Saturday, December 18, 2021

Nhân cái chết của Thích Trí Quang _ Mọi người tự hỏi ...

 BM

“Chiếm được chính quyền, CS không dùng ông nữa đâu! Ðừng mơ ước, nếu có thể, ông nên ra đi thì hơn.” Thích Đôn Hậu.

 

Giấc mơ lãnh tụ


BM

TT Thích Trí Quang

 

Tâm nguyện của vị Thượng Tọa ra đi vào lúc trên 90 tuổi là chết thầm lặng.


Đây là một thái độ rất có ý nghĩa. Mỗi giai đoạn Trí Quang.


Lúc còn sống trước 1975, nhất là các năm 1963-1966. 1966-1975, 1975-2019 và lúc lìa đời. Ông ồn ào nổi bật trong vai trò lãnh đạo tôn giáo và chính trị một thời. Tài liệu “Bạch thư” của Hòa thượng Thích Tâm Châu đã tố cáo ông Thích Trí Quang không thể không có phần sự thật trong đó.


Nay thì ông Thích Trí Quang để lại chúc thư, mục ba:


BM
Không bàn thờ hương khói – không thông báo – không lễ nghi phiền toái – không vòng hoa.

Ra đi như thể không còn vướng bụi trần nữa. Hay nói theo ngôn ngữ bây giờ là “ buông”.

Có điều gì khác biệt giữa một Trí Quang năm 1963-1966, 1975-2019 và lúc chết ?


Đó là điều sau này cần được tìm hiểu đến nơi đến chốn.

 

Nhưng vì lòng quý mến thầy mà có hai đệ tử ruột tiêu biểu nhất, một nam một nữ, đã một thời gắn bó với ông từ thuở tranh đấu 1963 là Cao Huy Thuần và Thái Kim Lan. Cả hai đã làm trái với lời tâm nguyện của thầy; họ đã “tụng thầy” để người bàng quang coi là lố bịch đến chỗ trơ trẽn.

 

Nói về TT Trí Quang mà không nói về hai nhân vật này là một thiếu sót.


Họ là một ban tam ca, tung hứng nhịp nhàng.


Bài này viết lại với như một nhân chứng trong giai đoạn 1964-1970.


Năm nào tôi cũng có hơn hai tháng vào mùa hè có mặt ở Huế. Tôi đã nghe, đã thấy, đã chứng kiến tại chỗ những biến động miền Trung – không phải từ bên trong – mà từ dân chúng, từ những thanh niên Phật tử cầm loa điều động dân chúng đi biểu tình.


BM


Họ không phải là thanh niên Phật tử nữa. Họ trở thành những kẻ xách động hăng say và mù quáng. Bước xuống phi trường trong cái nóng rực lửa, cộng với không khí sôi động, lòng con người trùng xuống, chán nản và buồn vì sẽ phải ở đây hai tháng ròng! Cảm nghiệm đó, nghĩ lại vẫn còn chán nản về đất nước mình, về mảnh đất Huế nghèo nàn mà không thiếu những thành phần xách động chính trị. Đến nay những người bênh vực ông Trí Quang có cố tình che dấu gì đi nữa cũng bằng thừa.

 

Tôi xin đưa ra một bằng cớ ở Nha Trang.

 

Lúc đó Phong trào Nhân Dân cứu Quốc (NDCQ) từ Huế đã xuất hiện ở Nha Trang. Hai người bạn tôi là ông Hoàng Thuyên và giáo sư sử địa, ông Tôn Thất Tuệ — hiện còn ở cùng một nơi với tôi — hẳn đã được kết nạp vào Phong trào này đã chở nhau trên xe Lambretta đến nhà tôi. Họ thuyết phục tôi tham gia Phong trào NDCQ. Tôi đã thẳng thắn từ chối. Chẳng còn bạn bè gì nữa, họ đe dọa là nếu tôi không tham gia Phong trào, khi có chuyện gì xảy ra thì đừng trách họ. Anh Tôn Thất Tuệ nếu có đọc bài này, có quyền lên tiếng phản biện. Nhưng bản chất anh là cực kỳ quá khích. Tính nào tật đó, sau này, ở hải ngoại, tôi viết một bài phản bác về việc ông Nguyễn Hữu Luyện kiện đại học Boston. Anh Tôn Thất Tuệ đã viết bài chửi tôi bằng một thứ ngôn ngữ chợ búa.


