Wednesday, September 17, 2014

Trái đất vẫn quay

image
Ở trên đời này việc gì cũng có thể xảy ra, biết như thế rồi nhưng có những sự việc diễn ra mà chúng ta vẫn không thể nào tin đó là sự thật. Mà nói cho cạn cùng thì sự thật vẫn là sự thật dù ta muốn hay không muốn chấp nhận, cuối cùng thì mọi người cũng phải thỏa hiệp với muôn vàn sự vô lý để cho đỡ đau đầu, để cho đời sống dễ dàng hơn và dĩ nhiên trái đất vẫn quay.
Tin động trời như một quả bom phát nổ trong cộng đồng người Việt ít ỏi ở một thành phố thuộc Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ. Ít người chưa hẳn đã ít chuyện, nhưng điều đó cũng chẳng có chi quan trọng, đã là đồng bào với nhau thì dại gì mà không nói tiếng mẹ đẻ cho đã cái miệng. Ở đời này không gì sung sướng bằng được nói bằng ngôn ngữ cuả chính dân tộc mình. Ở sở, ở chốn công cộng, ngay đối với hàng xóm cũng hót tiếng Mỹ, tiếng Anh cả ngày. Vậy thì khi có điều hay, lẽ xấu dại gì không nói tiếng Việt Nam với nhau. Nhiều chuyện ư? Có gì phải mắc cỡ, người mình ở đây ai cũng bị kết tội là nhiều chuyện cả, những sắc dân khác chắc gì họ không nhiều chuyện như dân Việt nam mình? Who cares?

