Thursday, September 8, 2011

VN 'bóc lột người cai nghiện như tù'

image

Tổ chức theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch -HRW) hôm thứ Tư ngày 7/9 đã đưa ra một bản phúc trình về tình trạng các tù nhân đang bị giam giữ trong các trại cai nghiện của Việt Nam và nói họ "bị tra tấn và cưỡng bức lao động".

image
HRW cho biết những người cai nghiện bị cưỡng bức lao động không công cho trung tâm

Bản báo cáo dài 121 trang có tiêu đề “Mạng lưới trại cải tạo: lao động cưỡng bức và các dạng bạo hành khác ở các trại cai nghiện ở miền Nam Việt Nam".
Bản báo cáo thuật lại câu chuyện của những người đang bị giam giữ tại 14 trung tâm cai nghiện nằm dưới sự quản lý của chính quyền TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, họ bị giam giữ trong nhiều năm mà không được hưởng các quá trình pháp lý thích đáng. Họ bị cưỡng bức lao động mà không hề được trả công hoặc chỉ được trả rất ít ỏi, thậm chí còn bị tra tấn và hành hạ thân thể.
HRW cho rằng các trung tâm cai nghiện ma túy do Nhà nước quản lý, vốn có nhiệm vụ ‘điều trị’ và ‘cải tạo’ những người nghiện ma túy, trên thực tế chẳng khác gì các trại cưỡng bức lao động nơi các trại viên phải làm việc sáu ngày một tuần với các công việc như chế biến hạt điều, may quần áo hay sản xuất các mặt hàng khác .
Nếu họ từ chối làm việc hay vi phạm nội quy trung tâm thì họ sẽ bị trừng phạt mà trong một số trường hợp điều đó đồng nghĩa với tra tấn.
Lưu Quỳnh, một cựu tù nhân bị bắt khi tìm cách bỏ trốn khỏi một trong số các trung tâm này mô tả:
“Đầu tiên họ đập hai chân của tôi để tôi không thể trốn nữa... [Sau đó] họ dí dui cui điện vào tôi để cho điện giật và nhốt tôi vào phòng nhục hình suốt một tháng trời.”
“Hàng chục ngàn người, trong đó có đàn ông, đàn bà và trẻ con bị giam cầm ở các trung tâm lao động cưỡng bức kiểu này do Nhà nước điều hành ở Việt Nam,” Joe Amon, giám đốc y tế và nhân quyền của HRW nói trong thông cáo báo chí của HRW.
“Đây không phải là cách điều trị cai nghiện. Những trung tâm này nên bị đóng cửa, và những người này cần được trả tự do,” ông nói.
Bị nhiễm HIV
Các nhà tài trợ quốc tế đã từng hỗ trợ các trung tâm cai nghiện này cũng như hỗ trợ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan quản lý chúng, có thể đem đến tác dụng ngược là khuyến khích chính quyền tiếp tục bắt giữ những người nghiện ma tuý nhiễm HIV, HRW nhận định.
Theo luật pháp Việt Nam hiện hành thì những người nghiện ma tuý nhiễm HIV có quyền được thả tự do nếu các trung tâm cai nghiện không có các biện pháp chăm sóc y tế đúng mức, HRW lưu ý.
Hệ thống các trại cai nghiện này bắt nguồn từ loại hình "trại cải tạo bằng lao động" cho các đối tượng nghiện ma túy và gái mại dâm được thành lập sau khi miền bắc Việt Nam thống nhất đất nước vào năm 1975, HRW cho biết.
Vào giữa những năm 1990 khi chính phủ Việt Nam mở chiến dịch bài trừ các tệ nạn xã hội trong đó có nghiện ma túy, các trung tâm này một lần nữa đã sống lại với sự ủng hộ của chính phủ. Khi nền kinh tế đất nước đang hiện đại hóa, hệ thống các trung tâm này cũng được mở rộng.
Năm 2000, chỉ có 56 trung tâm kiểu này trong cả nước, nhưng đến đầu năm 2011, con số này là 123.
Những người bị giam trong các trung tâm này thuộc các dạng: bị công an bắt giữ và đưa vào; bị gia đình 'tự nguyện' gửi vào. Trong một số trường hợp, một số người nghiện ma túy tình nguyện vào trại vì tin rằng các trung tâm này sẽ giúp họ cai nghiện hiệu quả.
Trong phúc trình của mình HRW dùng chữ 'inmate' để gọi những trại viên mà trong tiếng Anh cũng được dùng để gọi tù nhân.
Một người trong số từng bị giữ như vậy nói với HRW rằng họ bị đưa vào các trung tâm này mà không qua bất cứ quá trình pháp lý chính thức hay phiên tòa xét xử nào, và họ cũng không được gặp luật sư hay thẩm phán.
Họ cũng cho biết họ không hề biết bất kỳ biện pháp nào để yêu cầu xem xét lại hay hay phản đối quyết định giam giữ họ. Những người tình nguyện vào trại cho hay họ không được tự do rời khỏi trung tâm và thời gian giam giữ họ bị kéo dài do quyết định của ban quản lý trại hoặc do có thay đổi trong chính sách của chính phủ.
Những người bị giam cầm ở đây đã mô tả hình thức làm việc như đầy tớ trong khoảng thời gian dài chế biến hạt điều, làm trang trại, may quần áo, túi xách, đi xây dựng, và sản xuất các sản phẩm làm từ gỗ, nhựa, mây, tre.
Những người bị giữ phải làm việc không lương.
Trong các trường hợp khác, họ được trả theo một phần rất nhỏ trong lương tối thiểu, và ban quản lý trung tâm đã trừ chi phí ăn ở hay còn gọi là ‘phí quản lý’ từ số tiền công này.
"Tôi đã phải đi bóc vỏ điều trong ba năm, làm việc từ sáu tiếng rưỡi đến tám tiếng đồng hồ một ngày để hoàn thành chỉ tiêu. Nhựa điều làm bỏng da tôi"
Một cựu trại viên cai nghiện
Đến khi mãn hạn, một số trại viên nói, gia đình họ phải trả cho các trung tâm này các khoản nợ mà các nhân viên trung tâm tự bịa ra chuyện họ thiếu nợ.

