Bí quyết để thành công thật ra là rất đơn giản.
Từ kinh nghiệm của chính bản thân tôi có được qua việc phỏng vấn những nghệ sỹ, nhà văn và các doanh nghiệp sáng tạo hết sức thành công, tôi đã nhận thấy rằng một trong những câu trả lời thường gặp nhất cho câu hỏi làm thế nào mà họ làm việc có năng suất đến như vậy là: "À, tôi không có cuộc sống xã hội."
Mất thời gian
Là một người làm việc tự do và làm việc ở nhà một mình trong khi người bạn chung nhà của tôi mỗi ngày đều ra khỏi nhà để đi làm, tôi cho rằng duy trì một đời sống xã hội năng động là một nhu cầu căn bản của con người. Vậy mà khi mà trong đầu tôi chợt suy nghĩ rằng tôi đã mất thời gian nhiều thế nào để giao tiếp xã hội thì tôi đã nhận ra rằng có lẽ tôi đã đi quá xa.
Tôi tính toán rằng, trung bình mỗi tuần tôi dành đến 22 tiếng đồng hồ trở lên để kết giao với bạn bè. Do đó, để xem điều gì sẽ xảy ra với năng suất làm việc, sức khỏe thể chất và tâm lý của mình, tôi đã quyết định cố gắng cắt đứt toàn bộ các giao tiếp xã hội.
Tôi biết rằng có những lúc, tôi ghi việc gì đó vào thời gian biểu của mình do nỗi sợ bỏ lỡ nó - tức là tôi không thể nói không - nhưng đó cũng là một cách để len lén để công việc lại để làm sau và chuyển trọng tâm ra khỏi công việc.
Trong một tháng trời, tôi từ chối tất cả mọi hoạt động gặp gỡ trực tiếp với bạn bè như đi uống bia, đi cà phê nói chuyện, đi ăn tối, tiệc tùng hay các sự kiện không có liên quan đến công việc để xem liệu nó có giúp cho tôi làm việc có năng suất hơn, cải thiện sự tập trung và nâng cao triển vọng công việc hay không.
Ba mươi mốt ngày sau
Vào ngày đầu tiên của quyết tâm dài một tháng, tôi đã phải đối diện với nỗi lo lắng kinh niên rằng mình sẽ bỏ lỡ việc gì đó. Đối với tôi, nỗi sợ bỏ lỡ thường xuất phát từ sự chi phối của chọn lựa - khi mà tôi có một vài lựa chọn hấp dẫn cho đêm thứ Bảy thì làm sao tôi có thể biết được mình sẽ có quyết định đúng?
Nhưng khi thời gian trôi qua, nỗi sợ bỏ lỡ bắt đầu cùng chìm xuống và tôi bắt đầu thư giãn. Tôi chỉ còn có một chọn lựa duy nhất cho tối thứ Bảy - đó là ở nhà - và sự thiếu lựa chọn này khiến tôi hài lòng hơn với quyết định của mình. Tôi thường sỉ vả mình nếu tôi ở nhà vào tối thứ Sáu hay rời một sự kiện quá sớm, nhưng trong suốt thời gian này tôi cảm thấy hài lòng khi tập trung vào công việc, đọc sách hay xem kênh Netflix thay vì suy nghĩ về những việc khác mà tôi có thể làm.
Một thời gian biểu không có các hoạt động vui chơi cũng cho phép tôi tập trung sâu hơn cho công việc (điều mà ông Cal Newport, giáo sư khoa học máy tính, định nghĩa là khả năng tập trung không bị phân tâm trong một công việc đòi hỏi khả năng trí óc cao độ). Không còn bị phân tâm nữa bởi những gì tôi có thể làm hay những hoạt động vui chơi gì mà những người khác đang vui vẻ, tôi đã có thể xây dựng được những thời gian biểu tập trung cho công việc vào những lúc mà trước đây tôi thường dùng để gặp bạn bè, chẳng hạn như dành tối thứ Sáu làm các công việc hành chính hay sáng thứ Bảy viết bài trong một quán cà phê.