Tin động trời, cô Được lấy chồng Mỹ. Ở Hoa Kỳ mà lấy chồng Mỹ thì có chi là lạ dù cô đã bước vào tuổi 50 đã hơn 5 năm rồi, ở xứ Mỹ này đàn bà 60, 70 tuổi còn kết hôn rầm rầm mà có chết ai đâu! Trái đất vẫn quay. Chuyện là thế này: cô Được là vợ ông Lắm, Được Lắm lấy nhau mấy năm trước khi đi qua Mỹ theo diện H.O. và với nhau 3 mặt (con trai có, gái có, mà chết cũng có). Cô Được cũng như phần đông phụ nữ khác ưa kể lể, khóc lóc mỗi khi có chuyện“cơm không lành canh không ngọt” với ông chồng rằng:
- Thật là tệ bạc, ở với nhau bao nhiêu mặt con, sống có chết có, mà ổng đối với tôi cũng chẳng ra chi, nhiều khi tôi muốn bỏ cho rồi nhưng chỉ thương mấy đứa nhỏ, sợ chúng buồn!
Mọi người đều biết tuy hai vợ chồng có tên ghép là Được Lắm nhưng đời sống hạnh phúc gia đình họ không được lắm. Nói thì nghe vậy thôi chứ cũng chẳng ai bận tâm đến gia đình Được Lắm nhiều, bởi họ cũng chẳng có gì đặc biệt trong cộng đồng người Việt ở thành phố này. Mà con cái họ thì cũng chẳng có gì xuất sắc hay quậy phá ai, ở xứ này đôi khi con cái làm cho cha mẹ nổi tiếng, đại khái như: nhà ông Hùng có ba người con ra Bác Sĩ, bà Lệ Hoa có đứa con gái thi đậu Hoa Hậu trong thành phố, anh Jimmy Tư có thằng nhỏ được nhận vào làm City Hall sáng nay. Hay tệ hơn như: nhà ông Peter Kiệt có thằng con đi tù vì cạy cửa tiệm tạp hóa của cô Cindy, con bà Ba Lê bị nghi là đốt tiệm ăn để kiếm tiền Insurance…vân vân và vân vân.
Tuy không “được lắm” qua lời than thở của cặp vợ chồng Được Lắm nhưng họ vẫn sống với nhau được 18 năm từ khi dắt díu nhau qua định cư ở Hoa Kỳ (chưa kể thời gian ở Việt nam). Ông Được đi làm ở công ty nào đó, ông thuộc loại đàn ông ưa chải chuốt, ăn mặc bảnh bao khi xuất hiện trước đám đông và ưa tỏ vẻ là một con người trí thức, đặc biệt ông rất ghét Việt Cộng vì đã ở tù hơn 5 năm trong trại cải tạo. Ghét đến nổi mỗi khi xem đài truyền hình từ Việt Nam thấy người xướng ngôn viên mặc đồ vest, thắt cà vạt đang nói thao thao thì ông gầm lên:
- Đồ khỉ trong rừng bò ra mà cũng bày đặt đóng bộ, chải đầu, trông chẳng giống ai!
Những lúc đó cô Được vội lên tiếng:
- Thì kệ người ta, mắc mớ chi đến ông, ông không thích thì đừng coi.
Ông Lắm la to:
- Bà biết gì, tôi cứ coi mà chửi thì tôi cứ chửi thì có được không? Thằng nào, con nào có quyền cấm tôi coi, có quyền cấm tôi chửỉ?
Vậy là vợ chồng gấu ó, to tiếng vì những chuyện đâu đâu. Có người góp ý rằng: việc gì phải coi đài truyền hình phát từ Việt Nam, ở xứ này không coi đài Mỹ được thì thiếu gì đài truyền hình Việt Nam Hải Ngoại.
Ông Lắm đôi lúc cũng tham gia những công việc cộng đồng nhưng ông góp ý nhiều hơn là làm. Ông khuyên mọi người phải làm thế này, thế nọ, chỉ trích anh đó, chị kia làm không đúng nguyên tắc, không hợp lý nhưng đến khi người ta yêu cầu ông làm việc gì thì ông có ngay lý do để từ chối. Nói tóm lại, ông là kẻ thích nói hơn thích làm. Trong gia đình, lúc nào ông cũng phàn nàn cô Được là một người đàn bà không có học, không hiểu biết, không nói được một câu tiếng Mỹ cho ra trò, ý ông nói là không xứng đáng với ông. Ông học hành, khoa bảng đến đâu không ai biết, ông làm gì dưới chế độ cũ mà bị đến 5 năm tù cũng không ai hay. Nhưng qua lời tâm sự của cô Được thì cuộc hôn nhân giữa cô và ông Lắm không được gia đình tán thành lắm, nhưng cô làm theo lý lẽ của con tim vì cô ta thương ông, một người tù cải tạo về nhà bị vợ ruồng bỏ mà cô thì chưa có đời chồng nào. Cô lấy ông khi ông còn nghèo, lúc ấy chưa ai biết mình sẽ được đi Mỹ theo diện H.O.
