Người
hướng dẫn viên du lịch đang thao thao bất tuyệt dẫn giải những chi tiết về kiến
trúc cổ của Thủ đô cũ Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ có hơn 3000 năm văn hóa với nhiều
đền thờ nhất thế giới gồm 450 ngôi đền lớn nhỏ. Ông chợt dừng phắt và nói lớn
“nhìn kìa”. Mọi người đều hướng mắt nhìn qua cửa kính xe bus theo tay ông chỉ
và thấy một cậu bé cùng gia đình đang đứng gần cột đèn lưu thông màu xanh. Điều
đặc biệt là cậu bé ấy đang mặc một bộ lễ phục toàn trắng trông như một cậu
hoàng tử nhỏ.
Cậu bé Thổ và lễ phục trắng
Cậu
khoảng độ 10,11 tuổi được người anh trai lớn quàng tay ngang cổ như một cử chỉ
che chở thương yêu. Gần bên có lẽ là bà mẹ trong trang phục Hồi giáo với khăn
quàng che tóc cùng một chị gái lớn và đứa em trai nhỏ hơn. Gương mặt cậu nhuốm
vẻ e thẹn, sợ sệt và hồi hộp. Người tour guide cắt nghĩa “cậu bé đang
được gia đình dẫn đi dự lễ cắt bao quy đầu”.
Tôi
theo chân đoàn du lịch đến thăm Thổ Nhĩ kỹ vào cuối tháng năm. Thành phố đầu
tiên chúng tôi ghé là Istanbul
đang vào độ cuối xuân. Khí trời mát, nhưng bầu trời lại u ám những mây vì
đang ngậm một cơn giông sắp tới. Xe bus chở chúng tôi đi một vòng thành phố.
Nơi đây ngày xưa từng là kinh đô của 3 đế quốc khác nhau, đế quốc La Mã
(330-395), đế quốc Byzantine (395-1453) và đế quốc Ottoman (1453-1923).
Unesco đã công nhận là Istanbul
là di sản thế giới. Thành phố này cũng nổi tiếng với ngôi đền thờ Hồi giáo có
tên là Thánh Đường Xanh(Blue Mosque). Chính vì 99% dân Thổ theo đạo Hồi
(Muslim) phái truyền thống Sunni, nên khắp nơi trên đất Thổ, từ thành phố lớn
cho đến vùng quê đều có những tháp cao của đền thờ (Mosque). Đặc biệt nhất là
bất cứ bước chân của bạn đặt tới đâu, quán ăn, nhà trọ, ngõ hẹp hay đại lộ, bạn
cũng đều nghe được tiếng gọi cầu kinh.
Tiếng gọi và tiếng kinh cầu mỗi ngày
trỗi lên, giọng nam ấm áp ngân nga từ những chiếc loa tại các tháp giáo đường Hồi Giáo. Hai
tiếng trước buổi mai khi mặt trời thức giấc. Buổi trưa, ban chiều và giấc tối,
lúc hoàng hôn buông, mặt trời lui xuống. Tất cả là 5 lần, tiếng loa vang vọng
như ru như thúc như nhắc nhở, như ra lệnh, các tín đồ hay mau trỗi dậy hành lễ
và cầu nguyện.
Vì
đi du lịch theo đoàn, nên chuyến thăm Thổ nhĩ kỳ của tôi ngắn hạn, và chỉ được
dẫn đi thăm thú những thành phố, những nơi danh lam thắng cảnh nổi tiếng hay kỳ
lạ. Do đó kiểu du lịch “cỡi ngựa, xem hoa” này của tôi nếu không tìm hiểu và
nghiên cứu thêm về con người, lịch sử, cũng như văn hoá đất Thổ thì coi như
những gì tôi học hỏi được từ chuyến đi này chỉ có tính cách phơn phớt trên bề
mặt mà thôi.
Và
trong phút may mắn tình cờ tôi đã được nhìn thấy một hình ảnh rất đặc biệt
trong ngày lễ trọng đại của chú bé đạo Hồi.
