Khi đứa cháu
ra đời thì sự căng thẳng giữa hai ông bà tạm thời lắng xuống, tự nhiên cả hai
cùng có ý nghĩ phải giữ gìn vì đứa con dâu vừa ở cữ còn nằm trong nhà. Đã nhiều lần bà nổi cáu định hét lên với ông
như mọi bận, nhưng rồi lại nén kịp khi nghe đứa cháu ọ ẹ trong phòng mẹ nó.
Dạo trước họ
cãi nhau luôn, dù chả có chuyện gì quan trọng ở cái tuổi “ngũ thập tri thiên
mệnh” ấy nữa, rồi sẽ đến lúc “lục thập nhi nhĩ thuận” tai nghễnh ngãng là mặc
ai nấy nói, ai nói phải nói trái gì cũng cười ruồi cho xong chuyện. Nhưng thật
là kỳ cục, có những chuyện ngày còn trẻ họ dễ dàng tha thứ cho nhau, nay đến
lúc tuổi già, ông nói một câu bà trả lời ngay một tiếng, thế là cái tức nó cứ
ngùn ngụt dâng lên tận họng như ngọn núi phun lửa. Mới đầu thì ông bực lắm, nhưng sau nhờ đọc mấy
cuốn sách nói về tâm sinh lý tuổi già, ông cũng tạm thời thông cảm cho vợ cái
tuổi trẻ không ra trẻ, già chẳng ra già, nên ráng nhịn cho đến khi nào cái núi
nó bớt phun lửa rồi thì đâu cũng vào đấy.
Nguyên nhân
cũng dễ hiểu, cứ cho là “tại anh, tại bả, tại cả đôi bên” thì ông cũng có dự
phần trong cái chuyện chiến tranh và hòa bình. Chẳng là ông đã trải qua nhiều năm phải im
lặng ở trong tù, lúc được về, vẫn cái thân “cá chậu chim lồng” nên đành nín thở
qua sông” vậy. Bây giờ qua đây được dịp
nói, ông nói cho hả những lúc phải "ngậm miệng cười ruồi" chán cho
cái nhân tình thế thái đảo điên. Tuổi
già thường quay trở về dĩ vãng, mỗi lúc nhàn rỗi nó lại hiện về mồn một như
cuộn phim, bởi vậy trong ông bừng sống dậy một người trẻ tuổi của mấy chục năm
trước, ông muốn phục hồi quyền “công dân” cho mình, bằng cách lúc nào có dịp là
lại bắt đầu câu chuyện bằng hai chữ “ngày xưa”. Ngày xưa thế này, ngày xưa thế nọ, lũ con ông
chỉ cười rồi bỏ đi, có đứa nào muốn nghe mãi chuyện "ngày xưa" của
ông. Chỉ có mỗi mình bà lúi xúi suốt
ngày ở trong nhà, cái chuyện “ngày xưa” của ông thì bà còn lạ gì nữa. Thét rồi bà cũng nhớ, cái ngon lành của ông
ngày xưa thì bà nhớ ít, còn những cái kỳ cục ngày xưa của ông thì bà nhớ nhiều,
bởi vậy hễ ông mở miệng là bà chẹn họng, họ cãi nhau là vậy.
Thằng con trai
đầu lòng lấy vợ muộn cho nên ông bà chậm có cháu, bởi vậy sự ra đời của đứa nhỏ
là niềm vui cho cả gia đình. Lúc mới đẻ
nó giống mẹ như khuôn, từ đôi mắt cho đến cái miệng, bà chỉ thấy có mỗi “cái
ấy” của cháu là giống bố, vì nó là con trai. Bên này, trẻ con được bọc tã suốt ngày, chứ
ngày xưa thằng bố nó cứ chổng lên trời mà phun nước, có khi vọt ngược bởi cú
giơ chân, mặt mũi ướt tèm lem cả.
Được bốn, năm
tháng thằng bé bụ bẫm hẳn ra, mớ tóc tơ loăn xoăn, mượt mà phủ lấy cái đầu to,
cả nhà quả quyết thằng bé thông minh như nhà bác học to đầu đã đem ánh sáng đến
cho nhân loại. Càng lớn trông thằng bé
lại càng dễ thương, đôi mắt to có vẻ mơ màng dưới hàng mi cong, chiếc môi cũng
hơi cong tạo nên một vẻ nũng nịu rất dễ yêu, lúc này bà lại thấy cháu giống y
bố nó hồi còn bé. Phân tách riêng từng
phần, thằng bé có vẻ giống mẹ, nhưng cứ tổng hợp tất cả lại, thằng bé lại giống
bố, bố nó lại giống ông nội nó.
