Năm nào, vào khoảng thời gian này, chúng ta cũng thường có dịp tham dự những buổi họp mặt Tất Niên hay Tân Niên của các Hội Đoàn Đồng Hương, Ái Hữu hay Đơn Vị, Quân Binh Chủng,…
Nhiều khi nghĩ cũng lạ, nói không ngoa, trong hơn ba chục năm ở đây, trong vùng Little Saigon, mỗi năm tôi thường đến tham dự ở cái nhà hàng này, ít lắm cũng mỗi năm ba lần, tính ra trong ba mươi năm, là 90 lần đến cùng một cái nhà hàng, gặp gỡ bạn bè có khi thay đổi, nhưng cũng có khi với chừng ấy khuôn mặt.
Note: hình trong bài là minh họa
Ba mươi năm, mỗi lần đến đây, ngồi vào bàn tiệc, tôi đã cầm đũa lên, ăn những món ăn trong cái thực đơn muôn thuở, không bao giờ thay đổi ấy, đến nhàm chán. Trên bàn thường không có mảnh giấy in bản thực đơn, nhưng dù có, nhắm mắt lại, cũng biết món mở đầu là “bát… nháo khai vị,” ở giữa là món đầu, đuôi và vỏ tôm hùm, và món cuối cùng là cơm chiên và một đĩa cá filet. Cái menu này chúng ta gọi là “Menu Hội Đoàn!” Cuối cùng món tráng miệng là một dĩa cam Cali cắt nhỏ, ngọt hay chua tùy theo mùa.
Trên bàn lúc nào cũng có một chai nước ngọt Coca hay 7Up, và thêm một chai rượu chát rẻ tiền nhất, mà theo lời ông chủ nhà hàng, là để biếu bà con, nói “văn vẽ” kiểu trong nước là… khuyến mãi! Không nhiều không ít, không di dịch, không thay đổi. Nhiều lúc trong hai ngày Chủ Nhật và Thứ Bảy cuối tuần, mà bất đắc dĩ chúng ta phải tham dự cùng ở một cái nhà hàng ấy ba buổi tiệc, thì đúng là một tai họa làm cho bộ phận tiêu hóa của chúng ta phải lên tiếng.
Những nơi mà chúng ta thường lui tới để dự tiệc tùng kể trên là những nhà hàng Tàu, theo cách nói quen miệng. Ở Mỹ, thì những nhà hàng này có thể gọi là nhà hàng Hồng Kông, Đài Loan hay Trung cộng, với những cái tên có kèm theo chữ Seafood, Place, Cove, Paradise… sân khấu trang trí hình Long Phụng, Song Hỷ, nhưng chủ nhân và bồi bếp, trong cộng đồng này đều phần lớn là người Việt Nam hoặc là cư dân Chợ Lớn đến đây bằng con đường “bán chính thức!”
Dễ chừng không có nhà hàng Tàu thì người Việt lưu vong đã “không có… văn hóa.”
Bằng chứng là ngày cử hành hôn lễ của đôi trẻ trong cộng đồng Việt Nam, không phải do cha mẹ đôi bên giở lịch Tam Tông Miếu để chọn cho đôi trẻ ngày lành tháng tốt, mà do ông chủ nhà hàng Seafood … quyết định. Nói rõ ra, chưa, chưa… có ngày tháng để “book” nhà hàng, đãi đằng bà con hai họ, thì… chưa động phòng!
Chính trị thì ai cũng đòi “thoát Trung,” “chống Tàu lạ…” nhưng lề thói thì cứ mãi dính chặt với… Tàu!
Chưa ai làm được một cuộc cách mạng. Đám cưới mà không đãi tiệc ở nhà hàng Tàu thì ai đi. Có lần gia chủ đãi tiệc ở nhà hàng Tây, thực đơn chỉ có một đĩa rau trộn và chọn cái đùi gà, miếng beefsteak hay mấy con tôm… thì các cụ chê nhạt nhẽo và nghĩ rằng chắc là bọn chúng… hà tiện! Ba mươi năm rồi, địa điểm các nhà hàng Tàu để tham dự tiệc cưới, họp hội đoàn, đồng hương quen thuộc như nhìn bàn tay, chẳng bao giờ cần đến một cái GPS hay vào Google để tìm ra địa chỉ.
Bây giờ chúng ta trở lại với những buổi sinh hoạt của ái hữu, đồng hương, đơn vị mà trong đầu bài chúng tôi đã dạo qua ở trên.
Tôi cho buổi hội họp nào cũng trở thành một cực hình cho người tham dự, khi một chương trình ca nhạc “phong phú” đầy ắp, tra tấn lỗ tai người nghe, nhất là những lúc không may, các cụ được xếp ngồi ngay cái bàn trước loa phóng thanh, khuếch âm tối đa! Ai bảo nhân tài như lá mùa thu, tôi thì cho rằng, cộng đồng chúng ta lạm phát ca sĩ. Bằng chứng là khi phòng hội chưa đến giờ khai mạc, mới lai rai khách khứa năm bảy chục người, thì sân khấu đã ầm ĩ, ồn ào, liên tục, cho đến khi khách đứng dậy ra về, còn nghe tiếng hát của ca sĩ đuổi theo sau.
Cũng may là dân mình có thói quen đi trễ, giấy mời ghi 6:00 giờ, nhưng đến 7:30 giờ hơn cũng chưa vào cuộc, nhờ vậy mà “ca sĩ” và ban nhạc mới có cơ hội bằng vàng với thiện chí là “warm up,” kẻo không khí lạnh lùng, tẻ nhạt quá! Nhiều khi thấy thương cho ông nhạc sĩ “One Man Band,” không hề được ăn uống hay vào nhà vệ sinh, phải liên tục đệm đàn từ khi buổi hội chưa khai mạc cho đến khi nhà hàng dọn dẹp đóng cửa!
