Saturday, January 11, 2020

Chiến tranh và vấn đề ném bom mục tiêu dân sự, văn hóa

BM
Thách quách Arg-é Bam, tỉnh Kerman, Iran. Tổng thống Trump đe dọa sẽ tấn công cả các điểm có giá trị văn hóa ở Iran

Lời đe dọa của Tổng thống Donald Trump nói sẽ sẵn sàng oanh kích 52 mục tiêu của Iran, gồm cả các địa điểm văn hóa có giá trị, gây phẫn nộ trong nhiều giới.

Không chỉ quan chức UNESCO mà lãnh đạo các nước đồng minh của Hoa Kỳ như Anh cũng lên tiếng nhắc ông Trump không được làm như vậy.

Thủ tướng Anh Boris Johnon nói việc tấn công các địa điểm văn hóa là "vi phạm công ước quốc tế".

Nhưng trong Thế chiến II, thủ tướng Winston Churchill đã đồng ý để Không quân Hoàng gia Anh ném bom xăng và oanh kích một số đô thị của Đức sau khi Adolf Hitler cho ném bom khu dân cư ở Anh.

Hoa Kỳ không chỉ dội bom xuống Tokyo, ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki mà còn có kế hoạch thả bom nguyên tử xuống Kyoto, cố đô nhiều di tích lịch sử của Nhật Bản.

Các vụ ném bom tàn khốc nhằm vào khu dân cư tuy thế không phải lúc nào cũng đạt kết quả 'bẻ gẫy ý chí' đối phương.

Điều tiếng để lại cho nhà lãnh đạo ra lệnh ném bom mục tiêu dân sự thì luôn là vấn đề tranh cãi, kể cả sau khi họ đã qua đời.

Từ Blitz tới Hamburg và Dresden

BM
Trận không kích Blitz của phát-xít Đức tàn phá nhiều khu phố của London. Hình chụp Giáo đường Thánh Paul sau một trận bom tháng 5/1941

Đầu năm 1945, 800 phi cơ của Không quân Hoàng gia Anh đã ném bom xăng và bom thường xuống Dresden, giết chết hàng vạn dân.

Nước Đức phát-xít không có bao nhiêu pháo cao xạ để chống lại không quân Đồng Minh.

Dresden bị bốc cháy "như địa ngục" với ngọn khói bay lên gần 4,5 km và quầng lửa nhìn thấy trên không cách xa 500 dặm.

Không ai băn khoăn về các đợt Anh, Mỹ ném bom phá kho chứa dầu của Đức ở Nuremberg, Bonn và Dortmund.

Nhưng việc dội bom xăng không phân biệt mục tiêu quân sự hay dân sự ở Dresden để lại điều tiếng cho các nhà lãnh đạo phe chống phát-xít, nhất là thủ tướng Winston Churchill.

Cần phải nói Adolf Hitler đã ra tay bằng bom trước, khi quân Đức dội bom xuống Warsaw, Rotterdam khi mở màn Thế chiến.

Không quân Đức còn bắn phá các thành phố của Liên Xô, Pháp và duy trì các trận oanh kích vào Anh từ 1939 đến 1943.

Chỉ đợt đánh bom Blitz (Tia chớp) nhằm vào London và đô thị Anh trong tám tháng (09/1940-05/1941) đã giết chết 43 nghìn dân.

Nhưng câu hỏi là lãnh đạo phe Đồng minh phương Tây, vốn luôn tự hào về tính ưu việt hơn của nền dân chủ so với chế độ toàn trị Nazi, có thể nào lại ứng xử "ăn miếng trả miếng" với kẻ thù?

Sử gia Richard Overy viết rằng từ 1917, khi là bộ trưởng quân khí, Churchill đã muốn dùng phi cơ ném bom để "bẻ gẫy ý chí kẻ thù".

Sang Thế chiến II, Tư lệnh 'Bomber Command' của Anh, nam tước Arthur Harris, ủng hộ mạnh cho ném bom rải thảm, bom xăng vào các đô thị Đức.

Anh không tự nhiên ném bom Dresden, nằm xa ở phía Đông nước Đức.

Trước đó, để trả đũa Luftwaffe đánh bom London, Coventry, Plymouth, Southampton và Belfast, Churchill đã ra lệnh ném bom Cologne và Hamburg.

Trận oanh kích của Anh nhắm vào Cologne chỉ giết chết chưa đầy 500 người Đức.

