Tuesday, September 16, 2014

Nghề làm Quan trong thiên đường XHCN

image
Cách đây vài tuần, vài phóng viên hỏi tôi về việc ông David Dương, CEO của một công ty thu nhặt rác trúng gói thầu 2.7 tỷ đô la của thành phố Oakland, California. Tôi không biết gì về ông David Dương và về ngành quản lý rác nên từ chối trả lời.
Theo chủ quan, bất cứ một công ty Việt kiều nào sống được trong môi trường cạnh tranh của Mỹ đều có sự kính nể của tôi. Doanh nghiệp CWS của ông David Dương thành công quá hay đẹp thì sự thán phục của tôi là đương nhiên và tuyệt đối.

image
Tuy nhiên, tuần rồi khi ghé Saigon, tôi được một người bạn học cũ mời xuống vùng đồng bằng Cửu Long dã ngoại và thư giãn trên sông nước Tiền Giang. Một đứa cháu của ông đang làm Bí Thư một quận nhỏ là “chủ xị” (host) và theo phong tục, chuyện “nhậu” suốt ngày là một truyền thống của cả dân tộc Việt, chứ không riêng gì vùng này. Tôi chỉ hơi ngạc nhiên là trong ngày thứ sáu, cả bộ quản lý hành chánh của quận đều say xỉn thế này thì ai lo phục vụ các “ông bà chủ của đất nước”. Ồ, chuyện nhỏ mà bác. Ngày nào không nhậu thì đời mất đi mất phần. Nghe tụi nhỏ hát nè…em ơi, có bao nhiêu năm….

Rồi họ nhắc đến ông David Dương và con số 2 tỷ 7 khế ước. Tôi giải thích. Hợp đồng là cho 20 năm đồng nghĩa với 135 triệu đô mỗi năm. Để phục vụ nhu cầu rác cho số dân 400 ngàn người của Oakland, công ty CWS phải đầu tư vào hơn 100 xe rác mới, 250 nhân viên…và nhiều cơ sở phụ thuộc khác, có thể lên đến cả trăm triệu đô. Ai đã từng làm dịch vụ chăm sóc khách hàng ở Mỹ đều hiểu cái khó tính và thích kiện thưa của dân Mỹ. Tóm lại, để thu về 135 triệu đô mỗi năm, ông Dương sẽ bạc tóc rất nhanh vì như luật Murphy,” if anything could go wrong, it will…”.

image
Rồi nói đến chuyện tiền bạc. Ngoài việc chạy quanh các ngân hàng để lấy tài trợ cho dự án, ông Dương còn phải trách nhiệm hàng ngày cho hệ thống điều hành, lương và phúc lợi cho hơn vài trăm nhân viên (rất nhiêu khê với lao động Mỹ) và ngàn thứ việc ly ty khác. Tất cả đều cần tiền ứng trước. Bù lại, nếu mọi chuyện trôi chảy êm thắm (cần hiệu năng tối đa cộng vài phép lạ) và không bị một sự cố hay tai nạn gì (Murphy’s law), cổ đông của CWS có thể kiếm khoảng 4 triệu đô lợi nhuận mỗi năm (tôi dùng con số tốt nhất từ các công ty cho ngành nghề này là 3% theo S&P).

Nếu ông Dương làm chủ 50% tổng cổ phiếu thì thu nhập hàng năm từ khế ước này là 2 triệu đô. Sau khi trừ thuế, ông có thể đem về nhà hơn 1.5 triệu đô. Đây là con số đáng trân trọng vì thu nhập trung bình của dân Mỹ chỉ hơn 50 ngàn đô. Đây là công lao xứng đáng vì ông Dương đã phải vất vả xây dựng doanh nghiệp mình suốt 20 năm qua trước nhiều thử thách và nghịch cảnh.

image
Trên đường về lại Saigon hôm đó, người bạn cười với những chi tiết này. Ông nói thằng cháu bí thư của ông cũng có thu nhập khoảng đó mỗi năm, mà không “tóc bạc” như ông Dương. Ngoài việc nhậu với thủ hạ và đối tác “làm ăn” mỗi ngày, cháu ông chỉ cần có mặt với đầy đủ “phong bì’ trong các tiệc cưới, đám ma, đám giỗ, tiệc sinh nhật, tiệc thượng thọ …của gia đình các “xếp”. Nỗi lo duy nhất của anh ta là gan thận xuống cấp, máu nhiễm mỡ, đái đường…vì ăn nhậu.