Trong một buổi họp mặt hội đoàn nào cũng vậy. MC chạy lui chạy tới, giới thiệu hết cô này đến bà nọ, cũng là người vất vả và mất lòng thiên hạ nhất, vì cô, bà nào cũng muốn lên sân khấu, mà phải được xếp ưu tiên hát trước và phải được tái ngộ… nhiều lần. Cái câu “Xin quý vị cho một tràng pháo tay…” dễ thường chúng ta phải nghe MC nói đi nói lại đến trăm lần trong một buổi ăn tại nhà hàng… Tàu hay cả trong những cuốn băng nhạc… Việt! Mỗi người hát sẽ được xin vỗ tay hai lần, một khi chưa hát và một sau khi hát xong cúi chào khán giả!
Nói chung, không phải ca sĩ tài tử nào hát cũng tệ, nhưng giá đừng hát, trả lại sự yên tĩnh… cho sân khấu chúng tôi thì tốt hơn. Vì gặp nhau ở chỗ này, ai cũng muốn chuyện trò, hàn huyên, thăm hỏi nhau, chứ mục đích buổi hội ngộ này không phải là nơi chúng ta mua vé để vào nghe ca sĩ “nghiệp dư,” được giải nghĩa là “rỗi nghề” lên hát! Nhưng ai hát thì cứ hát, ai đàn thì cứ đàn, ai chuyện trò lớn tiếng, ai ăn uống là quyền của họ. Và ca sĩ cần được hát hơn là cần có người nghe! Họ không cần chú ý đến nhau và chẳng cũng cần tôn trọng nhau.
Tôi biết một ca sĩ nổi tiếng, nay đã qua đời, lúc sinh tiền, cô không bao giờ nhận lời lên sân khấu trong lúc người ta ăn uống sì sụp. Vì lúc người ta đang phải bận rộn dùng hàm răng, lưỡi và dịch vị thì chức năng của màng nhĩ trở nên rối loạn!
Nhưng cũng chính vì lâu ngày gặp nhau, chúng ta cứ nói chuyện ào ào, chẳng coi ai ra gì, nên từ bài diễn văn của ông Hội Trưởng, đến phát biểu của một quan khách, kể cả những nghi thức tế lễ cổ truyền, cần đến sự nghiêm trang và yên lặng của mọi người tham dự, cũng chẳng có ai cần để ý đến!
Có nhân tài thì có người hâm mộ, tạo nên một lề thói tặng hoa rất là… dung tục. Lề thói này phát triển từ trong nước sau năm 1975 và theo chân người tỵ nạn đến đây. Trong khi ca sĩ đang mơ màng theo lời hát, thì dưới sân khấu, có người hùng hục bước lên, ghé qua chậu hoa, nhón một bông hoa, lên tặng người hát, xong đứng sát ca sĩ hay ôm hẳn người này để nhờ một người bạn gần đó bấm cho một “bô” hình kỷ niệm. Tội nghiệp cho ca sĩ, có khi hai ba người lên tặng hoa cùng một lúc, một tay bận cầm micro, tay kia phải nhận cả mấy chùm hoa, có khi phải kẹp vào nách. Có người còn phải ôm luôn cả một chậu hoa cúc, mà người hâm mộ lên sân khấu, tiện tay bê theo luôn cho tiện việc.
Một cái xô lớn đựng nhiều hoa được ban tổ chức đặt trước sân khấu, ca sĩ được tặng hoa, hát xong đem hoa về bỏ vào chỗ cũ, cho người khác tiếp tục lấy, tặng cho người sau, nên loại hoa này không còn được gọi là “hoa trinh nữ” nữa!
Lề thói này chúng ta chỉ có thể tìm thấy trong cộng đồng người Việt, vậy có thể cho rằng đây là một thứ văn hóa… Việt Nam chăng?
Cái mà người ta gọi là chương trình văn nghệ chỉ là một thứ tạp lục vô giá trị mà ban tổ chức nào cũng giẫm theo lối mòn, làm cho có, nhưng lại làm khổ người tham dự. Dễ thường một buổi sinh hoạt như vậy, có đến vài ba mươi ca sĩ tình nguyện lên sân khấu để được hát, được “cho” một tràng pháo tay rời rạc, được tặng hoa, được ôm và được chụp ảnh. Tiếng hát ở đây không những át được tiếng đàn của nhạc công, mà đôi khi còn át được tiếng trò chuyện cười đùa của người tham dự, trong đó ai cũng muốn giành phần thắng, nói lớn hơn, cười lớn hơn và ban tổ chức cũng muốn tiếng loa phải lớn hơn. Đi dự tiệc về nhà, phải uống thuốc… an thần.
Nhìn lên tấm lịch tháng có ghi ngày đi tham dự sinh hoạt hội đoàn, tính ra tháng này còn ba cái nữa. Đã là con đường cũ, cũng đành phải đi thôi! Vẫn là những cái nhà hàng Tàu cũ, những món ăn ba mươi năm trước đã ăn, chai coca trên bàn, chương trình ca nhạc không ai muốn nghe, câu nói “xin quý vị một tràng pháo tay!” sẽ được lặp lại.
May mắn là đến tuổi này, không còn có cơ hội đi tham dự đám cưới của con cháu nữa, chỉ còn đi dự đám tang. Yên trí, với đám tang, chắc chắn là không có câu “xin quý vị một tràng pháo tay” đâu!
Huy Phương
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.