Cha
Gioan Lee là linh mục dòng Salêriêng Don Bosco. Tốt nghiệp bác sĩ y khoa nhưng
cha đã bỏ tất cả công danh sự nghiệp sau lưng, và cha đã đáp lại tiếng gọi mãnh
liệt của Thiên Chúa để trở thành một linh mục truyền giáo trong dòng Salêriêng
Don Bosco. Ngay sau khi được truyền chức linh mục tại Tòa Thánh Vatican , cha đã
tình nguyện đến truyền giáo tại miền Nam Sudan thuộc Phi Châu. Cha đã từ bỏ tất
cả công danh, sự nghiệp của người bác sĩ để trở thành linh mục. Và hơn thế nữa,
cha còn muốn trở thành người mục tử nhân lành sống giữa đoàn chiên nghèo khổ để
chăn dắt họ. Vì thế nên cha đã tình nguyện đến sống tại một xứ sở nghèo đói
nhất thế giới, giữa những người đói khổ và bệnh tật trong làng Tonj thuộc miền
Nam Sudan- Phi Châu trong suốt 8 năm trước khi cha qua đời vị căn bệnh ung thư
ruột già. Cuốn phim tài liệu: “Don’t Cry for Me Sudan” năm 2010 (“Đừng Khóc
Thương Tôi - Sudan”) đã chia sẻ về cuộc đời truyền giáo của linh mục Gioan Lee
Tae Suk và là cuốn phim sẽ tham dự Đại hội điện ảnh lần thứ 61 tại Bá Linh vào
năm tới- 2013.
Xem phim Don't cry for me
Một ngày nọ, khi chứng kiến cảnh một người ăn xin nghèo khó, rách rưới mà cha (lúc đó là một cậu bé) không có gì để giúp đỡ người ăn xin này. Cha đã chạy về nhà và hỏi mượn người chị 1 cây kim và sợi chỉ để khâu lại chiếc quần rách rưới cho người ăn xin. Sống trong tuổi thơ nghèo túng, có những ngày cậu bé Gioan Lee Tae Suk đã phải ngồi chờ mẹ về ở ngoài đường, trong con hẻm gần nhà… Do đó, tuổi thơ của cha đã sớm cảm thông với những nỗi bất hạnh của con người. Khi lên bậc trung học, cha đã tự học đàn Guitar và chơi dương cầm… Năng khiếu âm nhạc đến với cha một cách tự nhiên và dễ dàng. Có lẽ đó là nguồn cảm hứng giúp cha giải bày những xúc động ẩn chứa trong tâm hồn khi chứng kiến những cảnh nghèo đói, bất công và bệnh tật của những người nghèo khổ trong xã hội. Cha đã tự sáng tác ra những bản nhạc lúc còn học ở trung học.
Những bản nhạc này như một cầu nối giúp cha đến gần với Thiên Chúa. Cha đã chia sẻ những cảm nhận của mình qua âm nhạc. Âm nhạc đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời của cha, giúp cha sống đạo hạnh hơn ngay khi còn là một học sinh bậc trung học. Và sau này, trong cuộc đời truyền giáo của mình, âm nhạc đã giúp cha đến được với những đứa trẻ quen sống trong cảnh bạo lực tại Nam Sudan và từ đó, âm nhạc đã giúp cha chuyển hướng tâm hồn chúng thành những đứa trẻ đầy năng khiếu sáng tạo trong âm nhạc.
Vào
những năm tháng còn ở chủng viện, thầy Gioan Lee Tae Suk đã có lần được đến
thăm miền Nam Sudan- Phi Châu. Ở nơi đó đã xảy ra cuộc chiến tranh Nam- Bắc vào
năm 1983, và cuộc chiến đó đã tàn phá khủng khiếp đất nước này. Cuộc chiến đã
làm hơn hai triệu người bị chết và đã để lại bao nhiêu tang tóc cho những người
dân quê nghèo khổ.
Những người còn sống sót sau chiến tranh thì lại bị chết vì bệnh tật và nghèo đói. Họ phải sống nơi một vùng đất mà nguồn nước uống bị ô nhiễm trầm trọng.
Do
đó, ngay sau buổi lễ truyền chức linh mục tại Vatican -
Rome , cha Gioan Lee Tae Suk đã xin tình nguyện
đến phục vụ tại miền Nam
nước Sudan
ở Phi Châu. Tại nơi đây, vào năm 2001, cha đã mở phòng khám bệnh đầu tiên tại
Nam Sudan, và là người bác sĩ duy nhất tại đó. Mỗi ngày, cha khám và chữa trên
300 bệnh nhân. Có những bệnh nhân đã đi bộ hàng trăm Kilômét để đến với cha. Có
cả những người phải đi bộ 2-3 ngày đường để đến được nơi phòng khám. Mỗi ngày
đều có 30-40 người chờ đợi để được khám bệnh.
