Dan Miller là sinh viên, năm nay 19 tuổi, đang theo học ngành kinh doanh ở London.
Anh đồng thời là CEO của một công ty mạng xã hội có mục tiêu là tiếp cận được năm triệu người trẻ tuổi ở nước Anh cho đến năm 2022.
Có tên gọi là Young Professionals UK, mạng xã hội này hiện đang có mặt tại hơn 400 trường học và trường đại học ở Anh quốc.
Thế hệ Z
"Sứ mạng chúng tôi đặt ra là trở thành mạng xã hội LinkedIn kế tiếp, nhưng là phiên bản cho sinh viên. Họ không muốn dùng LinkedIn - nó không nói lên bản sắc của họ," anh nói.
Công ty của Miller được thành lập dựa trên học bổng khởi nghiệp hai năm trước, kiếm được 45.000 bảng vào năm ngoái, cộng với một khoản tiền đầu tư 50.000 bảng.
Có 10 nhân viên làm việc ở ba văn phòng trên nước Anh, công ty của Miller làm việc với các công ty như Barclays, KPMG, Rolls-Royce và L'Oreal, là những hãng muốn tuyển dụng từ các thành viên sử dụng ứng dụng kết nối của công ty anh.
Anh là một ví dụ về thế hệ những người sáng tạo trẻ nhất, những người sẽ định hình cách làm việc của chúng ta trong những năm tới.
Lực lượng lao động thời hậu thiên niên kỷ
Một số gương mặt trong Thế hệ Z, như Dan Miller, đã tham gia lực lượng lao động với các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực mạng xã hội, hoặc trong các liên doanh kỹ thuật số
Khó mà xác định rõ ràng khung độ tuổi của Thế hệ Z, vì các chuyên gia đưa ra nhiều cách miêu tả khác nhau. Tuy nhiên, tính tương đối thì người lớn nhất trong thế hệ này là khoảng 22 tuổi, đồng nghĩa với việc một số đang bắt đầu học xong, xin việc và kiếm tiền.
Những người trẻ thuộc Thế hệ Z này đang thay thế những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ (dưới 40 tuổi) để trở thành lực lượng lao động trẻ nhất.
Người lớn tuổi nhất của thế hệ thiên niên kỷ đang ở độ tuổi giữa 30 - một số người đang điều hành những công ty lớn hay đang giữ vị trí quản lý cấp trung và họ đã có tác động đối với cuộc sống.
Công nghệ và mạng xã hội
Chẳng mấy chốc nữa những quan niệm và hành vi của Thế hệ Z sẽ thay đổi và định hình cách làm việc của chúng ta.
Nhưng bằng cách nào?
Thế hệ này lớn lên cùng mạng xã hội. Họ đã chứng kiến những người như Justin Bieber đi từ chỗ là một kẻ vô danh trên YouTube đến nổi tiếng toàn cầu.
Tầm quan trọng của mạng xã hội - cả trong cách mà nó định hình thế hệ Z lẫn cách mà thế hệ Z sử dụng nó để tái định hình lại lực lượng lao động - không thể bị coi nhẹ.
"Đây là một thế hệ chủ động có những cơ hội kinh doanh ngày càng lớn - nếu anh lớn lên cùng với việc phải quản lý thương hiệu cá nhân của mình trên Instagram thì anh sẽ có ý thức tốt hơn để xem bản thân mình như là một thương hiệu cá nhân thay vì là mắt xích trong một cỗ máy của công ty," Arun Sundararajan, giáo sư về kinh doanh tại Đại học New York, nói.
Miller cũng đồng quan điểm: "Tôi cho rằng mạng xã hội có ảnh hưởng lớn - mọi thứ đều khiến chúng tôi có suy nghĩ 'mình có thể mở công ty riêng'."
Không khó để thấy xuất phát điểm của anh là từ đâu: chỉ tính riêng trên YouTube, những người trẻ đã mở những dự án kinh doanh riêng, chẳng hạn như để đánh giá cách trang điểm, tạo ra những cục nhựa dẻo và hướng dẫn người chơi nặn hình, hay mời mọi người xem họ chơi game.
