Nhà
văn Võ Phiến sinh năm 1925, năm nay ông tròn 90 tuổi. Với số tuổi ấy, ông không
những là một trong những nhà văn thọ nhất của Việt Nam mà còn là người có một sự
nghiệp văn học dài nhất, hơn cả nửa thế kỷ.
Nếu
hiểu nhà văn chuyên nghiệp là người dành toàn bộ thì giờ lao động cho việc viết
lách và sống nhờ hẳn vào việc viết lách, tức là người coi việc viết lách như
một nghề nghiệp theo cái nghĩa kinh tế học chúng ta thường dùng thì Võ Phiến
chưa bao giờ là nhà văn chuyên nghiệp: suốt đời ông là công chức. Ở Việt Nam , ông làm
công chức; sang Mỹ, ông cũng lại làm công chức. Viết lách, với ông, chỉ là nghề
tay trái, đúng nghĩa tay trái: ông viết trong những ngày lễ, ngày nghỉ, viết
giữa hai công việc trong sở, v.v... Vậy mà, nhìn lại số tác phẩm ông đã xuất
bản, chúng ta không thể không kinh ngạc: gần 50 đầu sách. Không phải ít. Chưa
nói về chất lượng, chỉ kể số lượng, với gần 50 đầu sách ấy, Võ Phiến rõ ràng là
một trong những nhà văn có năng suất cao ở Việt Nam, không thua gì những người
suốt đời sống bằng nghề cầm bút hay gần gũi với nghề cầm bút như dạy học hay
quản lý các sinh hoạt văn học nghệ thuật, chẳng hạn.
Một
đặc điểm nữa cũng cần chú ý: gần 50 đầu sách ấy phân bố khá đều trong cuộc đời
của Võ Phiến. Nghĩa là không có giai đoạn nào ông hoàn toàn bế tắc. Trong nước,
ông viết khá đều. Di tản sang Mỹ, giữa lúc mọi người đang rã rời tuyệt vọng
hoặc “qui ẩn” hẳn hoặc chỉ viết cầm chừng, uể oải, ông, một mặt hì hục đi làm
kiếm sống, mặt khác vẫn viết, hết Thư gửi bạn (1976) đến Lại thư
gửi bạn (1979), hết Ly hương (1977) lại đếnNguyên vẹn (1978).
Nếu Thư gửi bạn là tập tuỳ bút đầu tiên thì Nguyên vẹn lại
là quyển tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam ở hải ngoại sau cuộc đổi đời
1975.
Chưa
hết. Từ năm 1990 trở lại gần đây, thời kỳ rất nhiều người coi là “khủng hoảng”
của nền văn học Việt Nam tại hải ngoại với hiện tượng nổi bật là hầu hết những
cây bút chủ lực, cả cũ lẫn mới, đều đâm ra mệt mỏi, ngọn lửa nhiệt tình cứ hiu
hiu nguội dần, sức sáng tác ngày một thưa thớt, thì Võ Phiến, một trong những
nhà văn cao niên nhất, sức khoẻ kém nhất, ngược lại, cứ lặng lẽ viết và in đều
đều: năm 1991 hai quyển; năm 1992 hai quyển; năm 1993 ba quyển; năm 1994 nghỉ
để năm 1995 in một lần bốn quyển kể cả một quyển vốn là tái bản nhưng có bổ
sung bài viết mới: Truyện thật ngắn.
Dường
như Võ Phiến không hề bị ảnh hưởng bởi những dao động từ xung quanh. Ai cụt
hứng: mặc; ai nghĩ là nhà văn mà rời khỏi đất nước tức là chấm dấu chấm hết cho
sự nghiệp sáng tạo của mình: mặc; Võ Phiến cứ viết. Ngòi bút ông vẫn miệt mài,
vẫn thuỷ chung với trang giấy.
Có
thể nói, tại Việt Nam ,
Võ Phiến là một trong vài người hiếm hoi mà sự nghiệp cầm bút kéo dài cả đời.
Thường, chỉ có một thời, thời hoa, sau đó là lá, có khi lá cũng héo quắt. Sau 1954,
ở cả hai miền Nam
và Bắc, hiếm có nhà văn, nhà thơ nào nổi tiếng trước 1945 còn giữ được nhịp độ
và chất lượng sáng tác như cũ. Sau 1975, trong nền văn học tại hải ngoại, trừ
Mai Thảo quay sang làm thơ và khá thành công trong lãnh vực thơ ca, và trừ Võ
Phiến, tất cả những “đại thụ” tại Miền Nam lúc trước đều chỉ còn là vang bóng
của một thời. Phần lớn họ tồn tại như những ông/bà thành hoàng trong đình,
trong miễu chứ không phải như một nhà văn, nhà thơ đang cầm bút thực sự.
