Thursday, September 25, 2014

Từ tháp đôi cao nhất thế giới tới Ground Zero


image
Trước khi hoàn toàn sụp đổ vì vụ tấn công 11/9, Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) đã trải qua những năm tháng vàng son, để rồi từ tòa tháp đôi từng cao nhất thế giới nay trở thành khu tưởng niệm Ground Zero.

Đầu những năm 60 thế kỷ trước, kiến trúc sư người Mỹ gốc Nhật Minoru Yamasaki bắt đầu thiết kế một tòa tháp đôi với những ô cửa sổ mang ảnh hưởng sâu sắc của kiến trúc Gothic. Dù vẽ ra tòa tháp đôi cao hơn 100 tầng nhưng ông Yamasaki (ảnh nhỏ) lại là người sợ độ cao. Trong hình là khu Radio Row ở Manhattan, New York. Đây là khu được giải tỏa vào năm 1966 để lấy chỗ cho tòa tháp đôi WTC và các công trình vệ tinh khác.

image
Quá trình xây dựng tổ hợp WTC bắt đầu năm 1968, với công trình đầu tiên là Tháp Bắc (hay 1 WTC). Các công trình còn lại lần lượt được khởi công trong 15 năm tiếp theo. Đơn vị trực tiếp thi công tổ hợp WTC là Leslie Earl Robertson, với tư cách nhà thầu chính. Ngoài ra, còn có một số nhà thầu phụ khác.

Hai tòa tháp chính của tổ hợp WTC dần thành hình. Tháp Bắc khởi công trước nên có tốc độ chồng tầng nhanh hơn Tháp Nam khá nhiều.

image
Ý tưởng về việc xây dựng Trung tâm Thương mại Thế giới tại New York đã xuất hiện từ năm 1946, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do chính trị, việc thiết kế bị lùi lại tới những năm 60 thế kỷ trước. Chi phí xây dựng hai tháp chính với 110 tầng mỗi tháp lên tới 400 triệu USD. 

image
Tháp Bắc (cao 417 m) và Tháp Nam (cao 415 m) được khởi công cách nhau 1 năm, rồi lần lượt được hoàn thiện vào các năm 1970 và 1971. Ngay sau đó, tòa tháp đôi này trở thành tòa kiến trúc cao nhất trên thế giới trong giai đoạn 1971 tới 1973, trước khi bị tháp Willis ở Chicago vượt qua.

image
Toàn bộ tổ hợp WTC sau khi hoàn thiện, với hai tháp chính (1 WTC và 2 WTC) cao nhất ở trung tâm cùng các tháp phụ 3 WTC, 4 WTC, 5 WTC, 6 WTC và 7 WTC ở xung quanh. 

Sau hơn 3 thập kỷ sừng sững tọa lạc tại khu vực sầm uất bậc nhất của thành phố New York, hai tòa tháp chính của WTC trở thành một mục tiêu nằm trong kế hoạch tấn công khủng bố 11/9. Hình vẽ trên mô tả lại quá trình hai máy bay chở khách lần lượt lao vào hai tòa tháp và các kiến trúc xung quanh WTC khi vụ tấn công xảy ra. 

image

Biểu tượng sức mạnh kinh tế Mỹ sau đó sụp đổ hoàn toàn với tốc độ nhanh bất ngờ. Trong chưa đầy 3 giờ đồng hồ, hai tòa tháp cao hơn 400 m chỉ còn là một đống đổ nát trong khói bụi.

image
Trung Tâm Thương Mại đã được xây dựng mới. 

 *****

10 điều ít biết về vụ 11/9

image
Phía sau vụ tấn công khủng bố gây hậu quả tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ là những sự thật mà không phải ai cũng được biết.

image
1. Có tới 3.051 trẻ em bị mất cha hoặc mẹ sau vụ 11/9. Bên cạnh đó, có 17 em bé đang nằm trong bụng mẹ khi những người cha của chúng thiệt mạng trong các vụ tấn công. Khoảng 9 tháng sau vụ khủng bố, số ca sinh ở thành phố New York tăng tới 20% so với cùng thời điểm điều tra vào năm 2000.

image
2. Tổng giá trị của các tác phẩm nghệ thuật bị mất đi sau khi hai tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) sụp đổ đã vượt quá 100 triệu USD. Trong số này có cả những bức tranh của danh họa Pablo Picasso.