image
Ông bạn làm tôi thêm “guilty” vì những lời khuyên các bạn trẻ Việt về việc khởi nghiệp và tìm cho mình một con đường độc lập. Đứa con ông bạn đi trên xe bình luận,” chú rất có lý, nhưng nghĩ cho cùng, gia nhập đảng Cộng Sản để làm quan…vẫn là một lựa chọn khôn ngoan hơn. Chú cứ đợi, trong 20 năm, cháu sẽ kiếm tiền gấp trăm lần ông David Dương và bảo đảm là sẽ không có sợi tóc bạc nào”.

Giá trị kinh tế của quan chức…

image
Ai đã học MBA chắc nhớ câu chuyện khôi hài này. Một ông vào tiệm nuôi thú hỏi mua một con vẹt biết nói làm quà cho vợ (chắc ông nghĩ có nó thì vợ mình sẽ im bớt chăng? đàn ông lúc nào cũng ngu?). Cô bán hàng nói giá 1 ngàn đô cho con này. “Ồ, sao đắt thế” “Nó biết hát nữa cơ” Cô ra dấu và con vẹt ca ngay bài “năm anh em trên 1 chiếc xe tăng”. Ông khách khoái lắm, nhưng hỏi thêm “Còn con này?” “Nó đến 2 ngàn đô, vì ngoài hát, nó còn biết đi diễu hành, nhẩy múa và thuộc lòng 20 bài diễn văn quan trọng của XHCN” Ông khách chỉ vào con thứ ba. Cô bán hàng,” Bác trả nổi không? 4 ngàn đô đấy.” “Nó biết làm gì?” “ Không biết làm gì cả. Nhưng 2 con kia gọi nó là – Đồng chí lãnh đạo -”.

Đóng góp của nghề làm quan

Sau bài viết về máu làm quan của thế hệ 9X, tôi nhận khá nhiều phản hồi. Một bạn đọc ấm ức là nghề làm quan cũng là một đóng góp cao quý cho xã hội và nhiều ông quan cũng rất tốt và liêm chính. Ông bạn này hiểu lầm tôi rồi. Chăc chắn không có nghề nào xấu và tôi đã từng gặp nhiều người quân tử hành nghề đạo chích (và ngược lại). Vì đây là góc nhìn về kinh tế, nên tôi xin được bỏ qua chuyện đạo đức và chánh trị, mà chỉ xin phân tích khía cạnh giá trị đóng góp thực sự của các quan chức trong quy trình sản xuất hàng hóa và dịch vụ của một quốc gia. Đây mới thực sự là tài sản và thu nhập chính yếu làm “dân giàu nước mạnh”; không phải là các số liệu thống kê mơ hồ như GDP, CPI hay “chỉ số hạnh phúc”.

Trước hết, ở các nước theo kinh tế thị trường, phần lớn công chức được coi như trọng tài. Nhiệm vụ của họ là đặt ra luật lệ của sân chơi và theo dõi giám sát không cho cầu thủ nào phạm luật. Vì vậy, trong 22 vận động viên của trận bóng đá, chúng ta có 3 trọng tài. Trong vận hành nền kinh tế quốc gia, công chức Mỹ không được phép làm gì liên quan đến việc kinh doanh, vì mọi lạm dụng quyền lực sẽ gây bất công trên thị trường. Tóm lại, sự đóng góp của lãnh vực công trong quy trình sản xuất hay cung cấp dịch vụ gần như không có. Tuy nhiên,  mọi tiêu xài của chánh phủ qua tiền thuế hay nợ công đều được tính vào GDP tạo cảm giác là chánh phủ cũng góp phần tạo dựng tài sản quốc gia. 
Đây là một huyền thoại.

image
Ở các nước có những “định hướng” lạ lùng khác, đôi khi trọng tài lại nhiều hơn cầu thủ, gây rối rắm cho cuộc chơi. Câu nói “vừa đá bóng vừa thổi còi” là một hiện tượng dễ thương ở các xứ này. Vì có quyền lực, nên luật lệ sân chơi cũng thiên về các “trọng tài-cầu thủ” này, còn gọi là các nhóm lợi ích. Họ độc chiếm các vị trí cốt lõi và dĩ nhiên, luôn luôn thắng giải đấu, dù có chơi dở hay ngay cả khi không thèm chơi.