Kể từ năm 1994, các nhà tài trợ quốc tế đã cùng phối hợp với các trung tâm này trong việc “xây dựng năng lực,” trong đó bao gồm cả việc huấn luyện các hình thức điều trị cai nghiện cho các nhân viên ở đây và hỗ trợ về các can thiệp cho người nhiễm HIV.
Hiện vẫn không rõ nguyên nhân về sự lây truyền HIV trong các tù nhân này, tuy nhiên báo cáo về con số này trong khoảng từ 15 đến 60 phần trăm.
Một số những người từng bị giam giữ ở đây đã cung cấp danh tính của các công ty bị cáo buộc vì có những sản phẩm sản xuất tại các trung tâm này. Tuy nhiên, do không có đủ tính minh bạch hay không thể tiếp cận một cách công khai danh sách các công ty mà có các hợp đồng với những trung tâm giam giữ kiểu này do chính phủ điều hành đã khiến cho việc thu thập các chứng cứ liên quan gặp khó khăn.
Thông thường, những nạn nhân này không được biết đến thương hiệu hoặc công ty sở hữu các sản phẩm khi họ đang làm việc.
HRW cho biết tổ chức này đang tiến hành điều tra những công ty có thể đã ký hợp đồng với các trung tâm này.
Họ bị cưỡng bức làm việc trong quá trình sản xuất những hàng hóa trong đó có công ty hạt điều Sơn Long JSC, và công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất Trần Bội chuyên sản xuất các mặt hàng làm từ nhựa.
Tổ chức theo dõi nhân quyền HRW đã nhiều lần cử nhân viên tìm cách tiếp xúc với cả hai công ty nói trên nhưng không nhận được phản hồi.
Truyền thông trong nước đưa tin trong nhiều năm qua, xác định việc hai công ty Sơn Long và Trần Bội khi những tù nhân của trung tâm đang sản xuất các sản phẩm của các công ty này.
Vào năm 2011, giám đốc của một trung tâm cai nghiện nói với một phóng viên nước ngoài về việc công ty Sơn Long JSC điều hành quá trình chế biến hạt điều ở trung tâm của ông ta.

