Tôi chạy ra khỏi
phòng họp báo của Nhà Trắng, băng qua lối đi có mái hiên của Cánh Tây đến nơi
chúng tôi đặt máy quay trên bãi cỏ, rồi nhanh chóng đeo tai nghe để kết nối với
phòng thu.
Chỉ một khắc sau,
người dẫn chương trình hỏi tôi về những phát biểu mà chúng tôi vừa nghe trực tiếp
từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Lúc ấy, tôi đã nói rằng
chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi căn bản trong lập trường chính sách của
Mỹ sau hàng thập kỷ xung đột Israel - Palestine.
Lúc ấy là tháng Hai,
và ông Trump vừa có cuộc hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu – lãnh
đạo nước ngoài đầu tiên được mời tới Nhà Trắng kể từ khi ông Trump nhậm chức.
Tổng thống Mỹ cam kết
Mỹ sẽ giành quyền kiểm soát Dải Gaza, sau tuyên bố trước đó rằng vùng lãnh thổ
này cũng sẽ được "quét sạch" và loại bổ dân cư người Palestine.
Lúc bấy giờ, ông Trump đã thu hút sự chú ý của thế giới với một đề xuất vừa mạnh mẽ củng cố sự ủng hộ mà chính quyền Mỹ dành cho Israel, vừa làm đảo lộn các chuẩn mực quốc tế, bất chấp luật pháp quốc tế.
Đó được đánh giá là
đỉnh điểm trong mối quan hệ giữa Israel và Đảng Cộng hòa hiện tại – một mối
quan hệ đôi lúc được mô tả là ủng hộ "bằng mọi giá".
Sau các cuộc tấn
công của Hamas nhằm vào Israel ngày 7/10/2023 và chiến dịch quân sự của Israel ở
Gaza ngay sau đó, liên minh Mỹ-Israel trở thành tâm điểm dư luận quốc tế.
Trong cuộc chiến ấy,
chính quyền Tổng thống Joe Biden đã chuyển cho Israel số vũ khí trị giá khoảng
18 tỷ USD, duy trì mức độ ủng hộ chưa từng có của Mỹ. Thời điểm này cũng chứng
kiến làn sóng biểu tình ngày càng dữ dội ở Mỹ, với nhiều người biểu tình vốn là
cử tri truyền thống của Đảng Dân chủ.
Hệ quả chính trị của
cuộc xung đột nhanh chóng trở thành tâm điểm của một cuộc chiến văn hóa cay
nghiệt xoay quanh thái độ của người Mỹ đối với Israel và người Palestine.
Tôi từng đưa tin từ
những cuộc biểu tình mà ở đó, người biểu tình liên tục gọi ông Biden là
"Genocide Joe" (Joe diệt chủng) – một cáo buộc mà ông luôn bác bỏ.
Khi đó, ông Trump gọi
những người biểu tình là "những kẻ cực tả điên rồ", và giờ đây, chính
quyền Trump đang nhắm tới việc trục xuất hàng trăm du học sinh với cáo buộc họ ủng
hộ Hamas hoặc có tư tưởng bài Do Thái. Động thái này đang bị thách thức quyết
liệt tại các tòa án.
Nhưng tổng thống
Biden, với tư cách là một tổng thống thuộc Đảng Dân chủ và đáng lẽ có thể kỳ vọng
nhận được lá phiếu từ những cử tri đang giận dữ vì sự ủng hộ ông dành cho
Israel, đã phải trả một cái giá chính trị mà các đời tổng thống trước, kể cả
ông Trump, chưa từng gặp phải.
Theo một trong những
nhân vật chủ chốt phụ trách chính sách đối ngoại với Israel của ông Biden, họ vẫn
còn đang trăn trở với các quyết định đã đưa ra.
"Phản ứng đầu tiên của tôi là tôi hiểu vì sao điều đó khơi dậy những cảm xúc mãnh liệt của người Mỹ gốc Ả Rập, người Mỹ không phải gốc Ả Rập, và cả người Mỹ gốc Do Thái," ông Jake Sullivan, cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden, chia sẻ.
