Ăn cắp trí tuệ
Các công ty Trung cộng ăn cắp trí tuệ các công ty Mỹ rât nhiều. Phần lớn không bị thưa kiện vì thưa kiện đòi hỏi nhiều thời gian, tiền luật sư và ngay khi thắng kiện chưa chắc đã được bồi thường gì? Lý do nữa là các công ty Mỹ sợ mất thị trường khổng lồ Trung cộng. Xin xem phần dưới về ngành hỏa xa Trung cộng để biết thị trường Trung cộng lớn mức nào.
Một vài trường hợp ăn cắp trí tuệ tiêu biểu:
American Superconductor Inc
Công ty Trung cộng, Sinovel Wind Group, bị tòa án liên bang ở Wisconsin kết án về việc đánh cắp phần mềm điều khiển quạt điện gió của hãng American Superconductor Inc. CEO hãng American Superconductor Inc ước lượng 20% quạt gió Trung cộng (khoảng 8000 quạt gió) hiện đang chạy với phần mềm ăn cắp của American Superconductor Inc".
Motorola
Hanjuan Jin là một kỹ sư thành công làm việc trên công nghệ di động Motorola vào thời điểm Motorola là một trong những công ty điện thoại không dây hàng đầu thế giới (và là nhà cung cấp đáng kể cho Lầu năm góc). Các cuộc điều tra tiết lộ rằng sau tám năm gắn bó với Motorola, Jin đã nghỉ phép năm 2006, sang Trung cộng và vi phạm các điều khoản về việc làm Motorola của cô, làm việc với Sun Kaisens, một công ty viễn thông Trung cộng liên quan đến quân đội Trung cộng. Năm 2007, cô trở lại Chicago và làm việc cho Motorola.
Vào ngày 28 tháng 2 năm 2007, Hanjuan Jin đã bị các nhân viên hải quan chặn lại tại sân bay O’Hare. Cô mang theo nhiều tài liệu của Motorola có đánh dấu bí mật và độc quyền.
Năm 2012, cô bị kết án bốn năm tù, và phạt 20.000 đô la.
Bị bằt năm 2007, phải chờ 5 năm sau mới bị kết án, cho thấy thời gian kiện cáo rất dài và tốn kém.
Iowa Seed Corn
Năm 2014, sáu công dân Trung cộng đã bị bắt vì tội ăn cắp hạt ngô biến đổi gen từ các trang trại thí nghiệm Dupont và Monsanto ở Iowa. Những kẻ âm mưu đã được sử dụng bởi tập đoàn DBN của Trung cộng và công ty con hạt giống ngô, Kings Nower Seed.
Một trong sáu kẻ âm mưu, Mo Yun, là vợ của người sáng lập DBN, và người thứ hai, Mo Hailong hay Robert Mo, là anh trai của cô. Các công tố viên Hoa Kỳ buộc tội những kẻ âm mưu đánh cắp các mẫu hạt giống bố mẹ đã sản xuất hạt giống biến đổi gen, và cố gắng buôn lậu chúng đến Trung cộng, bao gồm một nỗ lực liên quan đến việc giấu hạt giống trong túi bỏng ngô lò vi sóng. Trang trại thí nghiệm Monsanto cho biết họ đã chi hàng tỷ đô la để phát triển hạt giống ngô tiên tiến.
Năm 2016, Mo Hailong bị kết án 36 tháng tù giam liên bang. Chính phủ cũng tịch thu hai trang trại, một ở Iowa và một ở Illinois, được mua bởi những người chủ mưu.
Ke Xu
Năm 2015, Ke Xu, người Trung cộng, đã bị buộc tội truy cập, xóa và sao chép các chương trình của công ty hedge fund Trenchant Ltd. G-Research buộc tội Ke Xu ăn cắp chiến lược mua bán trên thị trường chứng khoán hầu có thể sử dụng riêng, hoặc cho các công ty cạnh tranh khác. Ke Xu bị kết án 4 năm tù.
