Vụ dân Đồng Tâm bắt giữ cảnh sát hồi 2017 đã được giải tỏa và sự việc tưởng như đã êm thắm nhưng sau gần ba năm, chính quyền Hà Nội chọn cách tấn công vào điểm dân cư này thay vì đối thoại
Người dân bị thiệt hại trong chiến dịch cưỡng chế bạo lực hôm 09/01/2019 ở Đồng Tâm, Hà Nội, hoàn toàn có thể đề nghị hoặc khiếu kiện để được bồi thường thiệt hại,' theo một luật sư từ Hà Nội.
Bình luận hôm 10/01 về khía cạnh trên cũng như trong trường hợp người dân làng 'không liên quan' nhưng bị 'vô cớ hành hung, bắt bớ' trong lúc chiến dịch cưỡng chế diễn ra, Luật sư Ngô Anh Tuấn, Trưởng văn phòng luật sư ATN, từ Hà Nội nói:
"Nếu có những người cảm thấy bị thiệt hại, ảnh hưởng đến vấn đề kinh tế từ việc làm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì thứ nhất dân có thể đề nghị Ban bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư có những chi phí hỗ trợ, còn trong trường hợp họ chứng minh được là điểm giải phóng mặt bằng, hay các việc khác có liên quan đến người dân khiến họ bị ảnh hưởng.
"Và những nhân viên tiến hành công vụ mà có những hành vi mà làm thất thoát tài sản của người dân, thì dân có thể yêu cầu, đề xuất bồi thường, hoặc nếu không đồng ý, thì họ có thể yêu cầu khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường, nếu như họ có cơ sở chứng minh.
"Còn dân cũng có quyền yêu cầu, theo Hiến pháp, họ có quyền được bảo vệ về an toàn, về tính mạng, về nhân thân về tài sản, họ có quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đảm bảo điều đó cho họ, trả lại môi trường bình yên cho họ, như vốn có ngày xưa. Cái đó thì rõ ràng họ có quyền...
"Tùy vấn đề, nếu liên quan đến sức khỏe, liên quan đến tình mạng, nếu như chính quyền làm sai, dân chứng minh được những người nào làm sai và người dân bị bắt bớ sai, thì họ có quyền khiếu nại, tố cáo những người mà bắt bớ sai họ.
"Điều đó là rõ ràng, luật quy định rất rõ ràng rồi. Có nghĩa là khi chúng tôi được tiếp cận, nếu như dân làng mà có những phản ánh đúng những gì mà trong quyền lời chính đáng của người dân, thì chúng tôi sẽ tư vấn."
Vẫn theo luật sư này, trong trường hợp người dân có 'hành vi làm sai, làm trái', thì họ cũng vẫn có thể cần được sự hỗ trợ, hướng dẫn pháp lý của các luật sư, ông Tuấn, người đang bảo vệ quyền lợi cho các thân chủ là cư dân ở Đồng Tâm nói tiếp:
"Thậm chí có những người mà dân làng đã làm sai, có những hành vi trái pháp luật, thì sẽ vận động họ để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
"Cái này thì nói chung chúng tôi phải tiếp xúc cụ thể với người dân thì chúng tôi mới biết được, còn thông tin... chúng tôi chỉ được nghe phản ánh qua điện thoại, ngoài ra là không có thông tin nào khác, trực tiếp, chúng tôi không nhìn thấy, trông thấy bằng mắt thường."
Chiến dịch lúc 4 giờ sáng, đúng hay sai?
Hình ảnh sự kiện điểm nóng Đồng Tâm qua một phóng sự đưa tin của truyền hình Việt Nam (VTV) cùng ngày 09/01/2020
Theo Luật sư Ngô Anh Tuấn, việc chính quyền và các lực lượng vũ trang mở chiến dịch vào lúc 4 giờ sáng, nếu điều này là đúng sự thực, nhắm vào một khu dân cư dân sự, trong đó có nhiều người có thể không liên quan như trẻ em, người già, phụ nữ, người ốm đau... có thể là 'trái với quy định của pháp luật'.
"Ở đây rõ ràng là nếu làm quyết định không đúng, tôi nói rằng đây là những người mà ban hành ra quyết định có thể là những người làm sai, còn những người đi thực thi, những chiến sĩ như cảnh sát đi thực thi, những người giúp việc khác, chỉ đi làm theo quyết định của cấp trên giao phó, còn những người ra quyết định mà làm sai, ngay cả những người đi thực thi, chưa hẳn họ đã biết là việc làm của họ là sai.
