Nhiều trẻ em là nạn nhân của cuộc chiến: từ 2013, gần 1/4 số người thiệt mạng được cho là trẻ em.
Những gì bắt đầu bằng các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Syria hồi tháng 3/2011 đã leo thang thành một cuộc nội chiến tàn bạo với sự tham gia của các thế lực trong khu vực và quốc tế.
Theo ước tính của tổ chức phi chính phủ Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Syria (SCPR), cuộc xung đột này đã làm từ 353.593 đến 498.593 người thiệt mạng từ tháng 3/2011 đến tháng 3/2018.
Tuy nhiên, con số tử vong trên thực tế còn có thể cao hơn vì có khó khăn tiếp cận một số vùng ở Syria, cũng như tính xác thực của số liệu do các bên khác nhau cung cấp.
Cuộc nội chiến bắt đầu năm 2011 và đến giờ chưa thấy hồi kết.
Cơ quan Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) nói năm triệu người đã rời khỏi Syria.
Các cuộc không kích gần đây của Mỹ, Anh và Pháp nhắm vào các vị trí của chính phủ Syria làm căng thẳng dâng cao hơn nữa.
Các chính phủ phương Tây cáo buộc Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã dùng vũ khí hóa học tấn công dân thường, điều mà chính phủ Syria và Nga, đồng minh chính của họ, phủ nhận.
Dưới đây là tóm tắt những gì diễn ra ở Syria trong bảy câu hỏi.
1. Tình hình ở Syria ra sao trước khi có cuộc xung đột?
Thành phố Homs, một trong những căn cứ chính của phe đối lập, bị tàn phá nặng nề
Trước khi cuộc xung đột vũ trang diễn ra, đã có những người Syria lên tiếng chỉ trích chính phủ của Tổng thống Assad, đặc biệt là về tình trạng thất nghiệp cao, tham nhũng trong cán bộ nhà nước và thiếu tự do chính trị.
Vào tháng 3/2011, lấy cảm hứng từ các cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả rập đang diễn ra trong khu vực, một nhóm thanh thiếu niên vẽ các khẩu hiệu chống chính phủ trên tường một trường học ở thành phố Deraa miền Nam Syria. Họ đã bị lực lượng an ninh bắt và tra tấn.
Vụ việc này châm ngòi cho các cuộc biểu tình trên khắp Syria. Các lực lượng chính phủ đàn áp tàn bạo các cuộc biểu tình, trong đó có việcsĩ quan an ninh bắn súng vào dân thường.
Căng thẳng lên đỉnh điểm và thêm nhiều người xuống đường đòi Tổng thống Assad từ chức.
2. Xung đột trở thành nội chiến ra sao?
Sự ủng hộ của Putin đã làm thay đổi vận may của Tổng thống Assad
Để đáp lại việc chính phủ đàn áp mạnh tay các cuôc biểu tình, các phe nhóm đối lập bắt đầu trang bị vũ trang.
Tổng thống Assad thề sẽ "nghiền nát" cái mà ông gọi là "chủ nghĩa khủng bố do các lực lượng bên ngoài tài trợ."
Tình trạng bạo lực nhanh chóng gia tăng, trong khi hàng trăm phe nhóm nổi dậy hình thành trên khắp đất nước để chiến đấu chống lại quân chính phủ và kiểm soát các thị trấn và làng mạc.
Năm 2012, cuộc chiến lan tới thủ đô Damascus và Aleppo, thành phố lớn thứ hai ở Syria.
Tới thời điểm này, cuộc xung đột đã không chỉ là trận chiến giữa chính phủ và phản quân.
Nó đã nhuốm màu sắc tôn giáo, đưa người Hồi giáo Sunni, chiếm đa số dân Syria, chống lại người thiểu số Alawite, trong đó có gia đình Tổng thống Assad.
Người Alawite, về mặt giáo lý là gần hơn với người Hồi giáo Shia, kiểm soát bộ máy chính phủ ở Syria.
Điều này kéo các thế lực trong khu vực vào cuộc, làm phức tạp thêm tình hình với các liên minh đối đầu tranh chấp về tương lai của Syria.
Tháng 6/2013, một báo cáo của LHQ ước tính số người chết ở vào khoảng 90.000 người.
3. Ai đánh nhau với ai?
Liên minh do Mỹ dẫn đầu ném bom vào các địa điểm của Nhà nước Hồi giáo
Các lực lượng nổi dậy có vũ trang đã lớn mạnh nhiều kể từ khi bắt đầu cuộc chiến.
Phe đối lập trung hòa về tôn giáo mất lãnh thổ cho các nhóm cực đoan và các nhóm jihad, trong đó có cả cái gọi là Nhà nước Hồi giáo và Mặt trận Nusra, cả hai đều có liên hệ với tổ chức al-Qaeda.
Các binh sỹ IS tạo ra một "cuộc chiến trong một cuộc chiến", đánh lại cả lực lượng nổi dậy ôn hòa và Mặt trận Nusra.
