Theo ba nhà nghiên cứu đã phân tích 24 nghiên cứu, các biện pháp phong tỏa được các chính phủ trên toàn thế giới sử dụng để giảm số người tử vong do COVID-19 có rất ít hoặc không có tác động đến tỷ lệ tử vong.
Các nhà nghiên cứu dẫn đầu bởi ông Steve Hanke, đồng sáng lập Viện Johns Hopkins về Kinh tế Ứng dụng, Sức khỏe Toàn cầu, và Nghiên cứu về Doanh nghiệp Kinh doanh, đã sàng lọc 18,590 nghiên cứu để chọn ra 24 bài báo được sử dụng cho bài phân tích cuối cùng.
Họ kết luận rằng các cuộc phong tỏa ở Âu Châu và Hoa Kỳ đã làm giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19 trung bình khoảng 0.2%. Họ nhận thấy rằng các lệnh ở-yên-tại-nhà đã làm giảm tỷ lệ tử vong trung bình khoảng 2.9%.
Các nhà nghiên cứu viết: “Trong khi phân tích tổng hợp này kết luận rằng các cuộc phong tỏa ít có hoặc không có tác động đến sức khỏe cộng đồng, nhưng biện pháp đó đã gây ra những tổn thất về kinh tế và xã hội khổng lồ ở những nơi áp dụng lệnh này.”
“Do đó, các chính sách phong tỏa là không có cơ sở và nên bị gạt bỏ như là một công cụ chính sách đại dịch.”
Nghiên cứu này đặc biệt xem xét các biện pháp bắt buộc của chính phủ, bao gồm các lệnh bắt buộc đeo khẩu trang và lệnh cấm đi lại, thay vì các biện pháp tự nguyện.
Trong số tất cả các biện pháp phong tỏa được phân tích, việc đóng cửa các hoạt động kinh doanh không thiết yếu có vẻ có hiệu quả nhất, làm giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19 trung bình khoảng 10.6%, nghiên cứu cho thấy. Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng kết quả này phần lớn là do việc đóng cửa các quán bar.
Nghiên cứu nêu rõ, “Chỉ riêng việc đóng cửa hoạt động kinh doanh cho thấy bằng chứng nhất quán về mối tương quan ngược chiều với tỷ lệ tử vong do COVID-19, nhưng sự khác biệt về tác động được ước tính là rất lớn. Ba nghiên cứu cho thấy ít hoặc không có tác động, và ba nghiên cứu cho thấy tác động lớn. Hai trong số các nghiên cứu cho thấy có tác động lớn hơn liên quan đến việc phong tỏa các quán bar và nhà hàng.”
Nghiên cứu này cho thấy các cuộc phong tỏa và giới hạn tụ tập đã làm tăng nhẹ tỷ lệ tử vong do COVID-19 lần lượt thêm 0.6% và 1.6%.
Các nhà nghiên cứu viết: “Nhìn chung, chúng tôi kết luận rằng các cuộc phong tỏa không phải là phương thức hiệu quả để làm giảm tỷ lệ tử vong trong một đại dịch, ít nhất là không phải trong làn sóng đầu tiên của đại dịch COVID-19.”
Phát hiện của phân tích tổng hợp trên phù hợp với một bài phân tích về 100 nghiên cứu COVID-19 được công bố hồi tháng Chín năm ngoái (2021), kết luận “rằng các cuộc phong tỏa cùng lắm thì đã có một tác động nhỏ đến số ca tử vong do Covid-19.”
Trong khi đó, kết luận này trái ngược với một phân tích tổng hợp vào cuối năm 2020 cho thấy rằng các cuộc phong tỏa đã làm giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19 thành công. Các nhà nghiên cứu trong nghiên cứu của Viện Johns Hopkins nói trên đã chỉ ra rằng bài phân tích năm 2020 đã sử dụng một số nghiên cứu mô hình hóa “mà chúng tôi đã nói rõ là loại trừ”.
Mặc dù có ít hoặc không có tác động đến tỷ lệ tử vong do COVID-19, nhưng các cuộc phong tỏa có ảnh hưởng đáng kể đến những người mắc các bệnh khác. Các cuộc phong tỏa đã khiến khoảng 40% người trưởng thành ở Hoa Kỳ trì hoãn hoặc né tránh dịch vụ chăm sóc y tế khẩn cấp hồi tháng 06/2020. Theo một phân tích của Liên minh Ung thư Phổi Anh Quốc, hành động trì hoãn đối với việc chẩn đoán ung thư phổi có liên quan đến các cuộc phong tỏa này có thể dẫn đến thêm 2,500 ca tử vong.
Ivan Pentchoukov _ Diệp Chi
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.