Đã
có nhiều người viết về Tết từ các góc độ lịch sử, văn hóa, xã hội và kinh tế
với những lễ nghi và phong tục, những mơ ước và những kiêng kỵ, những món ăn và
những thức uống, những truyền thống và những cách tân, những khác biệt trong
cách đón Tết từ miền này sang miền khác. Ở đây, tôi thử nhìn ngày Tết từ một
góc độ khác: chính trị.
Thật
ra, rất khó phân biệt ý nghĩa văn hóa và ý nghĩa chính trị của ngày Tết. Lý do
đơn giản là ranh giới giữa văn hóa và chính trị nói chung, tự nó, khá mơ hồ.
Nếu hiểu văn hóa là một hệ thống biểu tượng, niềm tin và giá trị mà một cộng
đồng (được hiểu, ở phạm vi lớn nhất, là một quốc gia) tin tưởng và chia sẻ,
truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, để làm tiêu chí và tiêu chuẩn cho việc
phân biệt và đánh giá cái tốt và cái xấu, cái thiện và cái ác, cái đúng và cái
sai, cái nên làm và không nên làm, bạn và thù cũng như người đáng kính trọng
hay không đáng kính trọng, không có thứ văn hóa nào lại không có tính chính
trị, nghĩa là không ít nhiều liên hệ đến quyền lực. Ngược lại, cũng không có
thứ chính trị nào lại không dựa vào những quy phạm và những bảng giá trị nào đó
để quyền lực (power) được biến thành thẩm quyền (authority), từ đó, sự cai trị
có được tính chính đáng (legitimacy) để dân chúng, hoặc ít nhất, đa số dân
chúng có thể chấp nhận và tham gia: Những quy phạm và những bảng giá trị này
đều thuộc phạm trù văn hóa.
Sự
phân biệt giữa ý nghĩa văn hóa và ý nghĩa chính trị, do đó, chỉ có tính chất
tương đối: Cùng một ý nghĩa, từ cái nhìn dài hạn, là văn hóa, từ cái nhìn ngắn
hạn, là chính trị; khi chỉ tác động vào vô thức, nó thuộc phạm trù văn hóa, khi
tác động đến cả cách hành xử của con người, trong những trường hợp cụ thể, với
một số mục đích cụ thể nào đó, thì lại thuộc phạm trù chính trị; khi chỉ gắn
liền với truyền thống, nó là văn hóa, khi vừa gắn liền với truyền thống vừa gắn
liền với quyền lực, nó lại là chính trị.
Về
phương diện văn hóa, ý nghĩa của ngày Tết đã được bàn luận khá nhiều. Hầu như
ai cũng đồng ý, Tết bao gồm hai khía cạnh chính: lễ và hội. Nói đến hội là nói
đến các sinh hoạt, bao gồm các đám rước và các cuộc diễn, các món ăn và các trò
chơi, việc giải trí và việc buôn bán. Nói đến lễ là nói đến việc cúng tế và cầu
nguyện. Có thể nói, hội là xác, lễ là hồn; hội là vật chất, lễ là tinh thần,
hội là phần tục, lễ là phần thiêng; hội là mặt nổi, lễ là phần chìm. Chính cái
phần lễ ấy làm cho ngày hội Tết trở thành quan trọng, hơn nữa, thiêng liêng. Nó
làm cho ngày Tết có một sắc thái mới: trang trọng, một không khí mới: tín
ngưỡng, và một kích thước mới: kích thước siêu hình với chức năng tạo sự liên
thông giữa cá nhân và tập thể, hiện tại và quá khứ, sinh hoạt và truyền thống,
vật chất và tinh thần, những người đang sống và những người đã chết.
Với
những chức năng ấy, ngày Tết, cũng như những lễ hội lớn khác, còn thêm một chức
năng khác nữa: góp phần tạo thành cộng đồng như một tập thể có sự nối kết nội
tại mật thiết dựa trên nền tảng một số điểm chung nào đó. Không có cộng đồng
nào, dù là một làng hay một nước, lại không có một số điểm chung nhất định.
Điểm chung ấy càng vững chắc nếu nó có chiều rộng với những sinh hoạt đông
người và chiều sâu với những ký ức tập thể lùi tận về những thời điểm thật xa
xôi trong lịch sử.
Tất
cả những ý nghĩa ấy đều có thể được nhìn thấy trong các sinh hoạt ngày Tết ở
hải ngoại. Tuy nhiên, so với trong nước, chúng lại có khá nhiều nét đặc biệt.