Đón nhận sự buồn tẻ
Mặc dù tôi có nhiều thời gian hơn để làm việc, tôi cũng nhận thấy sức khỏe và sự an lạc nói chung của mình đã có sự thay đổi. Tôi dành thời gian nấu nướng nhiều hơn ở nhà, tập thể dục hàng ngày, đi ngủ sớm hơn vào mỗi đêm, đọc sách và tận hưởng những khoảnh khắc nghỉ ngơi và buồn tẻ cả ngày.
Ngay cả khi tôi tìm được niềm vui mới trong việc nấu nướng, việc cắt đứt giao tiếp xã hội khiến tôi có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn tôi tưởng cũng như đem đến cho tôi sự buồn tẻ và cô độc mà thường được gắn với 'không làm gì cả'.
Tôi bắt đầu thấy thích cảm giác không làm gì cả và tận hưởng những khoảnh khắc cô độc. Tôi bước ra đi dạo vòng vòng, ngồi tại các quán nước không có công nghệ gì và tôi cảm thấy mình mơ tưởng nhiều hơn vì tôi không còn cố gắng lấp đầy những khoảng trống trong thời gian biểu của mình nữa.
Những lúc rảnh rỗi như vậy thật sự rất quan trọng cho sự sáng tạo, và việc suy nghĩ mông lung đã được xem là có liên hệ với khả năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo. Khi đầu óc của bạn có thể suy nghĩ vẩn vơ thì nó sẽ tìm đến những ký ức, cảm xúc và những mảng kiến thức tích lũy bất kỳ trong đầu, Amy Fries, tác giả của cuốn: "Mơ tưởng trong công việc: Đánh thức Năng lực sáng tạo của bạn", giải thích.
Trong suốt quá trình thí nghiệm, tôi thấy mình thường xuyên nghĩ ra được những ý tưởng mới và định hình lại những dự án hiện tại.
Để đầu óc nghỉ ngơi
Không làm gì cả cũng tạo năng lượng cho bạn nhiều như khi bạn giao tiếp với bạn bè, và thực ra điều đó là cần thiết để tiếp thêm năng lượng, ông Pedro Diaz, giám đốc điều hành của Viện Sức khỏe Tâm lý nơi Công sở ở Sydney, cho biết.
Đã có công trình nghiên cứu chứng minh cho luận điểm của ông: một nghiên cứu hồi năm 2016 với 48 người tham gia đã kiểm tra tình trạng tâm lý, trạng thái, sự mệt mỏi và căng thẳng của họ trong khoảng thời gian 12 ngày đã nhận thấy rằng những hoạt động hướng ngoại giúp nâng cao tâm trạng và năng lượng của họ - tuy nhiên sự hướng ngoại này cũng đưa tới tình trạng mệt mỏi cao độ sau ba tiếng đồng hồ. Mặc dù nghiên cứu trên một phạm vi nhỏ, nó chứng minh quan điểm rằng hoạt động tập trung - cho dù là giao tiếp xã hội, làm việc hay học tập - đều có hậu quả của nó.
Kết luận này đặt ra một câu hỏi quan trọng - có lẽ không phải mức độ giao tiếp xã hội hay cường độ công việc mới khiến cho chúng ta kiệt sức mà là do thiếu nghỉ ngơi đúng mức.
"Chúng ta không coi trọng đúng mức việc được ở một mình và phần lớn chúng ta thậm chí còn không biết cần làm gì để giúp cho đầu óc và hệ thần kinh của họ được nghỉ ngơi," Diaz nói.
Trong một xã hội mà sự bận rộn được xem như là chiếc phù hiệu danh dự, sẽ là khó để nhận ra liệu việc có ít đời sống xã hội có phải là hậu quả tất yếu của công việc bận rộn hay là một cách để thể hiện cho người khác thấy mình có tầm quan trọng hay không.
