Thu vén hết tài sản vốn còn ít ỏi của một năm trời sống tại Westminster, California, dồn tất cả lên chiếc xe tăng Oldsmobile Delta 88 đời 75 (Chúng tôi gọi nó là xe tăng vì nó lớn như chiếc xe tăng và uống xăng như uống nước lã) . Chúng tôi trực chỉ Texas, theo tiếng gọi của biển cả, với một hy vọng lớn lao: Kiếm tiền! Tiền rừng, bạc biển mà .
Chúng tôi đến nơi thì mặt trời đã gần lặn. Đường xá vắng hoe . Cả thị trấn chỉ có một trạm đèn xanh- đỏ. Chỉ mất độ năm phút là đi hết con đường phố chính của Thị trấn . Ba đứa con của tôi còn bé, chưa có ý kiến gì . Nhưng nhà tôi thì bắt đầu lo lắng, lộ hẳn ra nét mặt:
- Đây là nơi mà chúng ta muốn đến sao"
Tôi phải trấn an:
- Đúng rồi, đây là vùng đất hứa mà chúng ta đang tìm kiếm. Vắng vẻ, buồn, nhưng rất là an ninh. Lại là nơi để chúng ta kiếm được nhiều tiền .
Thị trấn chúng tôi đặt chân đến có tên gọi là Rockport, cách Corpus Christi nửa giờ lái xe về hướng nam. Dân số của Thị Trấn này có khoảng độ ba ngàn dân. Mà đa số là người Mỹ già. Họ từ miền bắc rủ nhau về đây để tìm chút nắng ấm, sống cho qua những năm cuối đời.
Trong lòng Thị trấn nhỏ bé này, xuất hiện một nhúm người Việt Nam, khoảng năm sáu chục gia đình, chuyên sống bằng nghề đánh tôm. Những gia đình ngư phủ này đến đây như một sự tình cờ hi hữu. Khi còn ở Việt Nam họ ở Bến Đá, Vũng Tàu. Và nay họ lại được định cư ở một nơi trên đất Mỹ cũng có tên là Bến Đá (Rockport). Chúng tôi đến đây vào tháng Tám năm 1987 thì họ đã có mặt ở đây khoảng tám năm rồi.
Trong lòng Thị trấn nhỏ bé này, xuất hiện một nhúm người Việt Nam, khoảng năm sáu chục gia đình, chuyên sống bằng nghề đánh tôm. Những gia đình ngư phủ này đến đây như một sự tình cờ hi hữu. Khi còn ở Việt Nam họ ở Bến Đá, Vũng Tàu. Và nay họ lại được định cư ở một nơi trên đất Mỹ cũng có tên là Bến Đá (Rockport). Chúng tôi đến đây vào tháng Tám năm 1987 thì họ đã có mặt ở đây khoảng tám năm rồi.
Lái xe theo con đường ven biển để ra bến tàu. Gió mát từ biển lùa vào xe làm cho chúng tôi cảm thấy dễ chịu . Nhìn ra biển chúng tôi được chứng kiến một cảnh chiều tà thật là ngoạn mục. Mặt trời to như một cái nia vàng ròng tỏa ánh sáng vàng ối xuống chân trời màu xanh thẩm của biển cả, tạo cho cảnh vật một vẻ quyến rũ lạ thường. Nhà tôi phải thốt lên:
- Biển ở đây đẹp quá! Được sống ở đây thật là thú vị.
Nàng quên mất những khó khăn mà chúng tôi sắp phải đối phó. Chúng tôi dừng lại chụp vài tấm hình rồi đi tiếp để ra bến tàu .
Bến tàu đây rồi! Đây là một bến tàu nhỏ, thu gọn vào trong một kè đá được xây bên ngoài để chắn sóng biển. Có khoảng độ hơn trăm chiếc tàu đậu nơi đây: Hơn hai mươi chiếc là thuyền buồm, số còn lại là các tàu đánh tôm, đủ cỡ, đủ kiểu, đủ màu sắc , treo các lưới màu xanh hoặc đen, vắt vẻo trên các cần cẩu phía đuôi tàu, tạo nên một bức tranh đẹp mắt, sống động. Trên bến còn lác đác một số người đang cố vá lại những chiếc lưới bị rách. Đây đó có vài ba nhóm người tụm vào nhau truyện trò, uống bia. Chúng tôi dừng lại hỏi thăm vài ba câu rồi vội vã lên xe về khách sạn vì mọi người đã thấm mệt và buồn ngủ.
