Nước Anh kinh hoàng khi 39 thi thể người Việt được phát hiện trong chiếc xe tải ở khu công nghiệp tại Essex hồi tháng Mười năm ngoái. Câu chuyện khiến người ta chú ý tới thế giới ngầm hoạt động đưa người đi bất hợp pháp và buôn người. Cat McShane tường thuật về hành trình lậu từ Việt Nam tới Anh.
Ba trông mảnh khảnh so với tuổi 18. Cơ thể cậu nằm gọn được vào một thùng đựng đồ, cậu nhớ lại.
Chúng tôi ngồi trong một căn bếp sáng sủa, chú chó Jack Russell chạy qua chạy lại dưới gầm bàn.
Người mẹ nuôi của Ba bận rộn quanh đó, chuẩn bị bữa trưa và thỉnh thoảng nói chêm vào để giải thích hoặc bổ sung thông tin cho câu chuyện kể của Ba về hành trình từ Việt Nam tới đây.
Bà muốn đảm bảo rằng cậu kể ra câu chuyện thật rõ ràng.
Ba sống ở đây đã được gần một năm.
Cậu được đưa tới ở cùng cha mẹ nuôi sau khi được tìm thấy đi lang thang vô định, hoảng loạn và sợ hãi quanh một bến tàu ở vùng Bắc Anh, không có gì ngoài bộ quần áo trên người.
"Nhưng bây giờ thì con thấy an toàn rồi, phải không?" mẹ nuôi hỏi cậu, muốn xác nhận rằng những vết sẹo tinh thần và thể chất mà Ba phải gánh chịu sẽ được liền lại nhờ được chăm sóc đủ mức.
Câu chuyện của cậu vừa đặc biệt, lại vừa điển hình cho số lượng ngày càng đông phụ nữ, đàn ông Việt Nam được công nhận có thể là nạn nhân của tình trạng buôn người vào Anh Quốc.
Trong vài năm qua, người Việt đã nằm trong top ba quốc tịch đứng đầu trong các vụ nô lệ thời hiện đại được chuyển hồ sơ cho National Referral Mechanism (viết tắt là NRM, một cơ chế xác định và xem xét hồ sơ về những người có thể là nạn nhân nô lệ hiện đại, nhằm giúp cho nạn nhân được hỗ trợ thích hợp), với 702 vụ trong năm 2018.
Salvation Army, tổ chức thiện nguyện chuyên giúp đỡ với các nạn nhân của tệ buôn người, nói rằng số các công dân Việt Nam mà họ nhận được thông tin trong thời gian năm năm qua đã tăng gấp đôi.
Cậu bị bắt cóc trên đường phố ở thành phố Hồ Chí Minh, nơi cậu, một đứa bé mồ côi, sống lang thang vạ vật, ngủ gầm cầu ghế đá công viên.
Cậu bán vé số kiếm tiền, nhưng có lúc bị những gã đàn ông cướp sạch.
Một bản phúc trình của Unicef ra vào năm 2017 mô tả Thành phố Hồ Chí Minh là "địa điểm cung cấp, nơi trung chuyển và điểm đến của nạn buôn bán trẻ em".
Còn một phúc trình ra vào năm 2018 của các tổ chức thiện nguyện chống buôn người nói rằng có những trẻ em Việt Nam bị buôn bán chính là các em bị bức hại khi sống lang thang trên hè phố.
Chuyện đó đã xảy ra với Ba.
Người Việt di cư dựng trại tại Pháp, đợi đi lậu qua Anh
"Một người đàn ông nói với tôi rằng nếu đi với ông ta, ông ta sẽ giúp tôi kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng khi tôi nói không đi, ông ta chụp cái túi lên đầu tôi. Tôi không thể tin những gì đã xảy ra."
Ba bị tống lên một chiếc xe van nhỏ, bị bịt mắt, không la hét được.
Suốt dọc đường đi, thỉnh thoảng những kẻ bắt Ba lại đổi người, rồi đến lúc cậu nghe mà không hiểu họ nói thứ tiếng gì.
Khi xe cuối cùng cũng dừng lại, cái túi được bỏ ra, Ba thấy mình đứng trong một nhà kho lớn trống không, không có cửa sổ ở Trung cộng.
Cậu được yêu cầu hãy chờ đợi. "Tôi biết rằng họ chuẩn bị đưa tôi đi đâu đó để làm việc," cậu nói.
