Ngay cả nhiều người tự hào là người ủng hộ người nhập cư cũng đã cân nhắc lại thái độ của họ khi tình hình biên giới được cảm nhận trong các cộng đồng trên khắp đất nước. Theo kết quả thăm dò gần đây nhất của Gallup về vấn đề này hồi tháng Sáu năm ngoái (2023), 40% số người ủng hộ Đảng Dân chủ tán thành việc tăng cường hoạt động nhập cư. Tuy nhiên đến tháng Hai năm nay, con số đó đã giảm xuống còn 27%, dựa trên cuộc thăm dò của AP/NORK.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, đại đa số những người ủng hộ Đảng Cộng Hòa hoặc những người nghiêng về Đảng Cộng Hòa xem tình hình nhập cư bất hợp pháp hiện nay là một “cuộc khủng hoảng” hoặc một “vấn đề lớn.” Theo Gallup, phần lớn trong số họ nhìn chung cũng muốn có ít người nhập cư hơn.
Ai là người được hưởng lợi?
Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng nhập cư thúc đẩy nền kinh tế trong dài hạn.
Một bài nghiên cứu sắp ra mắt của Giáo sư Tarek Hassan, một nhà kinh tế của Đại học Boston, ước tính rằng cứ 12,000 người nhập cư mới vào một quận trung bình ở Hoa Kỳ thì sẽ làm tăng số đơn yêu cầu cấp bằng sáng chế trung bình trên dân số của người dân địa phương thêm 30%, cũng như mức lương trung bình thêm 5% chỉ trong vòng năm năm. Hiệu ứng tiền lương này có thể sẽ tăng lên gấp đôi trong vài thập niên tới trước khi dần dần biến mất.
Nói chuyện, ông Hassan cho rằng động lực đằng sau kết quả này có thể được mô tả như một “cuộc chiến giữa hai lực đẩy.”
Ông nói: “Khi có nhiều người di cư đến hơn … họ sẽ khiến lương giảm xuống vì có nhiều nhân công hơn đồng nghĩa với việc lương của tất cả mọi người sẽ thấp hơn.”
“Nhưng đồng thời, chúng tôi cũng tin rằng tăng trưởng kinh tế sẽ đến từ việc ngày càng có nhiều người có thể ngồi lại và cùng nhau suy nghĩ về các ý tưởng hơn.”
Ông nói, kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu ứng thứ hai đang “thắng thế.” Giả thuyết ở đây là, hoạt động sản xuất và tiêu dùng của những người nhập cư mới sẽ tạo ra một nền kinh tế lớn hơn, từ đó giúp cung cấp thêm nhiều việc làm được trả lương cao hơn.
Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu được chia sẻ cho thấy chính những người nhập cư có trình độ học vấn cao mới là những người mang lại phần lớn lợi ích. Kết quả cho thấy, người nhập cư có trình độ học vấn thấp gây ra những tác động tiêu cực đến cả sự đổi mới và giáo dục, nhưng kết quả này không có ý nghĩa thống kê vì biên độ sai số quá lớn.
Ông Hassan thừa nhận, “Đúng là những người nhập cư có trình độ học vấn cao hơn sẽ mang lại nhiều tác động tích cực hơn.”
Đó là phương diện mà sự khác biệt giữa nhập cư hợp pháp và bất hợp pháp phát huy tác dụng.
Trong khi những người nhập cư nhìn chung có trình độ học vấn ngang ngửa với người dân địa phương 36% có bằng Cử nhân hoặc cao hơn thì trong số những người nhập cư bất hợp pháp, tỷ lệ này chỉ là 18%, dựa trên ước tính của Viện Chính sách Di cư (MPI).
Theo một cuộc thăm dò của AP/NORK hồi tháng Ba, người Mỹ cũng lo ngại nhiều hơn về vấn đề nhập cư bất hợp pháp hơn là nhập cư hợp pháp.
Nghiên cứu của ông Hassan kết luận rằng người Mỹ có trình độ học vấn cao được hưởng lợi nhiều nhất từ dòng người nhập cư. Những người đã theo học ít nhất năm năm đại học trở lên có mức lương tăng cao hơn nhiều so với những người học bốn năm đại học. Tiền lương của những người có trình độ học vấn thấp hơn hầu như không đổi. Những người không có bằng tốt nghiệp trung học bị giảm lương nhẹ, mặc dù tác động này không có ý nghĩa về mặt thống kê.
Giáo sư Giovanni Peri, nhà kinh tế học tại Đại học California, Davis, đã sử dụng một phương pháp khác để phân biệt tác động của người nhập cư đối với tiền lương và việc làm của người dân địa phương. Kết quả của ông dường như mâu thuẫn một phần với kết quả của ông Hassan.