"Có hai khía cạnh
chọi nhau: một là mong muốn kiềm chế sự thái quá của Israel, liên quan tới
thương vong dân thường và cả dòng viện trợ nhân đạo; yếu tố còn lại là [...] đảm
bảo rằng chúng tôi không cắt đứt năng lực của Israel trong việc đối phó với các
kẻ thù trên nhiều mặt trận khác nhau."
Ông nói thêm:
"Sau ngày 7/10, nước Mỹ đã ủng hộ Israel trên tất cả các phương diện – từ
vật chất, đạo lý cho đến mọi khía cạnh khác."
Một khảo sát của
Gallup thực hiện vào tháng Ba năm nay cho thấy chỉ 46% người Mỹ bày tỏ sự ủng hộ
đối với Israel – mức thấp nhất trong suốt 25 năm thường niên theo dõi của
Gallup.
Trong khi đó, 33%
nói rằng họ cảm thông với người Palestine – con số cao kỷ lục trong lịch sử của
câu hỏi này. Nhiều cuộc thăm dò khác cũng ghi nhận xu hướng tương tự.
Dù vẫn còn nhiều hạn
chế, các cuộc khảo sát cho thấy sự thay đổi quan điểm này chủ yếu đến từ cử tri
Đảng Dân chủ và giới trẻ, nhưng không hoàn toàn giới hạn ở hai nhóm này.
Trong giai đoạn từ
2022-2025, Trung tâm Nghiên cứu Pew nhận thấy sự gia tăng tỷ lệ đối với những
người theo đảng Cộng hòa có cái nhìn không thiện cảm về Israel, từ 27% lên 37%.
Phần lớn sự thay đổi này đến từ những người Cộng hòa trẻ, dưới 49 tuổi.
Mỹ đã là đồng minh mạnh mẽ nhất của Israel kể từ tháng 5/1948 khi Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên công nhận Nhà nước Israel mới thành lập.
Dù sự ủng hộ lâu dài
của Mỹ dành cho Israel gần như chắc chắn sẽ tiếp tục, những chuyển biến trong
dư luận công chúng hiện nay đang đặt ra câu hỏi về phạm vi thực tế và giới hạn
chính sách trong cam kết sắt đá ấy và liệu những thay đổi trong lòng dân rồi có
lan tới Washington và để lại tác động hữu hình đến chính sách hay không.
Cuộc tranh cãi trong
Phòng Bầu dục
Với nhiều người, mối quan hệ gắn bó giữa Mỹ và Israel dường như là một phần vĩnh viễn và không thể thay đổi trong cấu trúc địa chính trị toàn cầu. Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng được đảm bảo. Ban đầu, mối quan hệ này chủ yếu xoay quanh quyết định của một người.
Đầu năm 1948, Tổng
thống Mỹ Harry S. Truman phải lựa chọn cách tiếp cận của mình đối với
Palestine.
Lúc ấy, khu vực này
đang chìm trong bạo lực giáo phái giữa người Do Thái và người Ả Rập Palestine,
sau ba thập kỷ là thuộc địa của Anh – quốc gia khi đó đã tuyên bố rút khỏi vùng
đất này.
Ông Truman cảm thấy
lay động sâu sắc trước hoàn cảnh của những người Do Thái sống sót sau thảm họa
diệt chủng Holocaust mà đang mắc kẹt trong các trại tị nạn ở châu Âu.
Tại New York, một thiếu nữ trẻ tên Francine Klagsbrun – sau này trở thành một học giả và nhà viết tiểu sử của Thủ tướng Israel Golda Meir – khi đó đã chứng kiến cảnh cha mẹ mình cầu nguyện mong có được một quê hương của người Do Thái.
"Anh trai và
tôi đi khắp nơi để quyên góp tiền, cố gắng khiến nước Anh mở cửa. Anh tôi lên
tàu điện ngầm, khi các cửa mở ra, anh hét lớn: 'Mở ra, mở ra, mở cửa tới
Palestine!'"
Nội bộ chính quyền
Truman khi ấy có sự chia rẽ sâu sắc về việc có nên ủng hộ thành lập một nhà nước
Do Thái hay không.
Cơ quan Tình báo
Trung ương (CIA) và Bộ Ngoại giao phản đối việc công nhận một nhà nước Do Thái,
lo ngại rằng điều đó có thể châm ngòi một cuộc xung đột đẫm máu với các nước Ả
Rập mà có thể cuốn Mỹ vào theo và dẫn tới nguy cơ leo thang trong thời kỳ Chiến
tranh Lạnh với Liên Xô.