image
Trung tâm cai nghiện ma túy Ba Vì ở tỉnh Hà Tây

BBC chưa liên lạc được với hai công ty này để kiểm chứng các báo buộc nói trên.
Nhìn chung, HRW qua l̀ời ông Amon khuyên Việt Nam xem lại cách tư duy:
“Lao động cưỡng bức không phải là phương pháp điều trị, và việc tạo ra lợi nhuận không phải là cải tạo.”
“Các nhà tài trợ nên nhận ra việc xây dựng năng lực cho các trung tâm này khiến tình trạng bất công tồn đọng, và các công ty nên chắc chắn về các bên ký hợp đồng và bên cung cấp không sử dụng sản phẩm từ các trung tâm này.”
Thời gian qua có nhiều tin từ truyền thông Việt Nam về các vụ trốn trại của người cai nghiện mà có lúc con số lên tới hàng trăm.
Thực trạng các trại cai nghiện có vấn đề cũng được chính quyền Việt Nam chú ý.
Ngay từ năm 2008, Bấm BBC tìm hiểu rằngQuốc hội Việt Nam đã chuẩn bị sửa đổi, bổ sung luật về phòng, chống ma túy giữa lúc có cáo buộc vi phạm nhân quyền tại các trại cai nghiện.
Khi đó, một số trại cai nghiện ở phía Bắc bị cáo buộc bạo hành với trại viên.
Một người trong số họ từng đi trại ở Hà Tây cho BBC hồi tháng 5/2008 rằng "mười một ngày ở y tế tôi bị đánh mười hai trận".
Cần giải tán hệ thống ngục tù
HRW đã yêu cầu chính quyền Việt Nam đóng cửa hẳn những trung tâm này và khẩn trương tiến hành một cuộc điều tra toàn bộ và riêng biệt về các hành vi tra tấn, điều trị bệnh, giam giữ trái phép, và các kiểu lạm dụng khác xảy ra trong các trung tâm giam giữ người nghiện ma tuý trên cả nước.
Vẫn theo HRW, chính quyền nên công khai danh sách về tất cả các công ty có hợp đồng sản xuất hoặc chế biến các sản phẩm với các trung tâm này.
Các đơn vị tài trợ và các cơ quan thực thi nên xem xét việc hỗ trợ của họ đối với những trung tâm này và bảo đảm rằng không ngân quỹ nào đang ủng hộ các chính sách hay chương trình có vi phạm vào luật pháp quốc tế về nhân quyền.

Các công ty đang làm việc với những trung tâm giam giữ những người nghiện ma tuý, trong đó có cả các nhà thầu phụ nên chấm dứt các mối quan hệ kiểu trong thời gian sớm nhất, tổ chức theo dõi nhân quyền nói.
“Những người nghiện ma tuý ở Việt Nam cần được tiếp xúc với phương pháp điều trị tự nguyện và dựa trên cơ sở có tính cộng đồng.” ông Amon cho biết.
“Thay vì thế, chính quyền lại nhốt họ vào, các công ty tư nhân bóc lột sức lao động của họ, và các nhà tài trợ quốc tế đang bị làm cho mù quáng trước hành vi tra tấn và lạm dụng mà những người này đang phải đương đầu.”
Báo cáo của HRW đang tạo tác động lan rộng với lời cáo buộc liên quan đến không chỉ tới Việt Nam.
HRW viết rằng chính phủ Úc cũng dính líu vì đã chi tiền của người đóng thuế nước họ giúp Việt Nam xây các trung tâm cai nghiện.
Theo AP, chính phủ Úc qua lời một người phát ngôn của cơ quan viện trợ AusAID bác bỏ các cáo buộc này và cho hay phía Úc không biết về các vụ bạo hành nào cả.