Vấn
đề không phải là viết nhiều, viết đều. Vấn đề còn là ở chỗ: Võ Phiến bao giờ
cũng song hành với thời đại. Về phương diện nghệ thuật, không lúc nào người ta
coi ông là “mới”, thế nhưng, ngược lại, có điều oái oăm là: không lúc nào người
ta thấy ông “cũ” cả. Văn chương Võ Phiến như đứng ngoài thời gian, bất chấp
những trào lưu, những thị hiếu thời thượng của xã hội. Rồi cũng lại thú vị nữa
hiện tượng: gần 70 tuổi, trong cảnh hưu trí, vớiTruyện thật ngắn (1991 và
1995) và Viết (1993), Võ Phiến lại là người tiên phong trong việc đặt
ra vấn đề tìm tòi một cách viết mới cho... thế kỷ 21.
Hơn
nữa, nhìn lại sự nghiệp của Võ Phiến như một tổng thể, chúng ta dễ phát hiện ra
một điều: tính chất đa dạng. Lâu nay, nghĩ đến sự đa dạng trong tài năng của
những người cầm bút, chúng ta thường chỉ nghĩ đến những người như Nguyễn Đình
Thi ở Miền Bắc và Thanh Tâm Tuyền ở Miền Nam, những người vừa làm thơ hay vừa
viết truyện hay, viết kịch hay, thỉnh thoảng viết lý luận, viết phê bình: cũng
hay nữa. Chúng ta quên mất Võ Phiến: trừ kịch, ông tung hoành ngang dọc trong
rất nhiều thể tài khác nhau, và trừ thơ, ở thể tài nào ông cũng đạt được những
thành tựu xuất sắc, có khi hơn hẳn hai người vừa được nhắc.
***
Là
một cây bút đa dạng, Võ Phiến không những là một nhà văn, một nhà tùy bút mà
còn là một nhà lý luận, nhà phê bình văn học. Ở lãnh vực nào, ông cũng có một
đặc điểm chung: sự trăn trở, hoặc trăn trở về ý nghĩa của văn học, hoặc trăn
trở về phong cách của một tác giả, về giá trị của một tác phẩm, hoặc trăn trở
về các vấn đề thời sự chính trị và xã hội chung quanh, hoặc trăn trở về cuộc
sống của con người trên quê hương hay trên đất khách, hoặc trăn trở về sự hiện
hữu của con người giữa cuộc đời và trong vũ trụ nói chung. Trăn trở, lúc nào
cũng trăn trở; có thể nói cuộc đời cầm bút của Võ Phiến là một chuỗi dài những
trăn trở, những nghĩ ngợi triền miên. Đã đành đó không phải là hiện tượng gì
quá đặc biệt: có người cầm bút nào mà lại không từng trăn trở bao giờ? Không
trăn trở về đề tài thì cũng trăn trở về cách thức xử lý đề tài. Tuy nhiên, tôi
có cảm tưởng trong cả hai lãnh vực, ít có ai trăn trở nhiều như Võ Phiến.
Về
đề tài, Võ Phiến chiếm lĩnh một khu vực thật bao la. Nguyễn Tuân cũng thường
được khen ngợi là người có kiến thức rộng, quan tâm đến nhiều điều, người biết
rõ từng gốc cây tại Hà Nội, từng cột cây số trên đường quốc lộ, từng chút gia
vị, chút hành ngò trong một đĩa thức ăn... thế nhưng, tựu trung, Nguyễn Tuân
chỉ quan tâm đến hai điều: những cái có ý nghĩa thẩm mỹ và những cái có ý nghĩa
lịch sử. Võ Phiến khác. Trong tuỳ bút, ông nhảy từ đề tài này sang đề tài kia
cứ thoăn thoắt, thoăn thoắt: mới bàn về nước mắm ở quê ông, ông luận về cách
bồng con của người Thượng; mới nói về cách uống trà, ông rẽ sang trầm trồ về sự
giàu có của tiếng Việt chung quanh bệnh ghẻ v.v... Giống Nguyễn Tuân, ông cũng
thích thú trước những cái đẹp; nhưng khác Nguyễn Tuân, ông có thể tò mò trước
cả những cái chả lấy gì đẹp đẽ. Giống Nguyễn Tuân, ông cũng thích những gì có
gốc rễ lâu đời trong quá khứ; nhưng khác Nguyễn Tuân, ông có thể say sưa theo
dõi cả một cái gì đó mới xuất hiện, có khi sẽ biến mất, rất nhanh, như những
bọt tăm trên dòng sông thời gian.