Trong những tháng bị giữ tại đó, một kẻ canh gác thường xuyên đánh Ba.
"Tôi không hiểu tại sao," Ba nói và rùng mình, "đánh vô cớ."
Khi bị phát hiện là tìm cách trốn, Ba bị trừng phạt nặng nề hơn nhiều chứ không chỉ đấm đá. Kẻ canh gác hắt nước sôi vào ngực, vào tay cậu.
"Rất đau đớn. Tôi gào thét xin ông ta dừng lại, nhưng ông ta không nghe," cậu kể. Ba bất tỉnh vì đau đớn. "Tôi nằm bẹp mấy hôm. Không đi đứng được. Bị đau rất lâu."
Người mẹ nuôi của cậu nói thêm rằng khắp người cậu đầy vết sẹo, là lời nhắc nhở thường trực về những gì đã xảy ra.
Sau đó, Ba được đưa tới Anh bằng nhiều chuyến xe tải khác nhau.
Cậu nhớ về sự yên lặng trong chiếc container cuối cùng, nơi con người bị biến thành món hàng nằm trốn giữa những thùng đồ. Sự yên tĩnh chỉ bị phá vỡ khi các vỏ hộp carton bị xé sột soạt để làm thứ giữ ấm. Chiếc áo dài tay không giúp cậu chống chọi được với cái rét.
"Tôi luôn sợ hãi trong lúc đi, và rất mệt. Tôi không thể ngủ được vì lo lắng. Tôi không biết chuyện gì xảy ra với mình. Tôi không được nói cho biết tí gì về việc tôi đang đi đâu."
Trên thực tế là Ba được đưa đi làm "người làm vườn" trong ngành trồng cần sa bất hợp pháp ở Anh - lĩnh vực được định giá chừng 2,6 tỷ bảng mỗi năm.
Trong một ngôi nhà hai tầng bỏ trống nằm giữa vùng đất rừng có nhiều cây bao quanh, cậu bị nhốt và bị yêu cầu chăm sóc cây, vốn được trồng mọi chỗ có thể. Đó là công việc buồn tẻ bật, tắt hệ thống đèn điện treo phía trên các chậu cây vào những thời điểm cố định, và vài tiếng đồng hồ lại tưới cây một lần.
Đồng thời là tình trạng bạo lực đi kèm. Nếu như có một cái cây không mọc tốt, Ba sẽ bị bỏ đói và bị một ông chủ người Hoa đạp, mà kẻ này thường nhắm vào vết thương trên ngực cậu mà đạp.
Ba chưa bao giờ được trả một đồng cho công việc cậu làm, và không được cho biết là cậu đã làm đủ để trả nợ tiền phí đưa cậu tới Anh hay chưa. Cậu là một nô lệ.
"Tôi sẽ tiếp tục như thế nào? Tôi tự bảo mình là phải ăn, phải làm việc và chờ cơ hội bỏ trốn," cậu nói.
Cuối cùng cậu trốn thoát bằng cách đập vỡ cửa kính ở tầng trên rồi nhảy xuống đất. Sau đó cậu bỏ chạy thật xa.
"Tôi sợ hãi, căng thẳng và hoảng loạn. Nếu như bị bắt lại tôi sẽ bị đánh đập dữ hơn," Ba nói.
Nhưng cậu phải đánh liều, bởi cuộc sống ở trại cần sa như thế quả là "không thể chịu nổi".
Không biết đi về đâu, cậu đi dọc theo đường ray xe lửa, trong túi chỉ có một gói bánh quy. "Tôi thậm chí còn không biết là mình đang ở Anh."
Đường ray xe lửa, quả như dự đoán, đã đưa cậu tới một bến tàu, và với cậu thì quả là may mắn, bởi nó giúp cậu có cuộc gặp vui mừng với Cảnh sát Giao thông Anh. "Đã lâu lắm rồi mới có ai đó đối xử tử tế với tôi," cậu nói.
Ba nay đã ổn định với cuộc sống ở Anh. Cậu gần đây giành được một giải thưởng ở trường học do đạt điểm tốt, và vừa đón lễ Giáng sinh đầu tiên trong đời.
Cậu trước đó chưa từng được mở gói quà nào trong đời.
Người phiên dịch vốn đã gặp Ba khi cậu được cảnh sát đem vào chăm sóc nói rằng sự thay đổi thật là đáng kể. Bà nhớ lại là khi đó cậu gầy giơ xương và trông rất sợ hãi. "Trông như một con thỏ bị rọi đèn," người cha nuôi của cậu nói thêm.
