Ở
tuổi ngoài 50, Kim Hyun-hee vẫn còn nét xuân sắc của một mỹ nữ - điệp
viên nổi tiếng một thời làm chấn động thế giới.
Chuyến
bay định mệnh
Ngày
28/11/1987, chuyến bay KAL 858 của Hãng Hàng không Hàn Quốc vận chuyển hành
khách quốc tế từ thủ đô Baghdad, Iraq đến Seoul, Hàn Quốc. Trên chặng thứ hai
của chuyến bay từ Abu Dhabi tới Thái Lan, vào lúc 2 giờ 5 phút chiều, chiếc
Boeing 707 này đã nổ tung ngay trên bầu trời.
Xác máy bay rơi xuống khu rừng
gần biên giới Thái Lan-Myanmar, hộp đen không tìm thấy. Toàn bộ 104 hành khách
và 11 thành viên phi hành đoàn đều thiệt mạng.
Kim
Hyun-Hee bị thẩm vấn.
Vụ
nổ máy bay làm chết 115 người đã gây chấn động thế giới. 113 người trong số đó
là công dân Hàn Quốc, một người Ấn Độ và một người Liban. Vụ nổ xảy ra giữa
lúc, Hàn Quốc đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội và Olympic Seoul 1988.
Nhận
thấy có nhiều nghi vấn về vụ nổ máy bay, lực lượng an ninh Hàn Quốc phối hợp
với lực lượng cảnh sát quốc tế Interpol nhanh chóng vào cuộc. Tín hiệu điện đàm
cuối cùng nhận được từ phi công ngay trước vụ nổ chỉ 4 phút là: "Chúng tôi
mong rằng sẽ đến được Bangkok
đúng giờ. Thời gian và vị trí ổn định". Điều này cho thấy cho đến lúc gần
hạ cánh, không có điều gì bất thường xảy ra.
Điều
tra toàn bộ hành trình chuyến bay bị nạn, các điều tra viên xác định mấu chốt
là lúc máy bay dừng lại tại Sân bay quốc tế Abu Dhabi để tiếp tục chặng hai bay
tới Thái Lan.
Kim
Hyun-Hee (khoanh tròn) tại trung tâm huấn luyện phản gián.
Kiểm soát danh sách hành khách bay chặng đầu tiên từ Baghdad, các điều tra viên phát
hiện hai hành khách mang quốc tịch Nhật ngồi ở ghế 7B và 7C đã xuống sân bay
Abu Dhabi là đáng ngờ nhất. Đó là hai cha con Shinichi Hachiya và Mayumi
Hachiya. Lực lượng cảnh sát quốc tế lập tức phong tỏa các hướng bay.
Ngay
lúc ấy, nguồn tin quan trọng báo rằng, hai cha con người Nhật đã bay tới Bahrain và dự định tiếp tục bay tới Rome . Nhưng Đại sứ quán
Nhật tại Bahrain
xác nhận hộ chiếu của họ là giả. Khi lực lượng an ninh ập đến bắt giữ, hai cha
con người Nhật lập tức tìm cách hút thuốc lá tẩm kali xyanua để tự tử. Người
"cha" được đưa đến bệnh viện và chết tại đó, còn "cô con
gái" còn sống sau khi cảnh sát lấy được điếu thuốc lá từ miệng.
Chân
dung nữ điệp viên
Mayumi (film)
Ngày
15/12/1987, sau khi được chuyển về Seoul ,
suốt nhiều ngày thẩm vấn, cô gái với cái tên Mayumi Hachiya luôn khẳng định
mình vô tội. Cô ta sử dụng tiếng Nhật một cách chuẩn xác cùng với dáng điệu,
cách thức đi đứng, ăn uống đều y hệt người Nhật khiến các điều tra viên không
khai thác được gì.
Nhưng
có một lần, Mayumi vô tình phát âm ra một từ là nhãn hiệu tivi chỉ có ở Triều
Tiên nên các điều tra viên Hàn Quốc xác định đây chính là nữ điệp viên của
CHDCND Triều Tiên. Chiến thuật điều tra được thay đổi. Hàng ngày Mayumi được
xem truyền hình để hiểu về cuộc sống của người dân Hàn Quốc.
