho đến nay.
Đầu tiên, nó bảo đảm rằng tổng thống có được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng. Ứng cử viên dẫn đầu số phiếu phổ thông sẽ giành được chiến thắng trong hơn 90% số trường hợp, và thường giành được đa số tuyệt đối. Kể từ cuộc bầu cử năm 1864 — lần đầu tiên người dân bỏ phiếu cho đại cử tri ở mọi tiểu bang — ngay cả trong các cuộc bầu cử nhiều ứng cử viên, không có ứng cử viên nào trúng cử mà nhận được ít hơn 41% số phiếu phổ thông.
Hệ thống này cũng sàng lọc các ứng cử viên trong phạm vi khu vực, ngay cả khi họ giành được đa số phiếu phổ thông một cách sát sao. Nó gây khó khăn cho nỗ lực của các chính phủ nước ngoài nhằm tác động đến các cuộc bầu cử. Nó ngăn chặn hành vi đám đông và ảnh hưởng của các nhóm lợi ích có thể xảy ra nếu các đại cử tri gặp nhau ở cùng một nơi. Nó cũng duy trì sự độc lập của tổng thống đối với Quốc hội và các tiểu bang.
Chỉ có một khía cạnh mà phương pháp bầu cử tổng thống này gây thất vọng: Các đại cử tri được xem là những nhà lãnh đạo ở các tiểu bang của họ, và thực hiện các quyền quyết định. Ý tưởng là để bảo đảm sẽ bầu được các tổng thống có năng lực. Tuy nhiên, hầu hết các tiểu bang đều có luật quy định cách thức bầu cử của các đại cử tri. Điều này giải thích tại sao các đại cử tri thường chỉ nghe theo các đảng và tại sao một số tổng thống gần đây không có năng lực cần thiết cho công việc.
Các luật tiểu bang đó có lẽ là vi hiến, và hiện đang bị tòa án xem xét.
Nguy hiểm của sự thay đổi
Hiện tại, một nhóm có tên là National Popular Vote (NPV) đang quảng bá kế hoạch thay đổi thủ tục bầu cử. Nhóm này muốn các cơ quan lập pháp tiểu bang thực hiện một thỏa thuận, theo đó cử tri tiểu bang sẽ không còn lựa chọn đại cử tri của họ. Thay vào đó, mỗi tiểu bang sẽ trao số đại cử tri của mình cho bất kỳ ai nhận được đa số phiếu phổ thông trên toàn quốc.
NPV sẽ áp đặt cho Hoa Kỳ phương pháp ai có nhiều phiếu nhất là chiến thắng, vốn phổ biến ở Honduras, Mexico, Nicaragua, Panama, Paraguay, Philippines và Venezuela.
Kinh nghiệm từ các nước đó cho thấy hệ thống NPV thường dẫn đến việc ứng cử viên thắng cử tổng thống mặc dù tuyệt đại đa số cử tri phản đối ông ta. Ví dụ: trong cuộc bầu cử năm 2006 của Mexico, ba ứng cử viên hàng đầu nhận được lần lượt 36%, 35% và 22% phiếu bầu. Ứng cử viên với 36% đa số đã trở thành tổng thống. Trong bối cảnh năm 1992 ở Philippines, người chiến thắng chỉ thu được ít hơn 24% trong một cuộc bầu cử với bảy ứng cử viên chính. Người chiến thắng trở thành tổng thống bất chấp sự phản đối của ba phần tư số cử tri.
NPV khuyến khích tham nhũng bầu cử và các chiến dịch của các ứng cử viên chỉ có sự ủng hộ trong một khu vực.
Sự quan tâm đến NPV đã gia tăng vì vào năm 2016, Donald Trump đã giành được Đại cử tri đoàn trong khi thua tỷ lệ phiếu bầu phổ thông, 46% so với 48%. Tuy nhiên, cơ chế này đã hoạt động như dự kiến vào năm 2016, vì nó đã sàng lọc một ứng cử viên chỉ có được sự ủng hộ của khu vực (ven biển). Hơn nữa, những người phàn nàn rằng ông Trump chỉ thắng với 46% nên hiểu rằng ở các quốc gia với hệ thống của NPV, người chiến thắng thường nhận được một tỷ lệ phiếu bầu ít hơn thế.
NPV cũng có thể tạo điều kiện cho việc bầu ra các nhà độc tài. Một ví dụ trong bầu cử quốc hội là Adolph Hitler, người đã trở thành thủ tướng Đức vì Đảng Quốc xã của ông ta giành được đa số 33%. Một ví dụ về bầu cử tổng thống là cuộc bầu cử năm 1970 ở Chile, khi Salvador Allende, một người cộng sản, đã trở thành tổng thống với 37%. (Chile sau đó đã thay đổi hệ thống của họ.) Một ví dụ tổng thống khác là cuộc bầu cử năm 2006 ở Nicaragua, khi Daniel Ortega, một người theo chủ nghĩa Marx, đã giành được chức tổng thống với 38%. Ông ta đã nhanh chóng loại bỏ các cuộc bầu cử trung thực ở đất nước này.
Đặc tính chiến thắng với số nhiều này chỉ là một trong nhiều khiếm khuyết của NPV. Kế hoạch này có lẽ là vi hiến, và nó tạo ra động lực lớn cho nạn tham nhũng.
Việc nhiều người Hoa Kỳ chấp nhận NPV chứng tỏ cần phải giáo dục công chúng tốt hơn về Hiến pháp và hệ thống hiến pháp.
Tác giả Robert G. Natelson là giáo sư luật 25 năm tại ba trường đại học khác nhau và là chuyên gia cao cấp về luật hiến pháp tại Viện Độc lập ở Denver. Ông là tác giả của “Hiến Pháp Gốc: Điều Mà Hiến Pháp Thực Tế Đã Nói và Hàm Nghĩa” (xuất bản lần thứ 3, 2014)
Robert G. Natelson _ Joe Nguyễn
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.