BM


Viết ra điều này, tôi chỉ muốn khẳng định dứt khoát: biến động miền Trung sau 1964 là một biến động chính trị, gây xáo trộn đi đến chỗ tạo thành tình trạng vô chính phủ. Và người trách nhiệm chính, không ai khác hơn ông Trí Quang.


Vì thế, bao nhiêu lời tán tụng thầy Trí Quang là chủ trương bất bạo động như của Cao Huy Thuần, Thái Kim Lan đối với tôi là những lời khoác lác, che đậy, dối trá. TT Thích Tâm Châu mà phái Ấn Quang còn muốn đe dọa giết thì bản thân những kẻ thừa hành như Cao Huy Thuần, Tôn Thất Tuệ tha ai?


BM


Huế và chỉ có Huế là cái nôi của những biến động chính trị mà cao điểm là từ năm 1964. Bầu khí hùng hục sôi động và chỉ cần bày tỏ một thái độ không đồng tình có thể bị ăn đòn hội chợ của dân chúng. Những người có dính dáng xa gần với chế độ Đệ I Cộng Hòa như cá nằm trên thớt và chỉ cần một lời tố cáo có thể bị đưa ra hài tội trước công chúng như một thứ đấu tố.


Ông Cao Huy Thuần chắc cũng biết rõ tôi biết ông ta từ lâu rồi. Cả đời ông, từ khi sau vụ tranh đấu thành công, rồi có mặt trong Hội Đồng Nhân Dân cứu quốc, một tổ chức như một thứ “phát xít” bên cạnh chính quyền Quốc gia. Cạnh đó có tờ Lập Trường, tiếng nói của Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc, mà tính cách bạo lực chẳng khác gì cung cách của cộng sản. “Lập Trường” là cung cách cộng sản mà không có người cộng sản.


BM


Ông làm tổng thư ký báo Lập Trường. Tôi cũng xin thưa, tôi có đầy đủ các số Lập Trường ở đây nên điều tôi nói là dựa trên sự thật. Cái chết của Ngô Đình Cẩn là do áp lực của Phật tử trên tờ Lập Trường. Tôi nghĩ ông không thể nào quên được giai đoạn bạo lực sắt máu, làm mưa làm gió ngoài miền Trung, trải dài từ Đà Nẵng đến Nha Trang. Đó là một giai đoạn vô chính phủ có nguy cơ thành một chính quyền tự trị. Sau đó ông được đi du học.


Ai là người đứng sau những giai đoạn rối loạn này? Không lẽ ông cứ cố tình che đậy không muốn nhắc lại?


Vậy mà sau này đối với chế độ cộng sản, mặc dù ông chưa được hưởng một chút ơn mưa móc, ông vẫn chưa hề một lần dám mở miệng chê trách chính quyền cộng sản. Chẳng những thế, ông còn khúm núm nịnh bợ mỗi khi về Việt Nam. Tài nịnh bợ mỗi khi Việt Nam thì không ai bằng ông. Tôi chẳng muốn nhắc lại ở đây!


Phải lật tẩy tư cách con người ông như thế để cho thấy những lời “tụng thầy” của ông chỉ là cái cớ cho người quốc gia như tôi nổi xung lên.


Đáng lẽ, ông chỉ cần giữ im lặng, thầm lặng “tụng kinh cứu khổ, cứu nạn” mong Phật đại xá những vọng động bạo lực đủ loại thầy đã làm khi còn sống.


BM


Các lời tụng sống thầy có phản tác dụng chăng? Khen đúng, khen trung thực thì nâng thầy lên. Khen bậy, bốc thơm nhảm thì gián tiếp hạ thầy xuống. Vì thế, đã có nhiều người lên tiếng bằng những ngôn ngữ phỉ báng, xúc phạm nặng nề đến người đã chết. Quả thực nếu có nghiệp báo thì thầy chết cũng không yên, dù hơn 40 năm, đã sống làm thinh dưới chế độ cộng sản!

Trên mạng Net tôi đã thấy có bản dịch Sư chính trị (“Political Monks: The Militant Buddhist Movement during the Vietnam War”) của tác giả Mark Moyar. Tôi nghĩ thế là đủ. Tài liệu, sách vở đều cho thầy là một nhà sư làm chính trị, một thứ chính trị khuynh đảo. Bênh thầy cũng bằng thừa. Sự thực là như thế!


