Ngày 21/3 vừa qua, đồng tiền 100 USD mới đã chính thức ra mắt công chúng tại Mỹ. Cùng nhìn lại lịch sử phát triển qua ảnh của tờ bạc 100 USD từ thời Cách mạng Mỹ đến nay.
Với mục đích ngăn chặn nạn làm giả, đồng 100 USD được thiết kế lại với nhiều họa tiết khó bắt chước hơn. Dự kiến, đồng tiền này sẽ chính thức được đưa ra lưu thông từ ngày 10/2/2011.
Hãy cùng nhìn lại lịch sử phát triển qua ảnh của tờ bạc 100 USD – đồng tiền có mệnh giá lớn nhất của nước Mỹ hiện có trong lưu thông – từ thời Cách mạng Mỹ đến nay.
Trong thời kỳ Cách mạng Mỹ (thế kỷ 18), đồng Đô la Continental được phát hành để trang trải chi phí cho chiến tranh. Đồng bạc này được bảo đảm duy nhất bởi niềm tin mong manh vào chính quyền cách mạng khi đó. Đồng Đô la Continental không in các cảnh báo chống giả, nhưng một số đồng bạc khác cùng thời do các tiểu bang của Mỹ phát hành có mang những dòng chữ cảnh báo sẽ giáng tội chết cho những kẻ in giả tiền.
Trong những năm đầu tiên của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, định chế gần với một ngân hàng trung ương nhất mà nước này có là “Bank of the United States”. Đầu tiên, ngân hàng này được Chính phủ liên bang trao quyền in tiền trong giai đoạn từ 1971-1811, tiếp đó là giai đoạn 1816-1836. Sau đó, “Bank of the United States” đã được chính quyền bang Pennsylvania trao quyền in tiền ở bang này, phát hành tờ 100 USD như ở hình trên.
Trong khoảng thời gian giữa Cách mạng và Nội chiến Mỹ, tiền giấy do các nhà băng phát hành chiếm phần lớn lượng tiền giấy lưu thông ở nước này. Hệ thống tiền tệ này có xu hướng dẫn tới hiện tượng rút vốn ồ ạt tại các ngân hàng, vì các ngân hàng thường không có đủ vàng bạc để bảo đảm cho đồng tiền mà họ phát hành. Nhiều ngân hàng đã đổ vỡ, bao gồm ngân hàng Manual Labor Bank – ngân hàng phát hành tờ 100 Đô la này.
Trong thời Nội chiến, cả hai phe miền Bắc và miền Nam đều phát hành tiền giấy để có tiền chi cho cuộc chiến, dù tiền in ra không được bảo đảm bằng vàng hay bạc. Đây là tờ 100 Đô la do phe miền Bắc phát hành năm 1863.
Đây là đồng tiền 100 Đô la do phe miền Nam phát hành năm 1862 trong cuộc Nội chiến Mỹ. Sau khi phe miền Nam thất bại trong cuộc chiến này, đồng tiền do họ phát hành trở nên vô giá trị.
Sau Nội chiến, một số phe phái chính trị ở Mỹ chuộng vàng, trong khi một số khác lại chuộng bạc. Đồng 100 Đô la này được bảo đảm bằng bạc từ năm 1880.
Được thiết lập từ thời Nội chiến, hệ thống Ngân hàng Quốc gia cho phép các ngân hàng được in và phát hành tiền theo thiết kế và định dạng của Chính phủ liên bang. Vào thời đó, đã có hơn 12.000 ngân hàng cùng lúc được phát hành tiền. Tuy nhiên, vào năm 1935, hệ thống này đã bị hủy bỏ. Đây là tờ 100 Đô la phát hành năm 1902 từ ngân hàng Dakota National Bank of Yankton.
Hệ thống Dự trữ Liên bang Mỹ đi vào hoạt động vào năm 1913 khi đạo luật Cục Dự trữ Liên bang được thông qua. Vào năm 1914, FED phát hành đồng tiền đầu tiên, bao gồm tờ bạc 100 Đô la này.
Vào năm 1929, kích thước của đồng USD giảm từ 190×80 mm về 156×66 mm, kích thước của đồng tiền này ngày nay.
Dòng chữ “In God We Trust” được sử dụng lần đầu tiên trên đồng USD vào năm 1957, với tờ bạc 1 USD được bảo đảm bằng bạc. Tờ 100 USD bắt đầu mang dòng chữ này vào năm 1966.
Đáp trả sự xuất hiện của những đồng bạc “siêu giả”, tờ 100 USD đã được thiết kế lại vào năm 1996, với ảnh chân dung lớn hơn, cùng với hình in chìm và mực chuyển màu. Thiết kế này được duy trì cho tới tận lần điều chỉnh mới đây.
Tờ 100 USD với thiết kế mới được xem là một “tác phẩm” công nghệ đỉnh cao. Đồng tiền này sẽ chính thức được đưa vào lưu thông vào ngày 10/2/2011.
Bài viết rõ ràng và nhiều chi tiết hay. Nhưng có đề nghị thay vì 'lưu thông' thì với đồng tiền nên dùng chữ 'lưu hành' ... Ý kiến nhỏ không đáng với bài viết công phu nhưng để chứng minh người đọc đã rất thỏa mãn với chi tiết bài viết. Trân trọng.
ReplyDelete