Lý lịch cô Được thì ai cũng biết vì tính cô thật thà, ưa tâm sự nhất là những lúc vừa cãi nhau với chồng xong. Cô xuất thân từ một gia đình buôn bán, đông con, cô đi học đến lớp 5 thì không thích đến trường nữa không phải vì nhà nghèo mà vì thích đi buôn. Cô khoe lúc nhỏ đi buôn ra đường không ai dám ăn hiếp vì cô rất đanh đá, dữ dằn đã từng đánh lộn để giành hàng, giọng cô the thé, có âm điệu cao nên chắc chắn chửi lộn sẽ là người thắng cuộc. Cô còn kể có nhiền lần đi buôn xa phải đóng thuế cho quân Giải Phóng Miền Nam nữa, mọi người le lưỡi khi nghe nói có lần cô bị bắt bởi Lực Lượng An Ninh Việt Nam Cộng Hòa vì bị nghi ngờ tiếp tế cho Cộng Sản. Sau đó cô Được than van, kể lể, khóc lóc là phải đi buôn giúp cha, giúp mẹ chứ cô không hề tham gia vào một tổ chức nào, họ thấy tội nên chở cô về nhà và từ đó cô sợ không dám đi buôn xa nữa (theo cô thì lính Việt Nam Cộng Hòa tử tế.) Cô Được không có xu hướng chính trị nào cả, đời cô chỉ biết buôn bán, làm ăn, có chồng lo cho chồng, có con lo cho con, thế thôi. Cô chỉ biết Tổng Thống Ngô Đình Diệm khi theo cha mẹ vào Nam, biết ông Hồ Chí Minh là Bác của Cộng Sản Việt Nam, biết Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, biết Ông Nguyễn Cao Kỳ. Thời kỳ còn ở Việt Nam sau năm 75, cô phải lo buôn bán để giúp gia đình trong lúc khốn khổ nên cũng chẳng biết ai là Nguyễn Văn Linh, ai là Tôn Đức Thắng. Qua Đến Mỹ cô biết ông Bill Clinton, ông Bush và nay là ông Obama, thế là đủ, đủ với cô nhưng không đủ với chồng cô cho nên cô hay bị chồng phàn nàn là kém hiểu biết.
Tuy nhiên, cô Được là một người đàn bà chăm chỉ, ngoài công việc làm ở hãng cô còn nấu nướng làm bánh trái bỏ cho các tiệm Việt Nam. Cô không se xua quần áo, không son phấn, giầy dép nọ kia như những phụ nữ khác, cô ăn mặc giản dị sạch sẽ mà thôi. Nói về nhan sắc thì cô chẳng đẹp, chẳng xấu, không đen mà cũng chẳng trắng, chẳng cao, chẳng lùn mà hình như cô cũng chẳng chú ý cái vẻ bề ngoài của mình nhiều lắm, chỉ có một lần cô làm cho mọi người cười bò ra khi cô tuyên bố:
- Nếu có tiền tôi sẽ qua mỹ viện Hạnh Phước bên Texas để nâng bộ ngực!
Mọi người đều biết cô chỉ nói thế thôi chứ dù có tiền cô cũng chẳng làm điều đó, cô suốt đời chỉ sống cho chồng, cho con chứ ít khi nghĩ đến bản thân mình. Sở dĩ cô tuyên bố như vậy vì có lần ông Lắm bồ bịch lăng nhăng với một người đàn bà nào đó, ông còn làm thơ để tặng cho người yêu của ông. Người đàn bà kia lấy làm hãnh diện vì quen được với một người trí thức như ông Lắm nên đem những bài thơ tình đi khoe lung tung. Chuyện tình đổ bể ra, cô Được ghen tuông gấu ó chồng, cô chửi người đàn kia một trận nên thân, cô nói với mọi người:
- Con Kim Hoa đẹp có gì hơn tôi mà ổng mê mệt làm thơ tặng cho nó chứ. Đối với vợ con thì keo kiết từng đồng, mở miệng ra là chửi mắng thô lỗ mà đối với gái thì ngọt ngào, lịch sự, rộng rãi …Lại còn thơ với thẩn.
Rồi cô bu lu, bù loa khóc lóc:
- Tôi làm đầu tắt, mặt tối lo cho chồng, cho con mà ông nào biết, còn con Kim Hoa là một con đàn bà chuyên đi dụ khị đàn ông để lấy tiền ăn diện ở thành phố này ai mà chẳng hay. Nó có làm ăn gì đâu, ở nhà ăn food stamp thì được bao nhiêu mà nó cứ phây phâp ăn diện, tiền ở đâu ra, tiền ở đâu ra?
Ông Lắm nói cô Kim Hoa là người có học hiểu được thơ văn ông cho nên ông làm thơ tặng, còn vợ ông là kẻ ngu dốt thì làm gì biết đến văn chương, chữ nghĩa, chỉ biết có tiền mà thôi. Có người góp ý: Nếu biết cô Được không cùng trình độ với ông thì ông đừng lấy cô làm vợ, hơn nữa ngày ông đi tù về bị vợ bỏ, còn cô Được chưa bao giờ có chồng mà chịu về làm vợ một người nghèo xơ, nghèo xác như ông vì cô thương hại cho hoàn cảnh của ông mà thôi chứ không phải cô ế ẩm gì! Kẻ nói qua người nói lại làm ồn ào, mỏi miệng vô số đồng bào ta trong cộng đồng người Việt, một ngày kia cô Kim Hoa tuyên bố một câu rất ư là độc đáo (hay độc ác):
- Ông Lắm yêu tôi ghê lắm, ổng chê vợ ổng có bộ ngực xẹp lép như đàn ông!
Như vậy là hết nói, cô Được nhất định đòi ly dị, phải ly dị người đàn ông bạc bẽo này. Tuy nhiên một thời gian sau thì mọi việc trở nên êm dịu, ông Lắm và cô Kim Hoa nói tiếng giã từ nhau, gia đình Lắm Được không còn ồn ào như xưa. Cô Được chỉ có ý định đi nâng bộ ngực vì câu nói của người tình địch chứ ý nghĩ chưa bao giờ đi đôi với hành động. Người ta lại thấy cô làm ăn quần quật suốt ngày, nấu nướng suốt ngày và hình như đã quên đi lỗi lầm một thuở của ông chồng trí thức.

