Sunday, December 9, 2012

Bí ẩn chiếc bàn gỗ tự xoay theo ý nghĩ

image

http://www.youtube.com/watch?v=tq7s7ZcQlII


Chỉ cần úp nhẹ bàn tay lên mặt bàn rồi tập trung suy nghĩ, chiếc bàn cổ ở TP Hội An, tỉnh Quảng Nam sẽ tự quay. Hiện tượng lạ này khiến không ít người tò mò.
Chiếc bàn xoay theo ý nghĩ
Ông Nguyễn Tấn Hòa (đã ngoài 60 tuổi), ở thôn Thuận Tình, thuộc xã Cẩm Thanh, TP Hội An (Quảng Nam) là chủ nhân của chiếc bàn tự xoay kỳ lạ mà nhiều người đã nhắc tới. Ông Hòa là một người sưu tầm đồ cổ có tiếng ở Hội An. Khi chúng tôi đặt vấn đề được xem chiếc bàn cổ ấy, ông Hòa không ngần ngại.
Chiếc bàn được đặt ngay giữa gian nhà gỗ, xung quanh có khá nhiều những món đồ cổ nhỏ khác mà ông đã cất công sưu tập. Mặt bàn được tạo bởi hai mảnh gỗ đẽo hình bán nguyệt, chỉ có một chân bàn duy nhất, phần đế chân có ba trụ đỡ nối liền mặt bàn với chân là một khối kết cấu hình hộp vuông, xung quanh có bốn trụ, ở giữa có một trụ lõi tròn trơn, bên dưới mặt bàn có một khung vuông vừa khít với kết cấu hình hộp vuông.

image
Chiếc bàn cổ làm bằng gỗ mít
Nhìn chiếc bàn với kết cấu khá đơn sơ không có gì đáng chú ý ngoài vẻ cũ kỹ, ông Hòa nói bí ẩn: “Chiếc bàn cổ kỳ diệu đây!”. Sau đó, ông Hòa hướng dẫn chúng tôi đặt sấp nhẹ hai bàn tay lên mặt bàn, tập trung ý nghĩ bàn sẽ quay về phía bên trái hay chiều ngược lại. Vài giây sau, chiếc bàn phát một âm thanh như tiếng các khối gỗ xoắn vào nhau và xoay theo chiều đúng với ý nghĩ người đặt tay lên bàn.
Khi đồng loạt lật ngửa cả hai bàn tay, mặt bàn lập tức dừng lại và xoay theo chiều ngược lại. Sự kỳ lạ của chiếc bàn ở chỗ nó tự xoay theo ý nghĩ chứ không theo sự điều khiển của đôi bàn tay chỉ đặt hờ trên mặt bàn, thể hiện ở tốc độ xoay nhanh, dễ đến chóng mặt. Mà nếu điều khiển bằng tay, phải dùng một lực mạnh hơn nhiều.
Để chứng minh sự bí ẩn của chiếc bàn này, sau khi mọi người đã dùng tay trải nghiệm sự huyền bí đó, ông Hòa nâng chiếc bàn này lên cho mọi người kiểm tra. Sự kỳ bí của chiếc bàn xoay đã khiến nhiều người không thể lý giải nổi, hoặc lý giải theo một quan niệm duy tâm.
Ông Hòa quả quyết: “Chiếc bàn kỳ diệu ở chỗ chưa ai giải thích được nguyên lý hoạt động của nó chứ không phải nó là chiếc bàn thần tiên, thần thánh gì. Nhiều người đến đây, họ không hề tin thần thánh hoặc những chuyện ly kỳ hư ảo nhưng hoạt động tự xoay theo ý nghĩ một cách kỳ lạ của chiếc bàn lại cuốn hút họ. Họ cứ thử đi thử lại, nó vẫn như vậy”. 
Có phải là điều thần bí?
Theo lời ông Hòa kể, chiếc bàn cổ này được sưu tầm từ một ngôi làng ở huyện Tiên Phước (Quảng Nam), được làm bằng gỗ mít, đã có gần 200 năm tuổi. Đó không phải là chiếc bàn duy nhất. Chiếc bàn cổ tự xoay ở Hội An còn có nhiều “anh em” lưu lạc khắp nơi. Tất cả đều xuất xưởng cách đây hàng trăm năm từ làng mộc Văn Hà, làng mộc tiếng tăm nay chỉ còn “vang bóng một thời” ở huyện Phú Ninh (Quảng Nam).
Những nghệ nhân làng Văn Hà ngày ấy làm ra những chiếc bàn gỗ mít này như một mặt hàng gia dụng, bán cho nhà dân trong vùng Quảng Nam và lân cận. Những người thợ không cố ý nhưng những chiếc bàn có khả năng tự xoay kỳ lạ.