Tìm nhà cho thuê trong một thị trấn nhỏ thật là khó khăn! ... Nhưng cuối cùng rồi chúng tôi cũng thuê được một căn nhà ở thu mình trong một khu rừng nhỏ. Trong vòng một cây số vuông, không có một căn nhà nào khác. Gọi là căn nhà thì không đúng lắm. Nó chính là chiếc mobil home được sửa sang lại trông giống như một căn nhà sàn của Mọi Da Đỏ. Chúng tôi đã trải qua những đêm đầu tiên ở căn nhà này trong sự sợ hãi tột độ: Khẩu súng shotgun lúc nào cũng ở trong tầm tay. Mỗi tiếng động lạ vào ban đêm đều làm cho chúng tôi phải thức giấc để theo dõi. Mà ở trong một khu rừng tịch mịch như thế thì biết bao nhiêu là thứ tiếng lạ. Những đêm đầu không thể nào ngủ được. Rồi dần dần vì quá mệt mỏi, cơn buồn ngủ xâm chiếm, chúng tôi không còn nghe thấy tiếng động nào lạ nữa. Một tuần sau thì quen.
Nhà tôi vẫn còn sợ hãi khi tôi đi vắng, nên tôi phải chỉ cho nàng cách bắn súng. Lần đầu tiên rời khỏi nhà, tôi giao khẩu súng cho nàng, tay nàng run như lần đầu tiên cầm tay nhau . Nàng không chịu cầm súng, tôi phải ra lệnh:
- Vì an ninh cho các con, em phải dạn dĩ lên .
- Nhưng em không thể bắn người ta được, dù biết nó là ăn cướp.
Tôi cười, an ủi nàng:
- Em không cần phải bắn nó, vì nó chỉ nhìn tay em cầm súng mà run run như thế kia là nó phải rút lui rồi, không phải vì nó sợ em mà nó sợ bị lạc đạn.
Vài tuần sau, tôi may mắn mua được một chiếc tàu gỗ của một ngư phủ Việt Nam. Tàu dài bốn mươi feet . Vỏ tàu nom còn tốt, nhưng cần cẩu và các đồ dùng bằng sắt thì đã rỉ sét như đã bị bỏ phế từ lâu. Tuy vậy tàu đã được trang bị đày đủ mọi thứ để có thể ra khơi được.
Người bán tàu đã mất nửa ngày đưa tôi ra biển để chỉ cho tôi cách lái tàu và thả lưới như thế nào. Sau đó thì trao tiền và lấy tàu.
Được làm chủ con tàu thì biết bao nhiêu điều lo âu bắt đầu kéo đến: Tôi chưa bao giờ bước chân xuống một con tàu, ngoại trừ con tàu rách nát đã đưa chúng tôi rời khỏi Việt Nam thì làm sao tôi có thể điều khiển một con tàu đánh tôm với bao nhiêu là máy móc lạ hoắc. Tôi đã hỏi thăm các ngư phủ Việt Nam ở đó để tìm một người giúp việc trên tàu, mà ở đây người ta gọi là Deckhand... Không kiếm được ai. Vì lúc này đang là cao điểm của mùa đánh tôm, người nào cũng đang có công việc của mình, nhưng phần chính là do tôi là tay mơ trong nghề nên không ai dại gì bỏ các tàu khác để đi làm cho một chiếc tàu mà Captain còn chưa biết lái tàu.
May mắn cho tôi ! Hai ngày sau tôi tìm được một thủy thủ già, người Mỹ Đen. Ông Mỹ này là một cựu thủy thủ, bị một tai nạn trên tàu nên phải cưa mất một chân- Ông ta nói vậy thì biết vậy, không biết có thực không "
Ông ta đi chân gỗ nên di chuyển rất khó khăn. Nhưng không sao! Tôi đang cần một Captain để lái tàu chứ không cần Deckhand. Tôi đã phải làm Deckhand trong suốt thời gian mướn ông này làm việc . Nhờ đó tôi đã biết lái tàu và điều khiển thành thạo việc thả lưới khi Captain bất đắc dĩ này xin nghỉ việc vì bệnh hai tuần lễ sau đó" Tôi đã lên chức Captain .
Ba tháng còn lại của mùa đánh tôm. Vì không mướn được Deckhand, tôi phải đi solo một mình. Vừa làm Thuyền trưởng vừa làm Thuỷ thủ, mệt đứt hơi. Nhưng vì đang hăng hái và phấn khởi bởi một cái nghề mới lạ, lại có một lợi tức tương đối khá so với việc làm trước đây của tôi- Mỗi ngày ra khơi đem về cho gia đình 300 đến 500 đolla là một lợi tức đáng kể vào thời điểm đó . Nên tôi đã vượt qua được những ngày tháng đen tối đó một cách dễ dàng .
