Tuesday, September 16, 2014

Khi một cây bút ra đi

image
Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng 1970
Một người quen mất: Buồn. Khi người quen ấy lại là một nhà văn/nhà thơ, hơn nữa, một nhà văn/nhà thơ mình yêu thích: càng buồn hơn nữa. Cũng là người quen cả, nhưng với nhà văn/nhà thơ, qua tác phẩm của họ, bao giờ chúng ta cũng cảm thấy gần gũi hơn, thân mật hơn, do đó, việc ra đi của họ, dù muốn hay không, cũng làm chúng ta buồn rầu nhiều hơn.

Không những buồn rầu, tin tức về cái chết của một nhà văn/nhà thơ bao giờ cũng có vẻ gì như bất ngờ. Ngay cả khi chúng ta biết họ đã lớn tuổi hoặc bệnh hoạn lâu ngày, chúng ta vẫn cứ sửng sốt như thường. Lý do chính là vì một người cầm bút dường như không có tuổi. Đọc các tác phẩm của họ, dù chúng được viết lúc họ đã cao niên, chúng ta cũng thường có cảm giác như tâm hồn họ vẫn còn rất trẻ thơ. Để có thể chìm đắm miên man trong thế giới tưởng tượng. Để có thể rung lên những xúc động khẽ khàng và tinh tế trước một cái đẹp có khi rất nhẹ nhàng, thoáng qua trong cuộc sống.

image
Tác phẩm của họ, ở khía cạnh này, cũng chính là con người của họ. Tôi tiếp xúc khá nhiều với giới cầm bút. Nhiều người lớn tuổi hơn tôi, già giặn và uyên bác hơn hẳn tôi, vậy mà, nhiều lúc, tôi có cảm tưởng như họ là em tôi. Ở họ thỉnh thoảng có cái gì như hồn nhiên, như ngơ ngác, như yếu đuối. Trước, lúc tôi còn sống ở Paris, hầu như năm nào, vào đầu mùa thu, nhà văn Mai Thảo cũng tìm cách bay sang Paris, để, theo lời ông, ngắm lá vàng trên các đường phố. Những lúc ấy, tôi và ông hay đi loanh quanh cà phê cà pháo. Mỗi lần chia tay, thường ở một ga xe điện ngầm nào đó, bao giờ tôi cũng dặn dò ông hết chuyện này sang chuyện khác. Tôi biết ông rất giỏi tiếng Pháp. Tôi biết ông rất rành rẽ Paris. Thế nhưng, nhìn gương mặt ông, ánh mắt ông và dáng đi lênh khênh của ông, tôi lại sợ vu vơ là ông sẽ lạc. Nghĩ lại, tôi thấy cái sợ ấy thật buồn cười. Nhưng lần gặp lại sau, tôi lại có cảm giác y như vậy. Dưới mắt tôi, ông như một đứa em còn rất khờ khạo.

image
Với Nguyễn Xuân Hoàng, nhiều khi tôi cũng có cảm giác ấy. Anh lớn hơn tôi gần 20 tuổi. Lúc tôi còn là một đứa học trò trung học ngơ ngác và ngơ ngáo ở Đà Nẵng, anh đã là một thầy giáo và một nhà văn nổi tiếng ở Sài Gòn. Nhưng những lần gặp anh, ngồi lê la cà phê và chuyện trò với anh, tôi vẫn thấy ở anh có nét gì mơ mộng và hồn nhiên như một đứa trẻ.

Từ góc độ thuần tuý văn học, cuộc đời Nguyễn Xuân Hoàng có thể được xem là thành đạt: ở miền Nam, trước năm 1975, mới ngoài 30 tuổi, anh đã là tổng thư ký của Văn, tờ tạp chí văn học xuất sắc nhất hồi ấy; ra hải ngoại, anh lại tiếp tục làm chủ bút những tờ báo, từ thời sự đến văn học, nổi tiếng nhất của cộng đồng. Các cuốn sách của anh cũng được nhiều người khen ngợi. Nhưng anh lại rất khiêm tốn. Trong những lần trò chuyện, tôi chưa bao giờ bắt gặp ở anh một nét tự mãn nào cả. Lúc nào anh cũng than thở là chưa viết được như anh mong muốn. Có lần, sau khi khen Hoàng Ngọc-Tuấn và tôi, anh hạ giọng; “Nhìn bọn em, anh mới thấy thế hệ của bọn anh cái gì cũng lớt phớt, sách tiếng Pháp đọc được một chút, sách tiếng Anh đọc được một chút, chẳng có cái gì biết thật sâu cả.” Tôi không ngạc nhiên về lời khen của anh. Nhưng tôi ngạc nhiên về cách khen. Anh không nhất thiết phải tự hạ mình và thế hệ của mình xuống đến như vậy. Nhưng càng nói chuyện với Nguyễn Xuân Hoàng nhiều, tôi càng nhận ra đó là tính cách của anh. Anh không gồng mình. Thậm chí, nhiều lúc anh tự bêu xấu chính mình. Bởi vậy, bạn bè anh hay đùa là anh có tật hay than thở.