"Cấp trên cứ nói là đi làm thì họ chỉ biết đi làm việc, có thể có những người đủ nhận thức, nhưng có thể có những người không đủ nhận thức là việc của họ là đang sai, và thậm chí cấp trên có ra văn bản sai, quyết định sai, thì họ cũng không có quyền để nói ngay là cấp trên đang sai và họ phải sẵn sàng, phải làm theo sự phân công của cấp trên thôi.
"Còn trong trường hợp này, ai ban hành ra quyết định cưỡng chế hoặc là đi làm các công việc khác ngoài việc cưỡng chế đó, thì những người đó có thể đã sai, còn trừ khi mà họ có các văn bản tố tụng trước, có thể ví dụ như là họ nói rằng có một hành vi phạm tội nào đó xảy ra trước đó, để họ ngăn chặn lại mà trường hợp là khẩn cấp, mà có văn bản tố tụng khẩn cấp, thì họ phải trưng ra bằng chứng trước người dân, để họ nói rằng việc này họ làm không phải là vì vấn đề cưỡng chế, mà họ đi áp chế một vấn đề tội phạm khác, cái này thì không biết được, chúng tôi không có văn bản, giấy tờ nên không nhận định được...
"Nhưng như tôi đã nói, những người chỉ huy, những người ban hành ra văn bản, quyết định này có thể là những người đã làm sai. Nếu họ chỉ đơn thuần thực hiện việc cưỡng chế, quyết định cưỡng chế, thì các cơ quan tiến hành việc này đã sai.
"Còn nếu như có một việc khác, liên quan đến một vụ án hình sự khác, mà họ cho rằng có hành vi phạm tội hay gì đó để họ áp chế tội phạm, thì có thể là họ cũng sai.
Ông Lê Đình Kình trong lần gặp gỡ đại diện Viettel hồi đầu năm 2017 - hình lấy từ video clip. Báo chí nhà nước ở VN hôm 10/01 đưa tin ngắn gọn là ông đã "tử vong" hôm 09/01.
Nhưng mà trong trường hợp này, cách lý giải là chỉ liên quan đến việc cưỡng chế và đảm bảo trong việc cưỡng chế thì chắc chắn là họ đã sai khi thực hiện vào thời điểm này, là hoàn toàn không đúng theo quy định của pháp luật và vì vấn đề nhân văn đối với người dân, nó cũng không đúng, khi thực hiện vào lúc mà cả làng đang còn chìm trong giấc ngủ.
Cụ Lê Đình Kình lãnh đạo dân Đồng Tâm chết trong cuộc tập kích của công an
"Việc này hoàn toàn là sai. Ngay cả các cuộc cưỡng chế khác họ tiến hành rất nhiều rồi, các lực lượng cũng rất đông, họ vẫn làm, chính quyền đúng thì cứ công khai, minh bạch mà làm, đến khi đó người dân ra, mà nếu dân có hành vi chống đối, vi phạm pháp luật thì hoàn toàn chính quyền có thể giảng giải, nếu giảng giải mà dân không nghe thì hoàn toàn có việc là chính quyền có thể bắt bớ, họ đưa về phường, đưa về các nơi mà đảm bảo cho việc thi hành được diễn ra, tiến hành một cách an toàn, hoàn toàn họ có thể làm được điều đó.
"Sáu hay bảy giờ trời sáng, chính quyền thích thì họ hoàn toàn vẫn làm được, hoàn toàn là trong phạm vi của họ và buổi sáng họ hoàn toàn nhận định được người nào là người chống đối, ai là chống đối, chống đối bằng cách như thế nào, thì họ dễ xử lý hơn.
Tôi không hiểu là tại sao, nếu đơn thuần, tôi nhắc lại, là chỉ phục vụ công tác giải phóng mặt bằng thôi, để trả lại mặt bằng sạch cho nhà đầu tư hay là cho quốc phòng, thì thực hiện việc này vào lúc đêm là hoàn toàn không đúng quy định pháp luật."
Đã bỏ qua một bước đi pháp lý ôn hòa?