image
3. Người ta ca ngợi những chú cảnh khuyển tham gia tìm kiếm người còn sống sau thảm họa mà quên mất một chú chó phi thường khác. Đó là Roselle, một chú chó săn dòng Labrador chuyên làm nhiệm vụ dẫn đường cho người chủ bị mù là Michael Hingson. Roselle đã đưa Hingson đi thang bộ từ tầng 78 của Tháp Bắc WTC xuống đường và tới nhà một người bạn một cách an toàn.

image
4. Các công nhân đã phải thu dọn khoảng một triệu tấn vật liệu vụn nát để tìm kiếm những người còn mắc kẹt và tư trang của những nạn nhâu xấu số. Họ đã tìm thấy khoảng 65.000 vật dụng, trong đó có 437 đồng hồ và 144 nhẫn cưới.

image
5. Ba giờ trước khi các vụ tấn công xảy ra, một chiếc máy có tên gọi Máy phát sinh Sự kiện Ngẫu nhiên đặt tại trường đại học Princeton đã tiên đoán được một sự kiện khủng khiếp sắp xảy ra.

image
6. Trong một cuộc tập trận mang tên "Người bảo vệ cẩn mật", Trung tâm Chỉ huy Phòng vệ Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD), đơn vị chịu trách nhiệm bảo vệ không phận Mỹ, đã giả định ít nhất 4 vụ cướp máy bay trong tuần trước khi xảy ra vụ 11/9, và thậm chí còn dự định tiến hành một cuộc giả định nữa vào buổi sáng mà nước Mỹ bị tấn công.

image
7. Có tới 5 trong số 19 không tặc tham gia vụ tấn công 11/9 đã nghỉ lại tại một khách sạn ngay gần cổng dẫn vào Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), trong những ngày trước khi tiến hành cướp 4 máy bay chở khách.

image
8. John Patrick O’Neill, một đặc vụ từng lãnh đạo Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và tham gia điều tra về liên hệ của Al-Qaeda trong vụ đánh bom WTC năm 1993, đã rời FBI vì những bất đồng về chính sách. O'Neill đảm nhận công việc mới trong vai trò người phụ trách an ninh tại WTC, và mất trong ngày định mệnh 11/9.

image
9. Chỉ có 291 thi thể được tìm thấy nguyên vẹn tại hiện trường đổ nát của hai tòa tháp WTC. Cha mẹ của Lisa Anne Frost, 22 tuổi và là một hành khách trên chuyến bay số hiệu 175 của hãng United Airlines lao vào Tháp Nam, đã phải chờ gần một năm mới được nhận lại những gì thuộc về con gái họ.

image
10. Lính cứu hỏa mất tới 100 ngày mới có thể dập tắt hoàn toàn các đám cháy bị gây ra bởi các vụ tấn công nhằm vào hai tòa tháp WTC.

*****

Người đàn ông bí ẩn trong bức ảnh nổi tiếng vụ 11/9

13 năm sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, người ta vẫn không thể xác định chắc chắn danh tính của người đàn ông trong bức ảnh nổi tiếng "The Falling Man"
image
Bức ảnh "The Falling Man" nổi tiếng.

Bài viết của nhà báo Trương Anh Ngọc nhân kỷ niệm 13 năm ngày vụ khủng bố 11/9 xảy ra tại nước Mỹ.
Vào lúc 9h00 ngày 11/9/2001, khi đang chụp một show thời trang ở Bryant Park, New York, Richard Drew, phóng viên ảnh của hãng AP nghe tin tòa tháp đôi bị tấn công. Chạy vội ra đường, ông nhanh chóng chụp những gì nhìn thấy. Tấm ảnh về một người nhảy xuống từ tòa tháp phía bắc là một trong số những gì ông chụp được lúc 9h41 sáng của ngày bi thảm ấy (Drew cũng suýt mất mạng khi tháp sụp xuống).
image
Richard Drew

Hình ảnh của một người đã chọn cách thoát khỏi tòa nhà đang cháy dữ dội và không thể nào ra nổi bằng việc nhảy xuống theo phương thẳng đứng, dọc theo những hàng cột cửa sổ của tòa tháp từ độ cao hơn 400 mét ấy đã trở thành một biểu tượng đau thương của vụ khủng bố 11/9. Bị mắc kẹt trên tầng cao, bất lực giơ tay ra ngoài cửa sổ mà không ai có thể cứu, họ không muốn chờ cái chết dần hướng đến mình, khi đám cháy và khói loang ra, ép họ vào chỗ chết, và trong cơn tuyệt vọng, họ nhảy ra khoảng không, lao xuống đất và đi vào cõi vĩnh hằng.

