Nói chuyện với Ngọc Bích xong tôi thẫn thờ. Từ cổ chí kim, từ vua chúa cho đến thứ dân, ai cũng mong được trường sinh bất lão nhưng liệu thọ quá có phải là điều hay ho cho bản thân và cho người thân không?...Tới mừng thôi nôi cháu ngoại Bích Ngọc, không thấy Quế Hương, bạn cố tri của Ngọc, tôi hỏi:
- Sao bữa nay không thấy Quế Hương tới dự thôi nôi cháu bà vậy?
- Dự sao được, mấy bữa nay bả te tua rồi?
- Sao vậy?
- Ừa, thì mấy bữa nay ông già bệnh. Chắc cũng sắp đi rồi.
- Thì trên trăm tuổi rồi. Ông đã như thân cây mục, cũng nên để ông thay đổi hình hài khác đi chứ. Nhưng còn anh cả đâu? Nghe đâu anh cả chăm ông cụ mà.
- Ổng xụm luôn rồi. Mà nói tới ông anh cả của bả mới tội, ổng gần tám mươi rồi mà không được hưởng tuổi già, được sống gần con cái ở Quy nhơn mà phải ở đây lo cho ông già hơn trăm tuổi mới khổ chứ.
- Nhà Quế hương đông mà, sao lại bắt ông già trẻ chăm ông già già?
- Thì tại vì ổng là anh cả với lại mấy người kia ở nước ngoài hết rồi. Phần cũng tại ổng nghèo nhất, không có tiền lo cho cha thì phải lãnh phần chăm sóc ông cụ chứ. Mấy người kia chu cấp tài chánh. Đứa bỏ công, người bỏ của mà.
Nói tới anh em ở nước ngoài của Quế Hương tôi mới nhớ là lâu lâu ông cụ làm mệt, Quế Hương gọi các anh chị mình về. Khi về tới nơi thì ông cụ khỏe lại. Cứ thế trong hai năm các anh chị của Quế Hương phải tức tốc về tới bốn lần mà ông cụ cũng chưa đi. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, có hai người anh của Quế Hương lại dám bỏ việc hoài nên bị mất việc luôn, nhưng bổn phận làm con mà, biết sao giờ?
Không có Quế Hương tôi mất bạn tung hứng nên truy Ngọc:
- Nhưng sao tự nhiên Quế Hương lại te tua?
- Thì ông già hơn tám mươi phải chăm ông già hơn một trăm, nên ông già già chưa khỏe thì ông già trẻ đã sụm rồi. Vậy nên bây giờ Quế Hương phải chăm cả hai ông chứ sao.
Tự nhiên Bích Ngọc
cười khùng khục:
- Nhớ bữa hổm ông
anh cả than với tui, ổng nói : "Trời ơi, hỏng biết chừng nào ông già chết
cho tui khỏe vài năm trước khi theo ông bà tổ tiên đây!”
- Nói gì thảm vậy?
- Bà nói “thảm” là
ai thảm?
- Thảm cho cả hai. Bởi
vậy mai mốt tốt nhất đừng có chúc ông bà sống lâu trăm tuổi rồi rên nha.
Nói chuyện với Ngọc
Bích xong tôi thẫn thờ. Từ cổ chí kim, từ vua chúa cho đến thứ dân, ai cũng
mong được trường sinh bất lão nhưng liệu thọ quá có phải là điều hay ho cho bản
thân và cho người thân không?
