Dubai có Đảo Palm Jumeirah; Bahrain có đảo Amwaj. Nhưng đảo nhân tạo khó có thể coi ý tưởng mới.
Hàng ngàn năm trước khi những quốc gia ngày nay bắt đầu xây dựng những hòn đảo nhân tạo, người tiền sử trên đảo British Isles đã làm điều tương tự.
Xây 'đảo' trên hồ
Được gọi là 'crannog' và được xây dựng trên những mặt hồ, một số những hòn đảo được bồi đắp này có từ 5.000 năm trước. Khác với những công trình tương tự ở vùng núi Alps của châu Âu - vốn được xây dựng trên đất liền mà nhiều thế kỷ sau mới bị ngập nước - các crannog luôn luôn được xây để làm đảo nhân tạo.
Được đỡ bằng những chiếc cột đóng vào đáy hồ, một số đảo nhân tạo này còn có những căn nhà tròn ở trên.
Kiểu được nhiều người biết đến là một căn nhà tròn trên bệ, chỉ có Scotland và Ireland. Ở Scotland, người ta xác nhận có đến 350 công trình kiểu này mặc dù con số thực sự có thể lớn hơn nhiều.
Mặc dù số lượng nhiều như vậy, nhưng các nhà khảo cổ cho rằng tìm thấy được một crannog giống như là phát hiện được kho báu vậy. Đó là vì đa số các căn nhà ở thời tiền sử giờ đây đã hoàn toàn chìm dưới nước, cho nên những cấu trúc này sẽ tồn tại tốt hơn nếu chúng được xây dựng trên mặt đất - đôi khi thậm chí vẫn còn giữ được lớp dương xỉ phủ trên nền.
"Điều đó rất thú vị," ông Nick Dixon, giám đốc và là nhà sáng lập Quỹ Khảo cổ Dưới nước Scotland, người dẫn đầu cuộc khai quật crannog Oakbank ở hồ Loch Tay ở Kenmore, Scotland, cùng với Barrie Andrian, nói. "Sau 2.500 năm giờ đây anh đang đứng trên nền nhà của một người trong thời kỳ Đồ Sắt, vẫn còn dương xỉ mà hoàn toàn có thể nhận ra được."
Được khởi động vào năm 1980, dự án khảo cổ Oakbank là dự án khảo cổ crannog dưới nước đầu tiên ở Scotland. Ngày nay, công việc chỉ mới đi được có nửa đường.
Công trình phức tạp
Một lý do khiến cho quá trình khai quật mất thời gian lâu như vậy là một vấn đề mà nhà khảo cổ nào cũng muốn có. Từ gỗ của crannog cho đến những chén bát bằng gỗ và loại hạt mà người xưa ăn, địa điểm khảo cổ ngày nay là một ụ các vật liệu cao 10 feet và, với khối lượng 35.000 feet khối mà tất cả đều phải được các thợ lặn khai quật.
Barrie Andrian và Nick Dixon tái dựng một căn nhà crannog cổ
"Ở dưới đó có rất nhiều thông tin, và khả năng viết lại về thời tiền sử và lịch sử là rất lớn," Andrian nói.
Oakbank không phải là hòn đảo nhân tạo duy nhất. Đó chỉ là một trong số 18 crannog đã được khảo sát chỉ tính riêng ở hồ Loch Tay.
Tuy nhiên hồ Loch Tay không hề là trường hợp cá biệt. Phía dưới mặt nước của nhiều hồ ở Scotland là tàn tích của cả chục crannog hay nhiều hơn thế - đa số chúng đều được xây trong cùng thời kỳ - vào khoảng thế kỷ thứ 5 hoặc thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên.
Số lượng crannog là đặc biệt bởi vì xây dựng crannog không hề là việc dễ dàng. Dixon and Andrian biết điều này bởi vì chính họ đã làm thử. Họ đã tìm cách dựng lại hòn đảo crannog thời tiền sử duy nhất được tái hiện ở Trung tâm Crannog Scotland.