image
Cách đây chừng 17 năm, chiếc bàn gỗ tự xoay đầu tiên được phát hiện ở huyện Tiên Phước. Giới buôn đồ cổ xác định nó được làm ra bởi bàn tay của những nghệ nhân làng mộc Văn Hà. Sau đó, chiếc bàn này đã thuộc về một đại gia chơi đồ cổ trong tỉnh Quảng Nam.
Ít lâu sau, dư luận lại xôn xao về chiếc bàn xoay khác tại nhà ông Huỳnh Tuyên ở thôn 8, xã Tam Thành, người người kéo về với nhiều mục đích khác nhau khiến chủ nhân của nó phải mang chiếc bàn đi giấu biệt. Chiếc bàn này giống như anh em song sinh với chiếc bàn xoay tại thôn Thuận Tình (TP Hội An), thậm chí còn kỳ diệu hơn vì nghe được cả “tiếng nước ngoài”(?). Chẳng hạn, khi chiếc bàn đang chạy, tất cả cùng hô “stop” (dừng) thì bàn đứng lại ngay, hoặc hô “start” (bắt đầu) thì bàn rậm rịch chuyển động, kêu lên ken két.
Khi tháo mặt bàn ra để xuống đất, 4 người cùng đặt tay lên thì bàn cũng chạy dù có chậm hơn. Nó được đánh giá là bàn xoay tự chạy nhạy nhất do thợ mộc Văn Hà làm ra cách đây hàng trăm năm.
Ngoài chiếc bàn mà ông Huỳnh Tuyên đang sở hữu, Văn Hà còn có 3 chiếc bàn khác, trở thành báu vật của làng. Chiếc thứ nhất của bà Huỳnh Thị Dãi, ở thôn 5, xã Tam Thành đã bán cho một doanh nghiệp ở Tam Kỳ. Chiếc thứ hai thuộc về ông Nguyễn Toàn, dù chạy rất “ì ạch” nhưng vẫn “có giá”. Chiếc thứ ba là của một người dân làng Văn Hà cũng đã được một doanh nhân đưa lên vùng cao nguyên Lâm Đồng phục vụ cho du khách.
Theo Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản - Di tích Quảng Nam cũng như những nghệ nhân mộc lão làng, chỉ có Văn Hà mới làm được những chiếc bàn như vậy. Bây giờ, cả làng Văn Hà danh tiếng chỉ còn sót lại một lão nghệ nhân cuối cùng là ông Đinh Thẩm, đã hơn tuổi 82.


