Vào đầu năm
nay, Tổng thống Obama đã ví von rằng tổ chức khủng bố có tên là ISIS (viết tắt
của Quốc Gia Hồi Giáo tại Iraq và Syria) chẳng khác gì một đội banh tầm thường,
không có gì đáng sợ và nguy hiểm như một đội nhà nghề (ám chỉ Al Qaeda của
Osama bin Laden).
Thế nhưng,
trong cuộc họp báo mới nhất vào ngày thứ Năm vừa qua, Tổng trưởng Quốc Phòng
Chuck Hagel đã coi ISIS như là “một mối nguy cận
kề cho tất cả mọi quyền lợi của chúng ta” và “nó vượt lên trên tất cả những gì
mà chúng ta đã thấy”. Còn Đại Tướng Martin Dempsey, cũng có mặt trong cuộc họp
báo này thì đưa ra một lời nhận định và kết luận khá rõ ràng: “Đây là một tổ chức
đang đeo đuổi một tầm nhìn chiến lược cực đoan kiểu tận thế khiến chúng ta đành
phải tìm cách tiêu diệt nó”. Theo lời của vị tướng Tổng Tham Mưu Truởng Liên
Quân Hoa Kỳ thì chỉ nội sự hiện hữu của tổ chức Hồi-giáo quá khích này đã rõ
ràng là một nan đề mà chúng ta (Hoa Kỳ) cần phải giải quyết.
Câu hỏi mà nhiều
người muốn biết là cách thức nào để giải quyết vấn đề.Tướng Dempsey cho rằng việc
triệt tiêu tổ chức ISIS sẽ đòi hỏi “việc trưng
dụng tất cả mọi vũ khí của sức mạnh Hoa Kỳ, từ ngoại giao cho đến kinh tế cũng
như là thông tin và quân sự.”
Rõ rằng là với
đà tiến công như vũ bão của tổ chức ISIS trên một giải đất trải rộng khắp phía
đông bắc của Syria và phía
tây bắc của Iraq trong những
tháng ngày vừa qua, người ta bắt đầu nhìn thấy những hậu quả không ngờ của một
cuộc nội chiến tại Syria .
Nó đã dẫn đến việc chia rẽ tan hoang của đất nước này và xoá mờ đi những lằn
ranh biên giới với các nước lân cận, trong lúc tổ chức ISIS (gồm phần lớn dân gốc
Sunni) và những nhóm dân sắc tộc thiểu số Kurds đã lợi dụng tình trạng loạn lạc
này để vùng lên giành quyền, nới rộng lãnh thổ kiểm soát của mình tại Iraq. Và
nó sẽ kéo theo những hậu quả dây chuyền nhức nhối khác trong những ngày tháng tới,
nếu không muốn nói là trong vài thập niên tới.
Thống kê ước lượng
của Liên Hiệp Quốc cho biết là tổ chức ISIS từ đầu năm nay đã gây bất ổn khiến
cho khoảng 180,000 gia đình, tức là trên 1 triệu người tại Iraq, phải bị sơ
tán. Cuộc chạy loạn tản cư này có thể được chia ra trong 3 giai đoạn: 1.) Từ đầu
năm đến 31/5: trung bình có khoảng 540 gia đình phải sơ tán mỗi ngày khi ISIS bắt
đầu kiểm soát được tỉnh Anbar, với tổng cộng nửa triệu người dân Iraq phải chạy
loạn. 2.) Từ 1/6 đến 31/7: cường độ chiến tranh dâng cao khiến cho khoảng 1,341
gia đình phải sơ tán mỗi ngày, với tổng cộng khoảng thêm nửa triệu người dân Iraq khác phải lánh nạn và quân ISIS chiếm được
nhiều vùng, trong đó có thành phố Mosul .
3.) Trong tuần lễ đầu tháng 8: có khoảng 2,137 gia đình phải bị sơ tán mỗi ngày
khi ISIS bắt đầu tấn công nhiều thành phố ở
phía tây bắc gần khu tự trị của quân Kurd.