image
Rồi ông Lắm bước vào tuổi 62, ông về hưu non ở nhà chơi computer hay đi đó, đi đây để có dịp phê phán người này, kẻ nọ nhiều hơn. Mới đầu người ta còn nghe, nhưng nghe nhiều quá (nhất là nghe phê bình) thì mọi người đều chán ông, ông không còn bạn nhiều nữa vì ai cũng thua ông. Hơn nữa trên đất nước người ai ai cũng bận rộn nhiều lắm, người lo đi làm kiếm tiền, người lo nhà cửa vườn tược, cũng có người lo chuyện cộng đồng, nhà thờ, chùa chiền nhưng đa số thì lo làm hơn là nói cho nên ông trở nên cô đơn vì chẳng có tri âm. Một ngày kia, ý tưởng về Việt Nam nhen nhúm trong đầu, ông muốn về thăm quê hương sau hơn 20 năm cách biệt, hơn nữa ông còn mẹ già, anh em bên đó! Trước kia cô Được có về thăm nhà một lần khi mẹ đau yếu thì ông phản đối dữ lắm, ông thề rằng thà bỏ thây xứ người chứ không thèm về với Cộng Sản, ông chê vợ là đàn bà không biết gì về vong quốc hận, thích làm khúc ruột ngàn dặm xa xôi, thích làm Việt Kiều hồi hương, áo gấm về làng ... Cô Được nói:
- Thôi ông đừng nhiều lời, tôi về đây là về thăm nhà, thăm mẹ đang đau yếu, đó là bổn phận của một người con, một người chị. Tháng sau tôi qua Mỹ lại, chứ tôi chẳng phải là đứa ngu đần hay bị bệnh tâm thần mà muốn làm khúc ruột ngàn dặm hay trăm dặm gì ráo, tôi cũng chẳng muốm làm Việt Kiều hồi hương con khỉ khô gì, ngày nào sống với cộng sản khổ như con chó tôi vẫn còn nhớ mà!
Tính cô Được bình dân nghĩ sao nói vậy, cô chẳng cần văn vẻ, thanh tao gì ráo. Bây giờ đến lượt ông Lắm đòi về Việt Nam làm cô hơi ngạc nhiên, cô nói:
- Sao lúc trước tôi về thăm mẹ tôi ông chửi như tát nước, bây giờ ông lại đòi về là nghĩa làm sao?
Ông hơi quê quê nên dịu giọng:
- Tôi chẳng ưa gì bọn Việt Cộng mà về, nhưng ngặt nổi mẹ cũng gần đất xa trời nên dù sao cũng về thăm bà cụ một chuyến, hơn nữa bây giờ tôi cũng về hưu rồi nên đi đứng cũng thong thả.
- Ông nói vậy cũng đúng, để tôi gom góp cho ông một ít tiền về thăm nhà nhưng ông định đi bao lâu?
- Độ sáu tháng thôi!
Cô Được dảy đành đạch như đỉa phải vôi:
- Ông nói cái gì, sáu tháng à? Ông về chi mà lâu vậy hay định về kiếm con nào?
Ông cũng gầm lên:
- Thôi bà đừng ghen tuông bậy bạ nữa, có con ma nào ở bên đó chứ!
Ông tỏ vẻ tức giận nhưng nếu tinh ý một chút cô Được sẽ nhận thấy một thoáng tươi cười làm sáng khuôn mặt vốn lúc nào cũng khó đăm đăm của ông. Nói thì nói vậy thôi chứ cô Được vẫn đưa một số tiền cho ông về Việt Nam, đó là chưa kể số tiền ông dấu riêng cho mình. Ông đi độ hơn hai tháng thì mặt mày cô Được có vẻ ủ ê hơn thường ngày mặc dầu có ai hỏi cô cũng trả lời suông suông như chẳng có gì xảy ra, nhưng nhìn nét đăm chiêu của cô ai cũng đoán là có sự bất thường trong chuyến về thăm quê hương của ông Lắm. Và chuyện phải đến đã đến, cô Được bắt đầu than thở với mọi người rằng chồng cô đã có vợ bé ở Việt Nam, người này thua ông đến 20 tuổi, ông đã mua nhà cho cô vợ bé và tuyên bố sẽ không qua Mỹ nữa, ông đã dự trù mọi việc để chuyển tiền hưu về Việt Nam cho mình. Thông tin này do một người em trai của cô Được đang sống ở quê nhà cho cô hay (vì ngày xưa ông Lắm và cô Được ở cùng chung thị trấn). Ông Lắm còn nói xấu cô đủ điều, ông vẽ cho mọi người trong thị trấn biết về cái chân dung của người đàn bà Việt Nam khi qua Mỹ. Ở đây đàn bà là thứ nhất, con chó thứ nhì rồi thứ ba mới là đàn ông! Đàn bà khi qua đây thì lo học tiếng Anh, lái xe, thi vào Quốc Tịch với hy vọng kiếm được một ông Mỹ và bỏ chồng. Cô Được qua lời tả oán của ông Lắm trở thành một người đàn bà có nanh, có sừng, coi chồng như thằng ở trong gia đình và ông là một người đàn ông rất ư là tội nghiệp (tội nghiệp hay tội chưa xử thì chỉ có ông biết mà thôi).
Cô Được khóc lóc, chửi rũa cho mòn hơi, khản cổ và ra vào nhìn chiếc computer mà ông Lắm ôm ấp đã ngày đêm, bây giờ cô mới hiểu trong thời đại văn minh này người ta có thể ngoại tình bằng chiếc máy quỷ quái kia, tiếc rằng vì cô bận rộn cũng có, lười biếng cũng có nên không kiếm soát được ông chồng trí thức. Ông đã tìm bạn bốn phương trên Internet và hẹn hò trước khi về Việt nam.