Đối với một thế hệ mà công việc linh hoạt và nền kinh tế tự do (nơi người chủ và nhân viên không ràng buộc nhau bằng hợp đồng lao động dài hạn) là lựa chọn sự nghiệp của họ, thì kiếm tiền từ việc có lượng người theo dõi lớn trên mạng là một trong những dự án kinh doanh nhỏ thay thế cho những kiểu công ăn việc làm mang tính quy ước.
Công việc kinh doanh nhỏ
"Đây sẽ là thế hệ đầu tiên chủ động đi theo các công việc kinh doanh nhỏ như là con đường chính để kiếm sống thay vì kiếm công việc ổn định, toàn thời gian như trước đây,"
Sundararajan cho biết. "Từ mấu chốt ở đây là 'có tinh thần kinh doanh' - đó là yếu tố tạo nên sự khác biệt quan trọng."
Tuy nhiên, gọi thế hệ Z là 'có đầu óc kinh doanh' là một sai lầm phổ biến, Jean Twenge nhận định. Bà là giáo sư tâm lý tại Đại học San Diego State University và là tác giả của iGen, cuốn sách viết về thế hệ sau thế hệ thiên niên kỷ, tập trung vào việc những người trẻ tuổi ở Mỹ sẽ trở thành những kiểu người nào khi trưởng thành.
"Chắc chắn là họ có động lực thúc đẩy," Twenge nói. "Trong một số trường hợp, động lực đó là nỗi sợ, hay tham vọng. Họ chỉ là không sẵn sàng chấp nhận rủi ro."
Cuốn sách của bà nhắc đến nghiên cứu của Đại học Michigan: vào năm 2015, trên 55% học sinh trung học cuối cấp ở Mỹ cho biết rằng họ 'sẵn sàng làm việc ngoài giờ' - tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1993. Năm 2016, chỉ có 37% sinh viên đại học nói rằng 'tự kinh doanh thành công' là điều quan trọng, so với 50% những người trong cùng độ tuổi hồi năm 1984.
Đó là tâm lý của một thế hệ lớn lên trong thời Đại Suy thoái.
"Thế hệ dưới 40 lớn lên trong sự thịnh vượng về kinh tế và nghĩ rằng mọi thứ trong cuộc sống và trong lực lượng lao động đều dễ dàng," Twenge nói. "Thế hệ Z không có ảo tưởng như vậy."
LinkedIn của giới trẻ
Mạng xã hội đóng một vai trò then chốt trong việc thế hệ trẻ nhất này tìm hiểu những nhà tuyển dụng tiềm năng, và điện thoại thông minh cũng đóng vai trò quan trọng, Jason Dorsey, chủ tịch Trung tâm Động lực Thế hệ, một công ty nghiên cứu nhân khẩu học qua các thế hệ, cho biết.
"Đó thật sự là một lăng kính để họ nhìn vào các nhà tuyển dụng - khác hẳn so với các thế hệ khác, kể cả thế hệ dưới 40 tuổi, vốn phải thích nghi với mạng xã hội," Dorsey cho biết.
Thế hệ Z coi ứng dụng Skype hay việc trò chuyện mặt đối mặt với ai đó từ phía bên kia của thế giới trên lòng bàn tay, là chuyện đương nhiên. Sự gắn kết gần như lên đồng với công nghệ di động sẽ đi cùng với họ bước vào thế giới lao động.
"Chúng tôi nói với các nhà tuyển dụng rằng nếu quý vị không để ứng viên nộp đơn xin việc qua thiết bị di động thì quý vị sẽ không nào tuyển được những người thuộc thế hệ Z," Dorsey nói.
Một cách ngẫu nhiên mà ứng dụng của Dan Miller, 'LinkedIn của giới trẻ', cũng tích hợp rất nhiều tính năng của mạng xã hội. Các ứng viên có thể tải lên hồ sơ bằng hình ảnh, và một tính năng sắp tới của ứng dụng này sẽ cho phép trò chuyện trong thời gian thực với thực tập sinh hiện tại và trước đây tại những công ty mà người trẻ muốn xin vào.
"Họ không bao giờ là không biết YouTube cả," Dorsey nói. "Đối với họ, sự phát triển sự nghiệp trên thị trường lao động sẽ giống như YouTube chứ không phải là một tập hồ sơ. Video thật sự quan trọng."
Thế hệ màn hình
Sundararajan nói đùa rằng đây là một thế hệ mà từ khi còn là những em bé đã được đưa cho thiết bị thông minh cầm tay để quên những thứ khác thay vì một chùm chìa khóa sáng loáng.