Hình minh họa
Ái chà! Hễ
nhắc đến ông nội thằng bé, bà không thể nào không nhớ lại hình ảnh ông những
ngày còn trẻ, dạo ấy ông không lẩm cẩm và khó chịu như bây giờ. Của đáng tội, cũng chỉ lẩm cẩm và khó chịu mấy
năm nay, chứ lúc còn trong tù, rồi cho đến lúc ra, tính ông vẫn xuề xòa, dễ
thương sao cũng được, chứ không làm sao bà chịu nổi, để có ngày vợ chồng con
cái có cơ hội dẫn nhau đi Mỹ.
Mỗi lần nhìn
cháu, bà như nhìn thấy hình ảnh thằng bố nó lúc còn bé. Cũng vầng trán vuông vắn, sáng rỡ, nụ cười trẻ
thơ toác ra khoe mấy chiếc răng sữa, rồi cả mùi thơm trên đôi má phính, cái nào
nó cũng làm bà xúc động hết. Thằng nhỏ
thông minh thật, biết bà nội cưng nên cứ giẫy nẩy trong chiếc xe nôi, nó ngoác
mồm la nhưng không chảy nước mắt. Bà sốt
ruột bế cháu lên:
“Thằng bố mày,
nặng gì mà nặng gớm, vẹo cả xương sườn bà đây. ”
Nói thế thì
nói, một tay bà nách cháu, một tay bà quậy “xoong” bột trên bếp. Thằng bé nín khóc, nó ngửi thấy mùi bột thơm
và cả mùi nước mắm nữa. Món khoái khẩu
đấy, không biết Tây Mỹ nêm nếm bằng gì, chứ hễ quậy bột cho cháu bà luôn nêm
vào một tỵ nước mắm. Thằng cháu ăn mãi
đâm ghiền, hôm nào mẹ nó ở nhà cho ăn mấy hũ “baby food” bán ngoài chợ, nó vừa
ăn vừa phun phèo phèo. Bà biết cháu bà
mà, nó thèm ăn tỵ nước mắm thôi, và chỉ có bà nội nó biết tại sao thằng nhỏ lại
chê đồ ăn Mỹ khi mẹ nó ở nhà đút cho con ăn vào ngày chủ nhật.
Hai vợ chồng
bận đi làm cả, sợ phiền ông bà nên muốn đem thằng bé gửi “Day Care”, nhưng bà
nhất định không chịu. Già rồi, ở nhà làm
gì không giữ cháu, nhất là buổi sáng bố mẹ nó đi làm sớm quá, những ngày đông
trời rét căm căm, nhìn thằng bé trong chiếc khăn to xù đi nhà trẻ mà cứ thương
đứt ruột. Quan niệm “nước mắt chảy
xuống” của cha mẹ Việt Nam
đã không cho người già những giây phút nghỉ ngơi riêng tư, đám trẻ ngày nay mấy
đứa đã hiểu cho sự hy sinh ấy, cứ cho là chuyện tự nhiên. Có “thức lâu mới biết đêm dài”, cha mẹ càng
ngày càng già, thời gian đã cướp đi gần hết sinh lực để héo queo như một quả
cam kiệt nước, còn lại cái vỏ không muốn rụng lúc nào chả được.
Từ dạo có cháu
ông đã bớt nói nhiều, mấy lần định ca cẩm chuyện gì, thằng cháu lại tưởng ông
nói chuyện với nó nên toét miệng cười, ông lo ầu ơ với cháu nên quên ngay những
cái bực mình. Sự ra đời của đứa cháu như
mở màn cho một thế hệ tiếp nối bằng tiếng khóc, tiếng cười của trẻ thơ, nó
khiến lòng ông vui vẻ để bớt ngậm ngùi dĩ vãng. Ông như cây thông già, thỉnh thoảng có gió
thổi qua lại reo lên với đất trời, để rồi làm cái bóng lặng lẽ che cho người lữ
khách ven đường. Đứa cháu ông như cái
bóng của ông ngày nào, nó đã được sinh ra để thắt lại tình cảm có vẻ đã rời rã,
cằn cỗi theo tuổi đời của ông bà nó, vun đắp tình yêu của bố mẹ nó thêm bền
chặt, và là cái mầm non sẽ nẩy thành lá, thành hoa cho gia đình ông.
