Saturday, May 26, 2012

Tôi quen người bạn mới: Nguyễn Đức Đạt

 image

Có lẽ lần gặp Nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt là lần thứ hai trong đời tôi bị xúc động mạnh trong tâm trạng buồn vui lẫn lộn.

Lần đầu là lúc bước lên máy bay rời Việt Nam theo diện bảo lãnh trên 25 năm trước. Khi đó, tôi rất vui vì viễn tưởng một tương lai tươi sáng trong thế giới tự do như Canada. Tôi vui vì sẽ không thấy cảnh mẹ tôi đi buôn trên những chiếc xe hơi nước đốt nóng bằng một bình than to tướng ở sau xe. Thỉnh thoảng, vài cục than rực lửa rớt trên nền tráng nhựa của đường phố Sài Gòn. Nhiều lúc, chúng tôi phụ mẹ gom đậu, gom gạo rớt vương vãi trên xe sau mỗi cuộc hành trình. Trước đó, mẹ đã bán từng món đồ còn lại trong gia đình. Tất cả, mẹ dồn vào mấy kỳ đi thăm nuôi cha tôi trong tù cải tạo, trong khi vẫn phải lo bữa khoai độn, bữa bo bo cho đàn con dại ở nhà. Và hơn hết, tôi vui vì sắp thoát khỏi nguy cơ bị “nhà nước” bắt làm “nghĩa vụ lao động” nơi rừng thiêng nước độc.

Nhưng những niềm vui riêng lẻ đó lại bị cấu xé, dằn vặt bởi nỗi buồn da diết, xót xa vì không biết bao giờ tôi mới có thể bình yên trở về thăm Sài Gòn với những con đường thân thương, ngôi trường Gia Long cổ kính (*), thầy cô và bạn bè cũ. Thời đó chưa có internet, thư từ cũng chậm chạp. Sự bế quan tỏa cảng của “nhà nước” càng làm cho sự trở về thăm cố hương trở nên vô vọng.

Ngồi trên máy bay, là con trai 19 tuổi đầu nhưng tôi vẫn cho phép mình khóc nức nở.

* * *

Cơ hội làm MC điều khiển chương trình cho Đêm nhạc thính phòng khiến tôi phải đọc thật nhiều về Nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt. Tạp chí Readers’ Digest – số tháng Ba, 1997, tác giả Anita Bartholomew có đoạn viết (**):

“Ai mua đậu phộng luộc hông!” người đàn bà bán hàng ở chợ Sài Gòn cất tiếng rao, “Đậu phộng tươi đây!”

image

Khi một thằng bé khiếm thị đang lần mò bước về hướng tiếng rao hàng của người đàn bà, bà ta nhổ toẹt một bãi nước miếng và mắng, “Đi chỗ khác chơi mày ơi. Không có gì cho mày đâu.”

Cậu bé vỗ nhẹ vào tay đứa em gái và an ủi: “Không sao đâu. Thế nào cũng có người tốt giúp mình hôm nay mà.” Năm nay 11 tuổi, cậu bé vẫn thường an ủi đứa em gái cùng mẹ khác cha mỗi khi bị người đời hắt hủi. Nhưng, hôm nay cậu không tìm được sự an ủi nào. Một kẻ bị thất thế tới ba lần: khiếm thị, con lai Mỹ, và phải đi ăn xin.

Tôi đã đọc đoạn này nhiều lần, nhưng mỗi lần đọc, tôi lại nghẹn ngào. Chính tôi và chị tôi – khi đó 9 và 11 tuổi, đã từng bưng khay ra ngã Bảy Sài Gòn bán từng chiếc bánh phục linh. Chúng tôi chỉ bán được gần một tuần và đã cảm thấy cái cảnh hai chị em lang thang ngoài đường bán dạo, sao nó ê chề làm sao. Giờ đây, liên tưởng đến thằng anh mù lòa, dẫn con em đi xin ăn bị người đời phỉ báng, cuộc đời của họ thật xót xa!

image

“Sinh năm 1971 mang hai dòng máu Việt-Mỹ, đến đầu năm 75 mẹ cậu qua đời. Hai anh em, đứa gần 5 tuổi, đứa 3 tuổi được đưa vào cô nhi viện…”

Cũng năm 1975, khi Việt Nam được gọi là thống nhất trong độc lập, tự do, hạnh phúc, thì cũng chính là lúc hai anh em mồ côi bị đuổi ra khỏi cô nhi viện (***).