Những tháng cuối cùng của mùa đánh tôm năm đó trôi qua êm đềm và thuận lợi. Chúng tôi đã kiếm được đủ tiền để trả nợ con tàu, và có đủ tiền để chi phí cho bốn tháng mùa đông còn lại để chờ đợi mùa tôm kế tiếp .
Mùa đánh tôm trong Bay chỉ kéo dài trong tám tháng: Từ tháng Tư đến tháng Mười Một. Thực sự số ngày ra khơi chỉ khoảng sáu tháng hoặc ít hơn. Sáu tháng còn lại thì.... Free! ... Muốn làm gì thì làm.
Nghề đánh tôm ở Mỹ có thể phân biệt làm hai loại, Đánh tôm Guft và đánh tôm Bay:
Guft chính là Guft Of Mexico. Đánh tôm ở Guft cần phải có tàu lớn- thường là dài trên tám mươi feet. Và phải trang bị đày đủ hải cụ, gồm cả rada và các phòng lạnh để có thể làm việc nhiều ngày trên biển mà vẫn giữ cho tôm tươi tốt. Tôm Guft có thể đánh được quanh năm, không bị luật lệ giới hạn. Tôm Guft to nhưng không ngon bằng tôm Bay vì thịt cứng và hơi tanh.
Bay là các hồ giao tiếp giữa biển cả và sông ngòi nên vị nước hơi lợ. Không mặn mà cũng không ngọt . Có rất nhiều Bay trải dài từ Florida đến biên giới Mễ Tây Cơ. Đánh tôm trong Bay chỉ cần những chiếc tàu nhỏ dưới năm chục feet. Tàu nhỏ sẽ dễ xoay sở vì nhiều Bay có diện tích rất là nhỏ. Đánh tôm trong Bay thường thì sáng đi chiều về nên không cần trang bị rađa, Chỉ cần trang bị CB radio, hải bàn và hải đồ là đủ. Tôm Bay thịt trắng, ngọt và mềm nên dùng để ăn gỏi rất là ngon- Bạn thử tưởng tượng, tôm đang còn nhẩy lao xao như vậy mà đem bóc vỏ ra, vắt vào một tí chanh rồi chấm vào mù tạt thật cay mà đưa lên miệng, đưa cay với một hớp rượu chát nữa thì còn gì bằng .
Bốn tháng mùa Đông, chúng tôi được hoàn toàn nghỉ ngơi: Người thì rủ nhau về California du hí hoặc đi thăm bà con; người thì tụ tập nhau đánh bài; người thì châu đầu vào các phim bộ và hầu như ngày nào cũng nhậu nhẹt tưng bừng. Chúng tôi lợi dụng dịp nghỉ ngơi này để làm quen với dân làng và để học hỏi thêm những kinh nghiệm trong nghề và cách bảo trì tàu bè... Dân làng ở đây thật là hiếu khách và dễ dãi, có lẽ nhờ kiếm tiền quá dễ dàng . Gia đình nào cũng đã trả xong căn nhà nên chẳng có gì phải lo lắng nữa. Có dư tiền là mua sắm, tiêu sài thoải mái không chút đắn đo .
Cuối cùng, tôi đã điều khiển được con tàu một cách thiện nghệ. Tôi đã học được nhiều kinh nghiệm quí báu trong nghề đánh tôm do các ngư phủ bạn tận tình chỉ dạy . Tôi đã học được cách đọc hải bàn để có thể đi khắp mọi vùng biển mà không sợ bị lạc... Tóm lại tôi đã trở nên một Captain chính hiệu kể từ đây. Các chủ vựa tôm trân trọng gọi tôi là Captain Arsco- Arsco là tên tàu của tôi. Họ tâng bốc mình như vậy chẳng qua là mình bán tôm cho họ, đem lại nguồn lợi cho họ chứ chẳng quí hoá gì.
Nhưng đường đời không bằng phẳng mãi! Mùa đông thứ nhất trôi qua nhanh chóng vì quá nhiều việc phải làm đối với con tàu rỉ sét này.
Mùa Tôm thứ hai đã đến. Năm nay có hai luật mới được ban hành thật là bất lợi cho các tàu đánh tôm trong Bay: Thứ nhất là giới hạn 200 pound/một ngày cho mùa tôm nhỏ. Và cấm đánh tôm ban đêm . Đây là hai điều luật đã làm cho nghề đánh tôm Bay điêu đứng kể từ đây .