Hai ngày trước khi
Anh chính thức rút khỏi Palestine, một cuộc tranh cãi dữ dội đã diễn ra ngay
trong Phòng Bầu dục. Cố vấn nội chính của Tổng thống Truman, ông Clark
Clifford, lập luận ủng hộ việc công nhận một nhà nước Do Thái.
Bên kia chiến tuyến
là Ngoại trưởng George Marshall – một vị tướng Thế chiến II mà ông Truman từng
gọi là "người Mỹ vĩ đại nhất còn sống".
Người mà ông Truman
kính trọng bậc nhất ấy đã phản đối quyết liệt việc Mỹ lập tức công nhận một nhà
nước Do Thái, vì lo ngại nguy cơ chiến tranh trong khu vực – thậm chí ông còn
nói thẳng với ông Truman rằng ông sẽ không bỏ phiếu cho tổng thống trong kỳ bầu
cử sắp tới nếu quyết định ấy được thông qua.
Nhà sử học Rashid
Khalidi, một người Palestine sinh ra ở New York có gia đình từng bị Anh trục xuất
khỏi Jerusalem vào thập niên 30, cho rằng Mỹ và Israel gắn bó với nhau một phần
nhờ các mối liên hệ văn hóa chung.
Từ sau năm 1948, ông
nói, người Palestine rơi vào thế vô cùng bất lợi về mặt ngoại giao tại Mỹ, khi
yêu sách về quyền tự quyết dân tộc của họ bị gạt sang một bên trong một cuộc cạnh
tranh không cân sức.
"Ở một phía,
phong trào Do Thái chủ nghĩa được dẫn dắt bởi những người có nguồn gốc châu Âu
và Mỹ... Còn người Ả Rập thì không có điều gì tương đồng," ông nói.
"Người Ả Rập không quen thuộc với xã hội, văn hóa, hay giới lãnh đạo chính trị của các quốc
gia quyết định số phận của Palestine. Làm sao bạn có thể thuyết phục dư luận Mỹ
khi mà bạn không hề hiểu về nước Mỹ?" – ông Khalidi nhận định.
Văn hóa đại chúng
cũng đóng vai trò không nhỏ – đặc biệt là cuốn tiểu thuyết xuất bản năm
1958 Exodus của nhà văn Leon Uris và bộ phim bom tấn cùng tên sau đó.
Tác phẩm này đã kể lại
câu chuyện thành lập Nhà nước Israel đến đông đảo khán giả đại chúng vào thập
niên 60. Bản phim dựng lại hình ảnh những người khai phá vùng đất mới theo một
cách rất Mỹ hóa.
Đó là cuộc chiến mà
Israel, sau nhiều tuần lo sợ bị các nước láng giềng xâm lược, đã đánh bại các
nước Ả Rập chỉ trong sáu ngày, và đã mở rộng gấp ba lần diện tích lãnh thổ, đồng
thời bắt đầu cuộc chiếm đóng quân sự đối với con số hơn một triệu người
Palestine không quốc tịch ở Bờ Tây và Dải Gaza vào thời điểm đó.
"Lần đầu tiên,
Mỹ nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của Israel như một cường quốc quân
sự và chính trị lớn ở Trung Đông. Kể từ đó, mối quan hệ căn bản giữa hai quốc
gia của chúng tôi đã thay đổi," ông nói.
Mối quan hệ không thể
bỏ
Qua nhiều năm, Israel đã trở thành quốc gia nhận viện trợ quân sự nước ngoài lớn nhất từ Mỹ.
Sự ủng hộ ngoại giao
mạnh mẽ từ Mỹ, đặc biệt tại Liên Hợp Quốc, là yếu tố then chốt của liên minh
này; trong khi đó, các đời tổng thống Mỹ kế tiếp cũng cố gắng làm trung gian
hòa giải giữa Israel và các nước Ả Rập láng giềng.
Tuy nhiên, trong những
năm gần đây, mối quan hệ này không còn đơn giản như trước.
