Biểu
tình trước cửa đại sứ quán Trung Cộng tại Hà Nội
Trong
chuyến đi Mỹ vào cuối năm ngoái, trong một buổi nói chuyện gẫu với hai người
bạn cùng hoạt động tích cực trong việc khuếch tán xã hội dân sự tại Việt Nam,
tôi nghe một bạn than phiền: Từ khi hình thức sinh hoạt xã hội dân sự được cổ
vũ, những người tích cực nhất trong phong trào tranh đấu cho dân chủ tại Việt
Nam chỉ thích tiếp xúc và chụp ảnh với các tổ chức quốc tế nhưng lại lơ là với
việc xuống đường biểu tình đòi tự do cũng như phản đối các hành động gây hấn
của Trung Cộng.
Nhìn
ở biểu hiện bên ngoài, lời than phiền ấy có vẻ như không sai. Quả thực từ hơn
một năm nay, sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vào thăm dò
dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, trong cả nước, từ Sài Gòn đến Hà Nội, không
có một cuộc biểu tình nào đáng kể cả. Ngược lại, các hoạt động thiên về xã hội
dân sự vẫn tiếp tục phát triển qua các tổ chức giúp đỡ những người dân bị oan
ức hoặc xây dựng những căn nhà tình nghĩa cho thân nhân những người bị hy sinh
trong hai trận chiến tại Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988).
Tôi
không phủ nhận hai sự kiện trên, nhưng tôi không nghĩ hai sự kiện ấy có quan hệ
nhân quả với nhau, nghĩa là, nói cách khác, tôi không tin sự lắng dịu của các
cuộc xuống đường biểu tình là hậu quả của việc phát triển của các hoạt động xã
hội dân sự. Nó có thể có những lý do khác, chẳng hạn, không có sự kiện nào gây
khích động quần chúng như vụ giàn khoan Hải Dương 981 hoặc, sau các cuộc biểu
tình dẫn đến bạo loạn tại Bình Dương và một số nơi khác, chính quyền có cớ để
đàn áp mạnh tay hơn và điều đó khiến cho nhiều người ngần ngại. Cũng có thể,
sau nhiều cuộc biểu tình, chính quyền tìm ra những biện pháp hữu hiệu hơn, ví
dụ, cô lập những người có khả năng lãnh đạo để ngăn chận hoặc vô hiệu hóa các
cuộc xuống đường. Vân vân. Còn có thể có những lý do khác nữa.
Nhưng
ngay cả khi lý do giảm nhiệt của các cuộc tranh đấu là vì những người có thiện
chí nhất chuyển hướng sang những hình thức liên quan đến xã hội dân sự nhẹ
nhàng và ít thử thách hơn thì tôi nghĩ, nó cũng không phải là lý do để chúng ta
chấm dứt hoặc giảm thiểu sự cổ vũ cho các hoạt động xã hội dân sự. Lý do chính
là, về lâu dài, theo tôi, các hoạt động xã hội dân sự bao giờ cũng có ích, cực
kỳ có ích, cho tiến trình dân chủ hóa đất nước.
Hầu
như tất cả các nhà nghiên cứu đều khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa xã hội
dân sự và tiến trình dân chủ hoá. Việc khẳng định ấy không phải chỉ có tính
thuần tuý lý thuyết mà còn dựa trên kinh nghiệm lịch sử. Trước, khi phân tích
nền dân chủ tại Mỹ, Alexis de Tocqueville, đã nhận ra nền tảng của chế độ dân
chủ tại nước này chính là các sinh hoạt xã hội dân sự phổ biến ở khắp nơi. Sau,
hầu hết các học giả đều cho những nơi có sinh hoạt xã hội dân sự đa dạng và phong
phú, ở đó, dân chủ được bén rễ sâu và vững mạnh, không thể đảo ngược được.