Thứ
nhất, ở trong nước, Tết là một lễ hội lớn nhất nhưng không phải duy nhất. Ngoài
Tết, Việt Nam
còn nhiều lễ hội khác, hoặc ở tầm quốc gia (như trung thu, chẳng hạn) hoặc ở
tầm địa phương (như hội Chùa Hương, hội Lim, hội chọi trâu ở Đồ Sơn, hội Đền
Hùng, v.v..). Ở hải ngoại, Tết là lễ hội duy nhất được tổ chức với quy mô lớn
và thu hút sự chú ý hầu như của cả cộng đồng.
Thứ
hai, một số ý nghĩa của ngày Tết cũng thay đổi: Ở Việt Nam, nó là khởi đầu của
một năm mới đồng thời của một tuổi mới, từ đó, được xem là khởi đầu của một chu
kỳ mới gắn liền với những mơ ước và hy vọng mới; ở hải ngoại, dần dần người ta
xem năm mới, thực sự là năm mới, bắt đầu từ Tết dương lịch chứ không phải là
Tết âm lịch, còn tuổi tác thì được tính theo sinh nhật chứ không phải theo Tết,
do đó, Tết không còn gắn liền với mơ ước và hy vọng nào nữa: Nó chỉ còn thuần
là một sự kiện.
Thứ
ba, những cái gọi là ý nghĩa liên thông của ngày Tết, ở trong nước, thường chỉ
giới hạn trong phạm vi gia đình, dòng tộc, láng giềng, thầy trò, hoặc lớn hơn,
giữa con người và quê quán (hiểu theo nghĩa là một làng nào đó); ở hải ngoại,
nó mở rộng, rất rộng, ở phạm vi dân tộc: Tết là cơ hội hiếm hoi, nếu không muốn
nói là duy nhất, để những người Việt Nam đang sống ở nước ngoài ý thức và cảm
nhận sâu sắc về căn cước của chính mình, về cái điều không phải lúc nào người
ta cũng nhớ: mình là người Việt Nam.
Chính
ở nét đặc biệt thứ ba này, ý nghĩa văn hóa biến thành ý nghĩa chính trị.
Trước
hết, xin nhấn mạnh: phần lớn người Việt ở hải ngoại, nhất là những người thuộc
thế hệ thứ nhất, tức những người rời Việt Nam khi đã đến tuổi trưởng thành, đều
vẫn giữ được khá nhiều nếp cũ. Trong thói quen ăn uống. Trong ngôn ngữ. Trong
các quan hệ xã hội (với bạn bè người Việt) cũng như sinh hoạt văn hóa (xem ti
vi, phim ảnh, nghe ca nhạc hoặc theo dõi sách báo bằng tiếng Việt). Ở một số
địa phương, nơi có đông người Việt, nhiều người có cảm giác họ đang sống ở Việt
Nam
chứ không phải trên một đất nước khác. Ở nhà: nói và nghe tiếng Việt. Ra chợ:
cũng nói và nghe tiếng Việt; cũng mua rau muống, ngò, húng, quế, mít, sầu
riêng, hột vịt lộn, lòng gà, lòng heo, mắm tôm, mắm ruốc… như ở Việt Nam . Vào tiệm
ăn: Cũng cơm tấm bì sường chả trứng, cũng phở, cũng bún bò Huế, cũng mì Quảng,
cũng bánh bột lọc hay bánh bèo; cũng chè ba màu hay cà phê sữa đá… như ở Việt
Nam. Khám bệnh: Bác sĩ Việt Nam .
Mua thuốc: Tiệm thuốc tây Việt Nam .
Có chuyện liên quan đến luật pháp, gặp luật sư: Cũng luật sư Việt Nam . Dường như
toàn bộ thế giới họ sống là Việt Nam .
Nhưng những sinh hoạt hàng
ngày, thậm chí, hàng giờ, như một thói quen như thế không thể gợi nhắc ai là
người Việt cả. Thói quen là lãnh vực của tiềm thức và vô thức. Chứ không phải
của ý thức. Chỉ có các biến cố mới có chức năng ấy.
Ở
hải ngoại, chỉ có hai loại biến cố có khả năng nhắc nhở chúng ta là người Việt.
Một loại có tính chất bất thường, bao gồm một số biến cố chính trị lớn bùng nổ
ở Việt Nam
hoặc những chính sách mang màu sắc kỳ thị mà người Việt trực tiếp là nạn nhân ở
ngay chính quốc gia họ đang sống. Loại này, do tính chất bất thường, chúng ta
tạm thời gác lại. Một loại khác có tính chất bình thường, một sinh hoạt thuộc
truyền thống: Đó là ngày Tết. Chỉ là ngày Tết.