Tuy nhiên, hiện nay nhóm IS bị khống chế về lãnh thổ, và chỉ có khả năng gây một số cuộc tấn công thi thoảng.
Ngoài ra còn có khía cạnh dân tộc thiểu số trong cuộc xung đột này, liên quan đến người thiểu số Kurd ở Syria, những người muốn thành lập vùng lãnh thổ do họ kiểm soát ở miền Bắc Syria.
Trong cuộc chiến chống lại IS, Mỹ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người Kurd. Để đổi lại, Mỹ hỗ trợ vũ khí và các cuộc không kích cho các lực lượng của người Kurd.
Năm 2015, Nga bắt đầu chiến dịch ném bom để giúp chính phủ Assad, sau một loạt các thất bại mà quân chính phủ Syria gánh chịu.
Sự hỗ trợ của Nga, cùng với hỗ trợ dưới mặt đất từ phong trào Hezbollah của Lebanon được Iran ủng hộ, đã làm thay đổi tình thế cho lực lượng của Tổng thống Assad.
Thắng lợi lớn nhất cho Tổng thống Assad, do Nga hỗ trợ, là chiếm lại quyền kiểm soát thành phố Aleppo vào tháng 12/2016, nơi từng là căn cứ lớn của phản quân.
4. Các thế lực quốc tế còn tham gia như thế nào nữa?
Nhà nước Hồi giáo lợi dụng cuộc chiến ở Syria để thành lập một "vương quốc" ở Raqqa, nhưng nay đã mất phần lớn lãnh thổ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói hàm ý trong chiến dịch tranh cử rằng cuộc chiến ở Syria không phải là một trong những ưu tiên của chính phủ ông.
Thay vào đó, chính quyền của ông tập trung vào chiến đấu chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS).
Nhưng sau khi có nghi ngờ về một cuộc tấn công hóa học ở thị trấn Khan Shaykhun do quân nổi dậy kiểm soát hồi tháng 4/2017, Tổng thống Trump ra lệnh cho một cuộc tấn công dùng tên lửa hành trình vào một căn cứ không quân Syria.
Đây là hành động quân sự trực tiếp đầu tiên của Mỹ chống lại lực lượng do Tổng thống Bashar al-Assad chỉ huy.
Không có con số chính xác về số thương vong ở Syria
Sau đó một năm, ngày 14/4/2018, Washington thực hiện một cuộc không kích khác, cùng với Pháp và Anh, để phản ứng lại một vụ tấn công vũ khí hóa học vào dân thường ở Douma, ngoại ô Damascus, nơi thuộc quyền kiểm soát của phe nổi dậy lúc đó.
Mặc dù cuộc ném bom mới nhất được mô tả là "vụ tấn công qua đêm", ông Trump đe dọa sẽ tiếp tục có hành động quân sự "nếu chính phủ Syria dùng vũ khí hóa học trong tương lai".
Tuy nhiên, thế lực có ảnh hưởng lớn nhất trên mặt đất lại không phải là Mỹ, mà là chính phủ Nga, vốn ủng hộ Tổng thống Assad.
Việc tồn tại của tổng thống Syria được điện Kremlin coi là điều cốt lõi để duy trì lợi ích của Moscow ở Syria và khu vực.
Syria là nơi có căn cứ hải quân và không quân của Nga.
Iran, quốc gia có đa số dân là người Hồi giáo Shia, cũng là đồng minh thân cận của Tổng thống Assad.
Lực lượng Hezbollah đã cử hàng ngàn chiến binh tới Syria để ủng hộ quân chính phủ.
Có ước tính rằng thủ đô Tehran của Iran đã chi hàng tỷ đô la để hỗ trợ cho quân đội của Tổng thống Assad.
Các phe phiến quân nhận được trợ giúp của các nước phương Tây.
Mặt khác, Ả rập Saudi, đối thủ chính của Iran ở Trung Đông, đã gửi viện trợ quân sự và tài chính cho phe phiến quân, trong đó có các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Các phe nhóm nổi dậy chống lại lực lượng của ông Assad cũng đã nhận được sự trợ giúp ở nhiều mức độ khác nhau từ các nước khác trong khu vực như Qatar và Jordan.
Thổ Nhĩ Kỳ, nước láng giềng của Syria, cũng hỗ trợ các nhóm phiến quân chống lại tổng thống Assad của Syria.
Tổng thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ gọi Tổng thống Assad là một "tên khủng bố" và thường kêu gọi lật đổ ông.
Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng có những lo ngại khác về Syria. Ankara không thoải mái với chuyện người Kurd ở Syria có thắng lợi về chính trị và lãnh thổ trong cuộc xung đột này.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chống lại PKK, một nhóm ly khai của người Kurd, hoạt động ngay trong lãnh thổ nước này suốt mấy thập kỷ qua.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ giờ lại chống nhóm người Kurd ở Syria, những người mà họ cáo buộc là đồng minh của PKK.