Nhưng đợt ném bom rải thảm (carpet bombing) xuống Hamburg tháng 7/1943 đã giết chết 40 nghìn người.

Lý do là quân Anh dùng bom xăng, tạo ra biển lửa, và nhiệt độ lên tới 800 độ C.

Chừng 900 nghìn dân chạy khỏi thành phố lớn thứ ba của Đế chế Đức.

BM
Dresden bị cháy và tàn phá toàn bộ sau ba ngày quân Đồng minh dội bom, gồm cả bom xăng tháng 2/1945 

BM
Phải đến năm 1949 người dân Dresden mới có thể xây lại Giáo đường Công giáo La Mã bị bom của quân Đồng minh tàn phá

Tuy thế, sau Hamburg, Churchill không cho ném bom các mục tiêu dân sự ở Đức nữa vì cho là đấy là sự "khủng bố người dân".

Theo Richard Langworth trong bài một viết về Churchill và quyết định ném bom Dresen chỉ đến vào đầu năm 1945.

Ngay trước Hội nghị Yalta, Stalin gửi yêu cầu đồng minh Phương Tây ném bom thành phố này của Đức.

Tình báo Liên Xô phát hiện ra rằng Dresden không phải là khu vực quân sự nhưng là đầu mối giao thông nối Berlin với Prague, Vienna.

Hai sư đoàn quân Đức đã tập kết tại đây để chuẩn bị sang Mặt trận phía Đông chống đỡ quân Liên Xô.

Thế nhưng Winston Churchill không hề biết có yêu cầu từ Moscow vì đang trên đường tới Yalta hội đàm.

Phó thủ tướng Anh Clement Attlee nhận được yêu cầu của phía Liên Xô và chỉ đạo cho Bộ tư lệnh không quân Anh chuẩn bị nhiệm vụ.

"Khi Churchill đến Yalta ngày 4 tháng 2, ngay lập tức Stalin hỏi ông, "Sao các ngài chưa ném bom Dresden?"

Từ ngày 13/02/1945, Không quân Hoàng gia Anh bắt đầu ném bom thành phố ở miền Đông nước Đức, coi toàn bộ đô thị này là mục tiêu.

Hoa Kỳ cử thêm các phi cơ B-17 có tầm bay xa giúp Anh dội bom xuống Dresden, thiêu hủy nhiều công trình văn hóa, các khu dân cư.

Về quân sự, chỉ có 19 phi cơ Đức, 98 đầu máy xe lửa và gần 200 toa xe của Đức bị phá hủy.
Nhưng các công trình dân sự, nhà thờ, trường học thì bị đốt trụi.

Thường dân, người tỵ nạn các vùng khác của Đức chạy về, và không ít lao công Đông Âu, tù binh Đồng minh đã chết cháy tại Dresden.

Con số khiêm tốn nói 25 nghìn người thiệt mạng, còn một ước tính khác nói có tới 100 nghìn người bị giết ở Dresden.

Ngày nay, giới sử gia tin rằng dù Dresden bị tàn phá, Đức chỉ chịu thua sau khi Hitler tự sát và liên quân tiến vào Berlin.

Nhiều bom nguyên tử sẵn sàng ném xuống Nhật Bản

BM

Ngày 6/08/1945, Hoa Kỳ ném trái bom nguyên tử đầu tiên, Enola Gay, xuống Hiroshima, giết chết tức thời 60-80 nghìn người.

Con số chết vì bỏng, bị thương, bị nhiễm phóng xạ về sau còn cao hơn.

Chờ không thấy Nhật Bản tuyên bố đầu hàng, sang ngày 09/08, Mỹ ném quả bom nguyên tử thứ nhì xuống Nagasaki.

Nhưng nhiều người có thể còn chưa biết Nagasaki chỉ được đưa vào danh sách một loạt thành phố của Nhật Bản bị ném bom nguyên tử, thay cho cố đô Kyoto vào ngày 24/07.

Trong một bài viết trên BBC News (09/08/2015), nữ nhà báo Mariko Oi đã tìm lại tư liệu của Hoa Kỳ xác nhận rằng Không quân Mỹ đã lên lịch ném bom nguyên tử xuống nhiều thành phố Nhật Bản.