BM


Lại có cả Giấc mơ lãnh tụ, tác giả khuyết danh, có giá trị ở mức độ tài liệu với nhiều chi tiết về nội bộ tổ chức Phật Giáo và nhất là với một văn phong, một lối nhận xét tương đối khách quan. Nhiều người chắc đã có dịp đọc tài liệu này. Và tôi mong mỏi những ai chưa đọc thì nên đọc một lần cho biết. Vài nhận xét vắn vỏi về TT Trí Quang.

 

Sau 44 năm nhà sư hầu như diện bích kể từ 1975; ông tuyệt đối im lặng. Vì sợ chết như gương của ông Thích Thiện Minh để lại chăng? Thật mâu thuẫn đến nghịch lý. Trước 1975, ông mặc áo cà sa, nhưng là một nhà sư làm chính trị, quậy phá hầu như nát miền Nam dưới thời Đệ I Cộng Hòa, thời Nguyễn Khánh, thời Nguyễn Cao Kỳ-Nguyễn Văn Thiệu, thời Thủ tướng Trần Văn Hương. Sau 1975, ông trở thành một nhà tu, mặc thế sự, mặc cho bá tánh lầm than bị kẻ chiến thắng dầy đạp.


BM


Có thể nói ông chỉ làm được một việc: ông làm thinh. Thời giờ rảnh rỗi thì dịch kinh sách. Tôi được biết là ông dịch vài cuốn kinh như “Kim cương bát nhã ba la mật đa Kinh” (Diamond Sūtra; Sanskrit: Vajracchedikā Prajñāpāramitā Sūtra) mà trước ông, nhiều vị, như Nhất Hạnh, đã dịch rồi. Tôi cũng chưa bao giờ được hân hạnh nghe ông giảng giáo lý Phật dù một lần. Hô hào và tuyên truyền thì có. Có nhiều. Sách động hơn 100 vụ biểu tình và hằng trăm vụ tự thiêu. Tôi không rõ ông đã sáng tác được gì? Rao truyền được tư tưởng gì về Phật học? Việc in ấn là do Thái Kim Lan thực hiện ở München, bên Đức. Vừa tốn kém cả mấy chục ngàn Đức mã, vừa mất thêm cước phí chuyên chở. Chỉ nội điều đó thôi cho thấy chế độ đối xử với ông ra sao.

 

Kinh sách Phật chân truyền từ các đấng sáng lập Phật giáo thuở nào, có chi tác hại tới đến chế độ mà bị đối xử biện biệt như vậy? 44 năm ấy, ông bị cách ly, hầu như ông đứng bên lề ra khỏi các vấn đề chính trị, xã hội và cả tôn giáo nữa. Chính thức là từ năm 1981 khi khối Phật giáo trở thành Phật giáo nhà nước.

 

Theo hồ sơ của của ông Đỗ Trung Hiếu nhan đề: Phật Giáo thống nhất (Hồ sơ). Thống nhất Phật giáo, do Tin Pari, 1994 xuất bản. Theo đó, người ta sau này quen gọi là Phật giáo Quốc Doanh.


“Ông Trần Bạch Đằng (Tư Ánh) gọi Trí Quang là loại CIA chiến lược ở miền Trung. Lập Hội Đồng Nhân dân cứu quốc để đạp sẹp khẩu hiêu của ta. Anh Út ( Nguyễn Văn Linh) giận Trí Quang lắm, và MTGPMN chưa hề thua ai, thế mà bị Trí Quang cho đo ván ba lần.”


BM


Đỗ Trung Hiếu, Ibid., trang 56-57.


Trong thâm tâm, tôi thiển nghĩ, đây có thể là nỗi đau bất lực nhất ám ảnh suốt đời ông. Bởi vì cái lý tưởng đời ông phải chăng là chấn hưng Phật giáo, trở thành ngọn đuốc soi đường chung cho Việt Nam? Cũng như một Tuệ Sĩ, đứng nhìn trong nỗi bất lực để cho bọn “tiên tri giả” made in cộng sản hoành hành, biến tăng lữ, chùa chiền thành nơi buôn thần bán thánh như hiện nay.