Sao chép
Sao chép xẩy ra rất thương xuyên, có thể xem là bình thường trong lãnh vực sản xuất hay xây dựng. Sao chép cực kỳ có lợi về thời gian và chi phí. Không phát minh ra lại bánh xe, chỉ cần làm một bánh xe khác. Công nghệ sao chép là một giai đoạn phát triển. Sáng tạo để tạo ra một cái gì đó khác biệt, và nâng cao so với bản gốc. Áp dụng một số đổi mới, kiểm soát chất lượng sẽ có một sản phẩm khá gần với bản gốc, về ngoại hình cũng như chất lượng. Một thời gian ngắn sau mỗi buổi trình diễn thời trang, các vải vóc và y phục rất giống đã bầy bán nhiều nơi.
Sau chiến tranh người Nhật đã thành công lớn nhờ sao chép. Đài Loan, Nam Hàn và Trung cộng cũng đi theo con đường đó.
Đức đã phát minh ra các tinh thể lỏng trong TV màn hình phẳng. Nhật Bản và người Hàn Quốc đã sao chép phát minh đó.
LG và Samsung đầu tư hàng tỷ dollar vào công nghệ này và đang thống trị trong lĩnh vực.
LG sản xuất TV và điện thoại và cả màn hình Retina độ phân giải cao trong iPhone. Samsung bán các linh kiện quan trọng cho Apple, bao gồm màn hình Retina cho iPad, nhưng cũng cạnh tranh với Apple trực tiếp và thành công trong các điện thoại thông minh cao cấp. Hai công ty có một cuộc chiến pháp lý kéo dài 7 năm về bằng sáng chế).
Sao chép, thay đổi và thích nghi đã khiến trung tâm sản xuất của Trung cộng giúp Trung cộng đạt được vị thế của một cường quốc.
Trước khi xây phi trường Changi, chính phủ Singapore cử một phái đoàn chuyên viên đi thăm nhiều phi trường trên thế giới, xem các khuyết điểm, nhược điểm và ưu điểm của các phi trường. Từ đó rút ra những kinh nghiệm để thiết kế phi trường Changi được tốt đẹp và ít khuyết điểm nhất. Đó cũng là một nguyên tắc làm việc của Singapore, không sáng chế gì từ số không cho nhiều triển vọng thành công, và tránh các thất bại quá lớn.
Đài Loan tìm hiểu hệ thống bảo hiểm y tế nhiều nước trên thế giới để thành lập hệ thống bảo hiểm y tế của Đài Loan. Cho đến nay, đại đa số dân Đài Loan rất hài lòng hệ thống bảo hiểm y tế này.
Chuyển giao công nghệ
Để hiểu rõ vấn đề, hãy xem quá trình làm tầu cao tốc tại Trung cộng.
Năm 2004, Trung cộng không tự thiết kế và sản xuất tầu cao tốc. Bộ đường sắt Trung cộng đã tổ chức đấu thầu quốc tế với điều kiện là tàu cao tốc phải được sản xuất tại Trung cộng, và chấp nhận tiêu chuẩn tín hiệu điều hành hệ thống xe lửa Trung cộng.
Kawasaki (Nhật Bản), Siemens (Đức), Bombardier (Canada) và Alstom (Pháp) đã tham gia đấu thầu. Bộ đường sắt Trung cộng yêu cầu mỗi công ty thiết kế và sản xuất loại tàu cao tốc của riêng họ. Phần Siemens, Siemens Velaro làm 3 đoàn tàu đầu tiên tại Đức, và 85% linh kiện cho 1600 tàu sau. Linh kiện Siemens Velaro giảm xuống 18% cho 2000 tầu tiếp theo. Số tầu Trung cộng đặt mua vượt xa số tầu Velaro đã làm từ trước đến nay.
Trong thời gian 2004-2014, mạng lưới đường sắt của Trung cộng điều hành nhiều loại tàu cao tốc của các công ty khác nhau. Tầu CRH1 của hãng Bombardier Canada chạy tối đa 200 Km/giờ. Tầu CRH2 làm theo phiên bản cũ của tầu Shinkansen E2-1000. Tốc độ 300k/h, nhưng tốc độ CRH2 bị giới hạn ở 250km/h. Tầu CRH3 được thiết kế bởi Siemens tại Đức, và được sản xuất tại Trung cộng. Không có Tầu CRH4 vì số 4 là con số không may mắn ở Trung cộng! Tầu CRH5 được thiết kế bởi Alstom ở Pháp và được sản xuất tại Trung cộng. Tốc độ tối đa là 280km/h.