Đoàn quân ISIS trên đường tiến
quân
Sự kiện một
trong những phần tử của tổ chức ISIS trong tuần qua đã vừa tung ra một đoạn
phim video, chiếu cảnh hành quyết dã man khi cắt đầu một nhà báo Mỹ là James
Foley, bị bắt cóc tại Syria cách đây 2 năm, đã khiến cho nhiều người phải rúng
động trước những hành động tàn bạo khiếp đảm như vậy. Có lẽ vì thế mà người ta
đã không ngạc nhiên trước việc các viên chức Hoa Kỳ đã dùng những lời lẽ nặng nề
và rõ ràng hơn để lên án về mối nguy mà tổ chức khủng bố này đang đè nặng lên sự
an nguy và quyền lợi của Hoa Kỳ.
Tuy vậy, nhiều
chuyên gia và viên chức khác cũng nhận định rằng những lời cảnh báo có phần u
ám như vậy thật ra có thể đã quá thổi phồng khả năng của những phần tử ISIS có
thể tấn công vào Hoa Kỳ, tại nội địa cũng như các cơ sở và quyền lợi của Mỹ ở hải
ngoại. Họ còn cho rằng chính những hành động quá dã man tàn độc, cũng như những
chiến dịch đòi tiêu diệt mọi thứ đối kháng với mình mà tổ chức ISIS đang theo
đuổi, sẽ khiến cho nó không chóng thì chày cũng bị tự tan rã. Chẳng hạn như lời
nhận định của ông Andrew Liepman, cựu phó giám đốc của Nha Chống Khủng Bố của
chính quyền Mỹ và hiện là một chuyên gia nghiên cứu cho tổ chức RAND khi phát
biểu: “Bọn họ quả thật có nhiều yếu tố khiến cho chúng ta phải sợ: đó là họ có
tiền, có nhân lực, có vũ khí và có một vùng đất rộng lớn để tung hoành. Thế nhưng
nhiều lúc khi chúng ta bị đánh bất ngờ bởi một tổ chức nào đó, như trường hợp
này đây, thì chúng ta cũng dễ la hoảng một cách hơi quá đáng.”
Hiện nay, các
viên chức thuộc bộ tham mưu ở Bạch Cung đang duyệt xét về kế hoạch nới rộng chiến
dịch quân sự tấn công tổ chức ISIS, kể cả việc có thể oanh kích các cơ sở của
nhóm này xuyên qua biên giới của Syria, chứ không chỉ giới hạn trong lãnh thổ nước
Iraq. Đây là một kế hoạch mà chính quyền Hoa Kỳ trong thời gian qua đã không muốn
dùng hay bàn luận đến khi mà chính cá nhân TT Obama đã từng phát biểu là “chúng
ta (Hoa Kỳ) không muốn xen vào chuyện chiến tranh nội bộ của một nước.”
Ý ông muốn ám
chỉ việc Hoa Kỳ không có quyền lợi gì khi can thiệp sâu vào nội tình của Syria kể từ khi
có cuộc nội chiến đòi lật đổ Tổng thống Bashar Assad của nước này nổ ra cách
nay đã 3 năm. Một mặt thì Hoa Kỳ không ưa gì chính quyền của nhà độc tài Assad
thuộc hệ phái Alawite là một chi nhánh của phái Shiite, nhất là khi ông ta đã đưa
quân đội của mình đàn áp dã man các thành phần đối lập, kể cả việc cho sử dụng
vũ khí hoá học. Mặt khác, Hoa Kỳ cũng không muốn ủng hộ và tiếp tế vũ khí cho
phe phiến quân đối lập (mà phần lớn là dân gốc Sunni) do bởi tính ô hợp của phe
này, nhất là nó lại bao gồm nhiều tổ chức Hồi-giáo cực đoan hành động không
khác gì các phần tử khủng bố.
Trong một chừng
mực nào đó, chúng ta cũng hiểu vì sao mà chính quyền Obama không mặn mòi gì lắm
trong việc can thiệp vào cuộc xung đột tại Syria trong thời gian qua, dù rằng
nó cũng đã dẫn đến hậu quả thương đau của gần hai trăm ngàn người thiệt mạng
trong 3 năm qua kể từ khi phong trào chống chính quyền Assad bắt đầu nổi lên.