Nhận thấy nhu cầu quá lớn của
những người dân tại Nam Sudan, cha đã quyết định xây một bệnh viện bằng những
viên gạch do chính tay cha và dân làng tự làm nên. Cha đã đặt mua xi măng từ Kenya và lấy
cát từ dòng sông Tonj thuộc Nam Sudan. Dưới cái nóng trên 50 độ C, cha đã cùng
làm việc với những người dân làng để đúc những viên gạch và dùng chính những
viên gạch đó để xây dựng thành một bệnh viện. Năm 2007, bệnh viện do cha Gioan
Lee Tae Suk và dân làng xây được hình thành gồm 12 phòng. Nơi đây, cha đã chữa
trị cho các bệnh nhân bị bệnh phổi, tiêu chảy, sốt rét, các phụ nữ mang thai,
các trẻ em cần chủng ngừa dịch tả v.v…
Cha không bao giờ từ chối bất kỳ một bệnh nhân nào đến với cha, ngay cả vào ban
đêm khi cha đang yên ngủ sau một ngày làm việc mệt nhọc. Khi có những bệnh nhân
đang trong tình trạng nguy kịch đến cầu cứu cha vào ban đêm, cha vẫn sẵn lòng
giúp họ mà không một lời phàn nàn than trách. Các bệnh nhân vẫn liên tục kéo
đến với hy vọng được cha chữa lành các vết thương cả thể xác lẫn tâm hồn.
Với
họ, cha là một người cha và là một thầy thuốc. Cha đã đến với họ bằng tất cả
tình yêu thương mà họ chưa bao giờ được ban phát. Cha là hiện thân của Chúa
Giêsu trong trái tim và tấm lòng của họ. Tại nơi này không có nguồn điện. Do
đó, cha đã tự làm những tấm năng lượng mặt trời để tạo ra nguồn điện dùng để
cung cấp điện năng cho các tủ lạnh để bảo quản các loại thuốc chủng ngừa cho
trẻ em. Mỗi ngày thứ Tư trong tuần, cha lái xe đến 8 ngôi làng khác nhau để
chữa bệnh cho những người phong cùi, mù lòa ... khi họ không thể đi xa được, mà
chỉ có thể ngồi tại nhà của họ. Thậm chí, có những người không có ai chăm sóc
thì bị chết trong nhà mà không ai hay biết. Cha luôn sẵn sàng giúp đỡ bất kỳ ai
cần đến Ngài.
Năm
2005, khi hòa bình được tái lập giữa miền Nam và Bắc Sudan, bảo đảm sự an ninh
khi di chuyển; thì đến năm 2006, cha bắt đầu chương trình thăm viếng các bệnh
nhân bị phong cùi khi họ không thể bước chân ra khỏi nhà. Trước khi cha đến, họ
đã chết mà cũng không biết chết vì bệnh gì?
Cha đã thành lập một ngôi làng cho những người mắc bệnh phong ở và cấp thuốc để
chữa trị và ngăn ngừa chứng bệnh lây lan. Cha là người duy nhất yêu thương họ,
đến với họ và lắng nghe họ. Mỗi lần cha đến thăm họ, cha không bao giờ đi với
hai bàn tay không. Cha luôn có quà cho tất cả mọi người, khi thì là những cái
áo, khi thì là những đôi vớ, lúc thì là những cái quần, những đôi giày, những
cái áo ấm v.v... Cha là người đã khâu những vết thương đầy máu mủ nơi chân tay
những người bệnh phong và băng bó vết thương cho họ. Cha đã đo chân từng người
và đặt làm những đôi giày cho họ mang để họ bớt đau đớn mỗi khi di chuyển.
Không hề có một rào cản nào ngăn cách giữa cha và những người mắc bệnh
phong cùi này. Họ đã sống trong hạnh phúc vì đã được yêu thương mặc dù họ rất
nghèo và bị xã hội bỏ rơi. Cha là một linh mục đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc
đã từ bỏ đất nước của mình và sang phục vụ bên Phi Châu. Cha đã sống và đã hội
nhập để trở thành một người dân làng Tonj.