Được biết, sau tháng Tư năm 1975, các thương bệnh binh Việt Nam Cộng Hòa đã bị đuổi ra khỏi bệnh viện mặc cho bệnh tình của họ nặng hay nhẹ. Một hành động vô nhân đạo đã từng bị lên án. Nhưng tôi không thể tưởng tượng nổi hai đứa trẻ mồ côi lại bị đuổi ra khỏi cô nhi viện. Tại sao con người lại có thể nhẫn tâm đến thế!

Giờ đây, mỗi buổi sáng, đưa con đi nhà trẻ, nhìn lũ trẻ vui đùa trong sự dìu dắt, chăm sóc trong dạy dỗ của các cô giáo, tôi càng thương xót cho hai đứa bé mồ côi này.

image

“Rồi hai đứa trẻ được một người đàn bà hà khắc đem về nuôi, bắt làm việc nhà như tôi mọi. Hai đứa bỏ trốn vào năm 1977 và lang thang hết hai năm từ quê mới ra tới Sài Gòn. Bằng số tiền huê hồng từ những tờ vé số bán được, hai anh em sống lây lất trên các bãi cỏ công viên, hay trong những con hẻm.”

Buồn quá! Câu chuyện hai anh em mồ côi này phải được Màn bạc Hollywood làm phim và trao giải “Phim Buồn Nhất Thế Kỷ” mới xứng đáng.

* * *

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt được MC Bạch Tuyết, người đồng điều khiển chương trình dẫn ra sân khấu. Trong cái trực giác của người khiếm thị, có sự vui nhộn hòa lẫn sự tinh tế. Chàng đã cám ơn nàng da trắng ngần như tuyết dẫn mình vào show. Chẳng cần nhìn. Nhưng, thi vị như Nguyên Sa đã thố lộ trong bài thơ Tháng Sáu Trời Mưa, “da em trắng, anh chẳng cần ánh sáng”.

Thật ra, gia đình Nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt có một bé gái tên là Elaine, nghĩa là ánh sáng. Elaine mới 4 tuổi nhưng đã hát rất vững và theo cha biểu diễn nhiều nơi. Cháu rất tự hào là đôi mắt của cha và là đôi chân của mẹ.

image

Sang Mỹ năm 1991 và thi đậu vào California State University tại Fullerton vào năm 1993, chàng sinh viên Nguyễn Đức Đạt đã từng làm giáo sư David Grimes – Trưởng Phân khoa Âm nhạc – ngạc nhiên về cách biểu diễn cũng như sự truyền cảm của bài dự thi tuyển sinh Ngẫu khúc Ả rập (Capriccio Arab) của Franciso Tárrega qua thời ấu thơ khổ ải của chính mình. Thời gian qua mau, anh đã tốt nghiệp cử nhân. Tuy nhiên, một điều mà anh hơn hẳn những sinh viên khác là trực giác sắc bén của người khiếm thị, và hai bàn tay điêu luyện của sự quyết tâm bền bỉ.

image

Phần biểu diễn trường ca Hòn Vọng Phu quả thật có một không hai. Tay phải anh gẩy đàn lúc chậm rãi kiểu guitar classic, lúc liến thoắng và rung theo kiểu flamenco, lúc nhịp mạnh vào thùng đàn. Tay trái bấm gam, đôi lúc gẩy thêm vài nốt. Dây đàn lúc thẳng, lúc quấn vào nhau để tạo nên tiếng trống, tiếng vó ngựa. Khán giả càng ngạc nhiên hơn khi nghe Quốc Ca Việt Nam lồng trong Hòn Vọng Phu, “Này công dân ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng…”. Quả là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam được đề cao như tấm lòng ái quốc thiêng liêng hòa lẫn vào tình cảm gia đình, ôm con chờ chồng mà hóa đá…