BBC


Phỏng vấn Giám đốc HRW về nạn cưỡng bức lao động trong các trại cai nghiện VN

Thưa quý vị, “Hạt điều máu từ các trại cưỡng bách lao động Việt Nam” là tựa đề một bài viết do Tạp chí Time tải lên mạng hôm 6 tháng 9 vừa qua, sau khi Human Rights Watch công bố một phúc trình, phơi bày các hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong các trại cai nghiện ở Việt Nam, mà tổ chức bênh vực nhân quyền này mô tả là “chẳng khác gì các trại cưỡng bức lao động”. Theo HRW, các học viên tại nhiều trại cai nghiện ở thành phố Hồ Chí Minh đã bị buộc phải lao động không công, những người từ chối bị đánh đập, và trong một số trường hợp, bị tra tấn, bỏ đói và biệt giam. Giám đốc Ban Y tế và Nhân quyền của Human Rights Watch, Tiến sĩ Josep Amon, đã dành cho ban Việt ngữ cuộc phỏng vấn sau khi bản phúc trình này được công bố, ông cũng đề cập tới phản ứng của phía Việt Nam sau khi nhận được thư của Tổ chức Human Rights Watch. Mời quý vị theo dõi câu chuyện giữa Hoài Hương với Tiến sĩ Joe Amon sau đây.
Hoài Hương - VOA

image
Vũ Xuân Dũng, 23 tuổi, tại một trại cai nghiện ma túy ở Hòa Bình, Việt Nam, 8/8/1997

VOA: Thưa Tiến sĩ, phúc trình của Human Rights Watch được đặt tên là “Quần đảo Cai nghiện” (Rehab Archipelago), như cố ý gợi lại tác phẩm “Quần đảo Ngục Tù” của văn hào Nga và cũng là nhà bất đồng chính kiến thời Xô viết Alexandr Soljenitsin, điều đó có đúng không, thưa ông?

Tiến sĩ Amon: “Đúng vậy!”

VOA: Thế thì tình hình các trại cai nghiện ở Việt Nam tệ hại tới mức nào mà Human Rights Watch phải mang ra so sánh với quần đảo ngục tù của Nga?

Tiến sĩ Amon: “Trọng tâm của phúc trình của chúng tôi là vấn đề cưỡng bức lao động và những hành động ngược đãi khác, kể cả các vụ tra tấn, đang diễn ra tại Việt Nam mà nạn nhân là giới nghiền ma túy. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là những người thuộc thành phần này đã bị câu lưu, giam giữ mà không qua quy trình tư pháp nào, họ hoàn toàn không được bảo vệ, không được xét xử mà bị đưa đi rồi cô lập trong các trại cai nghiện, nơi chẳng có ai giám sát, nơi diễn ra các hành động vi phạm nhân quyền thực sự đáng sợ.”

VOA: Thưa, ông quy lỗi cho ai về tình trạng tệ hại này?

Tiến sĩ Amon: “Chính phủ Việt Nam điều hành các trung tâm cai nghiện đó, họ còn bênh vực các trung tâm này và cho rằng đây là một đáp ứng thỏa đáng đối với nạn sử dụng ma túy. Theo chúng tôi, điều đó sai, đứng từ quan điểm khoa học, và là một hành động vi phạm nhân quyền cũng như cam kết bảo vệ nhân quyền của Việt Nam trên tinh thần các hiệp ước về nhân quyền.”

VOA: Thưa ông, những cá nhân hoặc tổ chức nào hưởng quyền lợi từ việc khai thác sức lao động rẻ tiền, hay lao động không công của các học viên ở các trại cai nghiện? Hãng thông tấn AP có nhắc tới một số công ty tư khai thác sức lao động của các trại viên, ông có thể nêu đích danh một vài công ty?

Tiến sĩ Amon: “Chúng tôi đã thu thập các tài liệu từ nhiều nguồn và về các hình thức lao động khác nhau, kể cả nông nghiệp như sản xuất hạt điều, để phục vụ cả người tiêu thụ trong nước lẫn các công ty quốc tế. Một số công ty Việt Nam gồm các nhà sản xuất hạt điều chẳng hạn, nhưng cũng có một số công ty sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm nhựa plastic ví dụ như các túi nylông để đựng đồ mua sắm. Ngoài ra còn có một số sản phẩm khác thi công cho các công ty nước ngoài, kể cả một công ty Thụy Sĩ chuyên sản xuất mùng chống muỗi, và Columbia Sportswear, một công ty Mỹ chuyên may trang phục và áo khoác thể thao. Phải nói là trong cả 2 trường hợp, các hoạt động sản xuất đó diễn ra mà không được phép của các công ty liên hệ. Không những thế mà trên thực tế, còn đi ngược lại các nguyên tắc chống sử dụng lao động cưỡng bức của họ, thế nhưng các nhà thầu phụ Việt Nam, dù không được phép, đã liên hệ với các trung tâm giam giữ người nghiện.