Nghề làm quan đang ở chu kỳ thịnh vượng

Trên thế giới, nghề làm quan là một nghề có tốc độ tăng trưởng tốt. Ngay cả nuớc Mỹ, một nước mà người dân thường khinh rẻ chính trị gia và quan chức, nghề này cũng đã phát triển mạnh mẽ. Khi tôi qua Mỹ học vào 1963, các chánh phủ liên bang, tiểu bang, làng xã…tiêu xài khoảng 18% của GDP. Hiện nay, con số đã gia tốc đến 40 phần trăm, tổng cộng 5 ngàn 800 tỷ đô la mỗi năm. Số công chức ngày xưa tổng cộng khoảng 8 triệu người nay đã lên đến 22 triệu. Trong khi cả nước Mỹ suy thoái kinh tế vì giá bất động sản vỡ tung, nhà cửa các quận ngoại ô quanh thủ đô Washington DC lại tăng giá chóng mặt vì số lượng quan chức dưới triều đình Obama gia tăng ngùn ngụt. Hiện tượng này không chỉ giới hạn ở Washington DC mà còn phổ thông ở khắp nơi trên mọi thủ đô của thế giới. Roma, Paris, Moscow, Beijing, Tokyo

Trong khi đó, theo thống kê chính thức, Việt Nam có tổng cộng khoảng 2 triệu công chức, chưa kể quân đội và các lực lượng an ninh (thêm 1 triệu người). Nếu tính đổ đồng, chánh phủ tiêu xài khoảng 34% của GDP, một con số khá lớn so với các quốc gia láng giềng như Singapore (19%) và Thái Lan (18%).

image
Các con số trên không bao gồm số công chức trong hàng ngũ nhân viên của doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Theo một thống kê không chi tiết lắm của các chuyên gia chánh phủ, DNNN sử dụng 52% vốn của quốc gia, nhưng chỉ đóng góp 24% GDP. Nói kiểu nhà quê là năng suất họ bằng khoảng 50% nhân viên làm ở lĩnh vực tư, hay 2 người làm việc của 1 người, hay 1 người ăn lương lậu gấp đôi một người cùng làm một công việc.

Sản xuất cần lãnh đạo?

image
Do đó, nếu gộp chung mọi con số với nhau thì ở Việt Nam có 21 triệu nhân công và doanh nhân phải làm việc để đóng thuế và lãnh nợ cho 3 triệu quan chức ngồi “lãnh đạo”. Dĩ nhiên là chúng ta cần lãnh đạo để đất nước được thăng hoa và ổn định; nhưng theo kinh nghiệm của mấy ngàn năm lịch sử, càng nhiều lãnh đạo thì người dân càng nghèo. Một đứa trẻ lên 3 cũng hiểu rằng cả gia đình chỉ “sản xuất” được 5 bát cơm, mà tới 10 miệng ăn thì có đứa phải đói. Gặp cha mẹ tham lam, ăn luôn phần con cháu thì các em chỉ từ bị thương đến chết yểu.

Đức Phật nói “tham, sân, si” là cội rễ của mọi đau khổ của thế nhân. Tôi nghĩ căn tính “làm quan” là một tổng hợp của các cội rễ này, do đó, là một bệnh tâm thần khá nặng của con người. Sự say mê danh vọng, hào quang, thành tích, sĩ diện, làm cha mẹ dân, để tiếng cho lịch sử, làm thánh sống (hay chết), ăn trên ngồi trước…đã gây nên bao đại họa cho bao triệu sinh linh trong quá khứ qua những bài học mà lịch sử không thể che dấu.

Thậm chí, cả trăm ngàn người dân của thành Troy và của quân Hy Lạp đã hy sinh về nước Chúa sớm vì chàng hoàng tử Trojan mê say bà vợ của vị vua láng giềng. Sau khi cả hai đã chạy theo tiếng sét ái tình, vị vua “vĩ đại” mất sĩ diện nên đem hơn 120 ngàn quân trên 1,100 chiến thuyền để tiêu diệt Troy.