Khi tôi phỏng vấn
Jake Sullivan, tôi đã nêu ra vấn đề về cộng đồng người Mỹ gốc Ả Rập ở bang
Michigan – những người đã tẩy chay Tổng thống Biden và người kế nhiệm được đề cử
là bà Kamala Harris vì mức độ ủng hộ họ dành cho Israel trong cuộc xung đột tại
Gaza, và thay vào đó bỏ phiếu cho ông Trump. Ông Sullivan bác bỏ ý kiến cho rằng
ông Biden mất bang này vì lý do đó.
Tuy vậy, sự ủng hộ
dành cho Israel đó vẫn dẫn đến làn sóng phản đối rõ rệt trong một bộ phận công
chúng Mỹ.
Một cuộc khảo sát của
Trung tâm Nghiên cứu Pew vào tháng 3/2025 cho thấy 53% người Mỹ có cái nhìn
không thiện cảm về Israel – tăng 11 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát gần nhất
năm 2022.
Mối quan hệ đặc biệt
đang rạn nứt?
Hiện tại, những chuyển biến trong dư luận chưa dẫn đến sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Dù một số cử tri Mỹ
bình thường đang quay lưng với Israel, nhưng tại Quốc hội, các chính trị gia
thuộc cả hai đảng chủ yếu vẫn ủng hộ mối liên minh chặt chẽ với Israel.
Một số người cho rằng
nếu xu hướng thay đổi quan điểm của công chúng kéo dài, sự hỗ trợ thực tế dành
cho Israel có thể suy giảm – quan hệ ngoại giao lỏng lẻo hơn và viện trợ quân sự
giảm đi.
Vấn đề này đặc biệt
khiến một bộ phận người Israel lo ngại.
Vài tháng trước ngày 7/10/2023, cựu tướng lĩnh và cựu lãnh đạo Cục Tình báo Quân đội Israel, ông Tamir Hayman, đã cảnh báo về những vết rạn đang hình thành trong quan hệ giữa Israel và Mỹ, một phần do thứ mà ông Hayman mô tả là sự xa rời chậm rãi của cộng đồng người Do Thái Mỹ với chủ nghĩa phục quốc Do Thái (Zionism).
Sự chuyển dịch chính
trị của Israel nghiêng về cánh hữu tôn giáo–dân tộc là một phần quan trọng.
Từ đầu năm 2023,
Israel chứng kiến làn sóng biểu tình chưa từng có trong cộng đồng người Do Thái
tại nước này phản đối cải cách tư pháp của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Nhiều
người cho rằng ông đang đẩy đất nước về phía thần quyền – một cáo buộc ông luôn
bác bỏ.
Một bộ phận người Mỹ
từng có mối liên hệ sâu sắc với Israel đang theo dõi tình hình với bận tâm ngày
càng lớn.
Vào tháng Ba vừa rồi,
Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia – cơ quan tư vấn hàng đầu ở Tel Aviv do ông
Hayman đứng đầu – đã công bố một báo cáo cho rằng quan điểm của dư luận Mỹ đối
với Israel đã bước vào "vùng nguy hiểm".
"Nguy cơ suy giảm
sự ủng hộ từ Mỹ, đặc biệt khi nó phản ánh những xu hướng lâu dài và ăn sâu, là
điều không thể xem nhẹ," tác giả báo cáo, ông Theodore Sasson, viết.
"Israel cần sự hỗ trợ từ siêu cường thế giới trong tương lai trước mắt."
Sự ủng hộ ở cấp
chính sách đã liên tục được củng cố qua nhiều thập niên, nhưng cần lưu ý rằng
các cuộc khảo sát lịch sử cho thấy quan điểm công chúng Mỹ từng dao động nhiều
lần trong quá khứ.
Ngày nay, ông Dennis
Ross – người từng giúp đàm phán Hiệp định Oslo dưới thời Tổng thống Bill
Clinton – cho biết quan điểm của người Mỹ về Israel ngày càng ăn sâu vào những
chia rẽ chính trị sắc nét ở Mỹ.
"Phần lớn người
theo Đảng Dân chủ nhìn nhận ông Trump rất tiêu cực. Các cuộc thăm dò mới nhất
cho thấy tỉ lệ này là trên 90%," ông Ross nói.
"Việc phe của
Trump ủng hộ Israel có thể tạo ra một hiệu ứng trong nội bộ Đảng Dân chủ, khiến
sự chỉ trích Israel gia tăng."