Khi cô tru tréo khóc lên thì lũ con nói:
- Chỉ tại mom thôi, làm biếng, làm nhác vì học computer có chi là khó. Làm chả giò, bánh cuốn còn khó hơn, thôi để tụi con giúp mẹ tìm bạn trên Internet cho đỡ buồn!
Lũ trẻ chỉ nói vậy chứ chúng nào hiểu nổi đau khổ của một người vợ bị phản bội và chúng nào hiểu sự khó khăn của một người không có một chút kiến thức nào trước một hệ thống computer phức tạp. Khóc chán, buồn chán cô bắt đầu nhìn mình trong gương và ngộ ra rằng vì mãi lo cho chồng, cho con mà cô đã quá thờ ơ với dung nhan của mình. Ông trời cho cô một nhan sắc bình thường nhưng cô không bị tật nguyền hay thiếu sót gì, vậy sao cô không trao dồi, tô điểm thêm cho mình trở thành một người đàn bà quyến rũ hơn. Cô đã bị chồng bỏ, ôi còn đau đớn nào hơn. Cô bắt đầu nhìn những người đàn bà son phấn, ăn diện xung quanh mà trước đây cô rất có ác cảm, cô cho họ là làm điệu quá, có chồng rồi còn làm điệu với ai ngó bộ muốn kiếm thêm ông nữa hay sao. Cô phê bình họ, còn bây giờ họ thương hại cô. Trời ơi nhục này rửa mấy sông cho sạch.
Cô Được bắt đầu cắt ngắn mái tóc và đi xăm bộ lông mày hơi thưa thớt của mình. Cô bỏ những áo quần cũ kỹ rồi mặc vào những bộ quần áo có màu sắc tươi trẻ hơn, gọn gàng hơn, chỉ chừng đó mà trông cô xinh hơn trước kia rất nhiều và dĩ nhiên trái đất vẫn quay đều. Cô bắt đầu nhìn vào sự thật và không cần dấu diếm mọi người về sự tan nát mái gia đình mình, cô kể chuyện ông Lắm có vợ bé, ở luôn Việt Nam và không quên kèm theo một câu:
- Chị có quen ai thì làm mai cho tôi một ông nhé!
Đàn ông Việt Nam bị vợ bỏ hay vợ chết ở thành phố này cũng có nhưng dân ta vốn vô cùng sĩ diện, thà rằng về Việt Nam cưới vợ chứ không thèm của thừa người khác. Chà! Với quan niệm này thì thật khác xa với đàn ông Mỹ Quốc.
Cô Được vẫn cô đơn. Có người hỏi chuyện thì mới té ngửa ra là trên giấy tờ cô Được, ông Lắm đã ly dị mấy năm nay và cô dùng một địa chỉ khác để khai thuế cho mấy đứa con còn đi học. Ông Lắm hiểu biết quá, ma mãnh quá nên đã lừa nhà nước để kiếm tiền thêm và tệ hại hơn nữa là một mình ông đứng tên cái nhà đang ở, bây giờ ông đi biệt thì Bank kéo nhà, như vậy cô Được chẳng còn gì ráo.
Cô Được dắt díu con đi mua một cái nhà khác, vậy là cô lọt vào mắt xanh (xanh thật chứ không phải nghĩa bóng) của ông hàng xóm, ông là một Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ từng tham chiến ở Việt Nam vợ chết và con cái ở nhà riêng. Brian từng ở Việt Nam nên rất thích người Việt, ông giúp cô Được cắt cỏ, làm hàng rào còn cô trả ơn bằng cách biếu ông chả giò, bánh xèo, gỏi cuốn những món ăn mà Brian rất thích nên đôi khi ông phải vào tiệm Việt Nam để ăn. Cô còn giúp ông dọn dẹp nhà cửa vì tính cô rất ngăn nắp và sạch sẽ, ông còn mời cô đi xem phim Good Morning ViệtNam vì ông cho biết bạn bè nói ông giống hệt tài tử William Robin, nếu quả thật như vậy thì ông tuy không đẹp trai lắm nhưng cũng duyên dáng dễ thương và có tầm vóc thích hợp với đàn bà Á Đông. Cô Được chẳng biết William Robin là ai nhưng cũng rất là thích thú vì đây là lần đầu tiên cô đi xem phim ở trong rạp sao hơn 20 năm đến nuớc Mỹ. Sau đó thỉnh thoảng Brian còn mời cô đi ăn cá nướng, đi uống café …những điều mà chưa bao giờ ông Lắm thực hiện với cô sau hai mươi mấy năm tình nghĩa vợ chồng. Cô Được thấy mình văn minh lên một tí và quên đi ông chồng bạc bẽo, còn về ngôn ngữ giữa hai người thì cũng có đôi chút khó khăn nhưng cũng chẳng sao vì Brian đã từng quen với cách phát âm nặng nề và lối dùng từ bình dân của người mình. Có lần gặp một vị thầy tu ở chùa quen cô nói:
- Brian, I know that Buddha! (Brian ơi, tôi quen ông Phật kia!)
Thì Brian cũng hiểu là cô muốn nói gì! Có người còn quả quyết rằng khi người Mỹ thích mình thì mình nói gì họ cũng hiểu mà khi không không ưa mình thì dù có hiểu họ cũng nói:
- I don’t understand!
Đặc biệt là Brian không bao giờ cười chê loại tiếng Mỹ ba rọi của cô mà còn khen mới chết chứ:
- Em thông minh lắm, nói được tiếng Mỹ chứ tôi ở Việt Nam bao năm mà có biết nói tiếng Việt đâu! Tôi sẽ giúp em học thêm ngôn ngữ của đất nước Hoa Kỳ.


