Một phân tích của nhóm nghiên cứu bất vụ lợi dựa trên các tính toán của một nhà phân tích người Ý khi xem xét lượng phát thải carbon của các tấm quang năng sản xuất tại Trung cộng tuyên bố rằng cơ quan có ảnh hưởng của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu đã ước tính quá thấp cường độ carbon của pin quang năng doTrung cộng sản xuất.
Tiến bộ Môi trường (Environmental Progress), một tổ chức bất vụ lợi do ký giả điều tra Michael Shellenberger đồng sáng lập, hợp tác với The Blind Spot và nhà phân tích người Ý Enrico Mariutti, vừa công bố một báo cáo trong đó lập luận rằng, xét về lượng phát thải carbon trong quá trình sản xuất, so với tuyên bố của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), thì các tấm quang năng doTrung cộng sản xuất bẩn gấp khoảng ba lần. IPCC là cơ quan của Liên Hiệp Quốc chuyên đánh giá khoa học về biến đổi khí hậu.
Ông Shellenberger viết trong một tweet hôm 24/07, “Mọi người cho rằng các tấm quang năng không tạo ra phát thải carbon, nhưng thực ra là có. Và giờ đây, một cuộc điều tra quan trọng mới của tổ chức Tiến bộ Môi trường, dựa trên nghiên cứu của ông Enrico Mariutti, phát hiện ra rằng các tấm quang năng sản xuất tại Trung cộng tạo ra lượng phát thải carbon nhiều hơn ít nhất gấp 3 lần so với tuyên bố của IPCC.”
Cụ thể, IPCC tuyên bố rằng lượng phát thải carbon của các tấm quang năng, hầu hết được sản xuất tại Trung cộng, là khoảng 48 gCO2/kWh. Thế nhưng, tổ chức Tiến bộ Môi trường cho biết trong một báo cáo gây chấn động rằng nghiên cứu do ông Mariutti thực hiện cho thấy lượng phát thải carbon thực tế nằm trong khoảng từ 170 đến 250 gCOC/kWh cao hơn từ ba đến năm lần so với báo cáo của Liên Hiệp Quốc.
Ông Mariutti cho biết trong một tweet hôm 24/07: “Trong 10 năm qua, IPCC-CH đã đưa ra bằng chứng sai lệch về cường độ carbon của năng lượng quang điện.”
IPCC không phúc đáp yêu cầu bình luận về báo cáo dựa trên các tính toán độc lập này.
‘Bí mật bẩn thỉu’
Hồi tháng Tư, ông Mariutti, một nhà phân tích chuyên về kinh tế cũng như chính sách khí hậu và năng lượng, đã công bố một báo cáo với tiêu đề “Bí mật bẩn thỉu của ngành quang năng.” Trong đó, ông lập luận rằng IPCC đã đánh giá quá thấp lượng carbon được tạo ra từ pin quang năng do Trung cộng sản xuất vì cơ quan này đang căn cứ theo các tính toán của mình dựa trên chuỗi cung ứng có hàm lượng carbon thấp ở châu Âu thay vì các quy trình sản xuất phụ thuộc vào than ở Trung cộng.
“Mỗi năm chúng ta đang đầu tư hàng trăm tỷ dollar vào các công nghệ có mức carbon thấp chỉ vì ai đó đã viết ra con số này ở đâu đó,” ông nói trong phần tóm lược báo cáo của mình. “Không có bất kỳ cơ quan chức trách quốc gia hay quốc tế nào bận tâm tìm hiểu dựa trên cơ sở nào và bằng cách nào để thu thập loại ‘kiến thức trên giấy tờ’ như vậy.”
Theo báo cáo của tổ chức Tiến bộ Môi trường, về các tấm quang năng, vấn đề là hầu hết dữ liệu cường độ carbon mà IPCC và các chính phủ dựa vào đều căn cứ trên việc thiết lập mô hình có khả năng đánh giá quá thấp lượng phát thải carbon của quang năng vì thiếu sự minh bạch, hoặc dữ liệu hoàn toàn không chính xác hoặc “ngụy tạo” từ các nhà sản xuất Trung cộng.
Trong những năm qua, Trung cộng đã trở thành một thế lực thống trị trong việc sản xuất các tấm quang năng. Ví dụ, khoảng 97% nguồn cung cấp tấm wafer quang năng trên toàn cầu, một thành phần chính của pin quang năng, được sản xuất tại Trung cộng.
Tuy nhiên, việc Trung cộng ngày càng giành được thị phần lớn trên thị trường tấm quang năng không phải do sự đổi mới.
Nhóm nghiên cứu này viết trong báo cáo: “Phần lớn các chuyên gia mà tổ chức Tiến bộ Môi trường tham vấn đều đồng ý rằng lợi thế cạnh tranh của Trung cộng không nằm ở quy trình công nghệ mới sáng tạo, mà nằm ở chính những yếu tố mà quốc gia này luôn sử dụng để vượt qua phương Tây: năng lượng đốt than giá rẻ, trợ cấp dồi dào từ chính phủ dành cho các ngành công nghiệp chiến lược, và công nhân hoạt động trong điều kiện làm việc tồi tệ.”
Khi lần đầu tiên công bố báo cáo độc lập của mình hồi tháng Tư, ông Mariutti cho biết trong một bài đăng trên Twitter rằng động lực để ông phải công bố những phát hiện của mình là “do sự gia tăng chính sách khí hậu của Âu Châu khiến Ý có nguy cơ rơi vào tình trạng suy giảm tới mức không thể đảo ngược.”