Nhiều người cho rằng một trong những lý do chính khiến chế độ cộng sản tại châu
Âu sụp đổ vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990 chính là nhờ các sinh
hoạt xã hội dân sự: ở đâu xã hội dân sự phát triển sâu rộng, ở đó, chủ nghĩa
cộng sản sụp đổ trước (như Ba Lan và Hungary); và ở đâu có truyền thống xã hội
dân sự mạnh, ở đó dân chủ càng vững vàng. Ngược lại, ở phần lớn các quốc gia
tách ra từ Liên Bang Xô Viết, vì không có truyền thống xã hội dân sự, nền dân
chủ trở thành bấp bênh và có nguy cơ quay lại với độc tài.
Có
thể tóm tắt mối quan hệ giữa xã hội dân sự và dân chủ vào mấy điểm chính:
Thứ
nhất, các hoạt động xã hội dân sự là môi trường tốt nhất để giáo dục ý thức
công dân, giải trừ nạn dửng dưng và vô cảm trong xã hội, làm cho mọi người biết
tôn trọng những sự khác biệt về sắc tộc, ý thức hệ, tín ngưỡng và văn hoá.
Thứ
hai, đó là cách tốt nhất để tập hợp những công dân khắc khoải trước thực trạng
đất nước. Những người có lòng với tiền đồ dân tộc sẽ gặp gỡ nhau, trao đổi ý
tưởng với nhau và cùng nhau hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau để xây
dựng một xã hội dân chủ lành mạnh sau này.
Thứ
ba, qua các hoạt động xã hội dân sự, người ta tập luyện được một số kỹ năng cần
thiết cho một xã hội dân chủ, trong đó, quan trọng nhất là hai khả năng đối
thoại và hợp tác để giải quyết các khác biệt hoặc mâu thuẫn.
Thứ
tư, trong quá trình hoạt động vì những lý tưởng chung như vậy dần dần sẽ xuất
hiện những người có khả năng lãnh đạo sau này sẽ đi đầu trong các cuộc tranh
đấu vì dân chủ.
Một
khi xã hội dân sự được hình thành và phát triển sâu rộng, nó sẽ tác động mạnh
mẽ đến tiến trình dân chủ hoá. Theo Gordon White, trong bài “Civil Society,
Democratization and Development: Clearing the Analytical Ground”, in trong cuốn Civil
Society in Democratization (2004), có mấy tác động chính:
Thứ
nhất, sự lớn mạnh của xã hội dân sự có thể làm thay đổi cán cân quyền lực giữa
nhà nước và xã hội với thái độ thiên vị hẳn về phía xã hội; từ đó, góp phần
hình thành nên một sự đối lập cân bằng (balanced opposition) vốn được xem là
điều kiện của dân chủ. Dưới những chế độ toàn trị, kỳ vọng này thấp hơn: nó dần
dần nâng cao hiệu năng của các lực lượng xã hội đã được tổ chức nhằm làm suy
yếu tham vọng khống chế toàn bộ đời sống xã hội của nhà nước.
Thứ
hai, khi xã hội dân sự đủ mạnh, nó có thể củng cố các tiêu chuẩn đạo đức công
cộng và nâng cao tính khả kiểm (accountability) của cả các chính trị gia lẫn bộ
máy công quyền.
Thứ
ba, xã hội dân sự có thể đóng vai trò quan trọng trong việc làm trung gian giữa
xã hội và nhà nước, giữa các công dân và hệ thống chính trị. Trong trường hợp
lạc quan, nó có thể chuyển tải các yêu sách của dân chúng hoặc một bộ phận dân
chúng đến giới cầm quyền, từ đó, làm thay đổi một số chính sách của họ.
Thứ
tư, nó có thể đóng vai trò tích cực trong việc thay đổi các luật lệ trong trò
chơi chính trị theo định hướng dân chủ.
Nói
một cách tóm tắt, theo tôi, để tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam , một trong
những điều chúng ta nên làm nhất là cổ vũ cho các hoạt động xã hội dân sự. Xã
hội dân sự càng sâu rộng, tiến trình dân chủ hoá càng nhanh chóng và vững chắc.
Tiến
sĩ Nguyễn Hưng Quốc
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.