Trong một nghiên cứu hồi tháng Tư mà ông là đồng tác giả với ông Alessandro Caiumi, ông Peri kết luận rằng người nhập cư mang lại những mức lương cao hơn và nhiều việc làm hơn cho các lao động địa phương có trình độ học vấn thấp hơn, nhưng hầu như không ảnh hưởng gì đến những người có trình độ học vấn cao hơn trong giai đoạn 2000-2019.
Ông nhận thấy những người nhập cư mới thực sự đã khiến lương của một số người giảm xuống những người nhập cư khác nhưng chỉ khiến lương giảm xuống đối với những người có trình độ học vấn trung học trở lên.
Ông Peri lưu ý rằng những người nhập cư có trình độ học vấn thấp thường đến theo cách thức bất hợp pháp và làm việc chui (không có trên sổ sách) hoặc xin tị nạn, điều này cho phép họ có được giấy phép lao động trong khi hồ sơ của họ đang chờ được giải quyết.
Ông nói: “Vấn đề là phần lớn những người này sẽ không được tị nạn.”
Thật vậy, những người vượt biên giới phía Nam thường là vì để thoát khỏi tình trạng tội phạm ở quê nhà hoặc tìm kiếm việc làm tốt hơn, cả hai đều không phải là lý do để tị nạn, vốn chỉ dành riêng cho những người phải đối mặt với sự đàn áp.
Dựa trên các kết quả nghiên cứu của mình, ông Peri khuyến nghị mở ra một con đường hợp pháp cho những người nhập cư có trình độ học vấn thấp đến Hoa Kỳ để lấp đầy những công việc mà những người nhập cư bất hợp pháp thường đảm nhận trong các nhà hàng, khách sạn, trang trại, cũng như việc giúp đỡ người cao niên.
Lao động nhập cư người Mexico thu hoạch rau mùi tây hữu cơ tại Grant Family Farms ở Wellington, Coloro
Ông Peri đề nghị mở một con đường hợp pháp cho những người nhập cư có trình độ học vấn thấp đến Hoa Kỳ để lấp đầy những công việc mà những người nhập cư bất hợp pháp thường đảm nhận trong nhà hàng, khách sạn, trang trại, cũng như việc giúp đỡ người cao niên.
“Chúng ta sẽ dễ bề quản lý hơn nhiều và cũng biết được chuyện gì đang xảy ra với họ. Tình hình sẽ trật tự hơn nhiều,” ông nói.
Nghiên cứu của ông Peri đã tìm thấy một số tác động tiêu cực của nhập cư đối với việc làm của người dân địa phương, nhưng chỉ là đối với những lao động ít kinh nghiệm và có trình độ học vấn dưới trung học.
Cả ông Hassan và ông Peri đều lưu ý rằng nghiên cứu của họ xem xét tác động trung bình của việc nhập cư.
Ông Hassan nói: “Có nhiều nghiên cứu kinh tế vi mô đã ghi nhận mức lương tăng hoặc giảm trong các nhóm cụ thể ở những khu vực nhất định tại một thời điểm nhất định.”
Lập luận của ông là khi các tác động được tính trung bình, thì hoạt động nhập cư sẽ giúp ích cho nền kinh tế, ngay cả ở cấp địa phương.
Tác động tài chính
Một số chuyên gia lập luận rằng bất kể hoạt động nhập cư mang lại những lợi ích kinh tế nào đi chăng nữa, thì những lợi ích đó cũng cần phải được tính bù trừ vào chi phí mà người đóng thuế phải trả. Nhập cư bất hợp pháp đặc biệt gây tốn kém vì tạo ra gánh nặng cho bộ máy thực thi luật nhập cư.
Ông Daniel Stein, chủ tịch Liên đoàn Cải cách Nhập cư Hoa Kỳ (FAIR), một tổ chức ủng hộ giảm đáng kể hoạt động nhập cư, cho biết, “Ở một quốc gia nơi quý vị đang cố gắng cung cấp quy trình tố tụng gắn liền với nền văn minh phương Tây, các chuẩn mực Hiến Pháp của chúng ta, sự công bằng căn bản và một thủ tục bán tư pháp, nơi quý vị phải nghe hết phiên tòa này đến phiên tòa khác về thủ tục trục xuất, thì sẽ rất tốn kém để đưa được ai đó ra khỏi quốc gia.”
FAIR đã cố gắng tính toán chi phí tài chính của tình trạng nhập cư bất hợp pháp, bao gồm việc chi phí thực thi luật nhập cư, thực thi pháp luật, phúc lợi, chăm sóc y tế, và giáo dục cho trẻ em. Năm ngoái (2023), chi phí hàng năm đạt 163 tỷ USD, tăng từ mức 116 tỷ USD vào năm 2017, mặc dù thừa nhận những hạn chế của con số ước tính này do thiếu dữ liệu.