Ông nói rằng ông cảm thấy mình có bổn phận phải công bố nghiên cứu này để cung cấp thông tin cho các quyết định chính sách công.
Khi đó, ông đã nói rằng, “Trong mười năm qua, IPCC đã đánh giá thấp một cách có hệ thống cường độ carbon của năng lượng quang điện bằng cách giả vờ rằng các module quang năng được sản xuất ở châu Âu chứ không phải ở Trung cộng.”
Ông nói thêm, “Bằng cách tính toán lại lượng phát thải carbon của hệ thống quang năng trên cơ sở hỗn hợp năng lượng bằng than đá là chủ yếu, có thể ước tính rằng cường độ carbon trung bình toàn cầu của năng lượng quang điện tối thiểu là 200 gCO2/kWh.”
Về phần mình, ông Shellenberger từ lâu cũng đã cảnh báo về các tác động môi trường toàn diện từ ngành công nghiệp sản xuất tấm quang năng này.
Cơn sóng thần chất thải tấm quang năng
Hồi năm 2021, ông Shellenberger nói với chương trình “The Nation Speaks” của NTD rằng nguyên lý kinh tế của việc sản xuất, khai triển, và tái chế tấm quang năng cho thấy công nghệ này có đặc tính “độc hại” và “nguy hiểm,” trong khi khuynh hướng ý thức hệ, chứ không hẳn là khoa học vững chắc, đã thúc đẩy sự ủng hộ đối với quang năng.
Tại thời điểm đó, ông Shellenberger nói, “Chúng ta đã ở trong một trạng thái thôi miên,” đề cập đến những gì ông mô tả là niềm tin sai lầm rằng quang năng là một giải pháp thay thế thân thiện với môi trường cho các hình thức phát điện truyền thống như hạt nhân.
“Đó là một sự theo đuổi về phương diện tinh thần,” ông nói thêm. “Có ý kiến cho rằng … chúng ta sẽ bảo vệ môi trường tự nhiên bằng cách phụ thuộc vào các dòng năng lượng tự nhiên như ánh sáng mặt trời. Đó không phải là một quan điểm khoa học. Kỳ thực, điều này lại có hại hơn cho môi trường.”
Một nghiên cứu của Harvard Business Review đã kết luận rằng các tấm quang năng đang được thay thế nhanh hơn so với dự kiến do nhiều ưu đãi kinh tế khác nhau, và đã cảnh báo về một núi rác ngày càng chồng chất đầy những tấm quang năng “với những mức độ gây tổn hại hiện hữu” trừ phi các ưu đãi được áp dụng để giảm các chi phí tái chế cao.
Nghiên cứu nêu trên của Harvard đã trích dẫn ước tính của ông Garvin Heath, nhà khoa học cao cấp tại Phòng thí nghiệm Năng lượng Tái tạo Quốc gia, khi ông nói với Tạp chí PV rằng tốn từ 20USD đến 30 USD để tái chế một tấm pin so với 1 đến 2 USD để đưa tấm pin ấy đến bãi rác. Harvard Business Review kết luận rằng lời hứa tươi sáng về việc sử dụng quang năng rộng rãi hơn như một giải pháp thay thế thân thiện với môi trường “sẽ nhanh chóng lụi tàn khi ngành công nghiệp này ngập ngụa dưới sức nặng của chính rác thải của nó.”
Khi được hỏi về nghiên cứu này, ông Shellenberger đã xác nhận chi phí tái chế cao như được đề cập ở trên nhưng lưu ý rằng đó chỉ là một phần gánh nặng cuối đời của quang năng. Các tấm này chứa các kim loại nặng như chì, có thể được phóng thích dưới dạng đám mây độc hại nếu các tấm quang năng này bị vỡ trong quá trình xử lý.
“Đó là chất thải nguy hại,” ông nói vào thời điểm đó.
Với sự gia tăng của các nguồn năng lượng tái tạo ở Hoa Kỳ, đặc biệt là quang năng, vấn đề xử lý chất thải đã trở nên ngày càng đáng lo ngại.
Hiện tại, Hoa Kỳ ước tính có 149.5 gigawatt (GW) công suất quang năng được lắp đặt trên toàn quốc.
Công ty nghiên cứu Wood Mackenzie dự kiến tổng công suất quang năng được lắp đặt của Mỹ sẽ đạt 378 GW vào năm 2028.
Tom Ozimek _ Vân Du
***
Lời nói dối thô bạo của TT Biden
Tuy nhiên, chiến lược chống lạm phát của Tòa Bạch Ốc do TT Biden công bố gần đây có đặc điểm chính là nhiều trợ cấp của chính phủ hơn đối với “năng lượng tái tạo.”
https://baomai.blogspot.com/
***
Kế hoạch năng lượng của Biden là một ‘ảo tưởng đầy nguy hiểm’
“Đạo luật Giảm Lạm phát là khoản đầu tư quan trọng nhất từng có để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu,” TT Biden nói, đề cập đến khoản chi tiêu mới của chính phủ trị giá 370 tỷ USD cho năng lượng tái tạo, vốn sẽ giúp “giảm hóa đơn tiện ích, tạo việc làm cho người Mỹ, và dẫn đầu thế giới hướng tới một tương lai năng lượng sạch.”
https://baomai.blogspot.com/
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.