image
Rồi Brian cầu hôn cô Được, con cái cô cũng chẳng chống đối gì. Cô chấp nhận nhưng không chịu làm đám cưới lớn vì sợ người ta cười, cô không đòi may áo cưới mà chỉ làm một buổi tiệc nhỏ cho đám con cô biết đám con cháu của Brian, cho cô biết anh chị em của Brian từ các Tiểu Bang khác đến. Trong Màu Tím Hoa Sim, thi sĩ Hữu Loan có câu thơ bắt hủ, độc đáo để nói về cô dâu:
- Ngày hợp hôn, nàng không đòi may áo cưới,
Tôi mặc đồ quân nhân, đôi giày binh bết bùn đất hành quân.
Nàng cười xinh xinh bên anh chồng độc đáo …
Cô Được cũng chỉ mặc một chiếc áo đầm màu xanh giản dị, một chút son trên môi, một chút chì than trên mắt mà cô trông lại quá xinh xắn trong nụ cười rạng rỡ làm cho mọi người đều ngạc nhiên. Hóa ra cô không phải là một người đàn bà xấu, còn đẹp là khác mà chỉ tại bấy lâu nay cô không biết làm cho mình đẹp mà thôi.
Quả bom đã nổ trong cộng động Người Việt bé nhỏ, cô Được lấy chồng Mỹ nhưng có cái lạ là chẳng ai cười chê cô dù là những người đàn bà nhiều chuyện nhất hay những người đàn ông khó khăn nhất mà họ còn nói đáng đời ông Lắm. Hai nhà ở gần nhau nên cô vừa nấu nướng cho chồng mới lại cũng có thể đem thức ăn qua cho con, dọn dẹp nhà cửa cho chúng, cô vẫn làm việc suốt ngày nhưng bây giờ cuối tuần người thấy cô diện đầm đi coi phim, đi xem nhạc với chồng. Cô còn dẫn Brian đi chùa, đi dự Tết Cộng Đồng, đi ngày kỷ niệm của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đi tham dự văn nghệ giúp Thương phế Binh Việt nam Cộng Hòa. Những điều đó không bao giờ xảy ra khi cô còn là vợ ông Lắm vì ông chê cô quê mùa, ít học không xứng đáng đi với ông ra ngoài công chúng.
Khi quả bom không ngòi bùng nổ trong cộng đồng (nhưng trái đất vẫn quay!) thì những ông đàn ông bắt đần nhìn vợ mình kỹ hơn, dĩ nhiên vợ các ông ai cũng đẹp và sang hơn cô Được. Cô Được còn lấy Mỹ huống chi là vợ mình, không giữ, không chìu có ngày mất vợ như chơi!
Những người đàn bà bắt đầu so sánh nhan sắc, trình độ học vấn của mình với cô Được, dĩ nhiên ai cũng thấy mình duyên dáng, trí thức hơn cô Được. Cô Được còn lấy Mỹ được huống chi là mình, cái gì cũng vừa phải thôi chứ, nhất định không để cho chồng ăn hiếp nữa.
Cô Được thì nghĩ rằng trời phật thấy mình khổ quá, thân phận hèn mọn quá nên cuối đời con ban cho ông chồng hiền lành, tốt bụng biết thương vợ, chìu vợ.
Còn ông Lắm ở Việt Nam thì nghe nói có chuyện lộn xộn với bà vợ trẻ, cô ta đòi ông phải lo giấy tờ đưa cô qua Mỹ.