Tố cáo nền Đệ Nhất Cộng Hòa là kỳ thị tôn giáo. Vậy từ năm 1981, Phật Giáo bị quốc doanh hóa, tại sao không một ai, từ Thích Trí Quang đến cả đám đệ tử, không một ai dám lên tiếng chống đối, tuyệt thực, hay tự thiêu? Buồn thay! TT Thích Trí Quang đâu? Cả ba từng gắn bó với nhau theo mọi nghĩa, giờ họ ở đâu? Họ làm gì?


Cộng sản, ngay từ đầu, đã loại ông ra khỏi danh sách ban lãnh đạo tổ chức tăng đoàn mới. Vả lại, dù có được mời, chắc gì ông đã nhận. Ông đã một thời uy danh lừng lẫy. Ông đâu có phải thứ dễ sai bảo!


BM


Ông vừa qua đời ở tuổi trên 90. Nhân dịp này có nhiều dư luận trái chiều: Khen ít, chê nhiều và phần còn lại im lặng. Lời khen nhiều khi quá lố, đầy cảm tính xung động thành một thứ ngôn ngữ ngoài khuôn khổ với từ ngữ mới lạ tai, nghe lần đầu. Lời chê đôi chỗ không khỏi tục tằn và xúc phạm. Tôi không để tâm đến cả hai chiều dư luận này.

 

Vài dòng nhận xét về trả lời của Thái Kim Lan trên đài BBC


BM


Người này vốn có duyên nợ thầy-trò, gần gũi nhất với ông Trí Quang kể từ cuộc tranh đấu Phật giáo năm 1963. Trong những giờ phút căng thẳng, phập phồng lo sợ cũng như trong cái bầu khí phấn khởi, say mê chiến thắng đến ngút trời với những lời lẽ dâng hiến thần thánh.


Thời ấy, tôi đã đọc, thấm đẫm từng con chữ viết ra và nhận ra rằng, có lẽ đây là những thời khắc tuyệt vời nhất của họ.


Có thể với thời gian, trừ một giai đoạn ngắn xa cách, nó trở thành một thứ tâm giao, thân cận, gần kề. Nhân vật này biết cặn kẽ từng thói quen, sở thích, tính nết, ai là bạn, ai là người ông không ưa. Có những người từng là trưởng đoàn sinh viên Phật tử, sát cánh trong tranh đấu, nay đã quá vãng, vậy mà ông Trí Quang không ưa, thấy mặt là đóng cửa đến sầm một cái, không tiếp.


Theo lời tâm sự của Thái Kim Lan, dáng vẻ TT Trí Quang mảnh khảnh, nhưng đầy nghị lực và đầy nam tính, mắt sắc như dao, cái nhìn chế ngự người khác. Giọng nói nhát gừng, rời rạc từng chữ, nhưng đầy quyền uy, không dấu được vẻ cao ngạo. Nói đúng ra, ông có cái tư thế lãnh tụ.


Nhưng có lẽ vì tâm giao như thế mà họ hiểu được nhau, trong giờ phút ly biệt, sự im lặng là mối giao cảm linh thiêng như một đặc sủng dành riêng. Và tôi đã mong như vậy. Nhưng tôi đã nghĩ nhầm, Thái Kim Lan đã lên tiếng bênh thầy một cách vụng về và thiếu thuyết phục. Kẻ lao nhao chữ nghĩa đôi khi chỉ là vòng ngoài, gần mà hóa xa xôi. Mặc dầu trong lòng đau xót về sự chia lìa, gạt thầm nước mắt về sự mất mát trong cõi sinh tử theo đúng tinh thần chúc thư của vị sư già trên 90 tuổi ở khoản 3,


“Không bàn thờ, không bát nhang, báo tang, thành phục, đưa đám, phúng điếu.”

Lời dặn của Thượng tọa Thích Trí Quang đã không được tuân thủ đúng mức.


Chính ở sự gần kề ấy mà Thái Kim Lan không giữ được sự khách quan cần thiết. Trả lời của bà trong cuộc phỏng vấn của đài BBC chỉ là ngoa ngôn, vọng ngữ, mơ hồ, tụng ca đến không biết ngượng, không cần biết đến sự thật.