"Khi bạn ra chỉ dấu cho thấy bạn bận rộn, thì thực chất bạn muốn nói với người khác rằng bạn có địa vị cao và quan trọng - không phải chỉ vì những thứ bạn đeo hay bạn mặc mà còn bởi vì bạn là người rất được trọng dụng và ai cũng cần bạn cả," Silvia Bellezza, đồng tác giả của một nghiên cứu của Trường Kinh doanh Harvard vốn cho rằng cuộc sống tối mặt tối mũi với công việc chứ không phải cuộc sống nhàn nhã mới trở thành biểu tượng của địa vị xã hội được khao khát.
Nguy cơ của việc không có bạn bè
Tác động tích cực của việc không giao tiếp với bạn bè - chẳng hạn như suy nghĩ rành mạch hơn và cảm giác được tiếp thêm năng lượng - có thể là nỗi quan ngại nếu bạn tiếp tục bị cách ly trong cái vỏ ốc của bản thân ở nhà trong thời gian quá lâu.
Đối với nhiều người làm việc trong môi trường công sở, giao tiếp xã hội là một những thành tố quan trọng nhất của công việc và những người có 'bạn thân' trong công việc sẽ có khả năng tập trung hoàn toàn vào công việc nhiều gấp bảy lần. Tình bạn nơi công sở cũng sẽ tạo ra mục đích chung và một mạng lưới xã hội hỗ trợ vốn sẽ giúp dẫn đến thăng tiến cũng như những lời khuyên trong công việc.
Đương nhiên, giao lưu ngoài giờ làm việc cũng là một cách quan trọng để xây dựng các mối quan hệ trong công việc. Mặc dù một tháng cắt đứt các mối quan hệ xã hội không ảnh hưởng đến mối quan hệ của tôi với các khách hàng hiện tại, nhưng nếu tôi tiếp tục kéo dài hơn nữa thì tôi có thể làm giảm khả năng tạo dựng quan hệ với các khách hàng mới.
Làm và chơi
Thay vì cố gắng đạt được một sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc, sẽ tốt hơn nếu chúng ta tìm cách đưa đời sống xã hội của mình vào trong công việc. Điều xảy ra đối với tôi là có lẽ bí quyết để có một sự nghiệp thành công
Ellen Galinsky, đồng sáng lập Viện Gia đình và Công việc, đã phát hiện rằng những người lưỡng cực - tức là có nhiều hơn một mối quan tâm hay sự tập trung với mức độ ưu tiên ngang nhau - là những người nhìn chung hài lòng với cuộc sống của mình nhất.
"Chúng tôi đã thấy những người lưỡng cực khỏe mạnh hơn, làm việc tốt hơn cũng như nghỉ ngơi tốt hơn,"
Galinsky cho biết. "Nếu bạn chỉ tập trung vào một việc trong cuộc sống và nếu bạn làm sai điều gì đó thì thật là thảm họa. Còn nếu bạn có mối quan tâm khác mà cũng quan trọng đối với bạn - đó có thể là cái gì đó sáng tạo, chơi một môn thể thao, hoạt động cộng đồng hay có một nhóm bạn - thì nhìn tổng thể bạn sẽ có kết quả tốt hơn."
Trong quá trình thí nghiệm, tôi không hề chỉ là dành thời gian rảnh rỗi mà tôi mới có được để làm thêm việc mà tôi hoạt động theo cách lưỡng cực. Tôi có thể sắp xếp thêm nhiều thời gian làm việc tập trung hơn, nhưng đồng thời tôi cũng hướng về những hoạt động mà trước đây tôi không hề quan tâm như tập thể hình, tập chơi đàn piano và ngồi thiền.
Tôi đã rút ra được rằng tôi không thể nào hoàn toàn cắt đứt một khu vực trong cuộc sống của tôi để thúc đẩy khu vực khác - liên hệ với con người có mối quan hệ mật thiết với công việc chúng ta và giúp chúng ta đương đầu với những thăng trầm không thể tránh khỏi trong cuộc sống.
Madeleine Dore
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.