Nằm xa hơn hồ Loch Tay nơi có dự án khảo cổ Oakbank một chút, công trình xây dựng này của họ cố gắng tái hiện một cách chính xác nhất hòn đảo crannog ngày xưa bằng cách dựa trên những gì mà họ phát hiện trong quá trình khai quật. Ở những chỗ mà họ không tìm thấy dấu hiệu gì - chẳng hạn như phần mái - họ sẽ dựa vào những nguồn bên ngoài và thử nghiệm để xem làm như thế nào thì được.
Nơi trú ngụ thoải mái
Có một khác biệt chủ yếu so với công trình nguyên thủy: để cho du khách có thể lên thăm được, họ cho xây một chiếc cầu nhỏ dẫn từ đất liền ra đảo. Ngoài ra, Andrian và Dixon cố gắng trung thành với cấu trúc nguyên mẫu càng nhiều càng tốt.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần phải lưu ý, như nhà nghiên cứu Graeme Cavers ở Hội khảo cổ AOC đã chỉ ra, là ngay cả khi họ tái dựng lại hoàn toàn chính xác hòn đảo thì nó chỉ cho thấy một crannog vào một thời điểm nhất định trong lịch sử.
Đa số các crannog, trong đó có Oakbank, được dùng lại rồi bỏ, rồi dùng lại vào lúc này lúc khác trong vòng 2.500 năm kế tiếp. Một minh chứng là Đảo Tu viện nằm đối diện với hòn đảo được tái dựng ở phía bên kia hồ Loch Tay - vốn được sử dụng làm tu viện vào thế kỷ 12 và ngày nay hoàn toàn bị bao phủ bởi rừng rậm.
Điều đặc biệt là các crannog đem đến chỗ ở rất thoải mái, dễ chịu.
Mặc dù bên ngoài chúng có vẻ nhỏ, nhưng bên trong lại rộng rãi. Andrian và Dixon ước lượng rằng có khoảng 20 người, nhiều khả năng là một đại gia đình, có thể đã sống trên hòn đảo nhân tạo với kích thước như thế.
Nhà có mái lợp rơm rạ. Dương xỉ làm thành một kiểu thảm sang trọng thời tiền sử. Lông thú được phủ trên những chiếc ghế thấp và một lò sưởi nằm ở giữa nhà cung cấp ánh sáng và sưởi ấm.
Nguyên vật liệu
Toàn bộ cấu trúc được tái dựng không sử dụng một mảnh kim loại nào cả, tức là không có dùng đinh sắt, ốc vít, bu lông hay dây cáp gì hết. Thay vào đó, tất cả đều được làm từ gỗ và các chất liệu hữu cơ.
Trong một ngày dễ chịu thì chúng ta ít cảm nhận được các lợi ích khác của crannog một cách hiển nhiên: nó có thiết kế lý tưởng cho khí hậu ở Scotland. Mái hình nón hoạt động theo nguyên tắc khí động lực và do công trình được xây bằng gỗ, toàn bộ khu định cư có thể chuyển động và uốn cong, một đặc tính đặc biệt quan trọng ở một khu vực có sức gió lên đến 100 dặm một giờ và sóng đập mạnh từ mặt hồ.
Xây dựng nơi trú ngụ kiểu này đòi hỏi trình độ tay nghề cao. Ngoài ra nó cũng cần rất nhiều vật liệu.
Việc tái dựng một crannog cần phải có đủ cây thẳng đứng để làm 168 cây cột gỗ đóng vào lòng hồ, đó là chưa nói tới toàn bộ cấu trúc ở trên.
"Chúng tôi đã nhận ra rất nhanh rằng tìm kiếm nguyên liệu là một vấn đề: tìm đâu ra nhiều cây thẳng và tốt như vậy? Nếu anh nhìn quanh, anh có thể thấy có rất nhiều cây gỗ trăn (alder) dáng thẳng," Dixon cho biết và chỉ vào khu rừng rậm bao quanh hồ. "Đó chính là thứ người xưa dùng. Do đó chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi phải chặt những cái cây này xuống vào mùa đông và bắt đầu xây dựng vào mùa hè. Nếu hết gỗ, anh sẽ không muốn chặt cây vào mùa hè.