Ba không biết liệu cậu có được phép ở lại Anh hay không.
Cuộc gặp mới nhất của cậu tại Bộ Nội vụ không suôn sẻ cho lắm.
Vị viên chức thuyết phục rằng nếu trở về Việt Nam, cậu sẽ được giới chức giúp đỡ, nhưng Ba không tin vào chuyện đó.
Cậu tin rằng nếu bị trả về, cậu sẽ lại bị bắt và bị buôn người thêm lần nữa.
Đây cũng là nỗi lo của Mimi Vu, một chuyên gia theo dõi về tình trạng buôn người Việt, người nói rằng những ai từng là nạn nhân của tình trạng buôn người khi trở về sẽ đối diện nguy cơ nghiêm trọng là sẽ bị tiếp tục trở thành nạn nhân, đặc biệt nếu khi những kẻ buôn người nói rằng họ vẫn còn nợ tiền chúng.
Ba thích sự yên tĩnh của làng quê nhỏ bé nơi cậu đang sống, nơi có những căn nhà thôn quê xây bằng đá cổ xưa và những căn nhà chỉ một tầng có mái lợp nằm trải rộng. Những nơi đông đúc khiến cậu thấy căng thẳng; cậu sợ rằng cậu sẽ nhìn thấy kẻ đã cầm giữ cậu trong trại cần sa và đạp vào ngực cậu.
Nỗi sợ đến từ kinh nghiệm cay đắng
Chinh cũng sợ hãi, nhưng không phải là sợ những kẻ đã đưa lậu cậu vào Anh mà cậu sợ giới chức Việt Nam.
Năm nay 17 tuổi, cậu buộc phải rời khỏi Việt Nam vào đầu năm 2019 để tránh mức án tù 10 năm về tội phân phát tài liệu chống chính quyền. "Tôi không nghĩ là tôi có thể sống sót thoát đi," cậu nói.
Có những hình phạt nặng nề dành cho những người dám chỉ trích chính quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong một bản phúc trình ra hồi tuần trước, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói rằng có ít nhất 30 nhà hoạt động và bất đồng chính kiến đã bị bỏ tù trong năm 2019 "đơn giản là vì thực hiện quyền cơ bản của họ trong việc tự do biểu đạt, hội họp, tự do tôn giáo".
Việc trừng phạt áp dụng cả với trường hợp viết gì đó bị cho là chống chính phủ trên Facebook; Ân xá Quốc tế nói ít nhất 16 người đã bị bắt, giam giữ hoặc kết tội với tội danh này chỉ trong năm 2019.
"Năm 2019 là một năm tàn nhẫn đối với các quyền tự do căn bản ở Việt Nam," giám đốc vùng châu Á của Ân xá Quốc tế, Brad Adams nói gần đây. "Chính phủ Việt Nam nói rằng các công dân được hưởng quyền tự do biểu đạt, nhưng sự 'tự do' này biến mất khi nó được dùng để kêu gọi dân chủ hoặc để chỉ trích Đảng Cộng sản cầm quyền."
Chinh bị bắt do gia đình cậu theo Phật giáo Hòa Hảo. Tôn giáo này được nhà nước công nhận nhưng có nhiều nhóm không theo nhánh do nhà nước cho phép hoạt động, và đã có tình trạng giới chức theo dõi, đàn áp bằng vũ lực.
Chuyện đó xảy ra với cả các nhóm tôn giáo khác không được nhà nước cho phép hoạt động.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói những người theo các tôn giáo đó bị bắt giữ, thẩm vấn, tra tấn, buộc phải từ bỏ đức tin và bị cầm tù "vì lợi ích quốc gia".
Chinh sống ở Hải Dương, một tỉnh ở miền bắc Việt Nam.
Giấc mơ của cậu, giống như của hàng triệu thiếu niên trai, gái khác, là trở thành cầu thủ bóng đá, và cậu rất hâm mộ ngôi sao Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo.
Nhưng cậu cũng rất vui vẻ phụ giúp mẹ bán hàng những lúc không đi học. Cậu gần gũi với mẹ, và với ông vốn sống cùng nhà.
Năm 2018, Chinh tham dự một cuộc biểu tình cùng ông mình. Cậu nhớ lại sự can đảm của mình vào một buổi sáng cậu vẫy cờ cùng khoảng 100 người khác và cùng hô vang đòi tự do tôn giáo, đòi thả tù chính trị.