Sau khi dùng thử các tầu cao tốc CRHx, bộ đường sắt Trung cộng yêu cầu các công ty làm các tầu chạy 380 Km/h. Thời gian đó tầu cao tốc Nhật Bản chạy khoảng 350km/h. Nhật muốn bảo vệ công nghệ mới 380Km/h của Shinkansen, quyết định rút khỏi dự án làm tầu cao tốc, và các hợp tác tiếp theo với Trung cộng. Bộ đường sắt Trung cộng cũng yêu cầu các tàu mới được sản xuất bởi các công ty liên doanh với Trung cộng. Siemens và Bombardier đã đồng ý vì phần lớn doanh thu của họ là ở Trung cộng, và họ không muốn mất một thị trường khổng lồ ở đây.
Sau khi thành lập các công ty liên doanh với Siemens và Bombardier, các công ty nội địa Trung cộng chịu trách nhiệm sản xuất một phần linh kiện thay thế. Thông qua sản xuất, họ đã học hỏi, làm chủ hầu hết các quy trình thiết kế, và sản xuất.
Tầu CRH380-A - Thiết kế đầu tiên tại Trung cộng: Đầu năm 2008, Nhật thiết kế tàu mới 380km/h cho tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Thượng Hại. Nhưng Nhật đã quyết định rút lui khỏi dự án, rút về tất cả các vật liệu và công nghệ làm dự án.
Trung cộng phải đối mặt với nhiều khó khăn lớn vì Nhật chỉ tiết lộ công nghệ áp dụng cho 250km/h., và Trung cộng không được truy cập vào toàn bộ mã nguồn của hệ thống kiểm soát.
Cuối năm 2008, bộ đường sắt và bộ khoa học, công nghệ Trung cộng tụ tập hơn 500 nghiên cứu và 10000 kỹ sư thành nhóm đặc biệt "Dự án 226 226". "Dự án 226 226" đã dùng các tài năng từ ba công ty thiết kế: Thanh Đảo Sifang, CRRC và CR Tang Sơn, cũng 25 trường đại học, 56 phòng thí nghiệm chính, và 500 OEM (Original Equipment Market) tại Trung cộng.
Năm 2010, Trung cộng đã giải quyết các khó khăn lớn, và thiết kế tầu CRH380-A.
Tầu CRH380-B sử dụng công nghệ của Siemens, và tốc độ tối đa được cải thiện lên 380km/h.
Tầu CRH380-C cho đường sắt Changchun là Tầu CRH380-B có mũi đầu tầu thiết kế lại được vào ngày 6 tháng 12 năm 2010. Sau gọi là CRH380CL.
Tầu CRH380-D sử dụng công nghệ Bombardier, và thiết kế đặc biệt với tốc độ 380km/h và được sản xuất bởi liên doanh Sifang (Thanh Đảo) với Bombardier.
Ngày nay Trung cộng có thể làm được tầu cao tốc với một số linh kiện nhận cảng.
Các chi tiết trên cho thấy muốn tiếp thu được công nghệ cao, cần rất nhiều tiền, đường hướng, tụ tập nhiều nhân viên kỹ thuật cao, có tiềm năng hấp dẫn các công ty ngoại quốc liên hệ, và có quyết tâm đạt mục tiêu. Việt Nam đang xây hệ thống xe điện ngầm tại Saigon, có ý muốn xây hệ thống đường xe lửa cao tốc nhưng không thấy có khả năng tài chính, kỹ thuật và đường hướng nào để tiếp thu công nghệ. Hệ thống xe điện ngầm và xe lửa cao tốc Việt Nam cũng không đủ lớn để có thế mạnh thương lượng với các công ty ngoại quốc.
Các công ty các xứ phát triển cũng ở thế kẹt. Nếu không bán, chuyển giao công nghệ, công ty không phát triển nhanh, không có nhiều lợi nhuận, không đủ tài chình để nghiên cứu và phát triển, tìm ra các phát minh mới. Các phát minh đang có theo thời gian sẽ lỗi thời.