Và cuối cùng, Israel cũng tham gia vào xung đột ở Syria.
Israel cũng ngày một lo ngại về ảnh hưởng quân sự ngày càng tăng của Iran ở Syria và đã tiến hành các cuộc không kích nhắm vào các mục tiêu của Iran và Syria. Đây là một bằng chứng thêm cho thấy cuộc xung đột ở Syria đang trở thành một "cuộc chiến tranh đại diện" cho các đối thủ trong khu vực.
5. Vì sao cuộc chiến kéo dài đến vậy?
Một phần ba người dân Syria giờ sống dưới mức nghèo.
Một nhân tố quan trọng là sự tham gia của các thế lực nước ngoài.
Sự ủng hộ về quân sự, tài chính và chính trị và mà chính phủ Syria và các lực lượng phiến quân tiếp tục nhận được từ các thế lực địa chính trị đối đầu đã trực tiếp góp phần làm kéo dài và leo thang cuộc chiến.
Các nhà quan sát cũng chỉ ra rằng sự can thiệp của các thế lực nước ngoài đã châm ngòi cho thù địch tôn giáo tại một quốc gia từng là ôn hòa tôn giáo trước đây.
Sự chia rẽ về tôn giáo giữa các lực lượng của người Sunni và người Alawite dẫn đến nhiều thảm họa mà cả hai bên gây ra cho nhau.
Khi nhiều mạng sống mất đi và các cộng đồng bị tàn phá, hy vọng cho một giải pháp hòa bình cũng tàn lụi.
6. Hậu quả của chiến tranh tới giờ là gì?
Bé mồ côi 5 tháng tuổi Syria gặp lại bác sĩ tình nguyện người Anh đã mổ cứu sống bé
Không có con số chính xác về thương vong, nhưng Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Syria, một cơ quan nghiên cứu độc lập, ước tính số người thiệt mạng trong cuộc chiến này ở vào khoảng 470.000 người cho tới giờ.
Ước tính của Liên Hiệp Quốc vào tháng 4/2016 nói khoảng 400.000 người đã thiệt mạng.
LHQ cũng ước tính vào khoảng 12 triệu người đã phải mất chỗ ở do cuộc chiến và hơn 5 triệu trong số họ, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, đã phải chạy sang các quốc gia khác.
Trước khi cuộc chiến xảy ra, dân số của Syria ở vào khoảng 23 triệu người.
Làn sóng người Tị nạn từ Syria là một trong những làn sóng lớn nhất trong lịch sử gần đây và gây áp lực lên các nước láng giềng như Lebanon, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như các quốc gia nhận người Tị nạn ở xa hơn.
Suy dinh dưỡng ở trẻ em đang tăng nhanh
Ít nhất 10% người Tị nạn đã xin Tị nạn ở châu Âu. Điều này dẫn đến một cuộc tranh luận lớn về cách chia sẻ chi phí và tiếp nhận người Syria vào Cộng đồng Châu Âu.
Theo LHQ, cần phải hỗ trợ nhân đạo cho 13,5 triệu người ở Syria, trong đó có 6 triệu trẻ em, với mức chi phía 3,2 tỷ USD.
Tổ chức này cũng nói 70% dân số Syria không có nước uống, và một phần ba sống dưới mức nghèo.
Ít nhất hai triệu trẻ em Syria không tới trường.
Tình hình ở những vùng bất ổn là đặc biệt khó khăn, vì các bên đối đầu không cho các tổ chức nhân đạo tiếp cận.
Sau bảy năm chiến tranh, các chuyên gia tin rằng các nỗ lực tái tạo lại đất nước sẽ là một quá trình kéo dài và đầy trở ngại.
7. Cộng đồng quốc tế đã làm gì để tìm giải pháp?
Vì không bên nào có khả năng đánh bại bên kia, các nhà quan sát nói cách duy nhất để chấm dứt cuộc chiến là tìm một giải pháp chính trị.
Năm 2012, một hội nghị hòa bình do LHQ chủ trì tại Geneva đề xuất một kế hoạch sáu điểm bao gồm một chính phủ lâm thời được thành lập theo "đồng thuận".
Nhưng các cuộc đàm phán sụp đổ sau cái mà quan chức LHQ mô tả là chính phủ của Tổng thống Assad từ chối giải quyết các yêu cầu của phe đối lập.
Tháng 1/2016, Mỹ và Nga thuyết phục chính phủ Syria và phe đối lập tham gia một vòng đàm phán mới.
Nhưng các cuộc đàm phán bị ngưng sau khi các lực lượng chính phủ Syria có cuộc tổng tấn công ở thành phố Aleppo.
Tháng 1/2017, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố một thỏa thuận ngừng bắn một phần, phân định "các vùng phi leo thang" nhưng nỗ lực này cũng thất bại.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.