Somaliland, một nước cộng hòa tuyên bố tự trị ở Đông Phi, là quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng tỷ lệ mù chữ cao và nền kinh tế bị tàn phá sau nội chiến.
Nhưng nơi này có thể trở thành một trong những xã hội đầu tiên trên Trái Đất không còn sử dụng tiền.
Một nhóm người tụ tập vòng quanh một trong những căn lều bằng gỗ đầy màu sắc trên một con đường lớn ở Hargeisa, Somaliland, la hét và tranh luận chất lượng của lá khat - một loại ma túy nhẹ giống với cà phê và cocaine - mà họ vừa được người bán hàng vội vã trao tay.
Khách hàng đến và đi, túm lấy từng bó lá xanh loại cây hợp pháp này, vốn được xem là đủ tốt, sau đó họ nhập các con số vào điện thoại và mau lẹ chuồn đi nhanh như khi xuất hiện.
"Chúng tôi cần phải làm mọi thứ thật nhanh, và trả tiền mặt ở đây thì chậm quá," Omar, một người bán lá khat cho biết khi ông nhai loại lá màu xanh này. "Mọi người an tâm hơn nếu họ có thể mua lá khat thật nhanh."
Không có món tiền mặt nào được trao đổi, và cũng không ai thấy có tấm thẻ tín dụng nào. Nhưng khách hàng không được phát lá khat miễn phí, họ trả tiền bằng cách sử dụng điện thoại di động, chuyển tiền trên con đường đầy bụi ở Somali chỉ vài giây với thêm chút chi phí từ điện thoại di động và vài con số.
Đất nước Somaliland không có nhiều thứ dẫn đầu thế giới, nhưng chi trả không xài tiền mặt có lẽ là một trong những thứ họ đang tiên phong.
Không ai xài tiền mặt
Quốc gia tuyên bố tự trị này đã tách ra từ Somalia từ năm 1991 nhưng vẫn chưa được cộng đồng quốc tế công nhận. Nơi đây trở thành một trong những quốc gia đầu tiên sử dụng cách chi trả không dùng tiền mặt.
Dù trong một căn lều bên đường hay siêu thị ở thành phố Hargeisa, chi trả qua điện thoại nhanh chóng đã trở thành chuẩn mực của quốc gia này.
"Hầu hết mọi người giờ đều chi trả qua điện thoại," Omar nói, trong lúc ông đang chuyển tiền từ điện thoại ở tay kia. "Như vầy dễ dàng hơn nhiều."
Trong khi các quốc gia phát triển và đang phát triển đang dần chuyển qua thanh toán không dùng tiền mặt bằng điện thoại hoặc các loại thẻ contacless, tức loại thẻ chỉ cần chạm vào máy đọc thay vì phải cắm thẳng vào khe của máy đọc thẻ, thì động cơ khiến Somaliland chọn phương thức thanh toán này là hoàn toàn độc đáo.
Việc chuyển dần sang không xài tiền mặt một phần vì tình trạng mất giá rất nhanh của đồng shilling của Somaliland, đồng tiền từ nước cộng hoà ly khai này giờ đây có tỷ giá trao đổi 1 đô la Mỹ ăn 9.000 shilling. Vài năm trước, tỷ giá chỉ bằng một nửa con số này.
Somaliland tách ra từ Somali từ năm 1991 khi cuộc nội chiến tàn khốc ở quốc gia này bắt đầu - xung đột kéo dài trong nhiều hình thức khác nhau đến tận ngày nay.
Đồng tiền shilling cũng bắt đầu rơi vào tình trạng hỗn loạn. Được đưa vào sử dụng năm 1994, đồng shilling được coi như vũ khí tài chính và chiến tranh trong khu vực chống lại các nhóm vũ trang, và sau đó đồng tiền này được in theo yêu cầu của các quan chức với mục đích chính trị sâu xa hơn trong nước cộng hòa ly khai, dẫn đến tình trạng mất giá liên tục của đồng tiền này theo từng năm.
Với mệnh giá tiền phổ biến nhất là 500 và 1.000, việc trả tiền mua vài món thực phẩm có thể cần đến một xấp tiền giấy, trong khi đó một trao đổi trung bình có thể phải cần đến một túi đầy tiền.
Với những người làm nghề đổi tiền từ đô la Mỹ và euro sang đồng shilling trên phố, xe cút kít thường được dùng chuyển hàng đống tiền giấy từ con đường này qua đường khác.
Với thực tế là không có ngân hàng nào được công nhận ở tầm quốc tế, không có hệ thống ngân hàng chính thức và máy ATM vẫn còn là một ý tưởng kỳ lạ, hai công ty tư nhân có tên Zaad thành lập năm 2009 và công ty mới hơn tên e-Dahab - đã lấp vào khoảng trống bằng cách thiết lập nền kinh tế ngân hàng qua điện thoại, nơi tiền được gửi qua các công ty và lưu trữ trên điện thoại, giúp người ta có thể mua bán hàng hóa thông qua các con số đã được cá nhân hóa.