Chính phủ Việt Nam đã cung cấp các biện pháp khích lệ thuế cho các công ty để sản xuất hàng hóa tại các trung tâm cai nghiện. Đây là một hành động quá đáng, một tình hình đáng sợ khi cưỡng bức lao động bị sử dụng vào việc chế tạo các sản phẩm cho tư nhân, nhằm mục đích sinh lợi.”

VOA: Thưa Tiến sĩ, liệu có bất cứ công ty nào thuộc quyền sở hữu của nhà nước can dự vào các hoạt động này không?

Tiến sĩ Amon: “Rất khó có thể thực hiện cuộc nghiên cứu này để xác quyết chính xác ai được thu lợi và những ai được hưởng lợi lộc từ hoạt động này. Trong nhiều trường hợp, các công nhân... tôi xin lỗi, các cựu trại viên mà chúng tôi phỏng vấn không chắc về tên của các công ty liên hệ. Họ có thể nói với chúng tôi rằng họ không nhận được bất cứ tiền bạc gì, hoặc chỉ nhận được các món tiền rất ít ỏi, mà có nhận thì cũng trắng tay sau khi các chi phí ăn uống, nhà ở vv... bị khấu trừ. Nhưng chúng tôi không xác định được trong tất cả mọi trường hợp, công ty nào được hưởng lợi từ các hoạt động đó.”

VOA: Thưa Tiến sĩ, ngay cả các nước cấp viện như Hoa Kỳ và Australia chẳng hạn, và một số định chế quốc tế, cũng bị tố cáo là đã nhắm mắt làm ngơ trước những hành động vi phạm nhân quyền trong vụ này, nhưng họ có hảo ý, có phải không ạ? Các bên cấp viện đâu có trách nhiệm giám sát chương trình cai nghiện của nhà nước Việt Nam?

Tiến sĩ Amon: “Rõ ràng các nước cấp viện phải chịu trách nhiệm về những gì xảy ra cho các khoản cấp viện mà họ cung cấp. Khi chúng tôi liên lạc với các bên cấp viện, hầu hết đều nói rằng họ không giám sát xem liệu có xảy ra các vụ vi phạm nhân quyền hay không. Họ nói họ chỉ ủng hộ các hoạt động của trung tâm cai nghiện mà thôi. Tôi thì tôi cho rằng đây là một hành động vi phạm rõ rệt những trách nhiệm của họ. Các bên cấp viện có nguy cơ tài trợ chi phí để điều hành các trung tâm cai nghiện và cho phép nhà nước Việt Nam tăng tối đa mức thu nhập trong khi khai thác mồ hôi và sức lao động của giới nghiện ma túy.

Liên hiệp quốc đã nói rõ các trung tâm ấy vi phạm nhân quyền bởi vì họ giam giữ nhiều người mà không qua một quy trình tư pháp đúng đắn, trên thực tế họ còn tạo điều kiện cho sự lây lan của siêu vi HIV nữa. Trong các điều kiện đó, thật khó tưởng tượng được vì sao bất cứ tổ chức nào lại đồng ý tài trợ để trang trải các chi phí hầu duy trì hoạt động của các trung tâm như thế. Quan điểm mạnh mẽ của chúng tôi là các bên cấp viện nên kêu gọi đóng cửa lập tức các trung tâm cai nghiện đó, và các trại viên, những người mà các quyền bị chà đạp, phải được phóng thích lập tức.”

VOA: Thưa, đồng ý với Tiến sĩ là tình hình tuy tệ hại thật, nhưng giải pháp thay thế là gì? Không lẽ trả tự do cho những người nghiện ngập đang cần được cai nghiện, để họ lại trở về lây lất trên các đường phố?