Thứ nhất, Hoa Kỳ không được lợi gì trong một cuộc chiến tương tàn giữa hai phe
Sunni và Shiite, tuy cùng là Hồi-giáo nhưng lại có một lịch sử kình chống lâu đời
và hận thù dữ dội không thua gì những kẻ thù truyền kiếp. Kế đến, Hoa Kỳ không
muốn thấy trường hợp những vũ khí tiếp tế cho phe đối lập tại Syria có thể rơi
vào tay các phần tử khủng bố Hồi-giáo quá khích để có thể quay trở lại tấn công
mình sau này.
Chính vì thế
nên dù có bị chỉ trích thế nào đi chăng nữa từ nhiều phía diều hâu cũng như bồ
câu, TT Obama vẫn vững tin rằng Hoa Kỳ không có một lựa chọn nào tốt đẹp trong
cuộc nội chiến tại Syria, và giải pháp có phần thụ động “không làm gì cả” thật
ra có thể là giải pháp có lợi nhất cho Hoa Kỳ hiện nay. Điều này cũng giải
thích phần nào thái độ không can thiệp vào tình hình tại Iraq cách nay hai tháng khi lực lượng ISIS đã tiến công như vũ bão để chiếm nhiều thành phố
phía tây bắc nước này.
Lý do là vì
chính quyền của ông Nouri Maliki ở Baghdad quá thiên vị với phe Shiite trong
nhiều năm qua, khiến cho dân gốc Sunni ở phía tây bắc bất mãn, sẵn sàng nhập bọn
với nhóm ISIS hoặc ít ra thì chẳng dại gì để chịu chết vì trung thành với chính
quyền trung ương ở Baghdad. Mặc dù được phía Iraq khẩn thiết xin trợ giúp các đợt
oanh kích, nhưng TT Obama vẫn cương quyết từ chối, không muốn Hoa Kỳ trở thành
một công cụ để cho phe Shiite tiếp tục đè bẹp phe Sunni, vô tình làm lợi cho kẻ
thù của Mỹ là nước Iran thuộc phái Shiite, vốn đang có ảnh hưởng mạnh lên giới
cầm quyền tại Iraq.
Vì thế nên TT
Obama, cũng như nhiều lãnh tụ các nước Tây phương khác, đã áp lực ông Maliki phải
ra đi để nhường chỗ cho một người khác, với hy vọng lập ra một chính quyền mới
với tinh thần hợp tác và liên kết mọi thành phần và hệ phái trong nước để có thể
có chính danh kêu gọi sự cứu giúp của cộng đồng thế giới.
ông
Nouri Maliki
Nhưng đến khi
phe ISIS quyết định tấn công sang phía bắc Iraq ,
đe doạ nhiều nơi như các thành phố Erbil, Mosul
và vùng núi Sinjar, là nơi thuộc quyền của phe tự trị gốc Kurd thì chính quyền
Obama đã nhanh chóng can thiệp với những đợt oanh kích. Và chỉ trong vòng có một
vài ngày ngắn ngủi, không hao tốn một nhân mạng nào, các đợt tấn công của Không
quân Mỹ đã lật ngược tình thế, khiến cho phe ISIS phải rút lui và phe Kurd cùng
với lực lượng quân đội Iraq đã nhanh chóng giành lại chủ quyền tại những địa điểm
chiến lược như đập thuỷ điện Mosul và nhiều giàn khoan dầu hoả. Tuy vậy, ông
Obama và sau đó có thêm Thủ tướng David Cameron của Anh Quốc, cũng bắn tiếng rằng
họ sẽ không đưa quân đội Mỹ hoặc Anh trở lại chiến trường Iraq, và giới chức
lãnh đạo tại Baghdad cũng không nên lơ là hoặc chậm trễ trong việc đẩy mạnh một
chính quyền hoà hợp hoà giải bao gồm mọi thành phần trong nước cùng đoàn kết để
đối phó với kẻ thù chung là những phần tử khủng bố quá khích.