"Để mua một trong những món hàng này bằng tiền shilling, bạn sẽ cần từ một đến hai triệu!" Ibrahim Abdulrahman, một nhân viên bán hàng 18 tuổi ở một hiệu trang sức cho biết, khi cậu chỉ vào vào một chiếc dây chuyền vàng nhỏ, nhẹ nhàng cười vào ý tưởng nếu có ai đó muốn mua nó bằng tiền địa phương.
"Để mua một trong những món hàng này bằng tiền shilling, bạn sẽ cần từ một đến hai triệu!" Ibrahim Abdulrahman, một nhân viên bán hàng 18 tuổi ở một hiệu trang sức cho biết, khi cậu chỉ vào vào một chiếc dây chuyền vàng nhỏ, nhẹ nhàng cười vào ý tưởng nếu có ai đó muốn mua nó bằng tiền địa phương.
"Một người không thể nào mang chừng đó tiền - quá nhiều đi. Bạn sẽ cần phải có một túi để vác tiền đi," cậu nói tiếp và diễn tả bằng cả hai tay. "Chúng tôi không bao giờ nhận tiền shilling Somaliland nữa, chỉ nhận đồng đô la và chi trả qua điện thoại thôi."
Từ những cửa hàng gạch vữa trên đường Hargeisa đến những người bán hàng rong ngồi trên những thùng gỗ cũ trên những con đường mịt mù bụi ở thôn quê miền đông nước này, tiền mặt ngày dần bị gạt ra bên lề khi nhiều người chọn cách mua sắm không dùng tiền mặt.
Ở một quốc gia với tỷ lệ mù chữ cao, sự đơn giản và hiệu quả đã giúp công nghệ bùng nổ. Việc chi trả cần thêm một chút hơn là gõ vài con số với một mã dành riêng cho từng người bán hàng. Những mã số xuất hiện ở khắp nơi, được in thô sơ trên mặt thùng thiếc hoặc ở các quầy hàng, và được in theo cách đắt tiền hơn, in ra, ép nhựa và treo nổi bật trên tường trong cửa hàng. Người ta không cần có internet vì thế thậm chí chỉ cần dùng loại điện thoại thô sơ nhất, người sử dụng vẫn có thể chuyền tiền từ tài khoản ngân hàng di động này đến tài khoản khác bằng cách gõ số và mã, đơn giản như khi ta muốn nạp tiền điện thoại.
"Đó là chỉ mới từ hôm nay," Eman Anis, một người bán hàng vui vẻ ở khu bán vàng sôi động trong thành phố Hargeisa cho biết, khi bà cho thấy con số hơn 2.000 đô la Mỹ trên điện thoại. Bà cho biết chi trả qua điện thoại đã tăng từ 5% hai năm trước lên đến mức hơn 40% như hiện nay.
"Sử dụng điện thoại dễ dàng hơn, tỷ giá tiền là một vấn đề, nhưng giờ đây chúng tôi có thể làm mọi thứ qua Zaad," Anis nói và đề cập đến công ty cung cấp dịch vụ chi trả di động nổi tiếng nhất. "Giờ đây thậm chí ăn mày còn xài Zaad."
Dù một số ý bà nói chưa thật chuẩn lắm, thì vẫn có một số sự thật trong đó. Hệ thống chi trả không chỉ giúp cho thương nhân và người tiêu dùng dễ dàng hơn, nó còn khiến cuộc sống của một số người nghèo nhất tốt hơn.
Giúp người nghèo sống sót?
Khi Somaliland bị hạn hán nặng nề vài năm qua và đời sống nông nghiệp của hàng trăm ngàn người bị hủy hoại nặng nề, công nghệ chi trả qua điện thoại đã giúp người dân Somaliland ở thành thị nhanh chóng gửi tiền về cho những họ hàng nghèo khó và đói khổ của họ.
"Vì trận hạn hán, chúng tôi không có gì để bán và không có tiền, nhưng những người trong gia đình đã gửi tiền giúp đỡ," Mahmoud Abdulsalam, một người chăn lạc đà phải di dời đi vì trận hạn hán cho biết từ khu vực Haaro ở tây Somaliland cho biết. "Thậm chí ở nông thôn chúng tôi cũng dùng tiền qua điện thoại di động."
Với người bán hàng giờ đây báo cáo cho biết giao dịch qua ngân hàng di động đã tăng từ 10 - 20% hồi một năm về trước lên gần 50% hiện nay, công nghệ nhanh chóng trở thành phương thức giao dịch được yêu thích ở đất nước Somaliland bé nhỏ, nơi có nền kinh tế cực kỳ nhỏ và lạc đà là sản phẩm xuất khẩu quan trọng nhất. Ở Somaliland, một số công ty bắt đầu chi trả qua điện thoại.
