Anh Bùi Tuấn Lâm rắc hành vào một tô bún bò bắt chước phong cách rắc muối của đầu bếp Nusret Gokce, đang nổi danh ở Việt Nam sau khi phục vụ bò dát vàng cho Bộ trưởng Công an Tô Lâm, trong đoạn video được đăng tải trên trang Facebook cá nhân của anh hôm 10/11.
Người chủ quán bún bò có tên Ba Cô Gái ở Đà Nẵng không bao giờ tin nổi mình có một đoạn đời kỳ lạ như hôm nay. Anh nói giờ thì không chỉ phải phục vụ số lượng khách đông bất ngờ so với hàng ngày, mà còn phải làm việc với công an về những giấy triệu tập mà anh hoàn toàn không biết mình có vai trò gì trong cuộc điều tra như thông báo.
Dân ở Đà Nẵng bàn tán, và nhắn cho nhau số 21/1 đường Ông Ích Khiêm, nơi có quán Bún Bò Huế lừng danh một cách bất đắc dĩ này để xem mặt ông chủ Bùi Tuấn Lâm, hay còn gọi là Peter Lâm Bùi – cách gọi của bạn bè anh. Nói với báo Saigon Nhỏ, anh Lâm nói sau một vài ngày khi câu chuyện của anh lan rộng trên mạng, khách đến ăn đột nhiên tăng bất ngờ.
“Ngày thường thì đến trưa mới hết hàng, rồi tôi cùng gia đình dọn dẹp, nhưng vài ngày sau sự kiện ‘rắc hành’ của tôi, khách đến rất đông. Mọi người rất thân thiện và chào tôi như quen từ trước, có những người lại vỗ vai tôi, nói cố lên. Có người nói sẽ luôn ủng hộ tôi với tình trạng hiện nay. Bối rối hơn, lại còn có những người đến xin chụp ảnh chung và nói rất vui được biết mình, làm mình bối rối lắm”, anh Lâm Bùi cười và nói.
Bộ trưởng Công an Việt Nam được "thánh rắc muối" đút bò dát vàng cho ăn.
Anh Lâm, được những người hài hước trên mạng Facebook, gọi là “Thánh rắc hành”, do anh có lối phục vụ thực khách vui nhộn, qua việc nhại lại động tác của tay đầu bếp nổi tiếng người Thổ Nhĩ Kỳ Nusret Gökçe khi rắc muối lên món thịt bò đắt tiền mà cả thế giới đều biết. Anh Lâm rắc hành, như một động tác cuối cùng để mang tô bún đến thực khách và chúc ăn ngon. Anh Lâm không chỉ làm một lần, mà nhiều lần như vậy trong ngày, bao gồm cả khi anh gửi tặng những phần ăn miễn phí cho người nghèo đến tìm anh. Quán Bún Bò Huế Ba Cô Gái được biết mỗi ngày đều tặng cho những người nghèo, người già trong vùng quá bước, trong chương trình của gia đình anh tạo ra, gọi là “Chủ nhật yêu thương”.
“Có những ngày khó khăn, tôi gửi đến 50-70 phần nhưng vẫn không xuể”, anh Lâm kể. Quán của “Thánh rắc hành” bán buôn như vậy thì không thể làm giàu. Nhưng gia đình anh Lâm vui với điều đó. Vợ anh, chị Thanh Lâm và ba đứa con gái nhỏ đều tự hào và vui với những gì mà gia đình mình sống và cho đi như vậy. Họ giàu có theo một cách khác.
Trước năm 2021, anh Lâm mở quán gà rán để độ nhật, thế nhưng dịch bệnh bùng phát, sau một thời gian dài quay lại, anh Lâm khai trương món Bún Bò Huế, và câu chuyện của anh lại nổi trôi theo chuyện “Thánh rắc muối” Nusret Gökçe, biệt danh là Salt Bae. Ngày 5 Tháng Mười Một, một đoạn video được tung ra, mà theo đó, giới thạo tin cho biết đó là các vị lãnh đạo cao cấp của công an Việt Nam đến thưởng thức món bò đắt đỏ thuộc hàng nhất thế giới. Tờ Daily Mail giật tít “Vietnamese communist official is caught being ‘hand-fed £1,450 gold-covered steak at Salt Bae’s London restaurant” – tạm dịch “Quan chức cộng sản Việt Nam bị bắt quả tang được đút thịt bò dát vàng giá 1450 bảng ở quán của Salt Bae tại London”.
Gần như khắp thế giới đều đưa tin. Dư luận trên mạng của Việt Nam rộn ràng những phân tích từ một phía, nói rằng đó là video cắt ghép của thế lực thù địch với nhà nước Việt Nam và với bản thân Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, nhân vật chính trong video. Thế nhưng, tiếc là khoảng 1000 tờ báo, truyền hình của nhà nước lại hoàn toàn im lặng, không nói gì, khiến dư luận lại ngày càng nhiều hơn, với đủ các kiểu bình luận.
Năm ngày sau khi anh Lâm giới thiệu video “rắc hành” của mình, với mục đích vui nhộn và giúp tăng thêm khách đến ăn, anh nhận được giấy triệu tập lên làm việc với công an.
Trên trang Facebook mình, anh Lâm cùng vợ có ghi lại cảnh trao đổi với hai người công an, mà về sau sự căng thẳng ngày càng tăng. Anh Lâm chỉ yêu cầu là giấy triệu tập cần có đủ nội dung rõ ràng, để anh biết anh là kẻ tình nghi phạm tội, hay là đến với tư cách nhân chứng giúp đỡ thêm cho một cuộc điều tra. Thế nhưng công an từ chối, nói là họ không thể tiết lộ bí mật của công việc. “Cơ quan công an cần phải nói rõ là tôi đang bị triệu tập cụ thể về chuyện gì, việc triệu tập một công dân mà chỉ nói chung chung là “phục vụ công tác điều tra” thì không được.
https://www.youtube.com/watch?
