Tuesday, May 22, 2012

Đề án 322 và giấc mơ du học


image
Nhiều bạn trẻ tìm kiếm các cách thức khác nhau để đi du học


Việc dừng đề án 322 sớm hơn dự kiến đang gây nhiều dư luận và cũng là dịp nhìn lại hiệu quả của chương trình cử người Việt đi đào tạo ở nước ngoài.

Theo thống kê chính thức, từ năm 2000 (khi chương trình bắt đầu) đến 2010, Việt Nam đã chi hơn 2.500 tỉ đồng cho đề án.
Đến hết năm 2010, 4.590 người, gồm khoảng 3000 cán bộ, giảng viên, đã được gửi đi nước ngoài học tập.
Tuy vậy, có lo ngại về “chảy máu chất xám” khi nhiều người đã không trở về Việt Nam, hoặc nếu về nước cũng không trở lại đơn vị gửi mình đi học.
Bộ Giáo dục – Đào tạo cho biết, trong số 2.268 người được đưa đi đào tạo tiến sĩ, thì chỉ có 1.074 tiến sĩ về nước.

Trong số những người quay về Việt Nam, cũng đã không ít người, trong những dịp thuận tiện để phát ngôn, bày tỏ sự không hài lòng với hiện trạng công việc.

‘Thắng lợi’
Tuy vậy, ông Phạm Sỹ Tiến, nguyên Vụ trưởng Vụ Sau đại học, nguyên trưởng ban đầu tiên điều hành Đề án 322, cho rằng đây là đề án “thắng lợi”.
Nói với BBC, ông nhận định chương trình đã giúp đào tạo cho các trường Việt Nam nhiều giảng viên có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ.
“Sự mất mát hay nói cách khác là số lượng người không trở lại làm việc rất ít, khoảng 1% thôi."
"Không phải Bộ Giáo dục muốn dừng mà do Bộ Tài chính không cung cấp thêm tiền nữa."
Phạm Sỹ Tiến, nguyên trưởng ban quản lý Đề án 322

“Về mặt chất lượng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, tôi tin chắc là hơn hẳn đào tạo sau đại học trong nước,” ông Tiến cho hay.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục đào tạo với nước ngoài (Bộ Giáo dục – Đào tạo), nói với báo giới rằng, vào cuối năm 2011, có “33 lưu học sinh không trở lại”.

“Tuy nhiên, còn một hạn chế là có 33 lưu học sinh (chiếm 1,06% số LHS tốt nghiệp) không hoàn thành nhiệm vụ học tập hoặc đã tốt nghiệp về nước, nhưng không trở lại cơ quan cũ công tác.”, ông Nguyễn Xuân Vang nói.
Theo ông Vang, trên 50% số lưu học sinh phải bồi hoàn kinh phí đã thực hiện bồi hoàn cho Nhà nước.

Còn ông Phạm Sỹ Tiến nhận định: “Tuy tỷ lệ những người đã tốt nghiệp về làm việc tại các trường đại học và cao đẳng chưa phải là nhiều nhưng dần dần họ sẽ chiếm các vị trí quan trọng.”
“Và thực tế hiện nay đã có một số người chiếm vị trí khá quan trọng ở những trường đại học.”

Một phụ huynh có con em đang là du học sinh thuộc diện Đề án 322, đề nghị giấu tên, nói với BBC rằng:
“Sau khi tốt nghiệp quay về đất nước, nhà nước sẽ ưu tiên, giới thiệu việc làm và không quá cứng nhắc trong quy định chỉ làm việc trong hệ thống hay đơn vị trực thuộc nhà nước.”
Người này nhận xét: “Học bổng theo đề án 322 là học bổng nghiêm túc và có chất lượng tốt, những người đi theo học bổng đề án 322 là những người có năng lực thực sự.”

Con ông cháu cha?
Bà nói: “Nhiều người cho rằng đây là những học bổng dành cho con ông cháu cha hay con cháu trong ngành, nhưng điều này lại không đúng với trường hợp của gia đình tôi.”
“Tôi biết có trường hợp nhiều người vì gia đình có điều kiện vật chất nên họ đã từ chối học bổng này vì các điều kiện ràng buộc, chẳng hạn như phải trở lại làm việc ở Việt Nam.”
Còn ông Phạm Sỹ Tiến khẳng định “con ông cháu cha mà dốt thì cũng chả bao giờ được vào”.

Ông nhắc lại chuyện mấy năm trước khi cựu bộ trưởng giáo dục Nguyễn Minh Hiển đi học tiếng Anh bằng tiền nhà nước và đã bị phê phán.
Theo ông, đó là ví dụ cho thấy xã hội đã thay đổi và “học bổng đều qua thi tuyển, xét hồ sơ minh bạch”.
Người từng là Giám đốc điều hành chương trình đưa người Việt đi học nước ngoài bằng kinh phí nhà nước, Đề án 322, cũng giải thích với BBC về nguyên nhân dừng đề án.

Ông nói đề án 322 lẽ ra sẽ kết thúc vào năm 2014, và kết thúc tuyển sinh vào năm 2010 nhưng đề án lại tiếp tục tuyển sinh vào năm 2011.
“Trong khi từ năm 2008, 2009 đến 2011, số lượng tiến sĩ vượt lên rất nhiều do đó tổng kinh phí của đề án đã hết.”

image
Hình minh họa

Đề án 322 đã đào tạo nhiều cán bộ, giảng viên, nhưng cũng nhiều người ở lại nước ngoài
“Bộ Giáo dục đề nghị Bộ Tài chính cho thêm tiền để đào tạo nốt những người đã tuyển năm 2010 và 2011, nhưng mà họ không cho tiền.”
Ông cho rằng thiệt thòi lớn nhất là một số lượng nhỏ học sinh sắp vào đại học, khoảng 40 người.
“Những người xét tuyển đi học thạc sĩ, tiến sĩ, có lẽ không nghiêm trọng lắm. Tiến sĩ đã có đề án do nhà nước phê duyệt.”
“Những người học thạc sĩ, tôi hy vọng khi nhà nước đồng ‎ý đề án mới, họ sẽ được đi học tiếp, chậm một thời gian.”

Thông báo của Bộ Giáo dục đã khiến gia đình và bản thân những học sinh trúng tuyển năm 2010-2011 cảm thấy bất bình.
Ông Tiến hy vọng rằng nếu Bộ Giáo dục không tiếp tục chính sách này thì “nên nói trước với những thủ khoa muốn đi học nước ngoài về những nước nào có thể chấp nhận được.”

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.