Cary Cooper, giáo sư tâm lý học tổ chức tại Đại học Manchester, có một danh từ đặc biệt để gọi họ, 'những động vật của màn hình'.
"Họ có thiên hướng về công nghệ. Họ có thể nghĩ về Trí tuệ Nhân tạo có thể giúp ích gì cho họ thay vì cảm thấy bị nó đe dọa," Cooper phân tích.
Trevor Yu, phó giáo sư kinh doanh tại Trường Kinh doanh Nanyang, Singapore, cũng đồng ý.
"Hãy hy vọng họ sẽ trở thành một lực lượng lao động dễ thích nghi hơn," ông nói.
"Thích nghi với những thay đổi trong công nghệ và cách làm việc. Thế hệ này sẽ thích ứng với những công việc có ranh giới mờ nhạt, và họ sẽ ít quan tâm tới việc kiểm soát hành chính hay các giới hạn thời gian vật chất, những thứ vốn đã giúp định hình công việc trong thế kỷ trước."
Mặc dù họ chứng kiến những ông trùm công nghệ như Mark Zuckerberg và Evan Spiegel đạt được thành công to lớn, hay những ngôi sao tự thân trên YouTube như Whindersson Nunes và Yuya, Thế hệ Z nhiều khả năng sẽ có cái nhìn thực tiễn và ngại rủi ro, các chuyên gia cho hay.
Chẳng hạn như họ không muốn dính vào những khoản vay nợ để học hành mà khiến họ khốn khổ sau này, điều đã khiến cho hàng triệu người trong độ tuổi 20 và 30 không thể mua nổi nhà.
Nhiều người trẻ cũng muốn làm việc cho những công ty chia sẻ các giá trị của họ. Thế hệ Z sẽ trở thành một thế hệ đa đạng nhất về chủng tộc, quan điểm về cộng đồng LGBTQ và những thứ khác. "Họ sẽ mong công ty họ làm việc sẽ có sự đa dạng từ thấp lên đến cấp cao," Dorsey cho biết.
Đặc trưng của thế hệ Z
Lớn lên với những dòng tweet và những dòng cập nhật trạng thái tức thì, họ rất giỏi diễn đạt một cách súc tích, chia sẻ quan điểm và đưa chúng lên mạng Internet để tạo ra sự thay đổi. Họ biết rất rõ sức mạnh của Internet và sẽ đem hiểu biết đó vào lực lượng lao động.
"Tôi sẽ mở miệng và thay đổi mọi thứ," Cooper bình luận về tâm lý của Thế hệ Z. "Đây sẽ là một thế hệ rất biết quan sát do đã chứng kiến những hậu quả trong thế hệ của cha mẹ và anh chị họ."
Mihir Garimella là một sinh viên ngành máy tính tại Đại học Stanford ở California. Anh từng làm việc trong các phòng thí nghiệm ở trường MIT và tổ chức một trong những cuộc đua sáng tạo phần mềm hackathon lớn nhất nước Mỹ. Dự án hiện tại của anh là thiết kế những máy bay không người lái tự động để có thể bay đến những vùng thảm họa mà con người không thể đến được.
Anh thể hiện rất nhiều những suy nghĩ, đặc điểm của Thế hệ Z và cách mà thế hệ này sẽ định hình công việc, điều mà các chuyên gia độc lập từng nêu ra.
Sẵn sàng làm việc chăm chỉ? Có: "Tất cả những kiến thức này tôi có thể biết được bằng cách tra Google, nhưng tôi vẫn thích các lớp học vì đó là những kiến thức trực tiếp. Tôi thích các giáo sư. Những người cùng độ tuổi với tôi rất thực tế: 'làm sao áp dụng cái này?'"
Ngại rủi ro? Có: "Những người như Zuckerberg vốn bỏ học do tin rằng những gì họ tạo ra sẽ đuổi kịp và họ sẽ thành công. Nhưng môi trường đại học sẽ trải ra con đường để đạt được cái đích đó."
Và có động cơ làm điều gì đó tốt đẹp cho xã hội? Có: "Ước mơ của tôi là xây dựng cái gì đó sẽ giúp cải thiện cuộc sống của một tỷ người - cái gì đó ở tầm mức, quy mô như Google."
Bryan Lufkin
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.