Hàng giả
Việc sản xuất và bán hàng giả là một vấn đề toàn cầu, trị giá trên $520 tỷ (năm 2019), chiếm 3,3% tổng giao dịch toàn cầu, là vấn đề nghiêm trọng liên quan đến kinh tế các doanh nghiệp và sức khỏe người tiêu dùng. Hàng giả lan tràn trên nhiều lãnh vực như mỹ phẩm, hàng cao cấp đồng hồ, ví, giầy dép, quần áo, điện thoại cầm tay, ipad ... Quan trọng và nguy hiểm nhất là thuốc giả. Để ngăn chặn thuốc giả, các hãng sản xuất thuốc, các đại lý và các nhà bán thuốc ở trong hệ thống mua bán riêng, kiểm soát chặt chẽ số lượng thuốc sản xuất, mua vào và bán ra.
Hàng giả được gửi đến Mỹ qua những con đường phức tạp, tên các công ty giả gần giống tên các công ty lớn. Web site, email cũng theo hình thứ như vậy.
Giấy tờ giả, địa chỉ email giả, gừi ít hàng thật che các hàng giả. Giầy Nike, đồng hồ Seiko và hàng Louis Vuitton giả thường là những hàng giả được làm tại Trung cộng.
Kết luận
Ăn cắp trí tuệ hiển nhiên là điều cần lên án. Ngay tại Mỹ, các công ty cũng ăn cắp trí tuệ của nhau, nhất là được dễ dãi qua Internet. Các công ty cấm các cựu nhân viên, trong một thời gian, làm việc cho các công ty cạnh tranh. Chi phí luật sư quá cao (lên trên $10,000 một giờ), khó chứng minh được thiệt hại tài chính, và thời gian giải quyết quá dài làm đại đa số các ăn cắp trí tuệ bị chìm đi trong quên lãng.
Các công nghệ tiến rất nhanh như ngành điện tử . Sao chép, chuyển giao công nghệ rất tốn kém, và luôn bị lạc hậu nếu không đủ chuyên viên cao cấp học hỏi và sáng tạo.
Các chíp làm với kỹ thuật 65nm(năm 2006), 40nm(năm 2010), 28nm (năm 2012), 20nm (năm 2015)... và ngày nay kỹ thuật đạt đến 12 nm, và 7 nm. Như mua thiết bị làm chíp 40nm (năm 2010) chưa kịp sản xuất gì, kỹ thuật đã lỗi thời vì kỹ thuật đã sang 28nm (năm 2012). Không công ty nào còn giữ thiết bị điện tử năm 2012, 2015 tuy mua rất đắt, mới tinh nhưng đã lạc hậu.
4 con rồng Á Châu Nhật, Đài Loan, Singapore và Nam Hàn đã dùng con đường sao chép, ăn cắp trí tuệ (chắc chắn là có), chuyển giao công nghệ, sáng tạo đã trở thành các quốc gia phát triển. Trung cộng theo đường lối này cùng với 4 quốc gia trên, đã sang giai đoạn sáng chế và dẫn đầu trên nhiều phương diện như: xây cất, xe buýt, xe đạp điện, xe lửa tốc hành, supercomputer, máy điện toán, TV, dệt, may mặc, hầu hết các đồ dùng trong nhà, văn phòng, phim ảnh, điện thoại cầm tay, và thiết bị G5 ...
Năm 1987, tầu chạy trên từ trường được thử xong tại Đức. Năm 2002, tầu chạy trên từ trường thương mại đầu tiên đã được hoàn thành giữa thành phố Thượng Hải đến sân bay Quốc tế Phố Đông 30,5 km (18,95 dặm). Giá thành $1.5 tỷ gấp khoảng ba lần xây tầu cao tốc nhưng chi phí bảo trì và vận hành thấp hơn so với tàu cao tốc truyền thống hay máy bay.
Nếu Siemens không bán và chuyển giao công nghệ cho Trung cộng thì kỹ thuật và công lao nghiên cứu đi vào lãng quên, không giữ được các chuyên viên, và không còn R&D nữa.
Trung cộng đã cải thiện công nghệ này. Tầu có thể đạt vận tốc 600 Km/g, và nếu đặt trong đường ống có thể lên đến 1000 Km/g. Vì giá cả quá cao nên vẩn chưa có dự án nào khác. Nếu không dùng, Trung cộng mất tiền mua công nghệ, chi phí nghiên cứu và cải thiện. Rủi ro cho cả Siemens lẫn Trung cộng.
Nguyễn đức Vượng
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.