Ngày đầu tiên của mùa tôm năm nay có một sự kiện lạ xảy ra: Tàu nào vừa ra khỏi kè đá, thả cào chủm xuống một cái, là nửa tiếng đồng hồ sau, kéo lên có cả ngàn pound tôm. Điều này rất hiếm khi xảy ra. Chắc có điềm gì đây" Về sau này nghĩ lại thì người ta đoán là tôm nó linh cảm được cơn bão sắp đến nên trốn vào bờ. Tôm đánh được nhiều như vậy nhưng chỉ được giữ lại có 200 pound, số còn lại phải lùa xuống hồ. Chỉ được đem vào bến để bán đúng 200 pound. Năm nay vì để áp dụng luật mới, Cảnh sát ( Wildlife Officer ) đứng đày ở các bến tàu. Nếu tham lam đem vào quá 200 pound sẽ bị Cảnh sát ghi phạt ngay tại bến, hoặc tại vựa bán tôm.
Trong ngày đầu tiên này, luật giới hạn 200 pound đã làm cho ngư phủ của Thị Trấn này thiệt hại hàng trăm ngàn dolla- Nếu không có luật giới hạn 200 pound, nội trong ngày hôm đó, mỗi tàu, bét nhất cũng kiếm được 2000 dolla.
Những ngày kế tiếp, tôm bỗng nhiên biến đi đâu hết. Đi mò tìm cho được 200 pound một ngày thật là khó khăn, nhiều hôm ra khơi rồi về không, phải lỗ tiền dầu .
Tiếp theo là một cơn bão nhiệt đới kéo đến, lùa vào Bay vô vàn sứa là sứa- Những con sứa to bằng cái tô, tràn ngập hết các Bay. Tôm tép cũng biến đi đâu hết. Rảnh rỗi, không biết làm gì, dân chúng bắt sứa mang về ăn với bún và mắm tôm, món ăn này ngon tuyệt! Có người tiếc, chở về Houston bán gỡ gạc . Năm nay mất mùa nặng. Lợi tức chỉ bằng một phần ba của các năm trước . Ngư dân ở đây cho biết chưa bao giờ lợi tức bết bát như năm nay .
Tôm tép trở nên hiếm hoi. Phần chưa có kinh nghiệm về các vùng biển đánh tôm. Lưới chài lại điều chỉnh không đúng. Bởi thế, thay vì kéo lên được tôm, tôi kéo lưới lên toàn cá và ốc bưu. Có một lần lưới của tôi vướng phải một đàn cá sửu kéo lên tràn cả bong tàu những con cá sửu nặng ba bốn chục pound mỗi con. Bán chẳng được con nào, lại còn phải đi năn nỉ các người làm nghề bẫy cua cho họ làm mồi . Lần khác vướng phải đàn cá catfish cân được tới ba ngàn pound. Người ta thì bán tôm, mình cứ phải lo bán cá và ốc. Họ đùa với tôi rằng :
- Captain nên dẹp lưới chài để đi câu cá coi bộ có lý hơn . Tôm nó thấy ghe của Captain là nó trốn mẹ nó hết rồi còn đâu nữa mà đánh .
Năm kế tiếp cũng không ra gì, lại thêm một năm mất mùa nữa. Có lẽ vì ảnh hưởng của cơn bão nhiệt đới năm trước. Sứa còn đày ở trong Bay nên tôm cũng kém đi nhiều. Lợi tức bết bát của hai năm liền làm chúng tôi điêu đứng. Phần bực bội vì luật lệ giới hạn một cách vô lý. Chúng tôi không còn kiên nhẫn được nữa đành phải bán tàu. Từ giã các ngư dân tốt bụng ở đây để trở lại đời sống dân thường. Làm Danh Ca (đánh cá) coi bộ không dễ...
Chúng tôi bùi ngùi từ giã dân làng trở về lại California. Năm sau chúng tôi có gọi điện thoại hỏi thăm, thì họ cho biết: "Năm nay được mùa lớn ... "
Bình-Minh
***
Kỳ thị: kinh nghiệm của người Việt tị nạn
Khi người Việt tị nạn Cộng Sản đến Mỹ năm 1975 thì xã hội Mỹ vừa mới được ổn định sau thời kỳ tranh đấu đòi dân quyền của người Mỹ gốc Phi châu, mà ta thường gọi là người da đen. Nhờ công cuộc đấu tranh dân quyền đó ở thập niên 1960s mà người Việt đến Mỹ được đối xử bình đẳng, ít ra trên pháp luật. Người Việt không phải đi toilet riêng dành cho người da màu ở nơi công cộng; đi xe bus không phải ngồi băng ghế sau để nhường ghế trước cho người da trắng; đi ăn nhà hàng không phải đi cửa dành cho người da màu; và đi học cũng được nâng đỡ với những tiêu chuẩn thấp hơn người da trắng v.v…
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.