Cho
đến một hôm, Mayumi nói với nữ điều tra viên bằng tiếng Hàn: "Hãy tha thứ
cho tôi. Tôi xin lỗi. Tôi sẽ khai toàn bộ".
Kim
Hyun-hee lúc bị bắt.
Vào
tháng 1/1988, tại một cuộc họp báo do Cơ quan An ninh Quốc gia Hàn Quốc
(NIS) tổ chức, Mayumi thừa nhận rằng cô ta và đồng phạm của mình là đặc
vụ của CHDCND Triều Tiên.
Cô
ta khai tên thật là Kim Hyun-hee và rằng mình đã bị "khai thác
như một công cụ". Kim nhận ra rằng cuộc sống trên các đường phố của thủ đô
Seoul là hoàn
toàn khác với những gì cô đã tiếp thu được tại quê nhà.
Kim
Hyun-hee sinh ngày 27/1/1962 tại Bình Nhưỡng. Cha là quan chức ngoại giao của
Triều Tiên tại Cuba ,
hai em của Kim đều sinh ra ở La Habana.
Từ
nhỏ Kim Hyun-hee đã nổi tiếng thông minh, xinh xắn, học giỏi, thường biểu diễn
trên truyền hình và được chọn là học sinh dâng hoa cho Tổng thống Hàn Quốc khi
Hòa đàm đình chiến giữa Bắc và Nam Hàn diễn ra ngày 2/11/1972.
Kim
Hyun-hee theo học khoa Nhật ngữ của Đại học Ngoại ngữ Bình Nhưỡng và khoa Sinh
vật của Đại học Tổng hợp Kim Nhật Thành. Ngoại hình xinh đẹp, thông tuệ hơn
người, Kim Hyun-hee không biết rằng cô đã lọt vào vòng ngắm của mạng lưới tình
báo sở tại.
"Một
hôm có chiếc xe hơi màu đen chạy vào trường tôi, những người trên xe đến từ một
cơ quan đặc biệt cùng với thông báo cho biết tôi đã được trúng tuyển và phải đi
huấn luyện ngay. Tôi thậm chí không có thời gian từ giã bạn bè. Họ bảo tôi
chuẩn bị hành lý, chỉ được gặp mặt người nhà một đêm cuối cùng".
Thế
là từ tháng 3/1980, Kim Hyun-hee được đưa đến một nơi bí mật để học nghiệp vụ
tình báo với một chương trình đào tạo rất căng thẳng. Ngoài việc thuần thục
võ thuật tự vệ, sử dụng các loại vũ khí, hóa trang…, Kim phải chuyên tâm trau
dồi tiếng nói, phong cách, văn hóa… với một thiếu phụ người Nhật bị bắt cóc về
đây là Yaeko Taguchi để trở thành một người Nhật thực thụ.
Ngoài
ra, cô còn phải học tiếng Hoa Quảng Đông, phổ thông với một người phụ nữ Macao cũng bị bắt cóc
đến Triều Tiên. Từ tháng 7/1985 đến tháng 1/1987, Kim Hyun-hee cùng một người
khác sử dụng hộ chiếu Nhật Bản giả qua Macao rồi về Quảng Châu, Trung Cộng để
học Trung văn. Nhờ đó, Kim có thể hóa trang thành một người Nhật hay người
Trung Hoa một cách hoàn hảo.
Kịch
bản hoàn chỉnh
Tháng
11/1987, Kim Hyun-hee nhận một mật lệnh đặc biệt là đánh bom máy bay
Hàn Quốc nhằm làm gián đoạn cuộc bầu cử Quốc hội Hàn Quốc năm 1988 và gây hoang
mang cho các đoàn đại biểu tham gia Đại hội Thể dục thể thao thế giới Seoul
1988.
Theo
kế hoạch, Kim cùng một nam điệp viên khác đóng giả làm hai cha con người Nhật.
Họ bay từ Bình Nhưỡng đến Moscow, Nga, tiếp đó đến Budapest, Hungary và ở lại
nhà một điệp viên CHDCND Triều Tiên khác trong vòng 6 ngày. Vào ngày
18/11/1987, cả hai tới thủ đô Vienna nước Áo bằng ôtô, sử dụng hộ chiếu giả mua
vé máy bay của Austrian Airlines để bay từ Vienna trở lại Belgrade, Nam Tư, sau
đó tới Baghdad, Abu Dhabi và Bahrain.
