Thời gian gần đây có người cho rằng nên chuyển việc ăn Tết Âm lịch sang ăn Tết Dương lịch, nhưng cũng có người cho rằng cần phải giữ Tết Âm lịch vì đó là Tết Cổ truyền của người Việt chúng ta.
Vậy ta nên giữ Tết Âm lịch hay chuyển qua ăn Tết Dương lịch?
Trước khi có một quyết định hay đưa ra một nhận xét về việc ăn Tết nào cho nó đúng với ý nghĩa, bản chất của ngày Tết, thì chúng ta nên tìm hiểu về ngày Tết xem như thế nào.
Tết là gì?
Từ "Tết" là từ Hán - Việt cổ, sau đó đến Hán - Việt trung cổ thì từ "Tết" được chuyển sang "Tiết". Hai từ này phát âm giống nhau. Trong quá trình biến đổi ngữ âm tiếng Việt từ "Tiết" lại được dùng là "Tết" và từ Tết này thường đi liền với Tết Nguyên Đán; Tết Trung thu...
Từ "Nguyên" nghĩa là "Đầu"
Từ "Đán" nghĩa "Ngày"
Trung cộng ngày xưa thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước nên đã phân chia thời gian trong một năm thành 24 tiết khí khác nhau, trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên Đán (Tiết ngày đầu năm). Sau này gọi là Tết Nguyên Đán. Tiết khí này được tính theo Âm lịch hay còn gọi là Nông lịch (dựa trên văn minh lúa nước)..
Đến nay chưa ai xác định chính xác là Tết Nguyên Đán của người Việt Nam có từ bao giờ. Nhưng chúng ta có thể xác định được rằng trong quá trình Hán hóa - thời của một ngàn năm nô lệ thì phần lớn văn hóa, tập quán của người Việt đã được thay đổi bằng văn hóa, tập quán... của người Trung cộng, trong đó có Tết Nguyên Đán.
Tập quán ăn Tết và ăn Tết theo Âm lịch là của Trung cộng đưa vào Việt Nam nhưng người Việt chúng ta sau này tưởng nhầm là Tết của người Việt nên gọi là Tết Ta hay Tết Cổ truyền.
Tết vào ngày, tháng nào trong năm?
Theo lịch sử Trung cộng thì Tết xuất hiện khoảng hơn hai ngàn năm trước Công nguyên, và tùy vào từng triều đại vua chúa và tùy vào từng quan điểm của những vị vua đó như thế nào để chọn ngày Tết. Đời Tam đại, nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng giêng, tức tháng Dần làm tháng Tết. Nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng chạp, làm tháng Tết. Nhà Chu ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng mười một, làm tháng Tết.
Đến thời nhà Hán, Hán Vũ Đế lại quay lại lấy tháng Dần là tháng giêng làm tháng Tết. Từ đó về sau, không còn triều đại nào thay đổi về tháng Tết nữa.
Như vậy, Tết không phải là bất di bất dịch mà thay đổi theo từng triều đại, thời đại và quan điểm của mỗi ông vua.
Năm 1912, Trung Hoa Dân Quốc được thành lập nên họ chọn năm 1912 làm mốc khởi thuỷ để định tên năm Dương lịch cho Trung Hoa Dân Quốc.
Ngày 27/9/1949, Hội nghị Toàn thể Khoá I Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung cộng quyết định gọi tên các năm Dương lịch theo thứ tự trong kỷ nguyên Công lịch và chính thức quy định ngày 01/01 Dương lịch (Tết Tây) là "Nguyên đán", ngày mồng 01/01 Nông lịch gọi là "Xuân tiết" nghĩa là lễ hội mùa xuân.
Như vậy, Trung cộng đã lấy ngày Tết Tây là ngày Nguyên đán, còn ngày Tết Âm lịch là ngày Xuân tiết.
Ngoài việc chọn ngày Tết, còn việc tính ngày, giờ theo Âm lịch cũng nhiều khác biệt vì mỗi một quốc gia có một múi giờ khác nhau.
Việc chọn Tiết khí để ăn Tết theo tinh thần nhà nông căn cứ theo Nông lịch cũng nhiều sai lệch. Âm lịch Việt Nam và Âm lịch Trung cộng cũng có khác biệt, có lúc thì chỉ lệch có một vài giờ, có lúc thì lệch đến cả tháng. Vì vậy, mà có năm Việt Nam ăn Tết cùng ngày với Trung cộng, có năm lại ăn Tết trước hoặc sau Trung cộng cả tháng trời.