Vâng,
chỉ có Tết mới đẩy chúng ta ngược về gốc rễ của mình, làm chúng ta cảm nhận sâu
sắc mình là người Việt. Là người Việt ở tận đáy tâm thức sâu xa của chúng ta.
Là người Việt trọn vẹn và đúng nghĩa.
Ngày
thường, mỗi người trong chúng ta có thể là Việt Nam . Nhưng chỉ với tư cách cá nhân.
Chỉ trong ngày Tết, cái gọi là Việt Nam ấy mới có độ rộng của cả một
cộng đồng và mới có độ dày của truyền thống và của lịch sử. Chúng ta là Việt
Nam từ gót chân lên đỉnh đầu chứ không phải chỉ ở màu da hay ở cái miệng biết
nói được tiếng Việt, đồng thời chúng ta là người Việt Nam giữa vô số những
người Việt Nam khác. Trong ý nghĩa này, Tết là cơ hội, hầu như duy nhất trong
năm, vừa củng cố gốc rễ mỗi người vừa đoàn kết mọi người trong một ký ức chung.
Những ngày lễ khác có thể củng cố gốc rễ nhưng lại phân hóa theo những kỷ niệm
và kinh nghiệm khác nhau (ví dụ ngày 30/7 hay ngày Quốc khánh trước và sau
1975…)
Hai
tác dụng vừa nêu của ngày Tết (củng cố gốc rễ để mỗi người tự cảm nhận sâu sắc
về sự kiện mình là người Việt Nam
và ý thức mình là người Việt Nam
giữa hàng chục triệu người Việt Nam
khác) vừa có ý nghĩa văn hóa vừa có ý nghĩa chính trị. Trong hoàn cảnh lưu
vong, sống ở nước ngoài, ý nghĩa chính trị nổi bật hơn ý nghĩa văn hóa.
Ở
trong nước, làm-người-Việt-Nam là điều tự nhiên, làm người tự do là một lựa
chọn chính trị; ở ngoài nước, làm người tự do là điều tự nhiên,
làm-người-Việt-Nam lại là một lựa chọn đầy màu sắc chính trị. Bình thường, sự
lựa chọn ấy có tính chất tự phát, từ vô thức, nên ít được để ý. Chính ngày Tết
nguyên đán biến sự lựa chọn ấy thành một hành động có tính chất tự giác, thuộc
phạm trù ý thức.
Nói
Tết, với người Việt Nam
ở hải ngoại, có ý nghĩa chính trị là vì thế.
Tiến
sĩ Nguyễn Hưng Quốc
*****
Feb
18, 2015
Ca
khúc "Ly Rượu Mừng" là một bài hát thịnh hành trong dịp Tết. Bài hát
mời mọi người cùng uống rượu mừng Xuân và nói những lời chúc Tết đến toàn dân
và đất nước. Tuy bài hát không mô tả những cảnh tượng và sinh ...
Jan
24, 2015
Hiển
nhiên là như thế, vì hòan cảnh sống nơi đất khách quê người không có điều kiện
cho chúng ta vui xuân đón Tết như ngày nào nơi Quê Mẹ Việt Nam, trong chế độ tự
do, dân chủ pháp trị Việt Nam Cộng Hòa, dù phôi thai ...
Jan
31, 2014
Nhưng
vì Âm lịch xuất phát từ người Tàu lan ra một số nước trong vùng, nên một số
người Phương Tây lầm tưởng gọi đó là Tết Tàu, khiến nhiều người Việt Nam nặng
tự ái dân tộc đã bất bình khi nghe ai gọi Tết Việt Nam là ...
Jan
31, 2014
Ngày
Tết, thức ăn luôn nhiều và ngon hơn những ngày thường (Tết mà), lại thêm nhiều
bữa tiệc mừng xuân, nên chúng ta luôn có khuynh hướng ăn nhiều hơn bình thường
và ăn no hơn. Ăn quá no, quá nhiều thức ăn làm ...
Jan
20, 2015
Thế
nhưng, một vấn đề chúng tôi từng đặt ra hơn một lần trên các phương tiện truyền
thông, nay một lần nữa xin đặt lại là: nếu “Tết Tàu” hay “Tết Tây” đều không
phải là “Tết Ta”, thì tại sao chúng ta có thể chọn Tết nào có lợi .
Feb
17, 2015
Hôm
nay là ngày 29 Tết Ất Mùi, ngày mà cách đây tròn 39 năm, nhạc sĩ Văn Cao đã
viết xong ca khúc “Mùa Xuân Đầu Tiên”, vì ông nghĩ, kể từ Mùa Xuân Bính Thìn,
1976, đất nước ta sẽ vĩnh viễn sạch bóng quân xâm lược.
*****
Hội hoa xuân Tao Đàn
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.