BM
Kyoto trong hình chụp trước Thế chiến II. Cố đô của Nhật Bản có trên 2000 ngôi chùa và nhiều di tích lịch sử quan trọng, đã thoát khỏi số phận bị trúng bom nguyên tử Mỹ

Tài liệu của Target Committee đầu tiên chọn Kyoto vì "có nhiều trường đại học" và dân trí tại đó đủ cao để hiểu sự khủng khiếp của vũ khí nguyên tử, rằng đó không phải chỉ là bom bình thường.

BM
Bom nguyên tử nổ trên bầu trời Hiroshima

Kyoto cũng là nơi có hàng nghìn công trình văn hóa, kiến trúc cổ đại của Nhật Bản.

Cuối cùng thì Bộ trưởng Chiến tranh Henry Stimson đã khuyên Tổng thống Truman bỏ Kyoto khỏi danh sách mục tiêu vào tháng 6/1945.

Nhưng ngoài các thành phố kể trên, Hoa Kỳ đã sẵn sàng ném bom nguyên tử xuống Kokura, Yokohama và Niigata.

Tokyo đã bị bom trải thảm tàn phá gần hết trong tháng 3 nhưng Cung điện Hoàng gia tại đây cũng được vào danh sách ném bom.

Tuy nhiên, Mỹ lo ngại phản ứng của dân Nhật trước tin Nhật hoàng bị giết chết là "không thể lường trước được" nên bỏ Hoàng cung ra.

Các sử liệu nay nói ba lãnh đạo Đồng minh: Truman, Churchill và Stalin đồng ý ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản mà không hề đắn đo.

Sau Thế chiến II, Hoa Kỳ chiếm đóng Nhật Bản và dư luận nước này tin vào huyền thoại rằng sử gia Mỹ, Langdon Warner mới là người khuyên can lãnh đạo Mỹ không ném bom nguyên tử xuống Kyoto.

Nhưng như phóng viên người Nhật Mariko Oi của BBC News tìm hiểu, Tổng thống Harry Truman thực sự căm ghét người Nhật, và chuyện ném bom xuống đâu với ông không quá quan trọng.

Vì vụ Trân Châu Cảng, Truman từng gọi người Nhật "là thú vật" (beast) và cả dân tộc này "là một thứ chưa văn minh, tàn ác đến mức ghê sợ".

Sau trái bom nguyên tử thứ hai ném xuống Nagasaki, ngay trong ngày, Nhật hoàng Hirohito lên đài phát thanh tuyên bố ông không có "thần tính" và Đế quốc Nhật đầu hàng Đồng minh.

Vẫn theo tìm hiểu của Mariko Oi, trái bom nguyên tử thứ ba đã được chuẩn bị để ném thẳng xuống Hoàng cung ở Tokyo ngày 19/08 năm 1945 nếu Nhật không đầu hàng.

B-52 oanh kích Hà Nội

BM
  
Ngày 8/1/1973, vòng đàm phán cuối cùng mở lại ở Paris sau khi Hà Nội đồng ý nối lại hòa đàm.

Hội nghị Paris có bốn bên, Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa, tham gia.

Văn kiện cuối cùng được ký vào cuối tháng 1/1973, chấm dứt Chiến tranh Việt Nam...trên lý thuyết.

Trong cuốn 'Bombing to Win: Air Power and Coercion in War' (1996), Robert Pape viết chiến dịch Linebacker II năm 1972 buộc Hà Nội trở lại đàm phán.

Thế nhưng các đợt ném bom miền Bắc Việt Nam của pháo đài bay B-52 đã "không tạo ra khác biệt đáng kể nào" đối với nội dung hiệp định Paris, theo ông Page.

BM
Một phi cơ B-52 cất cánh từ căn cứ ở Thái Lan năm 1968 để ném bom Việt Nam

BM
Một đội cứu thương Bắc VN thời chiến

Đầu tháng 12/1972, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger và đại diện Bắc Việt, Lê Đức Thọ, họp nhiều ở Pháp mà không đạt tiến bộ.

Ngày 13/12, ông Lê Đức Thọ quay về Hà Nội nhiều ngày để "tham vấn".

Ngay ngày hôm sau, Tổng thống Richard Nixon ra lệnh tiến hành chiến dịch Linebacker II, bắt đầu từ 18/12, ném bom trở lại miền Bắc.

Chiến dịch Linebacker I mới chỉ ngừng vào ngày 23/10, gây ra nhiều tàn phá các mục tiêu cả quân sự và dân sự.