Hình minh họa
Lòng yêu cháu
đã khiến ông phải hy sinh nhiều thứ, dù nhỏ nhặt nhưng khi phải từ bỏ một thói
quen đã lâu, quả ông cũng phải tranh đấu với bản thân dữ dội lắm. Dạo trong tù, không có thuốc lá để hút, ông và
các bạn đã phải thay thế bằng những “bi” thuốc lào hiếm như vàng. Mùa đông lạnh, nhớ vợ con không ngủ được, bên
đống củi sưởi ấm của nhà tù miền Bắc, ông và bạn tù say lâng lâng hơi thuốc lào
để quên đi phần nào nỗi đớn đau, nhục nhằn nơi sơn lâm, chướng khí, cái rét
buốt của tâm hồn âm ỉ nhưng mãnh liệt, tàn khốc hơn cả cái rét buốt của mùa
đông miền Bắc.
Nay nghe cả
nhà nói xa, nói gần về mùi khói thuốc luẩn quẩn trong căn nhà hẹp, ảnh hưởng
không tốt đến cơ thể đứa cháu yêu, cũng như chính cơ thể ông. Không ai bảo ông bỏ thuốc nhưng tự ông thấy
mình phải bỏ, khi nhìn đứa cháu bụ bẫm, dễ yêu thế kia, mà lúc nào ông cũng
muốn đặt lên đôi má phúng phính ấy những nụ hôn, đã phải thở hít mùi khói thuốc
không lấy gì thơm tho , trong diện tích chật chội của căn nhà khiến ông phải
suy nghĩ. Ông bỏ thuốc thật, cả nhà ai
cũng ngạc nhiên, lúc đầu thật khó chịu, lạt mồm, lạt miệng, lơ ngơ, bần thần
như người mất hồn. Dân ghiền thuốc có
câu:
“ Nhớ ai như nhớ
thuốc lào,
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”.
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”.
Ông vứt điếu
vào thùng rác, rồi có lúc tưởng phải đi mua ngay một chiếc khác, nhưng chỉ cần
nhìn thằng cháu bi bô gọi ông, gọi bà, dụi mái tóc tơ vào ngực ông là ông có đủ
can đảm bỏ tất cả, kể cả phù vân ảo ảnh cuộc đời , cũng vì sức khỏe của cháu. Ôi! Những “giọt nước mắt chảy xuống” có ông là
người tiêu biểu, để thấy lòng yêu thương của ông bà như dòng suối róc rách từ
trên đỉnh núi chảy xuống.
Những ngày
cháu mọc răng, những lúc cháu ấm đầu khóc cả ngày, bố mẹ nó mệt ít mà ông bà
mệt nhiều. Suốt ngày bà băn khoăn sờ đầu
cháu, hôn lên vầng trán phẳng phiu của đứa bé để ước định nhiệt độ trong cơ thể
nó. Thằng bé cự nự vì khó chịu trong
người, có lúc bà ao ước được ốm thay cho cháu, để biết được nó đau ở chỗ nào và
đau làm sao, vì thằng bé chưa biết nói. Nói thế thôi, chứ bà mà lăn ra ốm là nguy to,
lấy ai cơm nước, lấy ai vỗ về thằng bé, công việc của bà tuy không làm ra tiền,
nhưng linh tinh suốt ngày chưa chắc ai đã làm nổi.
Thời trẻ tuổi,
cũng như bao nhiêu người đàn ông khác, thành công của họ được đánh giá bằng sự
ngưỡng mộ của phụ nữ, cho nên ông cũng thích thú với những mối tình văn nghệ
con con của mình, khiến bà cứ ấm ức mãi đến tận bây giờ. May cho ông, lúc tù tội bà không bỏ rơi, vẫn
thăm nuôi đầy đủ, con cái ăn học đàng hoàng, chứ còn đám “mèo mả gà đồng” kia,
nó biến ngay từ lúc ông rũ áo phong sương với mai vàng, mai bạc, trở thành
người không chỗ đứng trong xã hội. Bây
giờ ông mới càng thương vợ, vì ngày còn trẻ, ông chưa thấy thích thú lắm để lúc
nào cũng quấn quýt bên vợ con, ông mặc kệ bà với lũ con, như đấy là bổn phận
của bà, cho nên ông không nhìn thấy cái vất vả của người phụ nữ trong trách
nhiệm làm vợ và làm mẹ.