Trước đây tôi đã từng nhận xét về Thái Kim Lan là bà ấy chỉ có một thứ “văn chương phúng điếu” mỗi khi có ai qua đời. Thật cho đến bây giờ, nhận xét của tôi vẫn không sai. Mà nó còn trở nên như một thứ “bùa mê thuốc lú”. Hay vì Thái Kim Lan đã già? Xin trích dẫn, chỉ vài đoạn làm bằng.


“Ông ta là một vị tỳ kheo nghiêm túc, nhất mực hành đạo khi tụng kinh cũng như là khi đi theo Phật Chưa ai có thể vượt qua ông về cách tu chứng…Tôi nghĩ Hòa thượng Trí Quang trong hoạt động về mặt xã hội cũng như về văn Hóa, đối với xã hội, đối với lịch sử, đối với Phật học, ông luôn luôn bảo vệ đời sống của người Phật tử bằng sự dấn thân của ông. Đó là vai trò lịch sử của Thích Trí Quang và với vai trò này, có thể nhiều người phê phán, nhưng theo tôi, tôi thấy nếu Việt Nam chỉ thực hiện một nguyện vọng của Trí Quang, thì có thể Việt Nam có thể vượt được nhiều khổ nạn. Tôi nghĩ trước hết là cần phải tôn trọng sự thật, cần phải nhìn nhận lịch sử trong từng giai đoạn.


BM


Có thể là chúng ta phải có ý muốn làm thế nào để giữ sự thật, bảo vệ sự thật lịch sử… Trong lúc đó lịch sử bây giờ đối với tôi, những trang lịch sử mà được viết về phong trào Phật Giáo cũng như là về Hòa thượng Thích Trí Quang của người Mỹ hay của người Việt Nam, những khảo cứu tôi nghĩ chưa nói hết được hay là một cách trung thực cái ý nghĩa mà Thích Trí Quang đã đóng góp. Luôn luôn phải tâm nguyện là không có bạo động, chỉ tuyệt thực theo đó yêu cầu thực thi chứ không phải là cưỡng bức thực thi. Nghĩa là khi Trí Quang tuyệt thực 100 ngày thì cũng ở trong tinh thần đó.”


Thái Kim Lan | Quốc Phương “Hòa thượng Thích Trí Quang – ‘người chấn hưng Phật giáo thời chiến’”,


BBC Việt ngữ


Tôi xin để độc giả tự mình rút ra những nhận xét về ngoa ngôn của bà tiến sĩ “dởm” này.


Và hy vọng rằng sau này có một trí thức Phật Tử viết được một cuốn sách có kích thước, khả tín về Trí Quang một cách thẳng thắn và nghiêm túc. Mà tại sao không phải là Thái Kim Lan nhỉ? Tôi viết ra đây như một thách thức!

 

Ông sống đã nhiều thị phi và lúc chết còn hơn thế nữa, như chưa hết cái nghiệp. Nhưng ít ra ông chọn cái chết như thế, theo tôi, cũng là đẹp. Cuộc dấn thân vào đời của vị tu sĩ này chỉ tính từ những ngày tháng tranh đấu năm 1963 trở đi, không tính về trước làm gì. Rất có thể, lúc ban đầu cuộc tranh đấu Phật giáo do ông lãnh đạo chỉ là những đòi hỏi thuần túy đạo giáo, nhưng với những cuộc xuống đường rầm rộ, hăng say và nổ bùng ra như dòng “thác lũ cách mạng”. Hình ảnh ông đứng trên chiếc xe Jeep mui trần sẽ có nhiều người không muốn quên.


BM


Thái độ phản kháng của ông trở thành “bạo lực” đi đến những manh nha là phải lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm và được Quân đội và người Mỹ đứng đằng sau bảo trợ. Khi ra Huế phát động chiến dịch chống đối, thay vì ở trung tâm Saigon, vì ông thừa hiểu rằng Huế sẽ là cái nôi của cuộc cách mạng Phật giáo mà không ở nơi nào khác. Ông thẳng thừng trách móc như lên án tất cả các nhà sư khác còn rụt rè, những người không có can đảm đứng trong hàng ngũ do ông khởi xướng. Thế họ là răm rắp tụ tập lại đứng sau lưng ông.