image
Lão thợ mộc Đinh Thẩm của làng mộc Văn Hà, Phú Ninh
Ông Thẩm khẳng định đúng là chỉ có thợ Văn Hà mới làm được những chiếc bàn trên. Ông Thẩm kể rằng, ban đầu, ông và những người thợ Văn Hà không biết chiếc bàn sẽ tự xoay được. Nhưng từ một phát hiện tình cờ sau đó, người dân cảm thấy thú vị và tiếp tục đặt thợ Văn Hà đóng bàn. Thợ Văn Hà cứ việc đóng theo kết cấu cũ, đâu biết là bàn gỗ tự xoay được.
Ông Thẩm cũng giải thích rằng có một thứ cấu khí âm dương nào đó giữa mặt bàn (bằng gỗ mít) và bàn tay con người sinh ra nhiệt, tới một mức độ nhất định sẽ tạo chuyển động quanh trục bàn(?). Ông cũng khẳng định hồi trẻ ông từng đóng 5-7 cái bàn như thế. Nguyên liệu là gỗ mít già, hoặc gỗ mít cũ, càng cũ càng tốt...
Tuy nhiên, theo ông Vũ Thế Khanh, thành viên nhóm nghiên cứu của Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng, hiện tượng chiếc bàn tự động xoay không hề có sự tác động siêu nhiên nào. Trên thực tế, mặt bàn chỉ có thể quay được khi người chơi đặt tay trực tiếp vào mâm tạo momen quay cho mâm và liên tục đọc khẩu lệnh thì tâm lý phát sinh tự kỷ ám thị. Dần dần, người thử nghiệm bị rơi vào ảo giác giống như đang có lực vô hình nào đó làm cho mâm quay và cảm thấy mâm chuẩn bị quay, nên người chơi có xu hướng nương theo chiều quay đã được định hướng trong đầu. Trong khi đó, người thử nghiệm không thể biết rằng chính họ là “thủ phạm” đã tác động mạnh mẽ dẫn đến mặt bàn phải quay.
Thế nhưng, qua kiểm tra chiếc bàn cổ ở Hội An, khi chiếc bàn đứng im, chúng tôi đã thử cầm mép bàn xoay thì thấy khá nặng, cần phải kéo mạnh mới xoay được. Nếu theo giải thích của ông Vũ Thế Khanh rằng người ta đặt hai tay lên mặt bàn mà vuốt thì chưa chắc đủ lực tương tác để đẩy bàn xoay được.
Đi tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi đã tìm kiếm rất nhiều sách báo đề cập đến các vấn đề bí ẩn của con người như hào quang con người, nhân điện, trường sinh học, trường năng lượng con người, trường năng lượng vũ trụ (ESP), năng lượng sinh học, bioplasma… đến cả các hiện tượng cận tâm lý (Parapsychology), hiện tượng siêu việt (Paranormal) đã được tiền nhân cảm nhận như trong Yoga, Khí công, Thiền định, Cầu cơ… khá phức tạp và trắc nghiệm khoa học với máy móc tinh vi, đưa ra những trị số khác nhau của năng lượng đó. Nhưng không có điều gì giải thích hiện tượng bàn xoay và cũng chưa đề cập đến hiện tượng này dù có bàn về Psychokinesis (tức Viễn di sinh học).
Vì là hiện tượng lạ nên dễ bị người ta lợi dụng để lừa gạt. Mong rằng các nhà nghiên cứu sớm nghiên cứu và có ý kiến về hiện tượng bàn xoay trên./.


Hữu Cường/VOV Online


Chiếc bàn cổ có khả năng tự xoay theo ý nghĩ

Ai cũng không khỏi cảm thấy tò mò, kỳ lạ...
Chiếc bàn này được đặt ngay giữa gian nhà gỗ, xung quanh có khá nhiều những món đồ cổ nhỏ khác của ông Mười, một người chuyên sưu tầm đồ cổ có tiếng ở Hội An. Chủ nhân đi vắng, tiếp khách ghé tham quan là ông Nguyễn Tấn Hòa (đã ngoài 60 tuổi), là người chuyên coi giữ gian nhà.

image
Chiếc bàn cổ này kỳ lạ bởi khả năng tự xoay.
Chỉ vào chiếc bàn tròn vỏn vẹn một chân, ba trụ, thoạt nhìn khá đơn sơ, không có gì đáng chú ý ngoài vẻ cũ kỹ, ông Hòa giới thiệu: “Chiếc bàn cổ kỳ diệu đây!”. Không nói rõ ngọn ngành chiếc bàn vội, ông Hòa hướng dẫn chúng tôi đặt sấp nhẹ hai bàn tay lên mặt bàn, tập trung ý nghĩ bàn sẽ quay về phía bên trái hay chiều ngược lại. Sau một khoảng không lâu, độ vài giây, chiếc bàn phát một âm thanh như tiếng các khối gỗ xoắn vào nhau và xoay theo chiều đúng với ý nghĩ người đặt tay lên bàn.

image
Mặt bàn được tạo bởi hai mảnh gỗ đẽo hình bán nguyệt.
Khi chúng tôi đồng loạt lật ngửa cả hai bàn tay, mặt bàn lập tức dừng lại và xoay theo chiều ngược lại. Sự kỳ diệu của chiếc bàn ở chỗ nó tự xoay theo ý nghĩ chứ không theo sự điều khiển của đôi bàn tay chỉ đặt hờ trên mặt bàn. Mà nếu điều khiển bằng tay, phải dùng một lực mạnh hơn nhiều.

image
Có một chân bàn duy nhất, phần đế chân có ba trụ đỡ. 
Ông Hòa quả quyết: “Chiếc bàn kỳ diệu ở chỗ chưa ai giải thích được nguyên lý hoạt động của nó chứ không phải nó là chiếc bàn thần tiên, thần thánh gì. Nhiều người đến đây, họ không hề tin thần thánh hoặc những chuyện ly kỳ hư ảo nhưng hoạt động tự xoay theo ý nghĩ một cách kỳ lạ của chiếc bàn lại cuốn hút họ. Họ cứ thử đi thử lại, nó vẫn như vậy”.