Tiến sĩ Amon: “Thưa cô, các trung tâm ấy hoàn toàn vô hiệu quả trong việc xử lý các trường hợp nghiện ma túy, Tổ chức Y tế Thế giới đã thu thập đủ chứng cớ cho thấy tới 90% những người xuất trại sau đó lại rơi vào tình trạng nghiện ngập. Nếu các trung tâm đó không hiệu quả trong công tác cai nghiện thì lẽ vì sao chúng nên tiếp tục hiện hữu cơ chứ? Điều mà chúng ta cần là những chương trình cộng đồng, tự nguyện, nhấn mạnh tới sự hỗ trợ của những người đồng cảnh ngộ, với sự tiếp tay của các dịch vụ tư vấn phối hợp với các phương pháp thay thế như chương trình methadone, cho phép người ta hiểu rằng nghiện ma túy là một vấn đề nghiêm trọng, nó đòi hỏi một phương pháp tiếp cận dựa trên y tế công chứ không dựa trên hình phạt, kể cả biện pháp cưỡng bức lao động.”

VOA: Thế thì thưa Tiến sĩ, ông trả lời người phát ngôn Nguyễn Phương Nga của Việt Nam như thế nào, khi bà bác bỏ tất cả những cáo buộc mà ông vừa nêu, và tái khẳng định rằng chương trình cai nghiện của nhà nước Việt Nam là một chương trình đã chứng tỏ là hiệu quả?

Tiến sĩ Amon: “Chính phủ Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh rằng cưỡng bức lao động là một đáp ứng thích hợp cho tật ghiền ma túy, điều đó hoàn toàn không đúng. Họ có thể đưa ra bất cứ khẳng định nào họ muốn, nhưng những dữ liệu thu thập được chứng minh rằng cưỡng bức lao động không hiệu quả. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ở các nước khác nữa. Sự thiếu hiểu biết về tình trạng nghiện ngập, thái độ bất công và kỳ thị đối với những người nghiện ma túy đều có ở hầu hết mọi nơi. Thế cho nên trong khi phúc trình của chúng tôi nói về Việt Nam và những hành động vi phạm khủng khiếp xảy ra tại Việt Nam, đây là một vấn đề chúng ta phải đối mặt trên khắp thế giới.”

VOA: Xin Tiến sĩ cho phép tôi có nhận xét này. Phúc trình của Human Rights Watch được dựa trên các cuộc phỏng vấn 34 đối tượng nghiện ma túy, không phải tất cả đều bỏ được thói nghiện ngập, các nhân chứng này có đáng tin cậy không? Và liệu mẫu nghiên cứu dựa trên 34 đối tượng có quá nhỏ để chúng ta có thể đi đến một kết luận bao quát, rằng có những hành động ngược đãi xảy ra tại các trung tâm cai nghiện trên khắp nước Việt Nam?

Tiến sĩ Amon: “Khi chúng tôi nói cưỡng bức lao động xảy ra một cách phổ biến và có hệ thống ở Việt Nam, chúng tôi không chỉ dựa vào lời chứng mà chúng tôi thu thập được từ những người nghiện ma túy và từng bị giam giữ trong các trung tâm cai nghiện, mà còn dựa trên chính sách của nhà nước Việt Nam. Chính sách ấy khẳng định rõ rằng dùng lao động như một phương pháp trị liệu là điều thích hợp, rằng những người bị giam giữ tại các trung tâm cai nghiện phải làm việc, nếu không họ có thể bị trừng phạt. Làm như vậy là phù hợp với định nghĩa quốc tế của cụm từ 'cưỡng bức lao động'.”

VOA: Thưa Tiến sĩ, ông có nhận được sự phản hồi nào từ chính phủ Việt Nam về bản phúc trình của HRW hay không?

Tiến sĩ Amon: “Đáp lại bản phúc trình của chúng tôi, chính phủ Việt Nam không tranh cãi sự kiện các học viên tại các trung tâm cai nghiện bị buộc phải lao động, vì thế tôi cảm thấy tự tin rằng điều đó đang diễn ra, và diễn ra trên khắp Việt Nam. Nhưng ngoài chúng tôi, còn có nhiều bên khác, kể cả Liên hiệp quốc, đã xác định làm như vậy là cưỡng bức lao động. Những điều mà chúng tôi tố cáo Việt Nam, thật ra không bị thách thức.”

