Loại nhện Golden orb-weaving (tạm dịch: Nhện thợ dệt quả cầu vàng) trông có vẻ hung tợn, nhưng chiếc bụng lớn màu đen bạc của nhện cái lại có chứa những sợi tơ tuyệt đẹp đến mức người ta phải luôn nỗ lực thu hoạch hàng trăm năm nay.
Theo Công viên Động vật học Saint Louis ở Missouri, loại nhện này có tên khoa học là Nephila inaurata madagascariensis – có nguồn gốc từ Madagascar và hoàn toàn vô hại đối với con người.
Những con nhện cái có thể lớn gấp 20 lần kích thước của những con đực trưởng thành, chúng có chiều dài cơ thể trung bình là 3mm và sải chân là 10mm.
Gần một thập kỷ trước, vào năm 2009, hai người đàn ông đã chung sức thực hiện thành công một nhiệm vụ mà [trước đó] nhiều người đã cố gắng không thành. Họ mong muốn dệt nên một chiếc áo choàng từ những sợi tơ vàng óng ánh như màu nắng của loài nhện này.
Chuyên gia dệt may Simon Peers từ Anh quốc, hiện đang làm việc tại Madagascar, đã phối hợp với nhà thiết kế thời trang Nicholas Godley từ Hoa Kỳ để chế tạo một chiếc máy thu hoạch tơ nhện hoạt động bằng tay dựa trên một thiết kế có tuổi đời hàng thế kỷ. [Hai nhà thiết kế] chọn hình dáng của một chiếc áo choàng mang tính chất cổ tích, gợi lên những suy tưởng về những lễ nghi mang dáng dấp hoàng tộc và những vị siêu anh hùng vận áo choàng.
Ông Godley chia sẻ với Viện bảo tàng V&A tại London, Anh quốc, “Rõ là có một chút điên rồ nhất định khi thực hiện loại công việc như thế này. Và quý vị cũng có thể hiểu lý do vì sao, trong 300 năm, một số rất ít những kẻ lập dị đã thử thực hiện và rồi lại thất bại.”
Godley nói, “Thực sự ra, điều này chỉ là… thực sự là rất lớn.” Nhưng thử thách này, là một trong những thứ có thể hấp dẫn [chúng tôi], ông cho biết thêm.
Mạng nhện của loài golden orb
Chia sẻ với Viện bảo tàng V&A, ông Godley cho biết dự án này đã thu hoạch [tơ] từ khoảng hơn 1.2 triệu con nhện golden orb cái trong hơn ba năm, đã thuê 80 người mỗi ngày để săn những con nhện này. Trong tự nhiên, mạng nhện của loài golden orb này là những cấu trúc cố định có chức năng bắt mồi, giúp chúng dễ tìm hơn một số loài khác.
Sau khi bị bắt, những con nhện được nuôi sống riêng lẻ — [vì] chúng có thể ăn thịt đồng loại — trước khi được đưa vào máy để tiến hành khai thác và “vắt sữa” để lấy ra từ 30 đến 50 mét sợi tơ trong khoảng 25 phút, ông Godley nói.
Sau khi được “vắt sữa,” những con nhện này được thả trở lại vào tự nhiên. Sẽ mất khoảng một tuần để một con nhện golden orb tái tạo lại tơ của nó, vì vậy cùng một con nhện có thể được dùng [để lấy tơ] hết lần này đến lần khác. Tơ thu hoạch sau đó được mang đi xử lý, dệt [thành vải] và thêu.
Ông Peers đã mô tả chiếc áo choàng thành phẩm màu vàng kim này là một “chiếc áo choàng tàng hình.” Ông đã phải thốt lên rằng, “Thực sự, bạn không thể cảm nhận được chiếc áo theo đúng nghĩa đen. Thật khá là phi thường.”
Ông Simon Peers (trái) và ông Nicholas Godley (phải) cùng với người mẫu Bianca Gavrilas trong chiếc áo choàng thêu tay màu vàng kim tại Viện bảo tàng V&A ở London, Anh quốc, vào ngày 23/01/2012.
Hiển nhiên, chiếc áo choàng màu vàng kim này là một tác phẩm của niềm đam mê từ đầu đến cuối.
“Điều chúng tôi muốn thực hiện tại đây chính là cho ra đời một tác phẩm nghệ thuật,” Godley trả lời cho trang My Modern Met. “Tôi thấy rằng, ở một khía cạnh nào đó, sản phẩm chúng tôi tạo ra là hoàn toàn độc đáo và đáng kinh ngạc bởi những nỗ lực phi thường.”
Ông nói, “Nếu chúng tôi thực hiện tất cả những việc này chỉ vì tiền, thì tôi đã nghĩ ra hàng tá cách làm dễ dàng hơn nhiều.”
Ngày nay, tác phẩm thủ công từ nhện golden orb của Peers và Godley trong hình dạng chiếc áo choàng màu vàng kim này đã được công chúng khắp thế giới chiêm ngưỡng như một biểu tượng của tự nhiên phong phú và bàn tay khéo léo của con người.
Chiếc áo choàng được trưng bày tại Viện bảo tàng V&A tại London vào tháng 6 năm 2012
Louise Bevan _ Thiên Minh
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.