Bản đồ những
vùng đất tung hoành hoặc chiếm giữ bởi tổ chức ISIS giữa biên giới hai nước Syria và Iraq
Trong một bài
báo đăng trên tờ New York Times đề ngày 23/8 vừa qua, hai ký giả Mark Mazetti
và Helene Cooper đã tổng hợp nhiều nhận định và sự kiện để nhận xét về mối hiểm
hoạ của tổ chức ISIS này. Họ nói rằng hiện
nay, các cơ quan tình báo của Hoa Kỳ đang làm việc ráo riết để thẩm định về sức
mạnh của tổ chức ISIS bởi vì họ nghĩ rằng nếu như nhóm này có khả năng chiếm
giữ nhiều phần đất rộng lớn thì có thể tạo nên một mối hiểm nguy tại vùng Trung
Đông trong lâu dài. Điều lo ngại của các viên chức Mỹ là những thành công trên
chiến trường của ISIS trong thời gian qua có thể sẽ khiến cho nhiều phần tử
hiếu thắng và cuồng tín của các nhóm chi nhánh của Al Qaeda tại Yemen hay các
nước Phi Châu có thể ly khai để gia nhập vào phong trào khủng bố cực đoan đang
lên này.
Tuy vậy, nhiều
chuyên gia khác lại cho rằng tổ chức ISIS có phần khác biệt hơn với các nhóm
khủng bố truyền thống khác như Al Qaeda, bởi vì dường như nó thích chủ trương
nới rộng vùng đất kiểm soát của mình để thành lập một vương quốc Hồi-giáo
(caliphate) hơn là chủ động các âm mưu khủng bố một cách âm thầm và kín đáo. Vì
thế nên người ta mới thấy các nhóm quân của ISIS đã hung hăng với những chiến
thắng xung phong chiếm được thành trì, các đập thuỷ điện chiến lược và các giàn
khoan dầu, và cũng “hồ hỡi” với những thành quả đạt được gồm có xe tăng, hoả
tiễn và vũ khí, đạn dược tịch thu được từ phía quân đội Iraq bỏ lại.
Theo các
chuyên gia phân tích thì nếu như Osama Bin Laden cũng có tham vọng lập nên một
vương quốc Hồi-giáo thì ông ta cũng thường nói rằng việc đó đòi hỏi một thời
gian khá dài và cần phải có rất nhiều điều kiện thuận lợi. Trong khi đó, các
phần tử của ISIS đã nhanh chóng tự phong tổ
chức của mình là một “Quốc Gia Hồi Giáo” và tuyên xưng rằng cái vương quốc
Hồi-giáo ấy đã đến rồi. Vì thế nên, theo lời nhận định của ông William McCants,
một chuyên gia phân tích của viện Brookings Institution, thì rõ ràng ISIS là
một tổ chức phiến quân đang bùng nổ lớn mạnh, nên việc gọi hoặc xem nó như là
một tổ chức khủng bố quả tình không giúp chúng ta định hình một cách chính
xác.
Phát ngôn viên
của Ngũ Giác Đài là Đề Đốc John Kirby thì nói rằng ông ta không tin rằng “ISIS có khả năng hiện nay để mở một cuộc tấn công quy mô
trên nội địa nước Mỹ, nhưng có lẽ bọn chúng có tham vọng muốn tấn công vào
nhiều mục tiêu của phương Tây”. Tướng Kirby cũng nói thêm rằng mối nguy từ phía
ISIS có phần nào trở nên khẩn trương hơn vì gần đây tổ chức này đã lôi kéo được
nhiều ngàn “chiến binh thánh chiến” đến từ nhiều nơi trên thế giới, và đã chứng
tỏ khả năng có thể giữ được nhiều vùng đất mới chiếm được tại Syria và Iraq.
Tuy nhiên
những thất bại khiến ISIS phải chùn bước tại vùng tây bắc Iraq trong tuần qua
đã cho thấy là tổ chức này bắt đầu nếm mùi thảm bại trước hoả lực hùng hậu và
tinh vi của Hoa Kỳ, nhất là khi dám ngang nhiên đương đầu với đại siêu cường
Hoa Kỳ trong một kiểu chiến tranh quy ước. Thật vậy, với trận địa trải rộng
trên sa mạc hay núi đồi khiến cho những chiếc xe vận tải pick-up, những xe
thiết giáp, xe tăng, và những chiếc súng phóng lựu hay tiểu liên AK-47 của
những tay súng quá khích có thể gây khiếp đảm hay hù doạ với thường dân, nhưng
sẽ nhanh chóng trở thành những mục tiêu bị diệt gọn dễ dàng như đồ chơi bởi các
đợt không kích chính xác thần kỳ của những phi cơ không người lái của Không lực
Mỹ.