VOA: Xin Tiến sĩ xác định cụ thể đã nói chuyện với ai, chức vụ của người ông đã tiếp xúc là gì, thuộc cơ quan bộ sở nào?

Tiến sĩ Amon: “Phản hồi mà chúng tôi nhận được từ chính phủ Việt Nam là do Bà Đỗ thị Ninh Xuân, Phó Cục trưởng, Cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội của Việt Nam gửi cho. Bà Xuân trả lời một bức thư mà chúng tôi gửi cho phía Việt Nam vào ngày 2 tháng 9, thư của bà viết ngày 5 tháng 9, chúng tôi nhận được vào ngày 7 tháng 9.”

VOA: Câu hỏi chót, theo Tiến sĩ, hệ quả của câu chuyện này đối với Việt Nam là gì? Liệu có tác động tiêu cực tới kế hoạch của giới đầu tư muốn đổ tiền vào làm ăn tại Việt Nam hay không?

Tiến sĩ Amon: “Tôi nghĩ rằng nếu nhà nước Việt Nam muốn duy trì quy chế ưu đãi về mậu dịch trong các giao dịch với các nước phương Tây, và nếu Hà Nội muốn được quốc tế coi là một nước văn minh tiên tiến, nơi mà các công ty quốc tế nghĩ tới lúc chọn địa điểm để thành lập các xưởng chế tạo, thì họ cần đảm bảo không có cưỡng bức lao động xảy ra ở bất cứ nơi nào trong nước. Tôi nghĩ rằng các công ty tư nhân đang tìm nơi để thành lập các hãng xưởng chế tạo sản xuất tại Á Châu, cần quan tâm về nguy cơ các sản phẩm của họ có thể đã được tạo ra bởi những người lao động bị đe dọa tra tấn hoặc ngược đãi, nếu họ không kiểm soát và giám sát một cách nghiêm ngặt tiến trình sản xuất, và bảo đảm các nhà thầu phụ không can dự với các trung tâm giam cầm người khác.”    

VOA: Xin cám ơn Tiến sĩ Josep J. Amon, Giám đốc Ban Y tế và Nhân quyền của Human Rights Watch, đã dành cho ban Việt ngữ cuộc phỏng vấn này.

2 comments:

  1. Những người nghiện ma túy hầu hết toàn bộ đều là đầu trộm đuôi cướp, lưu manh, công tử bột sa ngã, không ai làm nên trò trống gì. Cho dù cai nghiện được thì sau khi ra trại bị người đời xa lánh, hắt hủi, mà cũng không biết làm gì để kiếm ăn, để cho người khác thấy là mình cũng có ích cho xã hội. Sau đó vì chán chường mà lại trở nên nghiện ngập, lại bán mạng cho ma túy, hủy hoại cuộc đời.

    Các nhà chức trách nhận thấy điều đó nên đã phối hợp với các đơn vị doanh nghiệp, các làng nghề... để dạy nghề cho những người cai nghiện, tạo điều kiện cho họ sau khi ra trại thì có cái nghề trong tay, có thể tự kiếm sống và phụ với mẹ già, vợ trẻ, con thơ xây dựng lại một gia đình đúng nghĩa. Đây quả là một việc làm rất ý nghĩa, giúp người nghiện vừa cai nghiện vừa làm lại cuộc đời, rất được bà con hoan nghênh.

    BBT Đài RFA và kênh BBC Việt ngữ theo tôi thấy toàn là những thành phần chống cộng cực đoan, phần lớn đều đưa tin sai lệch, không đúng sự thật về tình hình trong nước khiến bà con ở hải ngoại phải hoang mang mà không thấy được quê hương tươi đẹp đang vươn lên mạnh mẽ từng ngày. Rất mong blog của Bảo Mai sẽ tìm được nhiều thông tin chân thực từ trong nước để chia sẽ cho bà con. Nếu có khó khăn gì có thể liên hệ với mình.
    http://blognguoivietnam.wordpress.com/about/

    ReplyDelete
  2. Bài viết rất sát thực. Đây là tình trạng phổ biến đang diễn ra tại các trung tâm cai nghiện tại Việt Nam

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.