Nhất là từ khi lật đổ xong chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa, tính từ ngày 4-12, khi ông bước chân ra khỏi tòa Đại sứ Mỹ. Ông nhận thức ra vai trò của mình và biết mình phải làm gì, dần tách rời khỏi quỹ đạo người Mỹ. Ai tưởng là ông là con cờ của người Mỹ. Nhầm lớn.


Và từ năm 1964 đến 1966, đó là những phong trào quần chúng do ông đứng đằng sau phát động, hình như nó như bản sao của cộng sản, mặc dầu vị tu sĩ này không phải là người cộng sản. Ai bảo ông là cộng sản. Nhầm nữa. Phần Lý Chánh Trung gọi đó là ba năm xáo trộn.


BM


Đáng lẽ việc lật đổ xong ông Diệm, vai trò của Phật giáo kể như đã xong. Các vị tu sĩ tự động rút lui về Chùa sớm tối lo việc kinh kệ thì đẹp biết là bao! Việc còn lại để cho những chức việc từng tham gia đảo chánh đảm đương. Rất tiếc điều đó đã không xảy ra như thế.


Đó là cái lỗi lầm thứ nhất của ông. Và cũng là cái nhầm của nhiều người. Ông là người có óc lãnh tụ.


Những người mà có khả năng hiểu rõ những nguyên động lực bên trong của phong trào Phật giáo, hiểu rõ ngọn nguồn từng chi tiết và với một độ chính xác, như người trong cuộc, không phải người Mỹ, mà là một tác giả khuyết danh qua bài viết rất dài tựa đề, “Giấc mơ lãnh tụ”.


Ai chưa đọc thì tìm đoc, ai đọc rồi thì đọc lại.


BM


Phần TT Trí Quang, ông hiểu hơn ai hết; ông hiểu cái uy tín của ông một phần không nhỏ nằm trên tấm áo cà sa mà ông mặc! Cửa vào chính trị nay phải đi qua cổng chùa.


Cái nhầm thứ hai của ông là tưởng rằng hay, nhưng nó thế tục hóa đạo Phật với những giá trị trần thế khiến người có tấm lòng đạo hạnh, bất bạo động bắt đầu nghi ngại. Phải chăng nó mở đầu cho việc chia rẽ giữa Ấn Quang-Quốc Tự đi đến chỗ dùng bạo lực đe dọa nhau, bôi nhọ nhau như trong Bạch thư của TT Tâm Châu sau này. Phần TT Thích Tâm Châu phải tạm vội ẩn mình ở Vũng Tàu. Cái nguyên nhân chia rẽ này, phần lớn trách nhiệm là nơi TT Thích Trí Quang.


BM


Cho nên, việc xáo trộn ngoài miền Trung sau này — cho dù lý luận cách nào đi nữa như chống chiến tranh thì vấn đề là vẫn không đủ lý lẽ để biện minh. Giữa hai thế lực sống còn, chống chiến tranh nằm ở phía nào? Hay chỉ là cái cớ để người ta lợi dụng? Và vô hình chung, ông trở thành cơ hội cho sự chụp đủ thứ mũ.


Dưới mắt chính quyền miền Nam và người Mỹ, ông là một thứ con bài được nặn ra nay trở thành một thứ quấy rối, quậy nát miền Nam đáng nguyền rủa. Phần lớn những người hận oán ông hiện nay lên tiếng nguyền rủa ông chỉ vì họ cho rằng ông là một trong những tác nhân đưa đến sự sụp đổ miền Nam Việt Nam vào tay cộng sản sau này.


Thật sự, ông không thể nào gánh cái trách nhiệm nặng nề ấy một mình. Nhưng dư luận đã biến ông thành một con dê tế thần khó tránh khỏi búa rìu dư luận. Cuối cùng thì ông trở thành đối tượng oán ghét của nhiều phía.


BM


Phần người Mỹ đã không còn thấy con bài Phật giáo còn cần thiết cho họ sau khi đã ủng hộ vật chất cũng như tinh thần cho các phong trào Phật giáo nữa. Lúc này mới thấy bộc lộ sức mạnh của Phật giáo thực sự nằm ở chỗ nào? Như nhận xét của Top Miller,
“Then Buddhist leader did not understand the new American attitude toward his movement.”
Topmiller, Ibid, trang 123.