Thêm vào đó,
các phiến quân của ISIS còn phải lo đối đầu với nhiều kẻ thù khác nhau trên
nhiều mặt trận, từ lực lượng quân Kurd cho đến quân đội của Iraq, cũng như quân
đội Syria và nhiều nhóm phiến quân Syria khác không cùng chủ trương với ISIS.
Vì thế nên theo nhiều chuyên gia nhận định, việc tấn công Hoa Kỳ chưa hẳn là ưu
tiên hàng đầu hiện nay của ISIS, cho dù những lời lẽ đưa ra từ cuộn băng video
có phần hăm doạ là họ sẽ tiếp tục trả đũa Hoa Kỳ bằng cách là sẽ đem ra xử tử
nhiều nhà báo con tin người Mỹ khác. Đó là chưa kể ngay cả quyết định hành hình
những con tin này cũng như những biện pháp cai trị dã man tại nhiều vùng mới
chiếm được (xử tử tập thể nhiều người), tuy trong ngắn hạn có thể tạo nên hiệu
quả gây khiếp sợ cho kẻ địch, nhưng có thể sẽ dẫn đến những xung đột trong nội
bộ ảnh hưởng đến khả năng giữ vững quyền hành của tổ chức mình.
Tuy Đại Tướng
Martin Dempsey nói rằng tham vọng của ISIS là tiếp thu nhiều phần đất trống
trải rộng trên nhiều nước từ Do Thái cho đến Jordan, Kuwait, Syria và Iraq để
thành lập nên vương quốc Hồi-giáo mới, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng có lẽ
còn lâu lắm, nếu không muốn nói là khó có thể được, để cho các phần tử Hồi giáo
cực đoan này có thể hoàn thành giấc mộng “xưng bá đồ vương” này. Chẳng hạn như
ông George Friedman, chủ tịch công ty Stratfor chuyên thẩm định về các rủi ro
chính trị địa dư, đã nhận xét: “Tổ chức ISIS
có thể lớn mạnh, nhưng tự mình nó cũng không đủ khả năng để chế ngự kẻ địch. Cứ
nhìn tại Iraq thì thấy rõ, ngay cả nó cũng không chiến thắng nổi lực lượng của
dân Kurd. Và dĩ nhiên, nó cũng không có khả năng tiến về thủ đô Baghdad để đe
doạ khối dân Shiite đầy rẫy tại đây cũng như ở miền nam Iraq.”
Dĩ nhiên đối
với người dân thường, những hình ảnh quân ISIS hành quyết các nạn nhân cũng như
xử tử dã man các nhà báo Hoa Kỳ cũng khiến dấy lên trong lòng một nỗi kinh sợ
cũng như e ngại về mối hiểm nguy của tổ chức khủng bố này có thể lớn mạnh để đe
doạ đến sự an nguy của người dân Mỹ. Một phần nguyên nhân của sự lo sợ hay lo
ngại này có lẽ là vì cho đến nay ít ai hiểu rõ về tổ chức Hồi-giáo cực đoan
này. Trong khi Hoa Kỳ đã giành ra hơn cả một thập niên qua để tìm hiểu và phân
tích Al Qaeda và những tổ chức đồng đảng hay dư đảng của chúng để dễ dàng khống
chế hay tiêu diệt khi cần thiết, cho đến nay các viên chức Mỹ dường như không
biết rõ về cơ cấu cũng như giới lãnh đạo của tổ chức, ngoại trừ những thông tin
có được về một nhân vật tự phong là lãnh chúa của vương quốc Hồi-giáo này là
Abu Bakr al-Baghdadi.