Nhiều người nhập cư bất hợp pháp cũng làm việc chui để không phải đóng thuế thu nhập.
Tuy nhiên, theo ông Steven Camarota, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Nhập cư (CIS), một tổ chức khác cũng ủng hộ chính sách giảm nhập cư, thì ngay cả khi người nhập cư bất hợp pháp tuân thủ đóng thuế đầy đủ thì nhìn chung họ vẫn gây tiêu hao tài chính vì không kiếm đủ thu nhập.
Ông nói: “Những người sinh ra ở Hoa Kỳ và những người nhập cư hợp pháp kiếm được 15 USD, 18 USD, 20 USD một giờ cũng thường gây tiêu hao tài chính.”
“Nhưng họ đã ở đây rồi.”
Ông nói, có thể là các nhà hàng, khách sạn, và các công ty thiết kế cảnh quan đang cần nhiều nhân công hơn.
“Nhưng quý vị nên hiểu rõ hơn rằng những doanh nghiệp như vậy sẽ không trả đủ tiền để những người lao động đó tự nuôi sống bản thân, đặc biệt là khi họ có con.”
Bên ngoài lĩnh vực kinh tế
Phần lớn các khiếu nại về nhập cư bất hợp pháp vượt ra ngoài phạm vi các mối lo ngại về kinh tế.
Bởi vì việc thực thi luật nhập cư quá nhiêu khê, nên trong nhiều trường hợp, chính phủ “thậm chí còn không thử cố,” ông Stein nói.
Theo quan điểm của ông, thực tế này đã phá hoại cấu trúc xã hội.
Ông nói: “Nguyên tắc pháp quyền được áp dụng phổ biến đang bị phá hủy.”
Ông lập luận rằng việc nền kinh tế dựa vào lao động ngoại quốc cũng không phải một việc có lợi.
Ông nêu ra rằng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nam giới trong độ tuổi sản xuất của Hoa Kỳ đang ở mức thấp nhất trong lịch sử.
Vào những năm 1950, có chưa đầy 3% nam giới trong độ tuổi từ 25 đến 54 không đi làm và cũng không tìm kiếm việc làm. Trong những năm gần đây, con số này đã dao động quanh mức 11%.
Vấn đề này được cho là do nhiều nguyên nhân, nhưng ông Stein cho rằng người lao động đến từ ngoại quốc là một trong số các lý do.
Về nhận định này, ông Hassan tỏ ra nghi ngờ.
Ông đã trả lời qua thư điện tử, “Tôi nghĩ đó chỉ là suy đoán và tôi không biết bất kỳ bằng chứng nào chứng minh cho tuyên bố này. Hơn nữa, tôi cho rằng điều đó khó có thể xảy ra vì chúng tôi nhận thấy việc nhập cư không có tác động gì đến tiền lương. Làm sao người nhập cư có thể đẩy người bản xứ ra khỏi thị trường lao động nếu không khiến lương của họ bị giảm xuống?”
“Hơn nữa, một trong những phát hiện của chúng tôi … là sự gia tăng nhập cư ở một địa phương khiến nhiều người bản xứ chuyển đến khu vực đó hơn. Nếu trung bình họ đang rời khỏi lực lượng lao động thì người ta phải nhận được kết quả ngược lại chứ!”
Tuy nhiên, ông Stein cho rằng niềm tin của ông là do sự thay đổi lâu dài trong văn hóa hơn là do yếu tố kinh tế.
Ông nói: “Cũng có lý do giai cấp đằng sau sự tham gia của người bản xứ vào thị trường lao động.”
Trước đây, thanh niên Mỹ thường chọn những công việc phục vụ không đòi hỏi kỹ năng cao và lương thấp như một công việc tạm thời trên con đường trưởng thành.
“Đó là cách quý vị học được thói quen trở thành một công dân tốt và có đạo đức nghề nghiệp.”
Với sự phụ thuộc ngày càng tăng vào lao động ngoại quốc, các bậc cha mẹ không còn muốn gửi con mình ra bên ngoài làm những công việc như vậy nữa, và giới trẻ không còn cảm thấy mình phù hợp với những môi trường như vậy. Thông thường, họ thậm chí còn có thể không nói được loại ngôn ngữ của đồng nghiệp.
Ông nói, còn có tác động của “việc tuyển dụng theo mạng lưới quen biết,” khái niệm đề cập đến việc các nhà quản lý tuyển người từ những cộng đồng mà họ đã có mối liên hệ.
