Chuyến đi cruise Alaska 7 ngày cũng lưu lại trong tôi biết bao kỷ niệm. Chuyến đi đó tôi có được những tấm ảnh chụp ở ngoài trời vào lúc nửa đêm, không cần đến "phờ lát" (flash) mà ảnh rõ nét cả người lẫn cảnh. Tôi cũng háo hức thức dậy từ lúc 3 giờ sáng để chụp cảnh bình minh.
Nhưng hình ảnh gây cho tôi nhiều ấn tượng nhất là lúc con tàu rẽ vào Tracy Arm, nằm về phía đông nam Juneau. Vùng vịnh dài gần 50 cây số này chẳng những là cảnh đẹp của riêng Alaska mà còn cả đối với toàn thế giới. Khi con tàu đang từ từ tiến vào vịnh, hai bên bờ dốc núi thẳng đứng như mờ ảo dưới lớp sương mù. Đến lúc sương tan Tracy Arm rực sáng lên dưới ánh mặt trời. Nhìn những mảng băng trắng xóa tách rời khỏi khối băng đá khổng lồ lao xuống dòng nước giá lạnh bên dưới, tôi nghe quanh tôi nhiều tiếng thảng thốt kêu lên:
- Trời ơi kỳ diệu, lạ lùng quá.
Chuyến cruise này đã đưa tôi tới một vùng chưa có bước chân người, một vùng độc nhất vô nhị, cực kỳ hấp dẫn, ngoạn mục. Quang cảnh nơi đây mãi sẽ là một dấu ấn khắc sâu trong tôi.
Trong vùng vịnh bao la ngày hôm đó còn có thêm một chiếc cruise khác, là "chị em" của con tàu tôi đi. Với cái ống dòm trên tay, tôi nhìn rõ từng gương mặt hớn hở, thỏa mãn của biết bao người đứng ngồi trên chiếc tàu kia. Tôi như đang được dịp ngắm nhìn chính tôi vậy.
Tôi cứ ngỡ mình đã thỏa mãn với tất cả những gì đang được hưởng thụ ở chốn bồng lai tiên cảnh này. Nhưng không, khi cắn miếng Hamberger, tôi lại ước ao nó biến thành khúc bánh mì chả lụa hay tô phở tái nạm gầu gân sách. Tôi cũng mơ quanh tôi mọi người chào hỏi nhau bằng tiếng Việt. Tôi nghĩ đến các vùng biển mình đã đi qua, suốt từ Đại Tây Dương, về tới Thái Bình Dương và sang cả Ấn Độ Dương. Tôi đem chúng ra so với cái bán đảo hình cong chữ S, có con đường biển chạy suốt từ Móng Cái đến tận Hà Tiên, dài hơn gấp đôi con quốc lộ nối liền Sài Gòn, Hà Nội. Chẳng những thế thôi, nó còn có thêm biết bao nhiêu hòn đảo lớn nhỏ thơ mộng.
Note: hình trong bài
này là minh họa
Bãi biển ở đó đẹp hơn các bãi mà những chuyến cruise đã đưa tôi tới rất nhiều. Ngay như nếu phải đem ra so với cái vịnh Tracy Arm thần tiên này, thì nó vẫn có mặt trội hơn. Cảnh nơi đây tuy đẹp nhưng chỉ để ngắm, để nhìn. Còn các bãi biển ở Việt Nam, làn nước lúc nào cũng trong, cũng ấm, cũng sẵn sàng để cho mọi người hòa mình vào cùng thiên nhiên, thỏa sức lặn hụp vui đùa với làn nước xanh, với các bãi cát trắng, đen, vàng. Tôi tự hỏi: chẳng biết đến bao giờ những chuyến cruise mới có dịp ghé bến Hà Tiên, Vũng Tàu, Nha Trang hay Hạ Long, Phú Quốc, Côn Đảo.
***
Nhưng chẳng phải tôi rủ ai đi cruise họ cũng đều đi đâu. Có lần tới rủ Minh, anh ấy lại bảo:
- Tôi cũng định đi cruise nhiều lần rồi, nhưng chần chừ mãi, vì sợ mang tội.
Tôi nhạc nhiên hỏi lại:
- Đi cruise thì mang tội tình gì?
- Tôi nghe có người bảo: Những người làm việc ở trên cruise là những nô lệ mới của thời đại.
Tôi hơi ngạc nhiên, ngẫm nghĩ một lúc rồi mới phân trần:
- Tôi biết: mỗi khi nuốt hạt cơm vào bụng là nuốt luôn hạt mồ hôi của người nông dân. Có được mâm cơm ngon hay bữa tiệc linh đình đều cần tới người nấu bếp, kẻ dọn bàn... Như vậy thì tất cả những người chuyên lo việc sản xuất, phục vụ đó đều là nô lệ hết hay sao?
- Đó là điều anh suy ra từ những gì anh thấy. Nhưng anh có thấy hết những gì xảy ra trên con tàu không?
Tuy tôi không tiếp tục tranh luận, nhưng điều Minh nói vẫn cứ lởn vởn mãi trong đầu tôi. Vì thế mỗi lần đi cruise tôi thường mở mắt to hơn, cố nhìn thêm những gì chưa thấy.
Nhiều khi một mình lang thang lúc trời còn ướt đẫm hơi sương, tôi thường len lén nhìn những anh chị công nhân cặm cụi lau rửa cái bàn cầu, quét dọn lại cái sàn tàu, hay luôn tay chùi đi chùi lại cái lan can, nơi khách hay tựa tay vào lúc đứng ngắm cảnh,... Họ tranh thủ, miệt mài làm việc để sáng ra mọi thứ đều sạch sẽ, đẹp đẽ dưới ánh mặt trời.