Từ lúc có cháu
ông mới thấy thương bà hơn, mới thấy cần phải đỡ đần công việc nhà cho vợ. Dạo trước, cứ ăn xong là ông “khểnh” ra đọc
báo, xem Tivi, uống trà để rồi lại bắt đầu e hèm câu chuyện “ngày xưa”. Nhiều lần cãi nhau cũng chỉ vì chuyện ấy, mặt
sưng mày xỉa với nhau đôi ngày rồi thì vẫn cơm chung một niêu, ngủ chung một
giường để tha hồ "đồng sàng mà dị mộng". Bây giờ thì ông đã hiểu tại sao bà hay chẹn
họng ông, chống lại ông vì không thể nghe nổi một câu chuyện nói đi nói lại
hằng trăm lần.
Năm nay, tết
lại trùng vào ngày Valentine, nên thiên hạ nhốn nháo lên chuyện mua hoa hồng
tặng nhau. Trời lạnh ghê gớm, hoa nào
cũng rũ xuống rồi héo như dưa cải. Ông
thầm nghĩ: “Lại phú quý sinh lễ nghĩa”, xứ này chả thiếu gì cảnh tặng nhau một
ôm hoa hồng, tíu tít những lời yêu đương mật ngọt như chè thưng, nhưng ba bảy hăm
mốt ngày đã rã đám. Ông hè hụi ra
“patio” khênh vào nhà hai chậu hồng tiểu muội nở hoa be bé xinh xinh, rồi hì
hục ra vườn lựa thêm vài nhánh đào, đang hé nụ sau khi giành giật sinh tử với
gió rét mùa Đông, cả cái vườn cũng chỉ còn có thế. Nghe động tĩnh ngoài cửa, chỉ sợ làm dở giấc
ngủ của cháu chưa gì bà đã trợn mắt lên với ông:
“ Cháu nó đang
ngủ, ông làm gì ồn thế?”
Ông chép miệng:
“Úi chà! Bà
quý cháu bà hơn vàng. Năm nay kinh tế eo
hẹp, chả gì bằng đem hoa mình trồng vào nhà mà chưng tết. Với lại (ông cười mỉm
trêu vợ), tôi tặng bà luôn hai chậu hoa, chả có ông chồng nào hào sảng bằng
tôi, hoa trồng trong chậu thì không lo sớm nở tối tàn, tình yêu chắp cánh bay
đi. ”
Bà cũng thinh
thích trong bụng, nhưng vẫn không quên hấm hứ như thói quen hằng ngày vẫn hay
ăn hiếp ông chồng già. Thằng cháu nghe
lục đục đã mở mắt nhìn ông bà rồi toét miệng ra cười.
Tối nay, ông
phải đi dự cái tiệc Tất Niên với mấy người bạn học, tuy già đầu rồi nhưng hễ
xuân về vẫn không thể thiếu những buổi họp mặt để mà “ôn cố tri tân”. Quỹ thời gian chẳng còn bao nhiêu nên mỗi lần
gặp ai cũng thấy quý, nhất là những ai đang ngoài độ tuổi “lục thập nhi nhĩ
thuận”, coi chuyện đời nhẹ như bóng mây. Đặt xong mấy chậu hoa, ông loay hoay tìm đôi
giày mà không thấy đâu, hôm nọ, thằng cháu mới lẫm chẫm biết đi cứ xỏ chân
nghịch đôi giày vía của ông nội, bà sợ hỏng đã cất đi chỗ khác, rồi quên. Tìm không được, ông đâm bực mình:
“Lạ thật, nhà
có đàn bà mà cái gì cũng mất. ”
Bà đang ngồi
trông cháu, nghe được đứng phắt dậy, lâu lắm rồi ông bà không cãi nhau:
“Đàn bà, cái
gì mà đàn bà, không có đàn bà đã chả được thế. ”
Cuộc đấu khẩu
sắp có phần dữ dội thì “huỵch” một phát, thằng nhỏ ngồi trên xa lông ngã chúi
đầu xuống đất, khóc ré lên. Cả ông lẫn
bà cùng đổ xô đến, xót xa ôm lấy cháu, ông cũng quên mà bà cũng quên, không
nghĩ đến chuyện cãi nhau.