image
Nối liền mặt bàn với chân là một khối kết cấu hình hộp vuông, xung quanh có bốn trụ, ở giữa có một trụ lõi tròn trơn.
Chiếc bàn cổ tự xoay này theo lời kể của ông Hòa được tìm sưu tầm từ một ngôi làng ở huyện Tiên Phước (Quảng Nam). Tìm hiểu thêm về chiếc bàn cổ có khả năng tự xoay theo ý nghĩ kỳ lạ, chúng tôi được biết chiếc bàn ở Hội An làm bằng gỗ mít, đã có gần 200 năm tuổi. Và đó là không phải là chiếc bàn kỳ diệu duy nhất. Chiếc bàn cổ tự xoay ở Hội An còn có nhiều “anh em” lưu lạc khắp nơi. Tất cả đều xuất xưởng cách đây hàng trăm năm từ  làng mộc Văn Hà, làng mộc tiếng tăm nay chỉ còn “vang bóng một thời” ở Phú Ninh (Quảng Nam).

image
Bên dưới mặt bàn có một khung vuông vừa khít với kết cấu hình hộp vuông trên. 
Truyền rằng những nghệ nhân làng Văn Hà ngày ấy làm ra những chiếc bàn gỗ mít này như một mặt hàng gia dụng, bán cho nhà dân trong vùng Quảng Nam và lân cận. Người thợ không cố ý nhưng những chiếc bàn có khả năng tự xoay kỳ lạ.

image
Ông Hòa (đứng giữa) hướng dẫn khách thử tìm hiểu sự kỳ lạ của chiếc bàn.
Thỏa mãn trí tò mò của chúng tôi, ông Hòa cho phép chúng tôi tháo rời các bộ phận của bàn ra xem. Cấu trúc chiếc bàn khá đơn giản, có một trụ tròn với chân ba trụ gắn với mặt bàn bằng một khối gỗ vuông nhỏ. Phần mặt bàn có đường kính khoảng 60cm, được tạo thành bởi hai mảnh gỗ hình bán nguyệt ghép vào nhau. Tất cả chỉ có vậy mà bên trong cấu trúc đơn giản ấy, quả thật còn ẩn chứa nhiều kỳ thú chưa có lời giải đáp xác đáng nào.


Lật tẩy sự thật về bàn tự quay thần bí

Những năm gần đây, báo chí liên tục viết bài về hiện tượng những chiếc bàn tự quay kỳ lạ ở miền Trung và Tây Nguyên khiến nhiều người nửa tin, nửa ngờ, thực hư chưa rõ ràng.
Thế nhưng, TS. Vũ Thế Khanh (Liên hiệp UIA) đã nghiên cứu và lý giải rất rõ ràng về hiện tượng này. Theo ông Khanh, những chiếc bàn quay xuất hiện ở các tỉnh như Bình Định, Lâm Đồng, Đà Nẵng… từ hàng trăm năm nay.

Để nghiên cứu về chiếc bàn quay, ông đã kỳ công lập một hội đồng khoa học, có cả các nhà ngoại cảm để xem xét khía cạnh tâm linh. Đoàn nghiên cứu đã vào tận Đà Lạt, nơi có chiếc bàn quay mà báo giới nhắc đến ròng rã trong nhiều năm qua. Chiếc bàn quay thuộc sở hữu của chị Phong Lan, chủ một nhà nghỉ nằm ngay cạnh chùa Tàu.

image
Chiếc bàn kỳ lạ.
Chiếc bàn quay của chị Lan được đặt trong một căn phòng 20m2. Chiếc bàn làm bằng gỗ, đặt trên một ổ trục quay được thiết kế khá công phu.

image
Mặt dưới bàn quay.
Để tiến hành thí nghiệm, trước hết ông Khanh cũng làm theo đúng quy trình như các nhóm khác đã làm trước đây. Mọi người đứng xung quanh, đặt tay trực tiếp lên mặt bàn và đọc cho bàn "quay".

Lần đầu ra lệnh cho bàn quay theo chiều kim đồng hồ. Sau hơn 4 phút đọc "thần chú", bàn từ từ quay, càng lúc càng nhanh. Khoảng 10 phút sau, ông Khanh yêu cầu mọi người cùng đọc: "Hãy dừng lại!". Sau hơn 2 phút, bàn đã dừng lại hẳn.

image
Khi mọi người đặt tay lên bàn, đọc "thần chú" thì chiếc bàn tự quay.
Lần hai, đoàn khảo nghiệm lại làm đúng như đợt đầu, nhưng "ra lệnh" cho bàn quay ngược chiều kim đồng hồ. Lần này, chỉ khoảng 3 phút bàn đã quay và khi muốn dừng lại thì cũng chỉ mất hơn một phút. Điều này hết sức kỳ lạ, bởi những người tham gia thí nghiệm đều là cán bộ của Liên hiệp UIA.