Tuy nhiên, ông Ross
vẫn kỳ vọng Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Israel – qua viện trợ quân sự và quan hệ ngoại
giao. Và ông tin rằng nếu cử tri Israel bãi nhiệm thủ tướng hiện tại và thay thế
bằng một chính phủ ôn hòa hơn, điều đó có thể xoa dịu phần nào sự bất mãn trong
lòng nước Mỹ. Israel sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử trước khi tháng 10/2026
kết thúc.
Dưới một chính phủ mới
như vậy, ông Ross lập luận, "sẽ không còn sự thúc đẩy cho việc sáp nhập thực
tế ở Bờ Tây. Sẽ có thêm nhiều nỗ lực tiếp cận với Đảng Dân chủ và các quan chức
của họ."
Những người cho rằng
quan hệ song phương đang rạn nứt đặc biệt chú ý đến quan điểm của giới trẻ Mỹ –
nhóm có sự thay đổi nhận thức rõ rệt nhất kể từ ngày 7/10/2023.
Là "thế hệ TikTok", nhiều người trẻ Mỹ tiếp cận tin tức về chiến tranh qua mạng xã hội, và con số thương vong dân thường cao trong chiến dịch tấn công Gaza của Israel dường như là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm ủng hộ trong giới trẻ Dân chủ và giới theo chủ nghĩa tự do ở Mỹ.
Năm ngoái, 33% người
Mỹ dưới 30 tuổi cho biết họ hoàn toàn hoặc phần lớn ủng hộ người Palestine,
trong khi chỉ 14% nói như vậy về người Israel, theo một khảo sát do Pew công bố
vào tháng Tư. Trong khi đó, người Mỹ lớn tuổi có xu hướng nghiêng về phía
Israel nhiều hơn.
Bà Karin Von Hippel
– chủ tịch công ty tư vấn an ninh Arden Defence and Security Practice và cựu
quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ – cũng đồng tình rằng có một sự chia rẽ thế hệ rõ rệt
trong quan điểm của người Mỹ về Israel – thậm chí cả trong Quốc hội.
"Những dân biểu
trẻ không còn ủng hộ Israel như một phản xạ vô điều kiện nữa," bà nói.
"Và tôi cho rằng người trẻ Mỹ, kể cả người Do Thái, không còn ủng hộ
Israel giống như thế hệ của cha mẹ."
Tuy nhiên, bà hoài
nghi về khả năng điều này sẽ dẫn đến thay đổi đáng kể ở cấp độ chính sách.
Dù nền tảng cử tri của
Đảng Dân chủ đang thay đổi, bà cho rằng nhiều ứng viên Dân chủ tiềm năng cho cuộc
đua tổng thống năm 2028 vẫn "ủng hộ Israel theo cách truyền thống".
Bà nêu tên bà
Gretchen Whitmer, thống đốc bang Michigan, và ông Pete Buttigieg, cựu Bộ trưởng
Giao thông, làm ví dụ.
Bà Alexandria Ocasio-Cortez – dân biểu nổi tiếng trên Instagram, người lâu nay ủng hộ quyền của người Palestine thì sao?
Bà Von Hippel thẳng
thắn trả lời: "Tôi không nghĩ một kiểu người như Ocasio-Cortez có thể thắng
cử vào lúc này."
Vài tuần sau cuộc họp
báo của ông Trump và ông Netanyahu tại Nhà Trắng hồi tháng Hai, tôi hỏi ông
Jake Sullivan rằng ông nghĩ mối quan hệ Mỹ - Israel sẽ đi về đâu.
Ông cho rằng cả hai
quốc gia này đều đang đối mặt với các mối đe dọa nội tại đối với thể chế dân chủ,
và chính điều đó sẽ định hình bản chất cũng như mối quan hệ song phương.
"Tôi nghĩ đây gần
như không còn là câu hỏi đối ngoại nữa mà là vấn đề nội bộ của cả hai quốc gia
– nước Mỹ sẽ đi về đâu, Israel sẽ đi về đâu?" ông nói.
"Câu trả lời cho hai câu hỏi đó sẽ nói cho ta biết về tương lai của mối quan hệ Mỹ - Israel trong 5, 10, 15 năm tới."
Tom Bateman _ Luke Mintz & Giles Edwards
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.