Chiến dịch tiêu diệt tướng Iran được coi là quyết định táo bạo nhất sau ba năm điều hành đất nước của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các thảo luận đã được tiến hành trong 18 tháng.
Máy bay đến trễ khiến đội đặc nhiệm lo lắng. Danh sách quốc tế cho thấy chuyến bay 6Q501 của Cham Wings Airlines, dự định cất cánh từ Damascus lúc 19h30 đến Baghdad, đã khởi hành. Nhưng thực tế, nguồn tin tại phi trường cho biết nó vẫn ở trên mặt đất và hành khách "đặc biệt" vẫn chưa xuất hiện.
Chuyến bay trễ ba tiếng
Hàng giờ trôi qua, một số người tham gia chiến dịch tự hỏi liệu có nên hoãn lại không. Sau đó, ngay trước khi cửa máy bay đóng lại, đoàn xe hộ tống thiếu tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh an ninh Iran, xuất hiện trên phi đạo.
Ông lên máy bay cùng hai vệ sĩ. Chuyến bay 6Q501 cất cánh trễ ba tiếng đến thủ đô Iraq.
Máy bay đáp xuống phi trường quốc tế Baghdad ngay sau nửa đêm, lúc 0h36. Người đầu tiên rời đi là tướng Soleimani và đoàn tùy tùng của ông. Đợi họ ở dưới là Abu Mahdi al-Muhandis, viên chức Iraq phụ trách dân quân và thân cận với Iran.
Hai chiếc xe chở cả nhóm lăn bánh dưới bóng máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ. 0h47, hỏa tiễn đầu tiên bắn vào đoàn xe, thiêu cháy chúng và để lại 10 xác người bên trong.
Cuộc không kích vào xe của tướng Qassem Suleimani tại sân bay Baghdad ngày 3/1.
Theo New York Times, chiến dịch tiêu diệt tướng Soleimani, chỉ huy Lực lượng Quds của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, đẩy Mỹ đến bờ vực chiến tranh với Iran và khiến thế giới rơi vào tình trạng bất ổn, kéo dài 7 ngày.
Câu chuyện về 7 ngày đó và kế hoạch bí mật trong nhiều tháng trước đó được coi là chương nguy hiểm nhất từ trước đến nay trong ba năm đầu tại chức của Tổng thống Trump sau khi ông quyết định tiến hành cuộc tấn công táo bạo nhằm vào Iran.
Dựa trên các cuộc phỏng vấn với hàng chục viên chức chính quyền TT Trump, sĩ quan quân đội, nhà ngoại giao, nhà phân tích tình báo và những người khác ở Mỹ, châu Âu và Trung Đông, bài viết của New York Times tiết lộ các chi tiết mới về những gì có thể là 7 ngày căng thẳng nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump.
Hồ sơ tuyệt mật
Cuộc đối đầu có thể bắt đầu một cách tình cờ. Trong nhiều năm, Iran tài trợ cho các lực lượng ủy nhiệm ở Iraq để cạnh tranh ảnh hưởng với quân đội Mỹ, những người lần đầu đặt chân đến đây trong cuộc tấn công năm 2003.
Bắt đầu từ mùa thu năm ngoái, các dân quân được Iran hậu thuẫn đã phóng hỏa tiễn vào các căn cứ của Iraq, nơi quân đội Mỹ đồn trú, gây ra nhiều căng thẳng hơn là thiệt hại.
Vì vậy, khi hỏa tiễn đánh vào căn cứ quân sự K1 gần Kirkuk vào ngày 27/12/2019, giết chết nhà thầu dân sự Mỹ Nawres Waleed Hamid và làm bị thương nhiều người khác, điều ngạc nhiên duy nhất là có thương vong.
Kataib Hezbollah, nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn, đã thực hiện ít nhất năm vụ tấn công bằng hỏa tiễn khác vào các căn cứ quân đội Mỹ trong tháng trước mà không ai thiệt mạng.
Các viên chức tình báo Mỹ theo dõi liên lạc giữa Kataib Hezbollah và Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo của Tướng Soleimani biết rằng người Iran muốn giữ áp lực với người Mỹ nhưng không có ý định leo thang xung đột cấp thấp.
Các viên chức Mỹ cho biết các hỏa tiễn đáp xuống địa điểm và vào thời điểm lính Mỹ và Iraq thường không có mặt và việc ông Hamid bị giết chỉ là không may.
Nhưng điều đó không quan trọng với TT Trump và nhóm của ông. Một người Mỹ đã chết và tổng thống, người đã ngừng cuộc tấn công trả đũa trước 10 phút hồi tháng 6/2019 và kiềm chế hành động quân sự đáp trả các khiêu khích của Iran, giờ đối mặt với một số lựa chọn.
Các cố vấn nói với ông rằng Iran có lẽ đã hiểu lầm việc kiềm chế sử dụng vũ lực lần trước của ông như dấu hiệu của yếu đuối. Để lập lại trật tự, ông nên ra lệnh đáp trả cứng rắn.