Đối với tôi, và có lẽ với nhiều khán giả, nhạc phẩm Dấu Tình Sầu được Nguyễn Đức Đạt song ca với MC Bạch Tuyết là một trong những dấu ấn “đạt” nhất trong đêm nhạc thính phòng. Một giọng nam hùng mạnh với mười ngón tay uyển chuyển rung lên những nốt nhạc du dương, một giọng nữ duyên dáng trong tuổi giáng ngọc quyện với nhau lưu luyến, xao xuyến hơn cả sự điêu luyện của Bằng Kiều và Khánh Ly.

image

Ngày Kính Mẹ cũng gần kề, Nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt đề nghị thêm vào chương trình nhạc phẩm Vòng Tay Thiêng Liêng do chính anh sáng tác. Mồ côi mẹ lúc mới lên 5 tuổi nên những lời ca, những tiếng ru trở nên sâu đậm hơn, da diết hơn. Anh cũng cùng với khán giả “Ơi à …, à ơi …” để cùng nhớ Mẹ, và khơi dậy nghị lực sống mạnh mẽ trong anh cũng như mọi người.

Một trong những kỷ niệm sâu đậm nhất trong đời Nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt là được trình diễn chung với Stevie Wonder, người mà anh từng ngưỡng mộ từ khi anh mới chập chững bước vào âm nhạc. Lần đó, là một người hâm mộ, cũng là một nhạc sĩ, cũng khiếm thị như Stevie Wonder và đặc biệt là biết cách hòa tiếng guitar theo “tới bến”, anh đã làm cho Stevie Wonder sảng khoái, cao hứng biểu diễn nhiều tiết tấu khác.

image

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt sáng tác và biểu diễn tây ban cầm rất đa dạng, từ cổ điển đến flamenco, từ nhạc êm dịu đến hùng ca Việt Nam, từ easy listening tới hip hop. Anh tâm sự rằng anh cũng tự soạn hợp âm và phối khí cho chính mình. Dùng keyboard, anh tạo ra nhịp trống và các khí cụ khác, tự thổi sáo. Mỗi khí cụ được ghi âm vào một track riêng. Sau đó, nhờ người kỹ sư âm thanh hòa nhập vào một bản MP3. Cho nên, khi biểu diễn, anh bật máy MP3 rồi chơi guitar theo. Phần biểu diễn các nhạc phẩm Fiesta, Lullaby of Spring, Recuerdos de la Alhambra, Club I, và Mala Guena cho thấy sự đa dạng đó.

image

Tôi viết tới đây, chắc hẳn bạn bè sẽ trêu chọc “thấy sang mắc quàng làm họ”. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt sang thiệt. Một phần do tài năng guitar xuất chúng thuộc hạng cao thủ của anh, chỉ nghe qua một bản nhạc là anh có thể dàn dựng lại theo một phong thái riêng biệt. Một phần cũng do cá tính luôn lạc quan, yêu đời cùng sức phấn đấu mãnh liệt. Chữ sang ở đây không tạo ra bởi bằng cấp, học vị, hay của cải tiền tài. Chữ sang được gắn liền với văn hóa và trí tuệ vốn liếng của một con người. Quả đúng như thông điệp anh muốn nhắn nhủ qua nhạc phẩm Gã Điên Trên Đồi Hoang. Người đời thường đánh giá kẻ khác qua diện mạo bên ngoài mà ít thấy được cái giá trị bên trong.

* * *

Khi mới gặp Nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt lần đầu, tôi rất dè dặt trong cử chỉ và lời nói giữa người nhìn và người không nhìn. Khi chia tay, chúng tôi vui đùa hồn nhiên. Cái khoảng trống vô hình, sự thương cảm, sự dè dặt không còn nữa. Bởi vì, người nhìn chưa chắc đã thấy, và người không nhìn nhưng lại thấy nhiều điều không phải hiển nhiên.


Lê Minh Thịnh


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.