Ông nói, những vấn đề này hiện đã ăn sâu vào nền văn hóa Hoa Kỳ và sẽ không thể giải quyết được bằng cách cắt đứt dòng người nhập cư. Tuy nhiên, ông lập luận rằng nguồn cung lao động ngoại quốc ổn định đang cho phép xã hội bỏ qua vấn đề người Mỹ trong độ tuổi lao động bị gạt ra ngoài lề.
Tạo điều kiện theo cách chưa từng có
Một số chuyên gia cho biết, sẽ có chút khó khăn để xác định có bao nhiêu người thực sự đã đến Hoa Kỳ kể từ làn sóng nhập cư gần đây, bắt đầu vào năm 2021.
Ông Camarota lưu ý rằng dân số sinh ra ở ngoại quốc đã tăng khoảng 6.6 triệu người kể từ năm 2021 “một tốc độ tăng trưởng chưa từng có.”
Trong nhóm dân số này, CIS ước tính có khoảng 3.8 triệu người là người nhập cư bất hợp pháp. Theo ông Camarota, con số này ít hơn nhiều so với số lượng người mà Lực lượng Tuần tra Biên giới bắt giữ hoặc ít nhất là đã bắt gặp trong quá trình họ vượt biên, nhưng đó là điều có thể dự đoán được.
Ông lưu ý rằng một cách tự nhiên, dân số nhập cư bất hợp pháp thường giảm dần theo thời gian. Hàng năm, sẽ có một số người bị trục xuất, một số người rời khỏi đất nước, một số kết hôn với người Mỹ và có được tư cách pháp nhân, và một số tử vong. Con em sinh ra ở Mỹ của họ sẽ nghiễm nhiên trở thành công dân, vì vậy dân số của họ sẽ chỉ càng tăng hơn nữa khi có thêm những người mới đến.
Tuy nhiên, theo ông Simon Hankinson, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Nhập cư và An ninh Biên giới thuộc tổ chức theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống Quỹ Di Sản, bên cạnh quy mô của làn sóng người nhập cư lần này, còn có một điều gì đó khác biệt ở những người mới đến trong cách mà họ được tạo điều kiện cho sinh hoạt.
Ông nói, “Tôi đã theo dõi vấn đề nhập cư trong hơn 30 năm. Và tôi chưa bao giờ thấy tình huống nào như ở, thành phố New York chẳng hạn, nơi chu cấp hoàn toàn chỗ ở và nuôi sống không giới hạn cho những người đến.”
Ông gợi ý rằng mức độ tạo điều kiện như vậy có thể cản trở sự đồng hóa, khi tập trung những người nhập cư vào các khu vực của riêng họ.
Ông nói, ý tưởng về một “nồi nung chảy” (melting pot) là mọi người từ khắp nơi trên thế giới “có thể, trong một hoặc hai thế hệ, áp dụng những nguyên tắc cơ bản giống nhau về quyền tự do ngôn luận, làm việc chăm chỉ, trách nhiệm cá nhân, v.v. Và họ đã đi học ở các trường công lập. Và nhờ vậy họ chia sẻ những sự đồng thuận nhất định về mặt quan điểm, ngay cả khi họ có ý kiến khác nhau về mặt chính trị.”
“Nếu quý vị tập trung những người này với số lượng rất lớn, vào trong các cộng đồng nơi họ không thực sự tương tác với người bản xứ hoặc người từ các cộng đồng khác, thì như quý vị đã thấy ở châu Âu và tôi nghĩ chúng ta cũng có thể thấy ở Mỹ, quá trình đồng hóa đó sẽ mất nhiều thời gian hơn.”
Còn theo ông Hassan, các yếu tố xã hội và chính trị thực sự có thể là lý do để quản lý việc nhập cư hơn là những lý do thuần túy về kinh tế.
Ông nói, “Nhập cư có những tác động chính trị và xã hội mà bằng cách nào đó sẽ hạn chế sức chịu đựng của xã hội nói chung trong việc hấp thụ nhập cư. Tôi nghĩ chúng ta chưa đạt đến gần điểm mà nền kinh tế không thể hấp thụ được con người nữa. Nhưng chúng ta có thể đang tiến gần đến điểm mà xã hội không còn muốn nhập cư nữa. Và đó thực sự là một cuộc tranh luận mà tôi nghĩ nên có, mà lại chưa có, bởi vì toàn bộ tình hình phân cực này, và mọi người đang thực sự không quan tâm đến những khác biệt tinh tế ở đây.”
“Và do đó, với tôi mọi chuyện khá rõ ràng rằng cần phải có một số quyết định chính trị về số lượng người nhập cư mà chúng ta muốn, trong khi vẫn ghi nhớ rằng nhập cư là tốt cho nền kinh tế.”
Petr Svab _ Vân Du
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.