Vào kỳ nghỉ tại Mar-a-Lago, khu nghỉ mát ở Florida của mình, tổng thống đã đồng ý tấn công vào năm địa điểm ở Iraq và Syria hai ngày sau đó, giết chết ít nhất 25 thành viên của Kataib Hezbollah và làm bị thương ít nhất 50 người nữa.
Hai ngày sau, vào ngày 31/12/2019, những người biểu tình ủng hộ Iran được nhiều thành viên của cùng lực lượng dân quân hậu thuẫn đã phản ứng bằng cách đột nhập vào khu vực Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad và đốt lửa.
Lo lắng lặp lại vụ chiếm đóng Đại sứ quán Mỹ tại Iran năm 1979 và cuộc tấn công cơ quan ngoại giao ở Benghazi, Libya năm 2012, TT Trump và nhóm của mình đã điều hơn 100 Thủy Quân Lục Chiến từ Kuwait tới Baghdad.
Những người biểu tình ủng hộ Iran được lực lượng dân quân Kataib Hezbollah hậu thuẫn đột nhập vào khu vực Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad hồi tháng trước để đáp trả cuộc không kích của Mỹ.
Thủy quân lục chiến hầu như không nhận được thông tin gì về nhiệm vụ của họ hoặc những gì đang xảy ra tại Baghdad khi nạp đạn vào súng. Tất cả những gì họ biết là được gửi đến để bảo vệ đại sứ quán với mệnh lệnh rõ ràng: Nếu người biểu tình xâm nhập bên trong sứ quán, hãy giết họ.
Nhưng khi Thủy quân lục chiến tới Baghdad, không ai phải nổ súng. Họ đã sử dụng vũ khí không gây chết người như hơi cay để giải tán người biểu tình và cuộc bao vây kết thúc mà không đổ máu.
Tuy nhiên, xem truyền hình ở Florida, TT Trump trở nên kích động bởi sự hỗn loạn và sẵn sàng cho phép phản ứng mạnh mẽ hơn.
Ngày 31/12/2019, ngay khi các cuộc biểu tình bắt đầu, một văn bản tuyệt mật được Robert O'Brien, Cố vấn an ninh quốc gia của ông, ký, bắt đầu được lưu hành.
Văn bản liệt kê các mục tiêu tiềm năng, bao gồm cơ sở năng lượng của Iran, tàu chỉ huy kiểm soát được Vệ binh Cách mạng sử dụng để chỉ đạo các tàu nhỏ quấy rối tàu chở dầu ở vùng biển xung quanh Iran.
Văn bản cũng liệt kê một lựa chọn khiêu khích hơn - nhắm vào các quan chức Iran để tiêu diệt bằng cách tấn công quân sự. Trong số các mục tiêu được đề cập, có Abdul Reza Shahlai, chỉ huy người Iran ở Yemen, người đã giúp đỡ tài chính cho các nhóm vũ trang trên toàn khu vực.
Một tên khác trong danh sách: tướng Soleimani.
18 tháng thảo luận, theo dõi
Tướng Soleimani không phải cái tên nổi tiếng ở Mỹ, nhưng theo như các viên chức Mỹ, ông chịu trách nhiệm về sự bất ổn và thương vong ở Trung Đông hơn ai hết.
Là người đứng đầu Lực lượng Quds tinh nhuệ, tướng Soleimani thực sự là người quyền lực thứ hai ở Iran, nắm quyền điều hành các cuộc chiến ủy nhiệm ở Iraq, Syria, Lebanon và Yemen, bao gồm cả chiến dịch ném bom bên đường và các cuộc tấn công khác giết chết khoảng 600 lính Mỹ trong thời kỳ chiến tranh Iraq.
Sau nhiều thập niên ẩn danh, vị tướng 62 tuổi nổi lên những năm gần đây sau Mùa xuân Arab và cuộc chiến với Nhà nước Hồi giáo như nhân vật đại diện cho tham vọng thống trị khu vực của Iran.
Những bức ảnh được công bố cho thấy ông đến thăm chiến tuyến ở Iraq hoặc Syria, gặp lãnh tụ tối cao của Iran ở Teheran hoặc ngồi cùng thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah ở Lebanon. Khi Tổng thống Bashar al-Assad của Syria đến thăm Tehran năm ngoái, chính tướng Soleimani đã chào đón ông.
Một bảng quảng cáo ở Tehran có hình tướng Soleimani (trái) và quan chức Iraq phụ trách dân quân và thân cận với Iran, Abu Mahdi al-Muhandis, người cũng bị giết trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.
Các viên chức cho biết trong 18 tháng qua, đã có các thảo luận về việc có nên nhắm vào tướng Soleimani hay không.
Mật vụ ở 7 cơ quan khác nhau
Vì rất khó ra tay ở Iran, họ dự tính theo dõi ông trong các chuyến thăm thường xuyên tới Syria hoặc Iraq, tập trung phát triển các mật vụ ở bảy cơ quan khác nhau để báo cáo về các hành động của ông - Quân đội Syria, Lực lượng Quds ở Damascus, Hezbollah ở Damascus, các phi trường Damascus và Baghdad, Kataib Hezbollah và các lực lượng Huy động Dân quân ở Iraq.