Trong một ngày đi dự tiệc ở một nhà người Việt Nam, khi cô Được đang lo phụ giúp nấu nướng ở dưới bếp, Brian đã tâm sự với một người đàn ông như sau:
- Chưa bao giờ đời tôi hạnh phúc như hôm nay, Được vừa xinh đẹp lại vừa giỏi dang, cô ta lại có khổ người thon thả, sạch sẽ ngăn nắp và biết nấu ăn ngon. Suốt ngày chỉ biết lo cho chồng, cho con chứ ít khi nghĩ đến mình, lại còn lo làm ăn kiếm tiền nữa, tìm ra đâu một người đàn bà hơn nữa?
- Còn vấn đề ngôn ngữ ông có gặp gì khó khăn không?
- Dĩ nhiên có đôi khó khăn nhưng có chi là quan trọng. Biết nhiều, nói nhiều thêm điên cái đầu, đàn ông chúng ta không thích đàn bà nói nhiều có phải không? Hơn nữa là vợ chồng với nhau tôi chỉ vẽ cho cô ta mấy hồi.
Những đức tính Brian nói về cô Được hình như người đàn bà Việt Nam nào cũng có, người đàn ông Việt Nam bổng giật mình sửng sốt khi nghĩ đến vợ mình ở nhà ngày nào cũng lui cui trồng hoa, nhổ cỏ, quét dọn trước sân. Còn ông Mỹ hàng xóm thì ngày nào cũng ra vào liếc ngó bằng hai con mắt đa tình, xanh thẫm. Ông thì đi làm cả ngày nên ít có thì giờ để ý đến vợ nhưng ông tin chắc rằng vợ ông đẹp và sang hơn cô Được nhiều lắm. Cô Được còn lấy Mỹ được huống chi vợ ông, suy nghĩ lan man một hồi ông thấy tim mình đập loạn xà ngầu trong lồng ngực vì thực ra tim ông có vấn đề không ổn từ lâu. Người đàn ông đổ mồ hôi hột dù trời không nóng lắm, ông nghĩ đến cuốn phim Love story mà ngày xưa ông đi coi với vợ thuở họ còn là tình nhân, ông thích nhất cái cảnh Ali Macgraw nũng nịu nép đầu vào ngực Ryan o’Neal, Ali Macgraw thật là dễ thương duyên dáng và hao hao giống vợ ông, cũng mái tóc đen dầy, đôi lòng mày rậm và thân hình dong dỏng cao như thế.
Ông nghĩ đến lão hàng xóm Mỹ trắng có đôi mắt đa tình, chắc cũng cùng thế hệ với ông, thế hệ Love Story. Ông thấy vợ ông giống Ali Macgraw lẽ nào gã kia không thấy, hơn nữa gã ta lại có nét của Ryan O’Neal mà ông thì tuyệt nhiên không có, ông thấy lòng dấy lên một niềm tức giận vu vơ lẫn đôi chút hối hận vì câu chuyện buổi sáng này. Ông đã la lối, giận dỗi vợ vì chờ bà trang điểm quá lâu:
- Lẹ lên rồi đi cho tôi nhờ, hơn 60 mươi có con ma nào nhìn mà son với phấn!
Bà mỉm cười:
- Sao ông biết không có con ma nào, ma mắt xanh, tóc vàng thiếu gì! Cô Được còn có ma cõng huống chi tôi.
Trời ơi! Quả bom Được Lắm đã nổ tung rồi. Trời ơi! Nếu một ngày vợ ông lấy Mỹ, người vợ đã ở với ông hơn 40 năm với một đàn con, đàn cháu. Chuyện gì không có thể xảy ra và dĩ nhiên trái đất vẫn quay. Trái đất vẫn quay. Ông cảm thấy mình quay theo trái đất./.