Hình minh họa
Thời gian thấm
thoát qua đi, trông đứng trông ngồi mãi trời cho dòng họ cũng thòi ra được hai
công chúa. Một cô nay gần bốn tuổi thì
đỏng đảnh ưa làm duyên như nàng công chúa Bạch Tuyết hay nhõng nhẽo với bảy chú
lùn, còn một cô bé tý mới được hơn năm tháng, khóc lảnh lót mai sau có triển
vọng làm ca sĩ Opera.
Thôi thì trời
cũng bù đắp cho tý cháu gái để nhà có bông có hoa cho vui, mai sau bố mẹ chúng
nó được phước có người đến cắt cỏ và sai vặt. Con cháu bé nhất nhà mà cũng ham ăn nhất nhà,
vì ham ăn nên càng ngày cô càng tròn ra như cục bột, bà nội đặt cho cô cái hỗn
danh là “Cô Phán Cảnh” vì ngày xưa hồi bà còn bé cả nhà cũng đặt cho bà danh
hiệu “Bà Phán Cảnh”
Mới vài tháng
tuổi mà cô Phán tròn như hạt mít, cô thích nói chuyện tâm tình, cưới tý toét mà
ngôn ngữ thì chỉ cần u ơ là được rồi. Phiền nỗi cô lại mang hai dòng máu Việt-Hoa
trong người, gốc gác ông bà ngoại cô cũng từ khu Hồng Kông bên hông Chợ Lớn,
sau năm 75 người Hoa bị đánh tư sản mại bản và phải tìm đường chuồn qua Hồng
Kông rồi dông qua xứ Cờ Hoa lánh nạn. Hôm
cô về thăm bên ngoại, khi trở về chả hiểu đầu óc bị lộn xộn “xí xô xí xào, ngộ
tả nị sị” sao đó mà về nhà bà nội cứ phải hỏi cô theo giọng Chợ Lớn:
“Nị quen cái
tiếng Tàu “dzồi” hở, quên tiêng Dziệt “dzồi” hở?”
Cô toét miệng
cười ra chiều thông cảm, chứ “bà bà” hay “phò phò” đối với cô không bằng cái
chai sữa. Nhưng bà nội thì nhất quyết
phải đem ngôn ngữ Việt, tiếng nói Việt vào đầu đứa cháu hai dòng máu, vì vậy mà
trong căn nhà vắng vẻ chỉ có hai bà cháu, lúc nào cũng nghe “ầu ơ ví dầu cầu
ván đóng đinh”, đôi khi nổi hứng bà nội còn cho cháu nghe luôn cả vọng cổ miền
Nam, có “Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm”, qua màn tân nhạc thì réo rắt “lòng
mẹ bao la như biển Thái Bình. . . ” Chắc chắn là cô chẳng hiểu gì, nhưng âm
điệu của câu hò giọng hát mênh mang văn hóa dân tộc thế nào chẳng đi vào lòng
cháu, “mưa lâu ngày thấm đất” mà lỵ!
Tý Em là hiện
thân của một cậu bé rất tình cảm, mỗi lần cô em họ khát sữa cất giọng thất
thanh như nhà cháy, ông bà xưa bảo “con không khóc sao mẹ biết mà cho bú” là nó
báo động ngay:
“Bà nội, bà
nội, “baby” đói bụng kìa“
Đúng thế thật,
chẳng ai hiểu bà bằng cháu và con bé chỉ gào thật to khi đói bụng thôi, thế là
vội vội vàng vàng, bà nội pha ngay một bình sữa đem đến tận giường cho cô Phán:
“Ôi, cháu bà
ngoan nào, nín đi kẻo mai sau lớn lên làm ca sĩ nó mất giọng đi, cứ hét to thế
lại ế chồng nữa đấy. ”
“Cô Phán” xơi
xong bình sữa nín ngay, miệng lại cười toe toét. Trong đôi mắt bà nội thì cô chính là một thiên
thần, mà trong đôi mắt nhìn chưa xa của cô Phán thì bà nội cũng là một bà tiên .