Tuổi già lú lẫn,
hình hài nhăn nhúm, sức khỏe suy giảm. Tôi nhớ khi còn nhỏ, dù được cả nhà dạy
phải biết kính yêu bà cố nhưng đứa cháu nhỏ của tôi dứt khoát không thấy thoải
mái với bà. Có lẽ khi nó có ý thức chút thì bà đã nhăn nheo xấu xí quá rồi,
hình ảnh của bà không giống với bà tiên trong truyện cổ tích nữa. Khi đó, bản
thân bà không tự chăm sóc được nên bao người lớn quanh nó phải dành sự chăm sóc
cho bà nhiều hơn cho nó và nó thì luôn bị mắng mỏ vì ồn ào, vì phá phách làm bà
không nghỉ ngơi được. Dạy dỗ gì thì nó cũng thấy mình thiệt thòi vì bà nên nó cứ
mơ hồ, miễn cưỡng ghi nhận công lao dưỡng dục xa xưa của bà… Thế nên gia đình
dòng họ cứ trách móc nó không ngoan, không biết ông bà, bây giờ nó là đứa cháu
vô tình, không biết cội nguồn mai mốt chắc là đứa con bất hiếu.
Tôi nhớ có lần đến
tiệm làm tóc, con bé làm móng cho tôi khoe:
- Bà cố của con năm
nay 115 tuổi rồi, bà được cả chủ tịch tỉnh đến thăm đó cô.
- Bà con thọ quá há.
Vậy bây giờ ai lo cho bà?
- Dạ, ông ngoại tám
của con nuôi.
- Vậy ai nuôi ông
ngoại?
- Dạ mấy cậu mấy dì
nuôi.
- Mấy cậu mấy dì khá
không?
- Dạ nghèo lắm.
- Có bà thọ đến vậy
chắc thích lắm hả?
Nó trầm ngâm một hồi
rồi nói:
- Dạ thích chứ cô.
Dòng họ con ai cũng thích bà thọ để khoe, chỉ có ông ngoại tám của con thì
không thích lắm. Ông nói:” Phụ tiền bạc chăm lo cho ông bà là chuyện dễ, trực
tiếp chăm lo bệnh hoạn, chịu đựng tính khí của người già mới là khó”.
Câu chuyện của con
bé làm móng làm tôi nhớ tới câu chuyện buổi sáng khi tôi đi bộ cùng các bạn
trong cùng khu phố, đề tài vô tình nói về tuổi già và về việc phụng dưỡng cha mẹ
già. Chị Xuân nói:
- Dì của em năm nay
tám mươi sáu tuổi rồi mà còn làm dâu đó.
- Vậy bà mẹ chồng chắc
thọ lắm.
- Bà đã hơn trăm tuổi.
Mấy chục năm trước khi chú em đi bộ đội về hưu, thấy bà đã hơn tám mươi bèn quyết
đem bà về nuôi, nghĩ mẹ chắc cũng không còn sống bao lâu nữa, ráng gần gũi phụng
dưỡng mẹ vài năm nhưng tới giờ đã gần hai mươi năm bà vẫn ăn khỏe và vẫn đòi hỏi
cơm dâng nước hầu, trà thuốc mỗi ngày làm dì em oải muốn chết.
- Nhưng cha mẹ già
thì mình phải phụng dưỡng chứ sao!
- Thì đó là bổn phận
mà, có điều dì của em cũng đã hơn tám mươi, con dâu dì thuộc thế hệ mới, nó không
chịu hầu dì mà dì thì không dám không hầu mẹ chồng.
- Đó là bất hạnh thế
hệ của dì đó. Người ta gọi thế hệ 5X là thế hệ trắng tay, hồi nhỏ thì sợ cha mẹ,
khi cha mẹ lớn tuổi thì tự cho mình có bổn phận phải phụng dưỡng. Đối với con
cái thì không dám uy quyền, nếu không nói là dốc hết sức mà lo cho con nhưng lại
không dám mong con cái lớn lên sẽ chăm lo cho mình, sợ làm phiền nó…
Câu chuyện của chị
Xuân làm tôi nhớ tới có lần tôi gặp hai bà lão ở New Jersey. Bà lão người Việt
cứ theo nài nỉ tôi nhờ tôi nói giúp với cha xứ mà tôi thân, để cha nói với con
cái bà cho bà được vào Viện dưỡng lão người Việt. Lý do là vào ngày thường, con
cháu bà đứa đi học, đứa đi làm. Tối về thì đứa nào về phòng đó. Suốt ngày bà ở
nhà một mình buồn quá, bà ước ao có tiếng nói đồng hương hay tiếng nói của con
người cho đỡ cô quạnh. Tôi nói lời thỉnh nguyện của bà với cha xứ, cha xứ nói
đó là chuyện riêng của gia đình con chiên, cha không muốn can thiệp.