Rồi mãi cho đến lần đi cruise hồi năm ngoái, vào lúc nửa đêm, trên tận tầng 10, tôi mới thấy thêm một cuộc vui chơi nữa mà trước đây tôi chưa từng biết.
Ngay cạnh bên cái hồ tắm xinh xắn. Có tới hàng trăm người đủ mọi lứa tuổi đang vây quanh anh "quản trò", đồng nhịp nhàng ca hát, reo hò, nhảy múa. Nhìn kỹ anh ta hơn tôi nhận ra anh này chính là vị giám đốc giải trí của con tàu. Tôi nhớ trong buổi trình diễn văn nghệ chiều hôm trước, anh tự giới thiệu anh là người Úc, ngoài 30 tuổi, đã có gần chục năm thâm niên làm việc trên những chuyến cruise. Nghe giọng anh nói, tôi có cảm tưởng nó hấp dẫn giống như nghe danh hề Hoài Linh nói giọng Phú Yên. Ngoài tài điều khiển duyên dáng trên sân khấu ra, khuya nay tôi còn thấy ở nơi anh thêm một người quản trò điêu luyện. Cả đám đông đồng loạt nhịp nhàng làm theo lời anh hướng dẫn. Tôi chỉ là người đứng bên ngoài mà cảm thấy như bị cuốn hút vào cuộc vui.
Qua chiều hôm sau, tôi bắt gặp anh giám đốc duyên dáng đang bước lên cái sân khấu nhỏ.
Đến lúc tìm được chỗ ngồi, tôi mới hay mình đang dự một buổi giao lưu dưới hình thức "Hỏi Đáp".
Đa số các câu hỏi do hành khách nêu ra là để tìm hiểu về cuộc sống của những người làm việc trên tàu. Qua đó tôi mới biết: Có tới hơn 30 sắc dân được tuyển chọn rồi huấn luyện kỹ lưỡng để có đủ trình độ, khả năng phục vụ trên chiếc cruise này. Mỗi người thường ký giao kèo làm liên tục ít ra cũng trên 10 tháng trời. Mỗi ngày làm việc 12 tiếng, 7 ngày một tuần.
Sau thời gian đó họ trở về nước nghỉ ngơi độ một hoặc hai tháng rồi lại lên tàu tiếp tục ra khơi.
Nhưng tôi quan tâm nhất đến một câu hỏi:
"Tại sao ít thấy người Mỹ làm việc trên cruise?"
Câu hỏi này có lẽ đã khiến cho vị giám đốc phân vân vì anh là người Úc. May thay, người phụ tá cầm chiếc mi cờ rô (micro) đứng lên "cứu nguy":
- Xin ông giám đốc cho phép tôi thay ông trả lời câu hỏi này.
Sau cái gật đầu đồng thuận, người phụ tá vui vẻ tự giới thiệu:
- Kính thưa quý vị, tôi là Bill Smith, một trong số vài người Mỹ làm việc trên chiếc cruise này. Câu hỏi mà quý vị vừa nêu ra đó rất hay.
Tôi đã từng hỏi một số bạn bè người Mỹ mà tôi quen và biết rõ là họ rất thích được làm ở trên cruise giống như tôi hiện giờ. Nhưng khi hỏi tại sao họ không chịu nạp đơn xin việc, tôi đều nhận được một câu trả lời giống như nhau:
"Vì Tôi Có Gia Đình"..
Tôi ngỡ tưởng câu trả lời đến đó là xong, nhưng Bill vẫn tiếp tục nói:
- Tôi tin nếu quý vị hỏi những người ở các nước tạm coi là nghèo khó như Ấn Độ, Philippines, Indonesia chẳng hạn:
Tại sao anh hay chị lại chọn công việc làm trên chiếc cruise này? Thì chắc quý vị cũng sẽ nhận được cùng một câu trả lời:
"Vì Tôi Có Gia Đình"...
Sau câu nói đó, chỉ có tiếng vỗ tay của tôi là to nhất. Ông Bill nhìn tôi mỉm cười, rồi tiếp tục trở lại với công việc của mình.
"Vì Tôi Có Gia Đình" câu trả lời đó hàm chứa bao nỗi niềm trong tôi. Sở dĩ tôi cảm nhận được ngay vì tôi mang hai thân phận:
Thân phận là công dân của một đất nước hùng mạnh, và có nhiều cơ hội thăng tiến nhất trên quả đất này. Tôi không thể bỏ gia đình tôi suốt một thời gian quá dài để lên tàu làm việc kiếm tiền. Nhưng nếu tôi còn ở lại trong nước, chắc chắn tôi sẽ vui mừng khi nhận được một công việc như thế. Mỗi chuyến đi có thể kéo dài hơn gấp nhiều lần cái thời gian 10 tháng cũng được:
"Vì Tôi Có Gia Đình". Tôi cũng từng nhiều lần dọ hỏi, nhưng vẫn chưa nghe ai nói là có người Việt Nam được tuyển dụng làm việc trên những chuyến cruise.
Từ chối là hy sinh. Chấp nhận cũng là hy sinh. Lại thêm một bài học nữa về hai tĩnh từ đối nghịch nhau.
Suốt đêm hôm đó tôi thao thức, nghĩ đến bao cay đắng của thân phận người Việt Nam ra đi lao động ở nước ngoài. Nếu một ai đó nêu ra câu hỏi: Tại sao anh hay chị lại chọn con đường này?
Tôi nghĩ chắc hầu hết đều có chung một câu trả lời: "Vì Tôi Có Gia Đình".
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.