Một bức tường bao được khẩn trương xây dựng tại một địa điểm có 'tranh chấp đất đai' trên địa bàn xã Đồng Tâm, trong phóng sự hôm 09/01/2020 của truyền hình Việt Nam
Luật sư Ngô Anh Tuấn cũng cho hay, chiến dịch cưỡng chế với các động thái bạo lực xảy ra vào một thời điểm mà người dân vẫn còn đang khiếu nại kết luận và quyết định thanh tra của chính quyền, tức là sử dụng biện pháp bạo lực trong lúc vẫn còn có tranh chấp dân sự, có thể đã bỏ qua một lựa chọn khác để giải quyết vấn đề qua con đường pháp lý, dân sự và ôn hòa hơn.
"Theo phía bên nhà nước, người ta công nhận thông báo của bên Thanh tra Chính phủ, coi như là một quyết định hành chính, người ta coi như là một văn bản có giá trị pháp lý và người ta thực thi văn bản đó, hoặc là họ dựa trên thông báo đó để thực thi kết luận của thanh tra 2346 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, người ta coi đó là một văn bản có giá trị.
"Nhưng người dân Đồng Tâm, một số người dân Đồng Tâm mà có liên quan đến tranh chấp đó, thì họ hoàn toàn không đồng ý với văn bản này và bản thân chúng tôi, chúng tôi cũng mong muốn là phía bên Thanh tra Chính phủ phải ban hành một văn bản kết luận hoặc một quyết định giải quyết khiếu nại của người dân để chính thức nói rằng họ sai, đúng như thế nào.
"Chứ không thể là ra một thông báo theo kiểu là rà soát cái kết luận của thanh tra Hà Nội là đúng hay sai. Việc này hoàn toàn là không đúng và người dân không chấp nhận được.
"Bởi vì nếu có quyết định đó thì người dân có thể là căn cứ vào đó để họ khởi kiện, dân hoàn toàn có một bước đi pháp lý khác một cách nhẹ nhàng là hoàn toàn có thể kiện quyết định giải quyết khiếu nại của Thanh tra Chính phủ.
"Dân hoàn toàn vẫn có quyền, tất nhiên là đúng sai, ở mức độ nào, họ có thắng hay họ có thua, thì sau này còn tính, nhưng mà về mặt quy trình pháp lý, về thủ tục pháp lý ,người dân hoàn toàn còn một quyền nữa, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình, họ hoàn toàn có quyền đưa ra cơ quan tư pháp để làm việc này.
"Cơ quan hành chính nhà nước không thực hiện thì cơ quan tư pháp có thể làm."
Về thời điểm xảy ra của chiến dịch của chính quyền vào lúc 4h sáng hôm 09/01 ở Đồng Tâm, luật sư đang tham gia bảo vệ quyền lợi cho thân chủ là các cư dân xã này, bình luận tiếp:
"Cái này là hoàn toàn tranh cãi, vẫn còn tranh cãi. Theo chúng tôi là đang còn tranh cãi, người dân vẫn còn đang khiếu nại..
"Nếu chính quyền hiểu theo luật, thì sau khi có kết luận, kết luận đó nói là có hiệu lực ngay, thì khi mà chính quyền đã hiểu và họ công nhận giá trị của thông báo đó, thì theo luật họ lại được công nhận, được coi như là họ có quyền.
"Còn người dân có quyền khiếu nại này, khiếu nại kia, còn sau này khiếu nại hay là khởi kiện chính thông báo hay khởi kiện quyết định đó mà việc khởi kiện được thụ lý và được tuyên bố rằng văn bản, quyết định là sai, thì sau này người dân có quyền yêu cầu bồi thường.
"Còn nhà nước nếu như công nhận văn bản đó là có giá trị, thì dân hoàn toàn có quyền, giống như là khiếu nại văn bản của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, mà Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành quyết định rồi, mà quyết định đó có hiệu lực, thì các cơ quan có liên quan vẫn cứ thực hiện.
"Còn sai đúng sau này, nếu như tòa án tuyên bố quyết định đó sai thì các bên có liên quan phải chịu trách nhiệm," Luật sư Ngô Anh Tuấn nói một ngày sau khi ông trực tiếp tới Đồng Tâm hôm thứ Năm 09/01, để tiếp cận các thân chủ là cư dân trong xã, nhưng không được phép của chính quyền và an ninh cho đi vào bên trong.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.