Rồi cũng trong những
ngày đó, cũng tại khu phố đó, tôi lại tiếp xúc với một bà lão gần tám mươi người
Mỹ, chân cũng đã run, mắt cũng đã mờ rồi mà lại sống một mình. Bà ham chuyện lắm
nhưng khi hỏi bà ở một mình có buồn không, sao không ở chung với con cháu cho
vui. Bà nói dứt khoát:
- Con tôi nó có cuộc
đời của nó. Tôi không muốn và không thể trói buộc cuộc đời nó vào cuộc đời tôi
vì tôi sống già.
- Nhưng đó là bổn phận
của con cái đối với cha mẹ lúc về chiều mà.
- Giáng sinh, sinh
nhật tôi có khi nó dẫn vợ con về thăm. Vậy là đủ. Còn bình thường mỗi năm nó chỉ
có một số ngày phép, tôi không cho phép mình bắt nó về thăm hoài mà để nó thoải
mái đưa gia đình đi đây đi đó. Đòi hỏi ở con là ích kỷ.
Đúng là Tây Ta có
khác. Tây nuôi con, khi con vừa lớn đủ, Tây thả cho con vào đời, mong con như
cánh chim trời, có sức bay càng xa càng tốt. Tây vui khi dõi theo cánh chim
bay. Ta nuôi con, ngày nào còn khả năng, ta vẫn còn muốn giang đôi cánh ra để ấp
ủ chăm lo cho con dù cho con có lớn đến bao nhiêu tuổi. Rồi cũng vì cách nuôi
dưỡng yêu thương không bờ bến đó, khi già, ta mong con cũng quay lại dòm ngó đến
ta dù chỉ bằng một phần nào tình yêu thương mà ta đã cho. Ta nắm níu nhau qua lại,
ta làm ấm lòng nhau cũng có mà phiền lụy nhau cũng nhiều.
Trở lại chuyện con
bé làm móng, tôi hỏi:
- Bà con đẹp lão
không, hôm nào cô đưa chú tới chụp hình bà nhá.
- Dạ bà không khỏe lắm
đâu cô, bà của con lòa rồi, chỉ nằm một chỗ thôi.
Nghe con nhỏ trả lời
tôi lại nhớ tới một bà lão người dân tộc ở Bảo lộc đã 103 tuổi, da bà đen nhẻm,
từng centimet da thịt hiện lên những nếp thời gian trông hay ho và đẹp đẽ lạ
lùng. Toàn thể con người trần trụi của bà như một món đồ cổ xưa. Ánh mắt của bà
trắng dại đưa ta ngược về cả thế kỷ trước. Nói chuyện với con cháu bà lão mới
thấy họ kính yêu và quan tâm đến bà vô cùng, nó nói:
- Hôm trước bà con bệnh,
cả nhà con bỏ hết nương rẫy về chăm bà.
Nghe con nhỏ nói về
bà với cái giọng thiết tha làm tôi thầm cảm mến em, người dân tộc không cần học
Khổng Mạnh cũng biết kính yêu ông bà. Em khoe tiếp:
- Bà em nuôi cả nhà
đó cô.
- Nuôi cả nhà? Bà
già vậy thì có sức đâu mà làm nuôi cả nhà?
- Dạ, tại cô không
biết, già thiệt già thì không cần làm gì cũng có tiền mà cô. Nhà nước cho mỗi
tháng vài trăm ngàn. Lâu lâu mấy cô chú vô chụp ảnh chừng vài giờ cũng được cả
trăm ngàn. Chưa kể khách nước ngoài đến chụp ảnh thì còn cho cả giấy xanh, bán
được nhiều tiền lắm. Cả nhà con kiếm tiền không bằng một mình bà đâu.