Trong cuốn tự truyện: “Các con là những người bạn của cha”, cha đã chia sẻ động
lực thúc đẩy cha đến miền Nam Sudan là: Ngay khi còn nhỏ, cha đã cảm nhận được
sự hy sinh của người mẹ nuôi nấng và lo lắng, chăm sóc cho đàn con 10 người.
Lớn lên, cha nhìn thấy gương hy sinh phục vụ của các cha, các soeur nơi cha sinh
trưởng; và nhất là của chính một người anh làm linh mục, và một người chị làm
nữ tu.
Đặc biệt hơn cả là sự hy sinh tận cùng của người mẹ khi chấp nhận cho
cha từ bỏ con đường sự nghiệp của người bác sĩ để trở thành linh mục. Bà mẹ đã
từ bỏ sự hưởng thụ giàu sang khi có con làm bác sĩ để sẵn sàng nâng đỡ cha khi
Ngài quyết tâm đi theo lời mời gọi của Chúa. Chính những tấm gương sáng đó đã
là những động cơ thúc đẩy cha lên đường đi đến Sudan- một nơi nghèo khổ nhất trên
thế giới để phục vụ cho những người nghèo, bệnh tật và bất hạnh. Ở nơi đó, cha
là người đã xây dựng một ngôi trường học đầu tiên từ cấp mẫu giáo đến cấp trung
học. Các giáo sư được cha mời đến từ Keyna để dạy cho các em. Và chính cha cũng
đã dùng thời gian eo hẹp của mình để dạy môn toán cho các em.
Nhìn cảnh các trẻ em ngay từ nhỏ đã làm quen với súng đạn, cha quyết tâm phát
triển năng khiếu âm nhạc nơi tâm hồn các em để thay những khẩu súng trong tay
các em thành những chiếc kèn đồng.
Cha đã dùng âm nhạc để xoa dịu những vết thương
chiến tranh trong lòng các em. Thế là cha đã hy sinh những giờ ngủ để tập những
nhạc cụ, tập thổi kèn trước rồi sau đó dạy cho các em học. Và cuối cùng, giấc
mơ của cha đã thành hiện thực. Một đội kèn đầu tiên ở Nam Sudan đã được thành
lập. Cha đã xin các ân nhân để gửi tặng những bộ đồng phục của ban kèn cho các
em mặc.
Cha nâng đỡ những đứa trẻ và phát triển tài năng về âm nhạc của chúng
để chống lại bạo lực tại nơi đây. Khi tâm hồn những đứa trẻ bị tan vỡ do những
vết thương chiến tranh tạo ra, qua âm nhạc, chúng sẽ tìm được niềm vui và hy
vọng. Đây là một biến cố vô cùng trọng đại trong một đất nước bị tàn phá quá
nhiều do bởi chiến tranh. Đối với những người dân tại Sudan thì có
được một ban kèn là một sự việc ngoài trí tưởng tượng của họ, và là một biến cố
gây kinh ngạc mãnh liệt cho họ. Vì từ đây, những đứa trẻ không còn cầm súng
trên tay mà thay vào đó là những chiếc kèn mang lại những âm thanh của hòa
bình, tình yêu và hy vọng….
Nhưng
thật đau buồn thay, trong một chuyến nghỉ hè vào tháng 10/2008: Khi trở về Hàn
Quốc, cha đã làm một cuộc xét nghiệm sức khỏe tổng quát theo lời khuyên của một
bác sĩ, và cha đã phát hiện ra mình đang mang chứng bệnh ung thư ruột già ở
giai đoạn cuối. Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, cha vẫn chiến đấu dũng
cảm với cơn bệnh qua 14 lần chạy hóa trị (chemotherapy) để mong được trở về lại
Sudan
thăm các em. Cũng trong những ngày tháng chữa bệnh này, cha đã viết cuốn sách:
“Các con là những người bạn của cha”. Và cuốn sách đã được phát hành vào tháng
05/2009. Một tháng trước khi về với Chúa, biết mình không thể trở lại Sudan được, cha
đã mời hai em trong đội kèn đến thăm cha tại Hàn Quốc. Và tại đây, cha đã bảo
trợ cho hai em đó được vào học đại học.
Cuối
cùng, vào ngày 14/01/2010, cha đã ra đi về với Chúa khi đã sống trọn vẹn 48 năm
cuộc đời tại dương thế với những ngày tháng phục vụ trọn vẹn cho những người
đau khổ, bệnh tật, phong cùi, nghèo đói ... tại Sudan. Ngày 16/01/2010 là thánh
lễ an táng cha tại nhà dòng Saleriêng – Don Bosco. Cha đã ra đi trong nụ cười,
còn những người ở lại đã đưa tiễn cha trong những giọt nước mắt của đau đớn và
tiếc thương. Mặc dù cha đã ra đi về với Chúa, nhưng Niềm Tin của cha đã biến
thành hiện thực. Cha đã sống và đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời của cha cho
những người đau khổ và bất hạnh.