Mimosa Phương Vinh


Aug 28, 2014
Tuần tới vợ chồng cô chú Bình sẽ sang Mỹ thăm một số thân nhân, sẵn đi ngang thành phố mình nên muốn ghé vào thăm, anh đã mời cô chú ngủ lại một đêm cho khỏe rồi sáng mai đi tiếp. Cho nên… - Thì mình sẽ mời cô chú ...

Apr 30, 2014
Nồng độ đường trong máu quá thấp có thể khiến các cặp vợ chồng dễ nổi nóng và làm tăng thêm nguy cơ xung đột. Đó là kết luận của các nhà khoa học Mỹ trong một công trình nghiên cứu vừa được công bố ngày ...

Apr 16, 2011
Những cô dâu này nói rằng tìm được một tấm chồng Mỹ có thể giúp họ thoát khỏi cảnh bần hàn, hay cảnh hiểm nguy hoặc tình trạng lẻ loi, cô độc. Không ai trách cứ mọi người đi tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng những ...

Sep 13, 2014
Tôi làm việc cho ban an ninh phi trường và được lịnh tới đây chở cái bà có chồng Mỹ lên gặp đại tá Mỹ phụ tá tùy viên quân sự…”. Tôi cầm lấy giấy và thấy tên tôi. Tôi vội dẫn theo hai đứa con nhỏ nhất lên phi trường TSN.

Apr 16, 2011
Tôi đã lấy chồng, làm vợ, làm mẹ, làm bà nhưng tôi đã hạnh phúc hay đau khổ với một ông chồng người Mỹ nên được xã hội Việt Nam khinh khi ban cho danh từ “Me Mỹ”! Ở cùng một hoàn cảnh, ăn mặc cùng một kiểu, nói bá ...

Nov 15, 2013
Ông Jean kín tiếng bao nhiêu thì bà Bọc lại cởi mở, ruột để ngoài da bấy nhiêu, có bao nhiêu chuyện đều lôi ra hết, từ gia cảnh cho đến chuyện tình với ông chồng Mỹ. Bà kể: "Cha tôi làm việc cho quân đội Pháp. Sau giải ...

Apr 13, 2011
Chồng tôi, một người lính trận, mỗi lần về phép thường hay cùng đi với một quân nhân Mỹ, cố vấn trong đơn vị. Hai người cùng làm việc, cùng chung sở thích và ý nguyện nên rất thân nhau. Thuở ấy tôi không biết nhiều về ...


image

Phụ nữ có quyền hưởng thụ tình dục
Casino và lựa chọn của Việt Nam
Tại sao người Việt chỉ thích... to?
Nghệ thuật đàm phán cho phụ nữ
Khi một cây bút ra đi
Nghề làm Quan trong thiên đường XHCN
Thuyết âm mưu: về phiến quân IS
Chương trình nhận con nuôi ở Việt Nam
Làm sao vào Top 10 đại học quốc tế?
Việt Nam hết người rồi chăng!?
Chợ Chạy ở Sài Gòn
Thương binh James Thạch dùng nỗi đau của mình xoa ...
Liệu chúng ta có thể đánh bại tổ chức Quốc Gia Hồi...
Cấm vận phương Tây đè nặng trên kinh tế Nga
Chính quyền biến đường bêtông thành đường đất
Cuộc chiến bị lãng quên
Mẹ tôi trong Cải cách ruộng đất
Báo ''Người Hà Nội": Chị Cả Bống
Chúng tôi mọc rễ và yêu thương...
Ước gì con không phải đi du học!!!
Bát bún riêu
Tại sao phải bắt Đặng Chí Hùng?
Hãy xứng đáng với sự hy sing của những Anh Hùng, T...
Peter Tân Hoàng bị bắn chết ở Australia
Bí mật Thành Đô đã được Trung Cộng bật mí
Triển lãm CCRĐ: Khoét thêm vết thương để bao che t...
Giáo dục học sinh căm thù điền chủ Nguyễn Thị Năm
10 đặc điểm của Gmail
Hà Nội hay Sài Gòn, ở đâu 'dễ sống' hơn?
Nhà hoạt động Nguyễn Xuân Nghĩa ra tù
Triển lãm "cải cách ruộng đất" đóng cửa vì "thiếu ...
Tầm quan trọng của Đảo Thị Tứ
Tại sao không hòa hợp hòa giải?
Vai trò của các mạng truyền thông xã hội
Hà Nội hốt hoảng tung nhiều tư liệu để tuyên truyề...
Tin tức liên quan đến tên công an Nguyễn Đức Chươn...
Câu chuyện cái đũa
Đảng ta triển lãm: “cải cách ruộng đất”
Trung Cộng làm gì ở Trường Sa?
Nỗi oan cô Phượng

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.