Theo tôi được biết năm 1985, Việt Nam ăn Tết trước Trung cộng 01 tháng.
Âm lịch là loại lịch dựa trên chu kỳ của tuần trăng mà không dựa trên mùa của năm hay chu kỳ quay của trái đất. Vì vậy, năm Âm lịch thường ngắn hơn năm Dương lịch khoảng 11 hay 12 ngày, và chỉ trở lại vị trí ăn khớp với năm Dương lịch sau 33 hoặc 34 năm.
Thế giới mọi người đều thống nhất lấy thời gian trái đất quay quanh mặt trời là 365, 564 ngày là 1 năm, quay hết 1 vòng là hết 1 năm, qua vòng quay mới là qua năm mới.
Hoa trái, bánh chưng đón Tết
Như tôi nói ở trên, năm Âm lịch ngắn hơn năm Dương lịch từ 11 đến 12 ngày. Vậy, 1 năm Âm lịch chỉ có 354 đến 355 ngày. Nghĩa là, với 354 hay 355 ngày thì trái đất chưa quay hết 1 vòng mặt trời. Còn 11 hay 12 ngày nữa trái đất mới quay hết vòng cũ để chuyển qua vòng mới thì ngày 01/01 Âm lịch chưa thể gọi là Tết Nguyên Đán (Tiết trời ngày mới).
Việc ăn Tết theo Âm lịch chỉ đúng với năm theo vòng quay của trái đất (Tiết trời ngày mới) sau 33 hoặc 34 năm mới có 1 lần, còn các năm khác ta ăn Tết, chúc mứng năm mới chỉ là ảo.
Như vậy, việc chúng ta gọi ngày 01/01 Âm lịch là Tết Cổ truyền, Tết Ta hay Tết Nguyên Đán đều không đúng.
Theo chu kỳ quay của trái đất Quanh mặt trời, thì ngày 01/01 Dương lịch mới đúng là Tết Nguyên Đán (Tiết trời ngày mới).
Người Việt nên ăn Tết Âm lịch hay Tết Dương lịch?
Theo thiển ý cá nhân, hiện nay chúng ta ăn Tết theo Âm lịch là theo tư duy lối mòn từ thời người Việt còn nô lệ. Để tránh ăn mừng sai ngày, sai ý nghĩa, bản chất của ngày Tết chúng ta nên chọn cách tính khoa học cho đúng với Tết Nguyên Đán (Tiết trời ngày mới) là chọn ngày đầu năm, ngày 01/01 Dương lịch.
Việt Nam muốn phát triển, chúng ta cần hội nhập cùng với thế giới văn minh để tạo một sân chơi chung, tập quán chung nhằm tránh việc người ta nghỉ Tết thì mình đi làm, người ta đi làm thì mình nghỉ Tết. Ăn Tết Âm lịch nó sẽ lạc quẻ với các quốc gia phát triển, với thế giới văn minh và mất cơ hội giao thương. Trên thực tế đã xảy ra rất nhiều thương vụ là khi người ta cần ký kết hợp đồng đặt hàng mình, mình lại đi nghỉ Tết, nghỉ Tết xong thì người ta đã ký kết với đối tác khác.
Nhiều người hiểu nhầm là bỏ Tết Âm lịch chuyển qua Tết Dương lịch là bỏ tất cả các giá trị, thủ tục của ngày Tết. Không phải như vậy. Tôi cho rằng khi chuyển qua ăn Tết Dương lịch chúng ta giữ lại những thủ tục, tập quán ngày Tết mang tính khoa học, văn minh, còn những gì mang tính hủ tục thì nên loại bỏ, và đây cũng là dịp để cách tân.
Năm 1872, Vua Minh Trị Thiên Hoàng của Nhật Bản đã nhận ra sự hạn chế của việc ăn Tết Âm lịch so với Tết Dương lịch của Âu, Mỹ.
Vì vậy, Minh Trị Thiên Hoàng đã quyết định đổi tập quán ăn Tết Âm lịch của Nhật sang ăn Tết Dương lịch của Âu, Mỹ. Đến nay Nhật Bản được sếp hạng có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới.
Hoàng Cao Sang
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.