Tin cha qua đời bay đến Sudan và những người dân ở đây đã đau đớn và không thể chấp nhận một thực tại phũ phàng, quá nhiều mất mát cho họ. Họ khóc thương cha như khóc thương một người thân yêu duy nhất đã yêu thương họ, đã chăm sóc tận tình cho họ, đã chia sẻ và ủi an họ với một tình yêu đồng lọai mà họ chưa từng được biết đến. Có những người dân làng xa xôi đã đi bộ hơn 4 ngày trời để được đến tham dự nghi thức tiễn biệt cha lần cuối tại ngôi Thánh đường mà chính cha đã cùng với họ xây cất nên.
Họ mang trên tay những tấm ảnh của cha như muốn níu kéo cha ở lại mãi với
họ. Các em trong ban kèn đã diễn hành từ căn nhà thương- nơi cha xây dựng và
chữa bệnh đến ngôi thánh đường- nơi cử hành nghi thức tiễn biệt người cha thân
yêu của họ. Tất cả những người dân làng từ khắp nơi kéo về, có những người đã
đi bộ hơn 400Km để đến tham dự nghi thức tiễn biệt cha lần cuối. Những dòng
nước mắt khóc thương cho một người cha hiện thân của Tình Yêu và Hy Vọng; hiện
thân của Chúa Giêsu trong tâm hồn họ. Chính cha là người đã xoa dịu và chữa
lành bao vết thương nơi thể xác lẫn tâm hồn của những người dân đau khổ đang
sống tại một nơi nghèo nhất thế giới văn minh này.
Tại nơi đây, những người dân làng đơn sơ, chất phát đã khóc thương cha như khóc
thương người cha tinh thần của họ. Trong tâm hồn và trong trái tim của họ đã
không còn ranh giới giữa giàu sang và đói khổ, mà chỉ còn lại tình yêu và sự
đau xót nhớ thương. Họ đau đớn vì đã mất đi một con người đã đến sống và ở giữa
họ; đã yêu thương và trao tặng họ món quà vô giá của tình người. Họ đau đớn vì
đã không còn một niềm an ủi và hy vọng giữa cảnh sống nơi một xã hội mà họ đang
bị bỏ rơi một cách nghiệt ngã.
Cha
Gioan Lee Tae Suk không chỉ là một người cha, một linh mục mà cha đã là TẤT CẢ
của họ. Cha đã sống và đã rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu bằng chính cuộc đời
của cha. Cha là hiện thân của Chúa Giêsu trong lòng những người dân làng Tonj
tại Nam Sudan, nơi mà bản thân họ đang phải chịu đựng những tổn thương do bởi
một xã hội đầy rẫy những bất công và một thế giới tràn ngập những đau khổ tạo
ra… Cha đã gieo những hạt giống của Đức Tin và Tình Yêu trong tâm hồn những
người dân đau khổ và bất hạnh này. Sự ra đi của cha ở độ tuổi 48 khi Ngài còn
đang tha thiết muốn phục vụ và được phục vụ những người dân nghèo là một nỗi
đau và là sự mất mát không thể bù đắp nơi tâm hồn của những người dân làng Tonj
đầy bất hạnh này. Nhưng Niềm Tin mà cha đã gieo rắc và vun đắp trong trái tim và
tâm hồn của các trẻ em, nơi các người già yếu, bệnh tật, phong cùi, mù lòa v.v…
; Niềm Tin đó vẫn sống mãi trong lòng họ… Vì trong một thế giới đầy đầy bất
hạnh và bạo lực này, vẫn đang có những bàn tay và những tâm hồn của những người
môn đệ theo chân Chúa, những ngừời đang hy sinh cả cuộc đời để sống cho Tình
Yêu của Chúa, và mang Tình Yêu đó xoa dịu những vết đau và lau rửa những vết
thương trong tâm hồn và nơi thể xác của bao người bất hạnh.
Trong năm Đức Tin này, hy vọng mỗi người chúng ta cũng sẽ là những bàn tay nối
dài của Thiên Chúa. Những bàn tay của những tâm hồn được lớn mạnh trong Đức Tin
và được nuôi dưỡng trong Ân sủng của Ngài.
Thêm một trò bịp: Mỹ phẩm Stem Cells |
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.