Các mật vụ được tuyển mộ ở Syria và Iraq đều đặn thông tin về đường đi nước bước của tướng Soleimani. Kết quả theo dõi cho thấy ông bay trên một số hãng hàng không và đôi khi vé cho một chuyến đi được mua nhiều hơn cần thiết để đánh lạc hướng những kẻ bám đuôi.
Ông được đưa lên máy bay vào phút chót, sau đó ngồi ở hàng ghế đầu của hạng thương gia để có thể xuống trước và rời đi nhanh chóng.
Tướng Soleimani bắt đầu chuyến đi cuối cùng của mình vào ngày đầu năm mới, bay tới Damascus và sau đó đi bằng xe đến Lebanon để gặp Nasrallah, lãnh đạo Hezbollah, trước khi trở về Damascus tối hôm đó.
Trong cuộc họp, Nasrallah đã cảnh báo tướng Soleimani rằng báo chí Mỹ đang tập trung vào ông và sẽ đăng tải hình ảnh của ông.
“Đó là sự chuẩn bị truyền thông và chính trị cho vụ tiêu diệt ông”, ông Nasrallah nói.
Tướng Soleimani cười và nói rằng ông hy vọng sẽ chết như người tử vì đạo và mong ông Nasrallah cầu nguyện để điều đó thành sự thật.
Cuộc tấn công trả đũa
Việc TT Trump rút khỏi thỏa thuận nguyên tử năm 2015 với Iran là điểm gây tranh cãi lớn. Các yếu nhân châu Âu bực bội trước sự rút lui đơn phương, coi đó là sai lầm nghiêm trọng bắt đầu vòng xoáy trừng phạt và trả đũa dẫn đến cuộc đấu kéo dài bảy ngày và giờ là việc khởi động lại chương trình nguyên tử Iran.
Tổng thống Trump chuẩn bị đọc bài phát biểu toàn quốc hôm 8/1. Tuần trước, ông mô tả tướng Soleimani là "kẻ khủng bố số 1 ở bất cứ nơi nào trên thế giới".
Khi Ngoại trưởng Pompeo gọi điện thoại cho những người đồng nghiệp tại châu Âu sau cuộc tấn công, họ bày tỏ lo lắng.
Trong cuộc điện đàm 15 phút, Bộ trưởng Ngoại giao Heiko Maas của Đức cho biết vụ giết người không giúp việc ổn định khu vực trở nên dễ dàng hơn. Ông Pompeo trả lời rằng tình hình hiện đã ổn định hơn.
Hôm 7/1, Trung tâm Hỏa tiễn Quốc phòng Đặc biệt và Phi hành, thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia, đã tập hợp nhiều chuỗi thông tin, bao gồm cả hình ảnh trên cao và các cuộc liên lạc, để kết luận rằng Iran sắp tiến hành cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào các căn cứ của Iraq. Trung tâm đã gửi cảnh báo đến Tòa Bạch Ốc.
Phó tổng thống Mike Pence và Cố vấn O’Brien lập tức đến Phòng An Ninh dưới tầng hầm, sau đó tổng thống và ông Pompeo có mặt.
Tại Ngũ Giác Đài, Bộ trưởng Quốc phòng Mark T. Esper và toàn thể Tham mưu trưởng Liên quân, do Chủ tịch Mark A. Milley dẫn đầu, tập trung trong phòng hội nghị ở tầng ba, thảo luận về cách di tản quân đội và các gia đình trong khu vực tới địa điểm an toàn hơn.
Khoảng 17h30, giọng nói phát ra từ loa ngoài trong Phòng An Ninh: “Thưa Tổng thống, chúng tôi thấy những dấu hiệu của một vụ phóng lúc 22h30 giờ quốc tế từ miền Tây Iran theo hướng Iraq, Syria và Jordan”. Sau đó, các báo cáo đến dồn dập hơn.
Một trong những căn cứ mà Iran nhắm đến, Căn cứ không quân Al Asad, từ lâu đã trở thành trung tâm cho các hoạt động quân sự của Mỹ ở miền Tây Iraq.
Các hỏa tiễn được đặt không đồng nhất nhưng hầu hết đi về phía căn cứ không quân Al Asad ở Iraq, nơi có 2.000 lính Mỹ.
Cuộc tấn công kết thúc sau một giờ nhưng các chỉ huy cơ sở đã ra lệnh cho quân đội ở lại nơi trú ẩn trong trường hợp vẫn còn hỏa tiễn đến. Khoảng 7h30, một giờ sau khi cuộc tấn công kết thúc, ông Esper và tướng Milley vội vã tới Tòa Bạch Ốc để gặp TT Trump.
Các hỏa tiễn đã làm hỏng một máy bay trực thăng, một số lều và các công trình khác, nhưng nhờ cảnh báo trước, nó không gây thương vong.
Tối hôm đó, khi trở về dinh thự, TT Trump cảm thấy nhẹ nhõm vì không có thương vong và nóng lòng bắt đầu lại, một con đường tránh khỏi cuộc xung đột sâu hơn.
Ông đăng tải dòng tweet trấn an: “Tất cả đều ổn!”.
Tuyết Mai
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.