- Vậy nếu bà không
kiếm được nhiều tiền thì có yêu quí bà không?
- Có chứ cô. Vẫn yêu
quí bà chớ nhưng nếu bà bệnh tốn tiền quá thì không mong bà sống lâu đâu. Bà sống
đủ rồi thì thôi, để dành ngô khoai nuôi trẻ nhỏ.
Lời con bé người dân
tộc làm tôi ngẫm nghĩ hoài "Sống đủ rồi…”. Thế nào là sống đủ, ai có quyền
định cái chữ đủ ở đây. Phải chăng sống khỏe như bà lão người dân tộc thì sống
hoài vẫn chưa đủ, còn sống mù lòa yếu đuối như bà cố của con bé làm móng là quá
đủ. Nhưng đủ hay không đủ thì ai có quyền quyết định, kể cả bản thân của người
đó.
Tôi có quen biết một
đôi vợ chồng nay đã ngoài bốn mươi rồi mà không dám có con cái gì, ở vậy nuôi
chó và chăm hai bà mẹ hai bên với một người giúp việc.
Bà mẹ bên vợ bị bệnh
tiểu đường nằm bẹp trên giường không tự lo cho bản thân được. Đã vậy bà lại còn
mất trí nhớ, bà chẳng còn nhớ được ai trừ con chó nhỏ vẫn quấn quít bên bà và đứa
con gái đang ngày đêm chăm lo. Khi bức bối là bà la hét. Mỗi đêm hai vợ chồng
phải thức dậy giúp bà tiểu tiện và tiêm thuốc cho bà. Bà mẹ bên chồng vẫn còn
đi lại được nhưng cũng đã đã ngoài tám mươi. Tôi đã chính mắt thấy anh chồng
đút cơm cho mẹ mình với một đôi mắt yêu thương. Hai vợ chồng này chưa hề biết
đi đâu chơi xa là gì. Đến ngày tết, ngày lễ còn thê thảm hơn vì người làm nghỉ
hết, hai vợ chồng phải đích thân lo toan mọi bề cho hai bà mẹ. Tôi nhìn tình cảnh
của họ mà cảm kích, thương cho sự hiếu thảo hiếm hoi còn sót lại trong thời buổi
này. Tôi nhớ có một người bạn thấy xót cho sự thiệt thòi cực khổ của đôi vợ chồng
trẻ bèn xúi dại người chồng:
- Bà mẹ vợ của mầy sống
đời thực vật lại không còn nhận biết ai nữa. Để bà sống thì khổ bà mà khổ luôn
tụi bây, mầy để bà đi cho rồi…
- Người ngoài bao giờ
cũng thấy khác, cảm khác, còn người thân trong cuộc thì không thể dứt ruột ra
mà làm vậy được đâu.
Trông người lại nghĩ
đến mình. Giờ bản thân cũng đã nghỉ hưu, đã xếp vào hàng “bà bà” rồi, cái ngày
mình già nua yếu đuối lẩm cẩm đang sầm sầm bước tới, không biết sức khoẻ mình rồi
sẽ ra sao, con cái sẽ đối xử thế nào. Nữa đây khi đã già, đã yếu, đã chết được
rồi mà trời chưa cho đi thì có dám tự xử không hay lại kéo lầy nhầy những ngày
tàn héo úa.
Đọc báo thấy tổ chức
Y tế cứ nói hoài những bệnh của người già, quỹ hỗ trợ người già, nước này đang
già, nước ta cũng sắp già rồi tưởng tượng nếu mai này ra đường thấy ai cũng
nhăn nheo, đi đứng chậm chạp, nói năng lập cập mà sống hoài không chịu đi… thì
loài người có nên tiếp tục nghiên cứu để con người trường sinh bất tử chăng?
Văn Mỹ Lan
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.