Cắt
bao quy đầu(sunnet) cho bé trai là một tục cổ đã có từ thời tiền sử. Chúng ta
có thể thấy lệ này qua nhiều di tích và hình ảnh lưu lại từ thời đồ đá và thời
cổ Ai Cập. Nó đồng thời cũng là một giáo điều trong Do Thái giáo và Hồi giáo. Trong phong tục của một số phái Công giáo chính thống ở Đông Âu và Châu Phi, có tục “Cắt bao quy đầu” . Nó phổ
biến nhất tại vùng Trung Đông, Hoa Kỳ và nhiều vùng châu Phi và châu Á.
Cắt
bao quy đầu chính là phẫu thuật cắt bỏ phần da bọc phía đầu của dương vật.. Hơn thế
nữa, theo người Thổ, nó còn là một dấu mốc trên con đường của một bé trai phải
trải từ thời thơ ấu qua đến giai đoạn một người đàn ông trưởng thành. Nó cũng
tương đương với việc lấy vợ.
Đây
là một câu chuyện kể của nhà thơ Justen Ahren về ngày lễ trọng đại “Cắt bao quy
đầu” của một bé trai 12 tuổi. (Trịnh Thanh Thủy phỏng dịch)
Ông
nội chú bé Hussein kéo ra một con dao 9 inches từ đôi giày ống của ông và kéo
cằm con dê về phía ông với một tay. Trong một phút nhanh như cắt, con dao đã
xuyên qua cổ họng chú dê. Máu phọt, bắn xuống khắp đám lá Olive khô trong vườn
nhà. Ông làm lễ cám ơn Thánh Allah, cám ơn chú dê và ông bảo cậu bé Hussein rạp
người lễ theo. Ông lột da dê, đem phơi nắng trên bờ tường đá. Mẹ chú bé, bà nội
và các dì mang đến những lỉnh kỉnh nồi niêu và bát đĩa. Họ đem bao tử, gan, óc
và thịt đùi vào bếp để sắp sẵn cho bữa tiệc thịt nướng Kebabs, thịt hầm và súp.
Tất cả những món cao lương mỹ vị này sẽ đãi đằng no nê các thực khách là bạn bè
và gia đình trong hai ngày đêm cho tới buổi chiều ngày cậu bé Hussein sắp được
làm người lớn. Và dĩ nhiên, khi chưa bị “Cắt bao quy đầu” cậu vẫn còn được hành
xử như một đứa bé.
Sau
khi ngắm ông nội hành quyết con dê làm lễ tế thần, cậu chụp ngay lấy ngọc hoàn
chú dê còn nằm lăn lóc dưới đất. Cậu em họ thì thủ cái đầu và sừng dê. Cả
hai dí các vật đó vào các cô chị họ và bầy chị em gái, khiến họ chạy trối chết.
Cuộc rượt đuổi tạo nên một cảnh tượng vui nhộn sống động.
Ba nhạc công bắt đầu
chơi nhạc trong vườn nhà. Tiếng kèn hoà lẫn tiếng đàn liên tục ngày đêm
mang lại niềm phấn khởi cho đám thực khách sẽ bận rộn với việc ăn uống.
Hình minh hoạ, lễ phục xanh
Buổi
sáng của biến cố trọng đại, cậu bé được mặc một bộ đồ truyền thống. Quần, áo
trong và áo choàng màu xanh dương đậm đồng màu, có điểm hạt cườm bạc sáng lấp
lánh và kết lông thiên nga trắng nõn. Tay phải
cậu cầm một cây gậy rất vương giả, trông giống người chỉ huy một ban nhạc quân
hành. Nón cậu đội bị sụp xuống che mắt, khi cậu đứng ở hiên nhà với song thân.
