Tháng
bảy năm ngoái, tôi sang California
dự cuộc hội thảo về Tự Lực văn đoàn. Phải nói ngay là cuộc hội thảo rất thành
công: Thứ nhất, hầu hết con cháu của các thành viên trong nhóm đều có mặt; thứ
hai, số người tham dự rất đông; và thứ ba, chất lượng các bài thuyết trình nói
chung rất khá. Cuộc hội thảo kéo dài hai ngày; đến những giờ cuối cùng của ngày
thứ hai, hội trường vẫn chật cứng người.
Tuy nhiên, điều gợi cho tôi nhiều suy
nghĩ nhất là sự vắng mặt của một số cây bút nổi tiếng trước năm 1975 vốn từng
gặp gỡ hoặc sinh hoạt chung với Nhất Linh thời ông làm tờ Văn Hoá Ngày Nay. Lý
do: Phần đông, đã lớn tuổi, sức khoẻ rất yếu. Chỉ có nhà văn Doãn Quốc Sỹ tham
dự, đọc một bài viết sẵn về nhạc phụ của ông, nhà thơ Tú Mỡ. Nhìn dáng đi lẩy
bẩy của Doãn Quốc Sỹ và nghĩ đến sự vắng mặt của nhiều người khác, kể cả nhà
văn Võ Phiến đang ở rất gần toà soạn Người Việt, nơi tổ chức cuộc hội thảo, tôi
ngậm ngùi nghĩ: một thế hệ nữa sắp sửa biến mất.
Ừ,
vậy thì làm.
Trong
việc chuẩn bị, công việc khó nhất là mời các thuyết trình viên. Hầu như ban tổ
chức đều đồng ý: ưu tiên mời các nhà văn và nhà thơ đã từng có công góp phần
tạo dựng nên nền văn học miền Nam
trước đây. Nhìn vào danh sách và tiểu sử in ở cuối cuốn “Văn học miền Nam, tổng
quan” của Võ Phiến, tôi thấy có gần 500 người. Nhiều. Nhưng nhìn lại những
người hiện đang sống ở hải ngoại, con số ít hẳn lại. Thư mời gửi đi, hồi âm
nhận được phần lớn rất buồn: rất ủng hộ cuộc hội thảo, nhưng sức yếu, lại bệnh,
không thể tham dự được. Đọc những bức email hồi âm như vậy, thú thật, tôi thấy
hiu hắt thế nào.
May,
con số những nhà văn, nhà thơ và nhà nghiên cứu nhiệt tâm với văn học miền Nam còn khá
nhiều. Phần lớn họ còn trẻ, trưởng thành sau năm 1975; cũng có một số người
lớn tuổi nhưng chỉ thực sự cầm bút sau 1975. Họ không tham gia vào sinh hoạt
văn học miền Nam
lúc trước. Họ không có những kinh nghiệm trực tiếp và cụ thể về những sinh hoạt
cũng như những quan hệ phức tạp giữa giới cầm bút với nhau cũng như giữa giới
cầm bút và chính quyền trong thời kỳ trước năm 1975. Điều đó có ảnh hưởng gì
đến nhận định của họ hay không? Câu trả lời, theo tôi, là: Không. Bởi, nghiên
cứu và phê bình văn học, người ta chỉ cần làm việc với tác phẩm chứ không phải
với tác giả. Không biết các giai thoại trong giới cầm bút có khi lại hay: Người
ta có thể tập trung hoàn toàn vào văn bản.
Cuối
cùng, con số thuyết trình viên cũng lên đến gần 20 người. Đề tài thuyết trình
khá phong phú và đa dạng. Có người đi tìm những đặc điểm chung của văn học miền
Nam (Du Tử Lê, Bùi Vĩnh Phúc và Trần Doãn Nho); vị trí của nó trong tiến trình
hiện đại hoá của văn học Việt Nam nói chung (Nguyễn Hưng Quốc); vấn đề xuất bản
và phát hành sách ở miền Nam (Phạm Phú Minh); ảnh hưởng của Tây phương trên một
số nhà văn và nhà thơ (Hoàng Ngọc-Tuấn); diện mạo của thơ trong những năm cuối
cùng của miền Nam (Nguyễn Đức Tùng), vai trò của nhóm Sáng Tạo (Trần Thanh Hiệp
và Trương Vũ); chính sách của nhà cầm quyền Việt Nam sau năm 1975 đối với văn
học miền Nam (Phùng Nguyễn); ảnh hưởng của văn học miền Nam đối với các thế hệ
trưởng thành sau năm 1975 (Trang đài Glassey-Trầnguyễn). Cũng có người đi vào
một số khía cạnh khác, như vấn đề nữ quyền (Trịnh Thanh Thuỷ), khái niệm mẹ và
di sản cho con trong một số tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu, Viên Linh, Nhã Ca,
Trùng Dương… (Đặng Thơ Thơ); vấn đề giới tính và chính trị trong tác phẩm của
Bình Nguyên Lộc (Đinh Từ Bích Thuý). Riêng nhà văn Ngự Thuyết thì sẽ trình bày
cảm nghĩ của ông đối với thơ Thanh Tâm Tuyền.
Tôi
không hề có ảo tưởng các bài thuyết trình ấy có thể trả lời mọi câu hỏi liên
quan đến đặc điểm cũng như các thành tựu của văn học miền Nam thời kỳ 1954-1975. Không có
cuộc hội thảo nào có thể làm được việc đó. Đánh giá một thời kỳ văn học là công
việc thuộc nhiều thế hệ, thậm chí, nhiều thời đại khác nhau. Tuy nhiên, tôi
tin, một cuộc hội thảo nghiêm túc sẽ thu hút sự chú ý của mọi người, trong cũng
như ngoài nước, để mọi người nhớ, trước đây, chúng ta đã từng có một thời kỳ
văn học rất khởi sắc, có những thành tựu rất đáng tự hào. Nền văn học ấy từng
bị chính quyền mới sau năm 1975 tìm mọi cách để xuyên tạc, bôi nhọ và huỷ diệt
nhưng, sau gần 40 năm, nó vẫn còn đầy sức sống. Vẫn được nhiều người ngưỡng mộ.
Và nhớ.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.