Cho nên khi tôi nghe ngài Tập Cận Bình qua đây để lập Viện Khổng Tử đề xướng lại chủ nghĩa “quân, sư, phụ” (ủa, chuyện XHCN của Trung Quốc đi đến đâu rồi?) tôi nghe khiếp vía cho dân Tàu và các nô lệ. Dĩ nhiên, đạo Khổng phức tạp nhiều, nhưng ông Tập và các lãnh tụ chỉ muốn thần dân nhớ một điều: vua bảo dân chết thì dân phải chết để báo trung. Các phim TV của Tàu chiếu đi chiếu lại đề tài này. Một đệ tử của Tàu, cố lãnh tụ Kim Jong Il đã từng dọa đánh Hàn Quốc vì bọn này dám cứu sống một bà diễn viên mà ngài Kim mê say và sai thuộc hạ bắt cóc đem về Bắc Triều Tiên. Không biết cậu bé 28 tuổi con của ngài Kim hiện mê say món gì?

Một con ong nuôi 20 con ruồi

image
Nói chung, giá trị kinh tế của quan chức thì không nhiều; nhưng ảnh hưởng của nó trên phương diện xã hội thì vô cùng to lớn.
Trong 3 thập niên vừa qua, không hiểu sao dân số ong tại Bắc Mỹ bị giảm hơn phân nửa, gây thiệt hại nặng cho kỹ nghệ mật ong và môi trường sinh thái của hoa trái. Dr. John Hafernik tình cờ tìm ra nguyên nhân là một loại ruồi ký sinh trùng xâm nhập và đẻ trứng vào cổ các con ong. Một con ruồi li ti có thể sinh ra khoảng vài chục con và dùng thân thể ong làm thực phẩm để sinh sống, ngay cả khi con ong đã chết. Ruồi cũng chết theo nhưng chỉ sau khi phân hủy hoàn toàn thân xác ong.

Tôi nghĩ đến các xã hội với những thành phần ký sinh trùng đang bám chặt như bầy đĩa đói. Có hơi chua xót là những người tạo dựng tài sản thực sự cho quốc gia lại chết trước những kẻ ăn không ngồi rồi.




Alan Phan


image

Thuyết âm mưu: về phiến quân IS
Chương trình nhận con nuôi ở Việt Nam
Làm sao vào Top 10 đại học quốc tế?
Việt Nam hết người rồi chăng!?
Chợ Chạy ở Sài Gòn
Thương binh James Thạch dùng nỗi đau của mình xoa ...
Liệu chúng ta có thể đánh bại tổ chức Quốc Gia Hồi...
Cấm vận phương Tây đè nặng trên kinh tế Nga
Chính quyền biến đường bêtông thành đường đất
Cuộc chiến bị lãng quên
Mẹ tôi trong Cải cách ruộng đất
Báo ''Người Hà Nội": Chị Cả Bống
Chúng tôi mọc rễ và yêu thương...
Ước gì con không phải đi du học!!!
Bát bún riêu
Tại sao phải bắt Đặng Chí Hùng?
Hãy xứng đáng với sự hy sing của những Anh Hùng, T...
Peter Tân Hoàng bị bắn chết ở Australia
Bí mật Thành Đô đã được Trung Cộng bật mí
Triển lãm CCRĐ: Khoét thêm vết thương để bao che t...
Giáo dục học sinh căm thù điền chủ Nguyễn Thị Năm
10 đặc điểm của Gmail
Hà Nội hay Sài Gòn, ở đâu 'dễ sống' hơn?
Nhà hoạt động Nguyễn Xuân Nghĩa ra tù
Triển lãm "cải cách ruộng đất" đóng cửa vì "thiếu ...
Tầm quan trọng của Đảo Thị Tứ
Tại sao không hòa hợp hòa giải?
Vai trò của các mạng truyền thông xã hội
Hà Nội hốt hoảng tung nhiều tư liệu để tuyên truyề...
Tin tức liên quan đến tên công an Nguyễn Đức Chươn...
Câu chuyện cái đũa
Đảng ta triển lãm: “cải cách ruộng đất”
Trung Cộng làm gì ở Trường Sa?
Nỗi oan cô Phượng
Dân: biết không được cấm_Đảng: cấm không được biết...
Vai trò của HCM trong Cải cách ruộng đất
Nhiều người Việt từng bị lừa...
Binh nhất Mỹ và Đại tướng Việt
Chuyện tình cảm động của bà Aung San Suu Kyi
Đài Loan: Hàng trăm tấn dầu ăn từ rác thải

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.