Mọi
người reo hò, vỗ tay và chụp hình cùng quay phim. Trong khi đó, cách đấy vài
căn nhà, một đám đông bắt đầu hát và vỗ tay theo. Một cô bé trạc tuổi
Hussein và là bạn từ thuở bé của cậu, ra khỏi nhà cô. Cô mặc áo dài trắng, mũ
và găng tay lụa dài tới cùi chỏ. Khuôn mặt cô bé được trang điểm với son môi và
chì kẻ mắt, khiến cô có cái vẻ người lớn giả tạo. Cô được cha mẹ hộ tống đi về
phía nhà cậu bé, theo sau là các thành viên trong gia đình và ba nhạc công,
những người đã chơi nhạc ở vườn nhà Hussein suốt hai ngày qua. Hai cô cậu gặp nhau
trên đường và bị bao vây bởi đám đông những người quen lẫn không quen. Họ được
đưa vào một chiếc xe đỏ mui trần, cả hai ngồi vào băng sau trông bẽn lẽn,
ngượng ngùng như hai ông bà hoàng. Sau đó cả hai gia đình chất đầy lên xe
họ và chạy theo sau chiếc xe đỏ. Đám rước ấy chạy vòng khắp làng. Dường
như tất cả dân làng của ngôi làng khoảng 2 ngàn người này đều thò đầu ra khỏi
cửa sổ, hay đứng trước cửa reo hò, vẫy tay khi đám rước diễu qua. Tiếng còi xe,
tiếng la hét, cười nói, âm nhạc ồn ã, nhộn nhịp như ngày hội lớn.
Hình minh hoạ
Buổi
tối tiệc được đãi tại một nhà hàng có rượu bia và sàn nhảy rất tiện cho việc
đãi đằng. Điều đặc biệt là việc giải phẫu cắt bao quy đầu của cậu bé Hussein sẽ
xảy ra tại đây. Bữa tiệc xa hoa này có gà, cừu hầm, đậu bắp, cà chua,
bánh mì, trái sung, ô liu, phô mai, thịt gói lá nho và ớt nhồi thịt. Tiền lương
cả năm trời của cha cậu bé đã bay cho tất cả chi phí của buổi lễ này. Tuy nhiên
ông nói “Không sao, vì con tôi thôi, nó chỉ trở thành đàn ông có một lần trong
đời”
Khi
mọi người ăn xong, một người cầm micro và kêu gọi mọi người đứng dậy, tạo một
vòng tròn quanh một chiếc bàn mổ đặt giữa sàn nhảy. Chung quanh bàn có tấm màn
ri-dô trắng quây tròn như trong văn phòng bác sĩ. Máy chụp hình và quay phim
sẵn sàng để quay. Trẻ em được công kênh lên vai để xem cho rõ.
Hussein
bây giờ được mặc bộ lễ phục trắng. Cha và chú dắt cậu đến bàn mổ. Cậu khóc tấm
tức nho nhỏ, họ suỵt khẽ, bảo cậu im …và tất cả đã xong. Cuộc giải phẫu xảy ra
chỉ trong vài phút. Ai không xem tận mắt được thì xem qua màn ảnh LCD. Vị bác
sĩ sau khi khâu những mũi kim cuối cùng cho cậu bé, ông lau mồ hôi trán và gỡ
kính đeo mắt. Ông trình diện cậu bé với đám đông. Tiếng nhạc, tiếng cười, bùng
vỡ. Khiêu vũ và chuyện trò lại rôm rả. Cậu bé được mang từ bàn mổ qua chiếc
giường gần đấy, trông cậu như một hoàng tử bị thương trong chiến trận. Đám đông
phê bình và phân tích ca mổ như người ta bàn luận về các trận đá banh. “Hussein
thật can đảm” . Họ bắt tay nhau. Vị bác sĩ đặt mảnh da quy đầu vào một lọ thủy
tinh, đóng nắp lại trao cho mẹ cậu bé đang khóc lóc thảm thiết ở dưới chân
giường. Cậu bé giơ tay lên và đưa ngón tay về phía bạn bè và gia đình ra dấu
cậu cảm thấy khoẻ. Chị cậu ngồi xuống bên cậu, hôn trán cậu. Bây giờ Hussein bé
bỏng đã là một người đàn ông.
Trịnh
Thanh Thủy
Tài
liệu tham khảo
-
A Turkish Sunnet of Justen Ahren
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.