Tôi không chống đối gì hết nhưng một cơ quan pháp luật cần thể hiện việc thượng tôn pháp luật”, anh Lâm nói, “tôi cũng tham khảo với nhiều luật sư bạn, tất cả mọi người đều nói rằng công an làm chưa đúng. Luật sư dặn việc đòi hỏi là đúng quyền của mình trong luật pháp quy định, còn phần họ có bất chấp hay không thì mình không thể đoán”.
Trên thực tế, anh Lâm biết bản video “rắc hành” của anh bùng lên, ngẫu nhiên trong lúc này, chỉ khiến công an khó chịu thêm về cái cách từ chối lệnh triệu tập của anh, chứ thật ra, chuyện còn nhiều nguyên nhân được đồn đoán khác.
Rất nhiều người biết đến cái tên Peter Lâm Bùi vào giai đoạn đầu những năm 2010-2015 trong các phong trào phản đối Trung cộng xâm lược và giết hại ngư dân. Đặc biệt năm 2014, khi Bắc Kinh đặt giàn khoan lớn HD981 trên biển Đông, lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Peter Lâm Bùi là một cái tên xuất hiện trên nhiều tin tức về người yêu nước Việt Nam xuống đường, kêu gọi bảo vệ chủ quyền đất nước. Sau đó, anh Lâm lập gia đình và chuyển sang hoạt động từ thiện.
Tin cho hay, một trong những nhánh điều tra từ công an Hà Nội về chị Nguyễn Thúy Hạnh là muốn tìm hiểu về Peter Lâm Bùi, xem có phải anh từng nhận chuyển tiền giúp cho ai, từ quỹ 50K của chị Nguyễn Thúy Hạnh. Chị Hạnh, người sáng lập “Quỹ 50K”, và là người vận động phúng điếu cho cụ Lê Đình Kình, người bị sát hại ở làng Đồng Tâm về một vụ tranh chấp đất đai. Chị Hạnh vẫn bị giam giữ để điều tra ở Hà Nội từ đầu Tháng Tư 2021, mà theo ngôn luận nhà nước từng phát đi trên truyền hình là chị Nguyễn Thúy Hạnh “tài trợ cho khủng bố”.
“Với tôi, chị Nguyễn Thúy Hạnh là một người đáng kính trọng. Những việc làm của chị ấy không có gì sai cả. Và giả như lúc này tôi nhận được nguồn tiền từ quỹ của chị Hạnh để nhờ gửi, giúp đỡ cho những ai đang khó khăn thì tôi cũng sẽ không từ chối. Việc làm đó không có gì gọi là sai với pháp luật cả” – anh Peter Lâm Bùi nói.
“Theo luật pháp Việt Nam, khi nhận được giấy triệu tập lần thứ ba thì cơ quan an ninh đã có quyền cưỡng chế, tức bắt mình mang đi. Tôi cũng không rõ trong giấy triệu tập lần thứ ba này, công an có ghi rõ là muốn làm việc với tôi về việc gì hay không. Tuy nhiên một khi họ đã quyết cưỡng chế, bắt đi thì tôi không thể đòi hỏi gì được lúc đó”. Anh Lâm nói.
“Tôi thấy mình không có gì để lo ngại, và chờ đón sự việc sẽ đến, dẫu ra sao. Chỉ xin tất cả anh chị em đã biết tôi, xin hãy dành chút thời gian chia sẻ với vợ con tôi, nếu tôi không còn được tự do”, anh Lâm ngừng một chút, rồi nói nhanh như vậy.
Lúc này, số người quan tâm đến trường hợp của anh Peter Lâm Bùi có vẻ nhiều hơn mức bình thường. Quán bún của anh chỉ tạm nghỉ hai ngày 19 và 20 Tháng Mười Một nhưng dân mạng lập tức nhắn với nhau rằng không hiểu vì sao quán của anh lại đóng cửa. “Tôi cảm thấy mệt mỏi nên tạm nghỉ hai ngày, rồi sẽ bán lại, không có gì đâu”, anh Lâm giải thích khi có thực khách nhắn hỏi với vẻ lo lắng.
Ở Việt Nam, lâu nay, những người từng xuống đường chống Trung cộng hoặc tham gia các hoạt động xã hội dân sự luôn kể về các kinh nghiệm, cho biết rằng cuộc đời của họ thường không bình yên sau khi đã hành động với lẽ phải và sự thật. Công an địa phương thường phục lẫn không thường phục thường xuyên quấy rầy những người như vậy. Có những người đã chọn cuộc sống im lặng, để chăm sóc gia đình nhưng họ vẫn không nhận được sự đối đãi đúng mức như đối với một công dân bình thường. Việc chứng nhận giấy tờ, xin cho con đi học, thuê nhà… luôn luôn gặp trở ngại với những ánh mắt xem họ như là một “thế lực thù địch”.
Câu chuyện của anh Peter Lâm Bùi có vẻ tiềm ẩn những rắc rối, nhiều hơn hình ảnh vui vẻ “Thánh rắc hành” mà mọi người đang nghĩ.
Đôi khi chọn sống đúng với luật pháp và lương tâm, cũng chưa hẳn là cách tốt nhất để tồn tại ở Việt Nam, như anh Lâm cùng gia đình tin và hy vọng.
NS _ Tuấn Khanh
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.