Thiên thần của trời cần có cánh để bay,
nhưng thiên thần của nhà bà thì không cần cánh cũng đủ sức bay vào lòng người. Thật vậy, chẳng gì bằng “nắm tận tay, day tận
mặt” lúc đó mới cảm nhận được cái tình nó mênh mông, bát ngát thế nào. Mỗi lúc “cô Phán” cầm ngón tay “bà Phán” mà
siết chặt, đắm đuối nhìn thì lúc đó đôi mắt mới thật sự là cửa sổ của tâm hồn,
không vờ vịt như mấy diễn viên đóng phim tình cảm Hàn Quốc. Khi đói, đôi mắt của “thiên thần không cánh”
không tuôn ra những giọt lệ đài trang, khóc thật tình, khóc hết hơi, khóc vì
một nhu cầu thật của con người , và bé thơ cũng biết cô đơn dù đôi mắt chưa
nhìn xa trông rộng, nhưng cũng biết đó ai là người gần người xa, hít được mùi
hương thương yêu tự nhiên của ông, bà, cha, mẹ . . .
Hình minh họa
Mỗi ngày dù bận
bịu trông cháu nên bà nội cu Tý cũng không còn được hưởng cái thú bách bộ sân
trước vườn sau, nhưng hề gì, cô bé cứ lớn phổng lên thì bà nội đã tìm ra được
môn cử tạ hạng nặng mà bình thường bà nhấc không nổi.
“Một, hai, ba.
bốn. . .
Năm, sáu, bảy, tám, chín, mười. . . ”
Năm, sáu, bảy, tám, chín, mười. . . ”
Cứ vậy mà đếm,
giơ cháu lên khỏi đầu cho “thiên thần không cánh” bay chơi một phát vào không
khí, cháu cười sung sướng còn bà thì hai tay cũng có cái để mà thể dục thể thao.
Phụ nữ tuổi chập chờn sáu bó thường mấy
bà đã giữ được cho cái bắp thịt nó đứng yên một chỗ, tỷ lệ với thời gian thì
còn bao nhiêu thứ đi theo kim đồng hồ chỉ sáu giờ, chứ nào phải cái bắp tay
lỏng lẻo. Tay nhờ vậy mà khỏe, cứ cái đà
này khi đi dự tiệc, trong ánh đèn mập mờ bà vẫn có thể diện áo hai dây hay hở
nguyên một bờ vai chưa khảm xà cừ “thòng thõng một mùa thu lá đổ”, hí hí hí . .
.
Chuyện “Bà
Cháu” nói bao nhiêu cho hết đây nhỉ, nó giống như một cuộn phim xem đi xem lại
mà không chán. Ôm cháu trong lòng mà
nghĩ đến con, mỗi một giai đoạn trong đời người hình ảnh người mẹ hay người bà
gánh theo bao kỷ niệm. Hôm trước trên
đường lái xe đi chơi xa, một người quen tặng cho ông bà cái CD để nghe về “oan
gia nghiệp chướng”, không biết vị thầy nào thuyết pháp về đề tài này nghe hấp
dẫn quá chừng. Cuộc đời đầy những oan
gia, oan gia gần oan gia xa, những cái gần như con cái cháu chít mà xoắn xít
lấy nghiệp thân mà không sao dứt bỏ được, lại còn thương gần chết. Về nhà, cháu toét miệng cười, tay quơ chân đạp
muốn bà bế, bà thấy cái “oan gia” hình như chả nhằm nhòi gì với niềm vui và
hạnh phúc của tuổi già khi gần gũi bên con, cháu. Oan gia thì oan gia, chiều hôm ấy khi ru cháu
ngủ, văn hóa Việt Nam
lại thêm một câu ca dao mới:
“ Oan gia thì mặc oan gia
Nhà không có cháu cái nhà buồn hiu
Mặc ai xuôi ngược sớm chiều
Cháu bà mang đến tình yêu tuổi già“
Nhà không có cháu cái nhà buồn hiu
Mặc ai xuôi ngược sớm chiều
Cháu bà mang đến tình yêu tuổi già“
Nguyên Nhung
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.