Cuộc thí nghiệm lần ba, ông Khanh đưa cho mỗi người tham gia thí nghiệm một quả cầu mà ông mang theo từ trước, cỡ xấp xỉ bằng quả bóng bàn. Lần thí nghiệm này mọi người không đặt tay trực tiếp lên mặt bàn mà đặt tay thông qua quả cầu trên mặt bàn.

Các quá trình đọc "thần chú" vẫn thực hiện như các thí nghiệm trước đây. Nhưng lạ thay, mọi người đọc đến 30 phút mà bàn vẫn không nhúc nhích. Dù đổi "thần chú" đọc cho bàn quay ngược lại nhưng bàn vẫn trơ trơ bất động. 

Người chủ nhà thốt lên: "Từ trước tới nay, chưa có vụ nào bàn không quay. Các bác là nhóm đầu tiên đọc "thần chú" mà bàn không chịu nghe lời".

Sau khi tổng kết, đánh giá các thí nghiệm, ông Khanh phát biểu trước đông đảo các nhà khoa học và những người dân kéo đến chứng kiến: “Khi tay người chơi không tiếp xúc với mặt bàn, mà phải gián tiếp thông qua quả cầu, thì người chơi chỉ có thể tác dụng lực vuông góc với mặt bàn (mà phương này thì không gây ra mô-men quay cho bàn).

Quan sát kỹ các lần làm thí nghiệm, thấy rõ người chơi dù vô tình hay cố ý đẩy tay đi thì quả cầu lập tức lăn ngay, không truyền lực đẩy ngang xuống bàn được nữa. Phương pháp này đã triệt tiêu ma sát tạo mô-men quay và làm cho bàn hết "phép lạ".

Như vậy, có thể khẳng định không hề có tác động của lực từ trường, lực sinh học, điện từ trường hay lực lượng tâm linh siêu hình nào đó như mọi người vẫn từng nghĩ. Bàn chỉ quay khi có lực cơ học do tay người chơi đặt trực tiếp vào mặt bàn tạo mômen quay. Nếu lực này bị khử mất do quả cầu lăn thì bàn không thể quay được nữa”.



image
Ngăn cách mặt bàn và bàn tay bằng quả cầu, thì mặt bàn không quay được nữa.
Nhưng lực cơ học gây ra mô-men quay do đâu mà có? Đây là câu hỏi mà các nhà khoa học cũng như những người chứng kiến hoặc đã khảo nghiệm đều muốn có câu trả lời.

Ông Khanh nói rõ: "Khi người chơi đặt tay trực tiếp lên mặt bàn, liên tục đọc khẩu lệnh cho bàn quay, thì tâm lý phát sinh tự kỷ ám thị, dần dần bị rơi vào ảo giác: hình như đang có lực vô hình nào đó làm cho bàn quay, và cảm thấy bàn "chuẩn bị quay", nên người chơi có xu hướng nương theo chiều quay quy ước trong đầu.

Khi nương theo, vô tình hay hữu ý đã gia tăng lực vào mặt bàn. Cứ như vậy bàn sẽ quay càng lúc càng nhanh hơn. Đấy là chưa kể đến trường hợp trong số đó có một người cố tình đẩy cho bàn quay. Quá trình dừng bàn lại cũng theo nguyên tắc ấy để phát sinh tâm lý tương ứng.

Như vậy, thực chất của hiện tượng "bàn quay" là do tay người chơi đã tác động lực cơ học vào mặt bàn tạo mô-men quay. Người chơi cũng vô tình không hề nghĩ rằng chính mình bị tự kỷ ám thị, đã tưởng tượng ra bàn đang quay (hoặc sắp quay), nên đã gia tăng lực vào khiến bàn quay nhanh hơn".

Theo ông Khanh, những người tập thiền, luyện yoga, hiểu biết về lĩnh vực thôi miên đều hiểu rất rõ hiện tượng tự kỷ ám thị. Như vậy, câu hỏi tồn tại hàng thế kỷ nay về chiếc bàn quay đã được nhà khoa học Vũ Thế Khanh làm sáng tỏ bằng một thí nghiệm hết sức đơn giản.


Theo VTC










No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.