CHÂN DUNG TÂN TRÙM KHỦNG BỐ
Abu
Bakr al-Baghdadi
Mặc dù được nổi tiếng nhanh chóng cùng với quyền
lực tóm thu được khá mạnh chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng cho đến nay, có
lẽ người ta chỉ mới biết về nhân vật này qua 2 tấm hình được coi là xác thực về
tay trùm chiến binh thánh chiến mạnh nhất. Tấm hình thứ nhất của Abu Baghdadi
cho thấy một người đàn ông nghiêm nghị với khuôn mặt hơi bầu bĩnh. Tấm hình thứ
nhì do chính quyền Iraq
đưa ra hồi tháng Giêng năm nay cho thấy một khuôn mặt không cười với hàm râu
rậm trong một bộ veste màu đen. Tấm hình không lấy gì làm rõ nét, có vẻ như là
được chụp lại từ một tấm hình khác.
Abu Baghdadi
do Bộ Nội Vụ Iraq
cung cấp
Nét lờ mờ trên
tấm hình của Abu Baghdadi có thể cũng thích hợp để mô tả về một nhân vật hiện
đang mang đầy huyền thoại. Được tạp chí Time phong là “nhân vật nguy hiểm nhất
trên thế giới”, và nhật báo Le Monde của Pháp xưng là “một tân Bin Laden”, tay
trùm khủng bố này trước đó không lâu được coi như là một thứ “vô danh tiểu
tốt”, xen lẫn nhiều chi tiết có phần huyền bí sau khi đã thành công trong chiến
dịch hành quân thần tốc chiếm được Mosul, thành phố chiến lược quan trọng và
lớn thứ nhì của Iraq chỉ trong một thời gian ngắn, và từ đó coi như kiểm soát
được một vùng đất rộng lớn còn hơn nhiều quốc gia trong vùng. Cho đến nay,
nhiều tin tức liên quan đến anh ta đều thuộc loại chưa được kiểm chứng chính
xác, hoặc bị phủ nhận bởi nhiều người khác, khiến khó ai có thể phân biệt rõ
đâu là sự thật và đâu là huyền thoại được thêu dệt.
Nhưng điều
người ta có thể biết chắc là Bagdadi là một chiến lược gia rất tinh ma, biết
cách quyên tiền rất hữu hiệu và cũng là một tay “hung thần ác sát” rất khiếp
đảm. Chính quyền Mỹ đã treo giải thưởng 10 triệu Mỹ kim trên đầu anh từ nhiều
năm qua. Từ một chiến binh tầm thường, anh ta củng cố dần quyền lực để cuối
cùng dám ly khai và lật đổ được bộ tham mưu của Al Qaeda ở Iraq vào tháng
6/2013; rồi sau đó tung hoành tại nơi đây và Syria, tiến chiếm nhiều vùng đất
bị cả 2 chính quyền Syria và Iraq bỏ lơ, với chiến thắng nổi bật nhất là chiếm
được thành phố chiến lược Mosul vào tháng trước.
Chỉ trong một
thời gian ngắn chỉ huy các đợt tấn công và tàn sát đẫm máu, Baghdadi giờ đây có
lẽ đã nổi tiếng vượt qua mặt thủ lãnh Al Qaeda là Ayman al-Zawahiri kể từ ngày
Bin Laden đã bị hạ sát bởi các toán biệt kích của quân đội Mỹ. Theo bình luận
gia David Ignatius của nhật báo Washington Post, một viên chức cao cấp về tình
báo Hoa Kỳ đã chia sẻ với ông rằng “hắn ta đích thực là truyền nhân kế thừa của
Osama bin Laden. Hắn ta bạo động hơn, nguy hiểm hơn, và chống Mỹ cực đoan hơn.”
Bằng chứng
điển hình là giờ đây tổ chức ISIS của Baghdadi đang tuyển mộ nhiều chiến binh
ly khai từ nhiều chi nhánh tàn dư của Al Qaeda dưới quyền của Zawahiri, trong
đó có chi nhánh tại Yemen
cũng như nhóm al-Shabab tại Somalia .
Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì trong vòng 10 năm qua, nhân vật số 2 của Al Qaeda
đã phải chui rúc ẩn núp trong những hang động dọc theo biên giới của Pakistan
và A Phú Hãn để tránh bị phát giác và tiêu diệt bởi quân lực Mỹ. Trong khi đó
thì Baghdadi đã tung hoành ngang dọc và đạt được nhiều thành quả đáng kể chỉ
trong một thời gian ngắn: chiếm giữ được nhiều thành trì, thu hút được một số
lượng đông đảo các chiến binh quy về dưới trướng, gieo rắc kinh hoàng cho dân
quân tại những nơi đã đi qua với chính sách bắn giết không khoan nhượng trên
hai vùng đất Syria và Iraq. Trong đầu của những tay Hồi giáo quá khích sẵn sàng
lao mình vào cuộc “thánh chiến” để mong sớm lên thiên đàng gặp đấng Allah và
được thưởng công với 72 nàng thiếu nữ đồng trinh, thì chuyện gia nhập vào đội
quân ISIS của Baghdadi có lẽ là con đường ngắn nhất để thực hiện ước muốn cuồng
điên của mình.
Là một người
gốc Sunni sinh ra tại thành phố Samarra vào năm 1971 với cái tên chính thức khá
dài là Awwad Ibrahim Ali al-Samarrai, anh ta tự nhận mình là con giòng cháu giống
chân truyền của đấng tiên tri Mohamed. Tiểu sử được lưu truyền trong giới chiến
binh thánh chiến cho biết Baghdadi được lớn lên trong một gia đình rất mộ đạo,
với nhiều chú bác và các anh em đều là những giáo sĩ hoặc các thầy giáo. Tiểu
sử cũng nói rằng anh ta đã từng theo học tại Đại học Hồi-giáo ở Baghdad đến cấp tiến sĩ,
điều này có lẽ giải thích vì sao một vài bí danh của anh ta có thêm tước vị
“Dr.”
Baghdadi gia
nhập lực lượng phiến quân có lẽ vào khoảng thời gian khi Hoa Kỳ đổ bộ tiến
chiếm Iraq vào tháng 3 năm 2003 để lật đổ lãnh tụ Saddam Hussein. Đến năm 2005
thì anh ta bị lực lượng Mỹ chặn bắt và sau đó đem giam giữ tại Căn cứ Bucca ở
miền nam Iraq .
Chính trong thời gian này và tại nơi đây người ta mới bắt đầu có được tấm hình
chính thức của anh ta. Và có lẽ chính tại nơi này mà Baghdadi có dịp làm quen
và sau đó theo chân các chiến binh của Al Qaeda. Trong thời gian này, thủ lãnh
của một tổ chức phiến quân có thực lực nhất có tên là Abu Musab al-Zarqawi, sau
đó tự nguyện thần phục Bin Laden và được phong là Tiểu vương (emir) của Al
Qaeda tại Iraq.
Chính tổ chức
của Zarqawi và nhiều nhóm phiến quân khác đã góp phần không nhỏ trong việc gây
bất ổn tràn lan tại Iraq và khốn đốn không ít cho nhiệm vụ giữ an ninh và bình
định của quân đội Mỹ. Cung cách tấn công của các nhóm này là qua nhiều vụ ôm
bom cảm tử hoặc gài bom nội hoá khắp nơi, không những gây thiệt mạng và thương
vong cho lính Mỹ mà cũng còn giết nhiều người Iraq, dẫn đến tình trạng nội
chiến tràn lan và đẫm máu giữa hai phe Sunni và Shiite. Dù đã ẩn núp kỹ tại
nhiều nơi bí mật, nhưng cuối cùng Zarqawi cũng bị lực lượng tình báo Mỹ phát
giác nơi ẩn trú vào năm 2006, và đã bị thiệt mạng khi Không lực Mỹ cho thả 2
quả bom tinh khôn đánh sập tan tành toà nhà y và đồng bọn đang trú ẩn cùng với
vợ con.
Có thể một
phần do may mắn vì không bị sát hại như nhiều thủ lãnh của Al Qaeda tại Iraq
trong thời gian đó, Baghdadi leo dần lên nấc thang quyền lực để đến năm 2010
thì trở thành lãnh tụ, tuy rằng vào lúc này, phong trào chống Mỹ đã xìu xuống
và thực lực của Al Qaeda đã bị hao mòn rất nhiều, nhất là sau khi Osama bin
Laden đã bị tiêu diệt và quân đội Mỹ sửa soạn rút khỏi chiến trường Iraq.