image
Nguyễn Mộng Giác, Trần Dạ Từ, Thảo Trường, Nguyễn-Xuân Hoàng
Bây giờ, Nguyễn Xuân Hoàng đã theo gót Nguyễn Mộng Giác, Thanh Tâm Tuyền và Mai Thảo đi vào cõi khác, nhiều người gọi là cõi vĩnh hằng. Cũng như với mấy người kia, nghe tin anh mất, tôi sửng sốt và buồn nhưng tôi lại không thấy hụt hẫng chút nào cả. Nhiều người hay nói đến những khoảng trống mênh mông để lại sau cái chết của những nhà văn hay nhà thơ lớn. Tôi không nghĩ vậy. Với tôi, cái chết của những cây bút lớn, ngay cả những người tôi ít nhiều quen biết, vẫn không gây nên một sự hụt hẫng nào cả. Lý do là, dù họ mất đi, tác phẩm của họ vẫn còn lại, hơn nữa, còn gần gũi hơn vì chúng không bị ngăn cách bởi tác giả nữa. Trước, đọc sách, có khi chúng ta nghĩ đến con người đã sáng tạo nên những cuốn sách ấy. Sau, chúng ta chỉ thấy sách, chỉ thì thầm tâm sự với sách. Chúng ta được giải phóng khỏi tác giả để được tự do thong dong với chữ nghĩa.

image
Chính vì vậy, nghe tin Nguyễn Xuân Hoàng mất, tôi với tay lên kệ, lấy tập truyện ngắn Căn nhà ngói đỏ của anh để đọc lại. Đó là cuốn sách tôi thích nhất của anh. Trong đó có nhiều truyện ngắn thật hay. Tôi tin truyện “Tự truyện một người vô tích sự” của anh là một trong những truyện ngắn hay nhất trong nền văn  học Việt Nam ở hải ngoại từ sau năm 1975. Hay ở kỹ thuật. Hay ở văn phong. Truyện đầy ắp chi tiết, như một cuốn tiểu thuyết được nén lại.

Với những truyện như thế, tôi nghĩ anh không mất. Tôi tin là chỉ có trong lãnh vực văn học nghệ thuật mới có những người mang kích thước bao trùm cả ba chiều thời gian: quá khứ, hiện tại và tương lai. Với quá khứ, họ tạo ra được cả một thời đại để chúng ta có thể nhận diện được “những người muôn năm cũ”. Với hiện tại, họ là cả một thế giới mênh mông để chúng ta tha hồ ngao du. Và với tương lai, họ là một tinh tú lúc nào cũng bí ẩn và đầy thách đố để chúng ta phải không ngừng thám hiểm. Hiện diện trong ba chiều như vậy, các nhà văn và nhà thơ lớn vừa ở sau để làm di sản cho chúng ta, vừa là bạn đồng hành của chúng ta đồng thời cũng là những kẻ đứng trước, đâu đó, chờ đợi chúng ta: chúng ta gặp họ trong từng bước chân. Đến lúc chúng ta biến mất, họ vẫn còn.

image
Tôi không muốn gọi Nguyễn Xuân Hoàng là nhà văn lớn. Nhưng tôi tin một số truyện của anh, đặc biệt là truyện ngắn, sẽ còn được đọc và đọc lại. Lâu dài.



Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc



image

Nghề làm Quan trong thiên đường XHCN
Thuyết âm mưu: về phiến quân IS
Chương trình nhận con nuôi ở Việt Nam
Làm sao vào Top 10 đại học quốc tế?
Việt Nam hết người rồi chăng!?
Chợ Chạy ở Sài Gòn
Thương binh James Thạch dùng nỗi đau của mình xoa ...
Liệu chúng ta có thể đánh bại tổ chức Quốc Gia Hồi...
Cấm vận phương Tây đè nặng trên kinh tế Nga
Chính quyền biến đường bêtông thành đường đất
Cuộc chiến bị lãng quên
Mẹ tôi trong Cải cách ruộng đất
Báo ''Người Hà Nội": Chị Cả Bống
Chúng tôi mọc rễ và yêu thương...
Ước gì con không phải đi du học!!!
Bát bún riêu
Tại sao phải bắt Đặng Chí Hùng?
Hãy xứng đáng với sự hy sing của những Anh Hùng, T...
Peter Tân Hoàng bị bắn chết ở Australia
Bí mật Thành Đô đã được Trung Cộng bật mí
Triển lãm CCRĐ: Khoét thêm vết thương để bao che t...
Giáo dục học sinh căm thù điền chủ Nguyễn Thị Năm
10 đặc điểm của Gmail
Hà Nội hay Sài Gòn, ở đâu 'dễ sống' hơn?
Nhà hoạt động Nguyễn Xuân Nghĩa ra tù
Triển lãm "cải cách ruộng đất" đóng cửa vì "thiếu ...
Tầm quan trọng của Đảo Thị Tứ
Tại sao không hòa hợp hòa giải?
Vai trò của các mạng truyền thông xã hội
Hà Nội hốt hoảng tung nhiều tư liệu để tuyên truyề...
Tin tức liên quan đến tên công an Nguyễn Đức Chươn...
Câu chuyện cái đũa
Đảng ta triển lãm: “cải cách ruộng đất”
Trung Cộng làm gì ở Trường Sa?
Nỗi oan cô Phượng
Dân: biết không được cấm_Đảng: cấm không được biết...
Vai trò của HCM trong Cải cách ruộng đất
Nhiều người Việt từng bị lừa...
Binh nhất Mỹ và Đại tướng Việt
Chuyện tình cảm động của bà Aung San Suu Kyi

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.