BM


Và màn chót của tấn bi kịch này là Mỹ bật đèn xanh cho Nguyễn Cao kỳ ra “dẹp loạn” bàn thờ xuống đường tại Huế. Ông có thể lật đổ ông Diệm và cả chế độ VNCH. Nhưng ông đã thua một tay mơ chính trị, chỉ cần một ngày, cảnh sát của Nguyễn Ngọc Loan quét sạch phong trào của ông. Nguyễn Cao Kỳ tự nhận là con của Phật, Buddha child’s. Chiêu bài đàn áp Phật giáo trở thành vô nghĩa, vô hiệu quả.


Trước đây, thời ông Diệm, người ta đã tin như thế, nay thì không ai tin nữa.


Thích Trí Quang bị bó tay và bị dẫn độ về Sài Gòn, nửa như một tên tội phạm, bị giam lỏng tại Dưỡng đường Duy Tân của bác sĩ Nguyễn Duy Tài.


Không một cuộc biểu tình, không một cuộc xuống đường như người ta mong đợi như một đàn áp trắng trợn, đàn áp vị lãnh đạo tối cao của Phật giáo. Nếu có cuộc thăm dò dư luận như bây giờ thì liệu ông được bao nhiêu người ủng hộ?


Tạị nơi đây, TT Trí Quang đã làm một bài toán thử cuối cùng trong một cuộc tuyệt thực 100 ngày với tấm hình tuyệt thực và dòng chữ viết tay của ông như sau:


BM
“Tôi nguyện đem xương máu của mình trang trải cho Phật Pháp và nếu chết là chết như cái chết của Chân Lý trước Bạo Lực, chứ không phải Bạo Lực này chết vì kém bạo Lực Khác.”

Lời nguyền chết cho chân lý đã không xảy ra và trở thành tấn hài kịch cho Nguyễn Cao Kỳ. Bởi vì, ông đã chơi một lá bài tẩy, tuyệt thực tháu cáy 100 ngày mà vẫn sống, điều không thể xảy ra từ trước đến giờ trên thế giới. Ông Kỳ là tay chơi xì phé có hạng, dám nghĩ, dám nói, dám làm, trên cơ Ngô Đình Diệm cộng với Ngô Đình Nhu.


Kỳ viết với giọng diễu cợt đôi chút xỏ lá Bắc Kỳ:


“I had to be careful with Tri Quang since I did not want to create a martyr, so I decide on a compromise, and confined him to house arrest in a Saigon hospital. Knowing the sort of tricks he would be up to, I deliberately chose a hospital in which one of the doctors was the friend of Tri Quang’s. Tri Quang stayed in the hospital “recuperating” for several months but almost immediately on entering it announced that he was going on a hunger strike.
Just what I expected. But, despite all the newspaper stories of his impending death, Tri Quang never seemd to lose weight. Each time the American advisers asked me when he would die, but Tri Quang is a politician and his doctor friend is feeding him secretely. Don’t worry, for a politician death is the end. Tri Quang must survive if he wants to carry on his politician career.”
Nguyen Cao Ky, Twenty Years and Twenty Days. Stein and Day/ Publishers/Newyork, 1976, trang 98.


Không thể nào còn có nỗi nhục và cay đắng hơn sự diễu cợt một cách chua cay của Nguyễn Cao Kỳ trong đoạn văn chót kể trên. Kể từ đây, cuộc đời làm chính trị của TT Trí Quang trở thành mây khói.


Nhưng cũng phải nói thêm, bàn tay của Hoa Kỳ quả là kỳ diệu!


BM

 

Sau 1975, TT. Trí Quang hơn ai hết biết thân phận mình. Ông đã làm thinh cho đến khi lìa đời!

Thái độ trên liệu có thể chấp nhận được không khi Phật giáo lâm vào tình cảnh bị quốc doanh thành giáo hội nhà nước? Hơn lúc nào hết, người ta cần ông như một vị cứu tinh cho con thuyền Phật giáo trôi trên biển cả bị vập dùi. Ông có lẩn trốn trách nhiệm không? Ông đã để bá tánh rơi vào sự khuynh loát của đảng cộng sản cầm quyền.


Thắng Diệm, thua Kỳ, thua Mỹ chỉ là chuyện nhỏ. Lần này là ông kéo cờ trắng đầu hàng cộng sản không điều kiện.