image
Người ta ước tính khoảng 200 người đã chết theo cách đó. 200 người nghĩa là 200 cảnh đời, 200 số phận và 200 câu chuyện khác nhau để kể. Nhưng có một điều họ có thể chia sẻ: họ cùng rơi xuống đất và cùng là nạn nhân của cái thảm họa đã mở ra một thế kỷ 21 đầy biến động và bất trắc.
image
Mẩu giấy dính máu của một nạn nhân đã chết trong Tháp Đôi WTC hôm 11/9/2001.

Nhưng không hình ảnh nào có thể mô tả một cách đau đớn và trần trụi về sự tuyệt vọng như tấm ảnh mà Drew chụp một người đến giờ vẫn chưa ai xác minh được nhân thân, và chỉ có thể được gọi là "The Falling Man" ("Người đàn ông rơi", theo đầu đề một bài báo của Tom Junod trên tờ Esquire tháng 9/2003). Người chụp tấm ảnh bị chỉ trích về mặt đạo đức khi thực hiện cú bấm máy. Những tờ báo sử dụng tấm ảnh một cách ít ỏi vì nó quá nhạy cảm. Người ta sợ tấm ảnh quá chân thực này sẽ khuấy động thêm nữa những nỗi đau mất mát.

Trong bài báo của mình, Tom Junod cho rằng, "The Falling Man" có thể là Jonathan Briley, làm việc trên một quán ăn ở tầng 110. Các anh chị của Briley cũng cho rằng đó có thể là Jonathan. Còn Peter Cheney, phóng viên của tờ The Globe and Mail thì cho rằng, người đàn ông trong ảnh là Norberto Hernandez, một bồi bàn. Anh tìm đến nhà của Norberto và giả thiết của anh đã chia rẽ gia đình Norberto trong suốt gần 10 năm. Peter Cheney và chị Norberto tin rằng The Falling Man là anh, còn vợ con anh nhất định cho rằng đấy là một người khác. Mãi đến gần đây, họ mới nối lại mối quan hệ.

image
"Falling Man" là ai, và cho đến khi nào chúng ta sẽ biết đích xác anh là ai? Không ai biết. Điều duy nhất chúng ta biết, là buổi sáng hôm ấy, gần 3.000 người đã chia tay người thân ở nhà và đến tòa tháp đôi để làm việc, để rồi không bao giờ trở về nhà. Họ và người thân đã chứng kiến một ngày tháng 9 kinh khủng nhất trong đời, trực tiếp qua tivi, và rồi xa lìa mãi mãi trong một cuộc chia tay đầy nước mắt.

Những người đã nhảy xuống cho đến giờ vẫn chưa được xác định danh tính, và dường như người ta không muốn làm điều đó trong suốt những năm qua. Mắc kẹt trên tầng cao, bị cái nóng cả nghìn độ đe dọa và khói xộc tới, họ đã chọn cho mình một cách chết: nhảy xuống. Họ chấm dứt sự đau đớn trong tích tắc để tìm đến sự bình yên và để lại nỗi đau đớn ấy cho những ai chứng kiến họ nhảy, hoặc những ai là người thân của họ.

image
13 năm sau thảm họa 11/9, những gì còn lại của Norberto và Jonathan đã nằm lại dưới những nấm mồ. Di vật cuối cùng mà người ta trao cho gia đình Norberto là một cái răng của anh, còn gia đình của Jonathan thì nhận được một chiếc máy nhắn tin. Nhưng họ cùng chia sẻ một nỗi đau rõ ràng và cũng chia sẻ sự nửa tin nửa ngờ vào một bức ảnh, có hình của một người đang rơi xuống. Có thể đấy là Norberto hoặc Jonathan. Cũng có thể là một ai đó. Có thể là một trong số 200 người khác đã nhảy xuống cùng ngày. Điều duy nhất chắc chắn là tất cả đều đã chết.

image
Những ai chứng kiến tận mắt ngày đó sẽ không bao giờ quên trong cả cuộc đời mình, dù có người thân chết ở đó hay không. Vì họ được thấy những cái chết trực tiếp trên tivi. Trong một thế giới điên loạn và chưa bao giờ có một giây phút bình yên...


image


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.