Hơn
nữa, vấn đề không phải là đề tài. Vấn đề là cách xử lý đề tài. Ở khía cạnh này,
tôi chú ý đến cách Võ Phiến đặt tựa cho sách của ông. Nhìn chung, trừ các tác
phẩm dịch và các công trình biên khảo (Tiểu thuyết hiện đại, Chúng ta qua cách
viết và Văn học Miền Nam ,
tổng quan), tựa sách của Võ Phiến thường ngắn: tối đa là bốn từ. Không những
thế, điều quan trọng hơn là: đã ngắn, tựa sách của ông càng ngày càng có khuynh
hướng ngắn thêm. Những tác phẩm đầu, từ năm 1956 đến đầu 1963, mang tựa hoặc
hai chữ như Chữ tình, Người tù, Giã từ, Thư nhà, hoặc bốn chữ nhưMưa đêm
cuối năm, Đêm xuân trăng sáng, Về một xóm quê... Dù hai hay bốn chữ, những
tựa đề ấy cũng có điểm giống nhau: nêu lên một biến cố, một hiện tượng, một
khung cảnh.
Từ
cuối 1963 về sau, tựa sách của Võ Phiến, trừ quyển Đất nước quê hương, Thư
gửi bạn và Lại thư gửi bạn, thường còn có hai chữ: Tạp bút(1,
2, và 3), Tạp luận, Một mình, Đàn ông, Ảo ảnh, Phù thế, Nguyên vẹn, Ly
hương trong đó, hai cái tựa đầu được đặt theo thể loại, hầu hết các tựa
sau đều đưa ra một nhận định, một sự đánh giá (ngay chữ “Đàn ông”, trong tiếng
Việt, cũng bao hàm một thái độ, một cảm xúc nhất định, chứ không thuần chỉ một
phái tính). Từ một biến cố đến một nhận định; từ một hiện tượng đến một sự suy
nghĩ; từ một khung cảnh đến một sự đánh giá: cách đặt tựa của Võ Phiến có sự
thay đổi.
Sau,
về già, cách đặt tựa của ông càng thay đổi nhiều. Phần lớn chỉ có một từ, ngắn
ngủn, cộc lốc: Quê, Viết, Đối thoại. Quyển Đối thoại, hai âm nhưng
chỉ là một từ, cũng ngắn. So sánh Quê với Đất nước quê hương,Viết với Chúng
ta qua cách viết, Đối thoại với Chúng ta qua cách nói, chúng ta
thấy ngay: ở đây, cái ngắn của tựa sách cũng đồng thời là cái rộng của đề tài.
Dường như điều làm cho Võ Phiến bận tâm nhất trong thời gian sau này không phải
là những biến cố, những hiện tượng cụ thể và những cách nhìn, những quan điểm
khác nhau về những hiện tượng, những biến cố ấy. Điều ông bận tâm hơn là chính
những sự kiện căn bản nhất của cuộc đời. Đó là sống (chứ không phải là sống ở
đâu, như thế nào), là viết (chứ không phải là viết gì, viết như thế nào), là
đối thoại (chứ không phải là đối thoại với ai, về cái gì, như thế nào), là quê
(chứ không phải nơi chôn nhau cắt rốn, là đất nước, là nơi gần kề: ở quê, hay
nơi mình đã giã từ, đã xa khuất: ly hương)...
Nói
cách khác, ở đây, ngắn tức là rộng, là sâu, là căn bản và, trong chừng mực nào
đó, có nghĩa là siêu hình.
Tiến
sĩ Nguyễn Hưng Quốc
*****
Nov
19, 2014
Thành
thực mà nói, tôi không quan tâm đến việc nhà thơ vô danh nọ không đồng ý với
tôi hay coi thường Võ Phiến. Một phần, qua buổi trò chuyện, tôi không đánh giá
cao sự hiểu biết cũng như khả năng phán đoán của nhà ...
Jul
23, 2014
Trong
lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, từ đầu thế kỷ 20 đến nay, có lẽ không có
giai đoạn nào chịu nhiều bất hạnh như giai đoạn từ 1954 đến 1975 ở miền Nam.
Theo nhà văn Võ Phiến, đó là nền văn học được đánh dấu ...
Oct
13, 2014
Và
vì thấy là lập trường chính trị và cách nhìn lịch sử của Võ Phiến mà ông Phúc
mô tả là “bất ổn” có thể tạo ra những tai hại cho đất nước nên ông đã phải “bất
chấp” cái quan hệ tối thân thiết cha con để lên tiếng chỉ ra ...
Aug
11, 2011
Nói
đến cái liếc mắt, không thể không nhớ đến nhà văn Võ Phiến. Năm 1977, sau gần
hai năm định cư tại Mỹ, quan sát đời sống và cách thức sinh hoạt của người Mỹ,
Võ Phiến phát hiện ra một số sự khác biệt khá thú vị ...
Dec
18, 2014
Trên
đây là bài viết của nhà văn Võ Phiến tại miền Nam viết vào năm 1968 về kế hoạch
đem thiếu nhi ra Bắc để rồi sau đó đưa trở lại miền Nam. Nếu chúng ta để ý thời
điểm tác giả viết bài này là tháng 10 năm 1968 thì ...
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.