Sau đó, Chinh gặp khó khăn. "Tôi thấy rất khó nói về ngày hôm đó," cậu nói.
Ông của Chinh bị bắt, bị bỏ tù rồi chết không lâu sau đó. "Khi chúng tôi vào thăm ông, trông ông rất yếu," Chinh nói.
Theo Ân xá Quốc tế, các nhà hoạt động bị bỏ tù có nguy cơ bị tra tấn và đối xử tàn tệ. Tin tức nói nhà tù ở Việt Nam không vệ sinh, các tù nhân không được tiếp cận và chữa trị y tế, nước sạch và không khí trong lành.
Chứng kiến cảnh ông bị đối xử như vậy, Chinh thêm quyết tâm tiếp tục biểu tình, nhưng vào đầu năm 2019, cậu cũng bị bắt với tội danh phân phát tờ rơi. Cậu bị giam trong một buồng giam nhỏ hẹp trong mười giờ đồng hồ và bị thẩm vấn một mình. Đức tin đã giúp cậu vượt qua, cậu nói.
"Tất nhiên là tôi sợ hãi. Cảnh sát tới buồng giam hỏi tôi về gia đình tôi, về lý do tại sao tôi lại chống đối chính quyền. Họ thét lác khi tôi không trả lời, Tôi rất sợ là họ sẽ đánh tôi."
Trước tòa, cậu không được phép tự bào chữa, cậu bị kết tội, và được thông báo bản án sẽ được thực thi vào lúc cậu tròn 18 tuổi.
Mẹ cậu xoay sở tiền, tìm mối giúp đưa cậu vào Anh.
"Lời cuối mẹ nói với tôi là, 'Con đi đi, tìm người nào đó giúp đỡ con, và đừng bao giờ trở về.'"
Tại sân bay, bà trao cậu cho hai người, và những người này giữ hộ chiếu của cậu. "Chúng tôi bay rất nhiều, ở nhà của nhiều người cho tới khi chúng tôi đến Pháp," Chinh nói.
Cậu không biết là mình đã đi qua những nước nào, ngoài hai nơi là Malaysia và Hy Lạp.
Tại Pháp, một đêm, cậu bị đưa vào một xe tải container. Trong thùng xe chỉ có một người đàn ông nữa, nhưng họ không nói gì với nhau cho tới khi tới Anh, sợ hãi sẽ bị lính biên phòng Anh phát hiện.
"Rất là lạnh và rất khó thở, bởi vì chỉ có một khoảng không rất chật hẹp,"
Chinh nói. "Tôi nằm bên trên một đồng các thùng chồng cao lên nhau trên xe tải, hầu như là nằm trên cùng, cho nên tôi chỉ đủ chỗ để nằm xuống. Trong đó tối đen. Tôi chỉ biết ngủ. Tôi không có gì cả, không đồ ăn, không nước uống."
Khi chiếc xe tải cuối cùng cũng dừng lại, Chinh được đưa tới nhà một gia đình người Việt. Họ cho cậu ăn, và cho cậu ngủ lại một đêm. "Tôi sẽ đưa cậu tới nơi an toàn," chủ nhà nói.
Sáng hôm sau, Chinh được bỏ lại bên ngoài tòa nhà của Bộ Nội vụ ở địa phương, cầm theo mảnh giấy có ghi tên và ngày sinh của cậu.
Cậu nhớ lại cảm giác lạ lẫm khi đó, bởi cạu không biết nói tiếng Anh.
Nhưng cậu cảm thấy an toàn, cậu nói, "bởi vì tôi ở Anh".
Mới đây, Chinh đã được Bộ Nội vụ cho phép ở lại Anh với thời hạn năm năm.
Chinh là người may mắn. Mẹ cậu gom đủ tiền để trang trải cho chuyến đi của cậu.
Khi thi thể của 39 người Việt được tìm thấy tại Essex hồi năm ngoái, tin tức nói rằng họ là các di dân kinh tế, ra đi từ những vùng đất nghèo của Việt Nam, phải vay nợ tới 30 ngàn bảng để đến được Anh. Nhà cửa phải đem ra làm thứ bảo dảm cho khoản vay, và họ sẽ phải có nghĩa vụ trả nợ một khi tới được Anh, bằng cách làm việc trong các trại cần sa, các tiệm làm móng tay và trong các nhà hàng.