Nhưng đúng vào
lúc ấy thì tình hình tại Syria
bỗng chuyển hướng với cuộc nổi dậy chống lại nhà độc tài Bashar Assad nổi lên,
sau đó chuyển sang thành một cuộc nội chiến. Tình trạng bạo loạn và bất ổn dẫn
đến một khoảng trống quyền lực tại nhiều vùng ở phía đông là nơi mà chính quyền
ở thủ đô Damacus không kiểm soát được. Các nhóm phiến quân nhờ đó mà tha hồ tung
hoành, với nhóm ISIS được coi như là hùng mạnh nhất, quy
tụ được khoảng 12,000 tay súng, trong đó có khoảng 3,000 tay cực đoan đổ về từ
nhiều quốc gia phương Tây, theo như con số ước lượng bởi cơ quan Soufan Group
chuyên nghiên cứu về tình báo.
Sự lớn mạnh
của tổ chức ISIS cũng nhờ ở điểm may mắn là
trong thời gian đó, chính quyền Damacus gần như không nhắm đến đối thủ này mà
chỉ dồn sức lực để tiêu diệt các nhóm phiến quân lẻ tẻ và yếu ớt khác. Chính vì
thế mà mới đây, Syria đã nhanh chóng lên tiếng cho rằng họ sẵn sàng hợp tác với
bất cứ quốc gia nào, kể cả Hoa Kỳ, để có thể đối phó với ISIS. Trong cuộc họp
báo vào sáng thứ Hai 25/8, Ngoại Trưởng Walid al-Moualem của Syria nói rằng họ
sẵn sàng hợp tác với các nước như Hoa Kỳ, Anh Quốc và Saudi Arabia trong cuộc
chiến chống lại tổ chức ISIS, dù rằng cả 3 quốc gia này đều ủng hộ phe phiến
quân đòi lật đổ chính quyền của lãnh tụ Bashar Assad.
Hiện nay, bộ
máy chống khủng bố của các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đang dồn nhiều nỗ lực để
nghiên cứu về nhân vật trùm khủng bố mới này cũng như tổ chức ISIS. Phát biểu
trong cuộc họp báo vào tuần trước, Tổng Trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel nói rằng
“chúng ta cần phải sửa soạn cho mọi tình huống. Và cách hay nhất là chúng ta
hãy bình tĩnh, lạnh lùng nghiên cứu vấn đề để có thể sẵn sàng đối phó.”
Theo nhiều
chuyên gia nhận định, việc các nhóm hay cá nhân muốn thực hiện những vụ khủng
bố trong nội địa Hoa Kỳ giờ đây thật ra rất khó khăn hơn nhiều so với thời gian
trước vụ 9/11 vào năm 2001, do bởi nhiều chính sách và kế hoạch thay đổi lớn
lao để ngăn chặn không cho những tay quá khích có thể lọt được an toàn vào nước
Mỹ, cũng như ngăn chặn những ai có tham vọng thực hiện những vụ tấn công khủng
bố.
Tuy vậy, điều
đó cũng không có nghĩa là tổ chức ISIS không
thể trở thành một mối hiểm hoạ cho vùng Trung Đông. Theo nhận định của Jarret
Brachman, chuyên viên cố vấn cho Hoa Kỳ về các tổ chức khủng bố và cũng là tác
giả cuốn sách Global Jihadism (Chủ thuyết Thánh Chiến Toàn Cầu) thì người ta có
quyền lo ngại trước viễn ảnh ISIS có thể tạo nên một tình trạng bất ổn trong
vùng. Không những chỉ có các nước Syria, Iraq phải lo sợ mà ngay cả những nước
lân cận như Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Saudi Arabia cũng phải e ngại nếu như tổ chức
ISIS cứ tiếp tục lớn mạnh để khuyếch đại tinh thần thánh chiến cực đoan của
nhiều phần tử Hồi-giáo đầy cuồng vọng.
MAI LOAN
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.