BM

Linebacker II kéo dài đến ngày 29/12, và theo số liệu của Geoffrey Ward, Mỹ đã đổ 36.000 tấn bom xuống Bắc VN, nhiều hơn số bom sử dụng từ 1969 đến 1971.

Nguồn của VNDCCH nói Mỹ đã dùng 663 chuyến bay B-52 và 3.920 lần máy bay chiến thuật dội bom Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi trên miền Bắc.

Cuốn Hanoi's War của TS Nguyễn Thị Liên Hằng ở Hoa Kỳ dẫn số liệu cho biết 27 máy bay Mỹ bị bắn rơi, gồm 15 máy bay B-52 (Hà Nội tuyên bố bắn rơi 81 chiếc, gồm 34 chiếc B-52).

Con số người Việt Nam bị giết trong đợt Ném bom mùa Giáng Sinh 1972 là khoảng trên 1000, theo Rebecca Kesby trên trang BBC News.


Dù làm chết thường dân, chủ đích của Hoa Kỳ là gây sức ép ngoại giao chứ không phải là nhắm vào các khu dân cư.

Sau khi bom rơi xuống phố Khâm Thiên, Hoa Kỳ hủy các chuyến bay B-52, đổi sang phi cơ F-4, có độ chính xác hơn.

Vậy đợt ném bom Hà Nội có giúp Washington đạt mục tiêu?

BM

Robert Pape cho rằng hai chiến dịch đánh bom Linebacker tác động đến tính toán của Hà Nội không chỉ vào năm 1972.

Một nguyên nhân khiến Hà Nội chưa "tổng tiến công" sau khi Mỹ rút năm 1973 là vì e ngại sức mạnh không quân của Mỹ.

Chỉ cho đến cuối năm 1974, sau khi TT Nixon phải từ chức vì vụ Watergate, và sau trận Phước Long (12/1974) xác nhận Mỹ không tái can thiệp, Hà Nội mới tiến hành Chiến dịch Mùa Xuân 1975.

Ngược lại, tác giả khác, Marshall Michel thì cho rằng khi Bắc Việt cũng có lý khi nói họ đã thắng.

BM

Đó là vì Hà Nội "nhấn mạnh rằng cuộc ném bom của Hoa Kỳ có mục tiêu buộc họ đầu hàng, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Nhưng Hòa đàm Paris cuối cùng thì đã đồng ý cho Bắc Việt để quân đội ở lại phía Nam, và vì thế họ có thể nói là chiến dịch Linebacker II đã thất bại", theo tác giả cuốn 'The Eleven Days of Christmas: America's Last Vietnam Battle'.

BM

Từ TC theo Thành Cát Tư Hãn đến Georgia để thành tinh túy ẩm thực
Thế trận binh lực Mỹ ở Trung Đông
Thủ Tướng Iraq yêu cầu Mỹ bắt đầu chuẩn bị để rút quân khỏi Iraq
Những kỹ thuật Trung cộng dùng để giám sát dân chúng
Thứ trưởng Mỹ hối thúc ASEAN thách thức TC quân sự hóa Biển Đông
Mỹ chúc mừng Thái Anh Văn tái đắc cử tổng thống Đài Loan
Kính lạy Thiên Chúa nhân từ lắng nghe lời con cầu xin
Trung cộng 'lạnh gáy' trước viễn cảnh này của Mỹ
Chiến hạm Nga suýt đâm trúng khu trục hạm Mỹ
TT Trump nói rằng _ Iran có kế hoạch tấn công bốn sứ quán Mỹ
Nhìn lại lịch sử hình thành, phát triển của tôn giáo
Tổng thống Đài Loan yêu cầu Trung cộng từ bỏ thái độ đe dọa
Các vườn nho rượu ẩn khuất ở Paris
Nỗi khổ của một người Việt phạm tội lái xe say xỉn ở Mỹ
Australia đối mặt với nạn cháy rừng lan rộng và kéo dài
Triển vọng kinh tế Mỹ 2020
Cô gái Mực _ nạn nhân của bức hại tâm thần
Mánh lừa phổ biến khiến ta 'sập bẫy' khi mua hàng online
Điều gì khiến Iran “Tự Động” kết thúc trả đũa Mỹ?
Úc bắt giữ một người gốc Việt vì cố ý phóng hỏa đốt rừng
Iran không nguy hiểm bằng Trung cộng và Nga!

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.