Chúng ta có lẽ sẽ không bao giờ biết được là 39 con người được tìm thấy ở Essex đã được hứa hẹn những gì, nhưng có vẻ như một số người trong đó có thể sẽ rơi vào tình trạng giống như nô lệ.
Jakub Sobik từ tổ chức Phòng chống Tình trạng Nô lệ Quốc tế (Anti Slavery International) nói rằng những người Việt vay mượn để trang trải cho hành trình sang Anh dễ bị khai thác, bóc lột.
"Họ bắt đầu hành trình, tin rằng họ đã trả tiền để được đưa đi lậu, để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng rốt cuộc họ trở thành nạn nhân của tình trạng buôn người."
"Việc họ phải trốn tránh chính quyền khiến cho những kẻ buôn người dễ dàng ra tay. Bởi bạn đi bất hợp pháp, bạn là tội phạm hình sự ở đây. Họ lại không thể đánh đổi rủi ro bị đưa về Việt Nam khi vẫn còn cả một núi nợ trên lưng."
Trong khi đàn ông thường bị đưa tới các trại sản xuất cần sa thì phụ nữ Việt Nam đối diện với nguy cơ bị khai thác tình dục.
Tôi đã đọc lời khai của một nam thiếu niên 15 tuổi, trong đó kể trằng khi làm việc trong một trại cần sa, cậu nghe thấy những tiếng la hét của phụ nữ ở tầng dưới, những người mà cậu tin là đang bị cưỡng bức tình dục.
Bị hiếp dâm nhiều lần
Một phụ nữ trẻ, mẹ đơn thân, tên là Amy, đã bị hiếp dâm nhiều lầm trong quá trình tới Anh, và cảnh đó tiếp tục diễn ra khi cô đã ở Anh, cho tới tận khi cô được cảnh sát giải cứu.
Cô đã rất phấn khởi rời đồng ruộng nơi quê nhà cùng với em gái từ năm 2013, cô nói với tổ chức thiện nguyện giúp đỡ mình ở Anh.
Hai người đàn ông thuyết phục gia đình cô là hãy để các cô ra nước ngoài kiếm tiền. Không phải trả tiền trước, cho nên họ sẽ cần làm việc để trả nợ chi phí đưa đi. Amy để đứa em trai nhỏ ở lại với người chú.
Cô bị đưa đi, đầu tiên là đến một nhà máy may ở Nga, nơi cô làm việc từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày mà không được trả tiền.
Cô ngủ trong một căn phòng nhỏ với khoảng 10 người khác, nơi cô thường xuyên bị các công nhân nam hiếp dâm.
Sau hai năm, cô và tám người khác được đưa tới Anh, và được nói rằng nếu làm việc chăm chỉ thì họ sẽ được trả tiền công.
Nhưng cô đã bị tách khỏi em gái và bị đưa tới nhà một cặp vợ chồng người Việt để làm gái phục vụ tình dục, nơi đồng thời là một trại cần sa.
Khi cô có bầu, bà mụ xác định rằng cô có thể là nạn nhân của tình trạng buôn người. Sau đó, cô được cảnh sát giải thoát và được đưa tới một nơi chăm sóc của Salvation Army.
Nay cô đã làm mẹ, cố gắng làm những gì tốt đẹp nhất cho đứa con mình.
Chinh hiện vẫn đang sống với gia đình nhận bảo trợ cậu. Cậu rất chịu khó học tiếng Anh, thậm chí học cả tiếng lóng của người dân vùng miền Bắc Anh, và cậu vẫn thực hành nghi lễ đạo Phật.
Ngày cậu tròn 18 tuổi sắp tới. Đó là ngày cậu lẽ ra sẽ phải bắt đầu thụ án tù.
Ba vẫn trải qua những cơn ác mộng, những ký ức bất chợt tràn về gợi nhớ thời gian cậu còn trong tay những kẻ buôn người.
Gần đây cậu bắt đầu được tư vấn, và từ từ mỗi ngày, với sự chăm sóc yêu thương của cha mẹ nuôi, cậu cảm thấy an toàn hơn.
Cậu sẽ không bị trục xuất khỏi Anh cho tới khi hồ sơ xin tị nạn của cậu được xét duyệt, và giới chức Anh ra quyết định về việc liệu cậu có phải là nạn nhân của tình trạng buôn người, là nô lệ thời hiện đại hay không.
Ba, Chinh và Amy là các tên giả.
Cat McShane
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.