Ngày
27/11, hai điệp viên hướng dẫn khác từ Vienna tới Nam Tư bằng tàu hỏa đưa cho
nhóm Kim một quả bom hẹn giờ, một đài bán dẫn hiệu Panasonic trong có chứa
350gr thuốc nổ C-4, kíp nổ và một chai đựng 700 ml thuốc nổ dạng lỏng PLX để
tăng sức công phá, được ngụy trang như một chai nước. Ngày hôm sau, nhóm Kim
đáp chuyến bay của Hãng Iraqi Airways bay từ Belgrade tới sân bay quốc tế
Saddam, Baghdad, Iraq. Họ đợi ở sân bay trong vòng 3 giờ 30 phút để chờ chuyến
bay KAL 858 - mục tiêu chính của họ - cất cánh vào lúc 11 giờ 30. Tại ghế ngồi
7B và 7C, hai điệp viên đã cài đặt thiết bị nổ, sau đó xuống máy bay ở Sân bay
quốc tế Abu Dhabi .
Kim
Hyun-hee, năm 2013.
Đúng
như kế hoạch, chiếc máy bay Boeing 707 đã bị nổ tan tành cùng với toàn bộ hành
khách và phi hành đoàn. Các mảnh vỡ của chiếc máy bay sau đó trôi dạt vào một
bờ biển của Thái Lan. Nhiều người trong số 113 công dân Hàn Quốc là công nhân
trẻ tuổi về nước sau khi làm việc nhiều năm trong ngành xây dựng ở Trung Đông.
Theo
tiết lộ của Kim Hyun-hee, mục tiêu chính của vụ tấn công trên chuyến bay này là
hai vợ chồng một nhà ngoại giao người Hàn Quốc làm việc tại Đại sứ quán ở Baghdad .
Sống
trong sợ hãi
Kim
Hyun-hee bày tỏ sự hối hận về hành động của mình và cầu xin sự tha thứ từ gia
đình của những người thiệt mạng trên chuyến bay KHL858. Cô nói: "Tôi sẽ bị
trừng phạt, sẽ phải chết hàng trăm lần vì tội lỗi của chính bản thân tôi".
Tác
phẩm của Kim Hyun-hee.
Kết
thúc điều tra, ngày 27/3/1990, Kim Hyun-hee bị kết án tử hình đối với vụ đánh
bom chuyến bay KAL 858, nhưng sau đó cô được Tổng thống Hàn Quốc Roh Tae-woo ân
xá khi ông cho rằng "cô gái này cũng là một nạn nhân như các hành khách
trên chuyến bay KAL 858!" Theo Kim Hyun-hee thì cô được sống vì là nhân
chứng cụ thể nhất của hành động cực đoan đó.
Kim
Hyun-hee đã cho xuất bản cuốn sách có tựa đề “Nước mắt của tâm hồn tôi” (The
Tears of My Soul), trong đó cô đã hồi tưởng lại quá trình được đào tạo tại trại
huấn luyện quân đội CHDCND Triều Tiên.
Năm
1997, Kim Hyun-hee kết hôn với một sĩ quan tình báo Hàn Quốc và có hai con. Dù
được sự giám sát an ninh chặt chẽ, cô vẫn lo sợ cho sự trả thù từ cả hai phía.
Với
CHDCND Triều Tiên, Kim Hyun-hee bị coi là một kẻ phản bội, không hoàn thành
nhiệm vụ và không tự sát khi bị bắt. Vì thế có thể cô bị sát hại vào bất cứ lúc
nào. Mặt khác, cô cũng lo lắng sự trả thù từ thân nhân các nạn nhân của vụ đánh
bom mà cô là thủ phạm. "Tôi vẫn là một tù nhân, hoặc một người bị giam cầm
bởi cảm giác tội lỗi". Cũng như điệp viên Kim Dong-sik, Kim Hyun-hee chỉ
mong được sống cuộc đời còn lại và chết trong yên lặng.
Thiên
Tường
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.