Nghiên cứu được thực hiện trong suốt năm 2016 nhận thấy 88% người Somali từ tuổi 16 sở hữu ít nhất 1 SIM điện thọai, với 81% người Somaliland sống ở đô thị, và 62% sống ở nông thôn sử dụng dịch vụ chuyển tiền qua điện thoại.
Với sự phổ biến của điện thoại di động rẻ tiền tại lục địa này, các quốc gia châu Phi khác như Ghana, Tanzania, và Uganda đang chứng kiến một cuộc cách mạng tiền tệ qua điện thoại di động tương tự như ở Somaliland.
Trong đó công ty có tên là M-Pesa với mô hình hoạt động giống như Zaad ở Kenya, được cho là sẽ được khoảng một nửa dân số nước này sử dụng.
Tuy nhiên, không phải ai cũng vui vẻ với cuộc thay đổi từ bỏ tiền mặt này.
Không tiền vẫn tham nhũng?
Có những đồn đoán về tham nhũng và quan ngại với việc thiếu quy định khi hai công ty tư nhân đã dồn khu vực ngân hàng di động vào đường cùng và tiếp tục có ảnh hưởng không thể kiểm soát được trong nền kinh tế vốn dĩ đã rất mong manh.
Đây là nền kinh tế bị tác động vì tham nhũng trong chính phủ và phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu gia súc, tồn tại trong khu vực hạn hán thường xảy ra và hiện tượng gia súc chết hàng loạt xảy ra cứ vài tháng một lần.
Khi dịch vụ ngân hàng di động ở các quốc gia khác sử dụng tiền tệ địa phương, thì tại Somaliland cả hai công ty đều hoạt động chủ yếu dựa vào đồng đô la Mỹ, và điều này càng khiến cho vùng tự trị ở Đông Phi này càng trở nên lệ thuộc vào đồng đô la.
Với đầy những xấp tiền giấy shilling của Somaliland và hàng chồng tiền xếp sát vào tường trên đường phố, những người đổi tiền ở nước cộng hòa ly khai này như ông Mustafa Hassan cho biết không chỉ có ngành kinh doanh của họ bị ảnh hưởng mà cả hệ thống chi trả qua điện thoại cũng bị tham nhũng, gây ra lạm phát, và tạo ra nền kinh tế bất hợp pháp thu nhỏ bên trong hệ thống của chính nó.
"Chúng tôi trông đợi chính phủ hoặc là ra quy định hoặc ngăn chặn nó [việc chi trả qua điện thoại], vì có rất nhiều vấn đề với việc chuyển tiền qua điện thoại. Tiền đó do hai công ty kiểm soát và cứ như thể là họ chỉ cần in tiền," Hassan nói, khi những người khác chuyên kinh doanh đổi tiền tụ tập quanh ông và gật đầu đồng thuận.
"Nó gây ra lạm phát. Mọi người lẽ ra sẽ có tiền trong túi giờ đây đang sử dụng ngân hàng di động, thậm chí chỉ để làm những việc nhỏ như đi xe bus và không có đồng nào là tiền tệ địa phương, nó là đồng đô la."
Mặc dù vậy, Hassan vẫn phải miễn cưỡng sử dụng hệ thống ngân hàng qua điện thoại di động, với những khách hàng có thể gửi trực tiếp tiền đô la cho ông và sau đó ông đổi thành đồng shilling trên phố.
"Ta thấy đó, nó khiến mọi thứ dễ dàng, một người có thể chuyển tiền cho tôi dễ dàng và nhanh chóng," ông thừa nhận. "Một xã hội không dùng tiền mặt có thể khả thi ở đây - và nó đã bắt đầu theo lộ trình đó. Điều này có nghĩa thế nào với những người làm nghề đổi tiền như tôi, tôi không rõ. "
Khi những người Somaliland vẫn tiếp tục chấp nhận công nghệ và những tác động của nó với nền kinh tế, thì những người chuyên nghề đổi tiền như Hassan có thể hy vọng rằng ít nhất thì vẫn có một số người không cảm thấy thuyết phục cho lắm về công nghệ này.
"Nó là ngân hàng trong túi bạn. Nó có thể bị lấy trộm. Tôi thường sử dụng tiền mặt, với tất cả mọi thứ,"
Abdullah, một người lớn tuổi cho hay ông đứng ngoài như một người dị thường tại quầy bán lá khat vì ông trả bằng tiền mặt thay vì trả qua điện thoại.
"Tôi không biết liệu tôi có bao giờ chuyển sang dùng điện thoại không," ông đáp lời khi đang vội đi, về hướng một con đường bận rộn gần đó khi còi xe réo ồn ã xua đuổi mọi người dạt vào lề.
Mathew Vickery
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.