Nếu ông thực sự là một người Phật tử trung kiên và quyết tâm, ông đã không dễ dàng buông xuôi như vậy. Cái tuyên bố quyết tâm sẵn sàng hy sinh đổ máu vì đạo trước khi tuyệt thực vẫn chỉ là lời nói xuông chưa được thực chứng. Một lần nữa, nó cho thấy ông hoàn toàn bất lực trước cộng sản mà không một dấu hiệu phản kháng nào, dù thật nhỏ nhoi. Mặc dầu, ông đã nhiều lần là nhân chứng thúc đẩy cho những cuộc tự thiêu của nhiều vị đã tử vì đạo!


Nghĩ đến đây, thật tiếc cho chúng ta không có được một người lãnh đạo Phật giáo như Đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng. Bao giờ Phật giáo Việt Nam lấy lại được bản lai chân diện của mình?


BM


Cầu mong một đấng Missi ra đời chấn hưng Phật giáo. Có nhiều người vội vã đến vô ý thức khi cho rằng Thích Nhất Hạnh nổi tiếng thế giới, chỉ đứng sau Đức Lạt Ma.


Nói như thế là xúc phạm đến vị Lạt Ma mà còn xúc phạm đến toàn thể Phật Giáo đồ.


BM


Cuối cùng, TT Trí Quang đã thế, như rắn mất đầu, nên không có một Phật tử nào trong suốt 44 năm có đủ can đảm có một lời lên tiếng như Rainer Hoess đã làm.


Cái mạnh của Phật giáo trước 1975 và cái yếu của Phật giáo sau 1975 nó nằm ở chỗ nào?


Tuy nhiên, trước khi chấm dứt phần này, tôi có một lời nói thẳng là TT Thích Trí Quang không phải là người của cộng sản.


Khi miền Nam sắp sửa chấm dứt. Một trí thức miền Nam có tên tuổi đã đến thăm TT Trí Quang.

 

Sau đây, xin ghi lại nguyên văn lời của TT Trí Quang:


“Tôi với anh đã hết thời rồi. Thời của chúng mình đã qua. Chúng ta cần chuẩn bị cho một tình huống mới mà tương lai anh cũng như tôi không biết thế nào khi sống với người cộng sản. Nếu anh ngại đến an ninh cho mình thì anh có thể lên ẩn náu trên chùa này, vì dù sao hy vọng chốn tu hành may ra chúng cũng kiêng nể hơn!”


Ít lâu sau, vị trí thức này lại ghé thăm TT Trí Quang. Và đây là lời của TT. Trí Quang nói:


“Anh đừng lên thăm tôi thường xuyên nữa rồi có thể bị rắc rối họa lây. Chúng nghi ngờ cả anh và cả tôi nữa. Trong chùa này, tất cả các tăng sinh ở đây đều là người của họ. Bề ngoài mang tiếng làm phục vụ, nhưng bên trong là chúng kiểm soát kẻ ra người vào, báo cáo tất cả đấy. Tôi sống 24/24 dưới sự canh chừng của họ mặc dầu tôi chẳng đụng đậy gì. Thích Thiện Minh nông nổi nên chết uổng. Một năm, anh chỉ nên gặp tôi vào ngày mồng hai tết. Vì ngày ấy rất đông người lên cúng chùa, kẻ ra người vào tấp nập, chúng lơ là kiểm soát. Vả lại, ngày tết, nhà chùa có nhiều Phật tử cúng hoa quả, thức ăn ngày tết dư thừa. Tôi sẽ nói họ để dành cho anh vài túi mang về làm quà cho chị và các cháu ăn tết.”


TT Trí Quang, sau 30 tháng 4, 1975


BM

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Hòa thượng Thích Trí Quang, và Hòa thượng Thích Quảng Độ


Hiểu hoàn cảnh của vị thượng tọa đã từng làm rúng động nước Mỹ nay trở thành con tôm con tép, sinh mang nằm trong tay bọn công sản. Số phận của TT Trí Quang là số phận của một người tù không bản án trong suốt 44 năm ròng!


Nghĩ mà thương ông nhiều hơn giận ghét.


Nay thì ông đã thật sự được “giải phóng”, thoát khỏi kiếp lưu đầy, chiếm trọn hầu như nửa cuộc đời còn lại.

 

Ông sống đến 2019 mà như thể đã chết từ năm 1975.

 

 

 

Nguyễn Văn Lục


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.