Và có bằng chứng chứng minh cho điều này ở những di chỉ khác."
Dùng để phòng vệ?
Không thể biết được người xưa đã mất bao nhiêu thời gian để xây dựng những crannog này. Một mặt, họ chặt cây bằng những chiếc rìu đồng vốn dễ bị cùn. Mặc khác, họ phải luyện tay nghề từ khi còn nhỏ.
Dẫu sao thì điều đó cũng không quan trọng. "Điều mà chúng ta cần phải nhớ là toàn bộ cách suy nghĩ của họ cách xa chúng ta đến chừng nào, chủ yếu là họ không xem đồng hồ; họ xem thời tiết," Dixon nói. "Không ai đến và nói, 'Ồ, đã 10 giờ rồi. Nhưng có lẽ họ đã mất rất nhiều thời gian."
Điều này dẫn đến câu hỏi chính: tại sao họ phải trải qua hết thảy những gian nan như vậy ngay từ lúc đầu? Với số lượng và sự đa dạng của các crannog, các nhà nghiên cứu cho rằng không có câu trả lời duy nhất.
Nhưng do tất cả các crannog này đều tách rời với đất liền, thường là có một cánh cổng, hay một dạng hàng rào nào đó, ở một đầu - hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng chúng xây dựng với mục đích phòng thủ ngay cả khi chúng hiếm khi được dùng trong chiến đấu thật sự.
Dấu hiệu cho thấy các hòn đảo nhân tạo này không hoàn toàn được sử dụng cho mục đích quân sự là vị trí dễ dàng nhìn thấy của chúng.
"Không có ai trốn ở đây cả," Dixon giải thích. "Nếu anh đi thêm 10 dặm ở trên đường về phía trên hồ, anh sẽ nhìn xuống và thấy nó trong một ngày nắng đẹp. Do đó không có ai trốn cả. Họ muốn nói là: "Tụi tao sống ở đây này. Muốn đến và đánh nhau không?"
Do điều kiện khí hậu?
Nếu như thế thì các crannog có thể giống như các pháo đài bí ẩn trên núi ở xứ Wales vốn được xây dựng vào khoảng cùng thời điểm. Có lẽ chúng được xây dựng một phần là để trở thành cứ điểm vững chắc trong trường hợp bị tấn công nhưng đồng thời cũng là để trông giống như là chúng là thành trì vững chắc nếu bị tấn công. Nói cách khác, mục đích của chúng là để gây ấn tượng.
Nếu điều đó là chính xác thì nó đặt ra câu hỏi tại sao người xưa lại bắt đầu chú tâm nhiều đến vấn đề phòng thủ vào thời điểm đó như vậy.
Ở hồ Loch Tay, trong số 13 crannog đã được kiểm tra niên đại bằng cách xác định carbon phóng xạ, có chín được xây vào cùng thời điểm với Oakbank.
Bốn hòn đảo khác dường như được xây vào khoảng 2.400 và 1.800 năm trước. Cả hai thời điểm này đều là đỉnh điểm của các sự kiện: một cái là vào giữa thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên, còn thời điểm thứ hai là gần về cuối thiên niên kỷ. Chúng thể hiện một xu hướng trên khắp xứ Scotland.
Một phần là vì chúng được xây dựng với cùng lý do khiến các pháo đài trên núi ở xứ Wales xuất hiện bùng nổ vào cùng thời điểm: khí hậu trở nên khó chịu hơn trước.
Vào khoảng năm 536 trước Công nguyên, có một thảm họa được ghi lại rõ ràng trong sử sách - nhiều khả năng là do một nếu không phải là hai đợt phun trào núi lửa gây ra, hoặc có lẽ là một loạt vụ va chạm của sao chổi. Thảm họa này đã bao phủ Bắc bán cầu trong khói mù. Nó khiến cho mùa màng thất bát và khiến tiết trời trở nên lạnh hơn và ẩm hơn. Sau một đợt phun trào núi lửa nữa vào khoảng năm 210 trước Công nguyên, một màn khói bụi khác lại bao phủ khiến cho khí hậu lại trở nên tồi tệ.
Như các nhà nghiên cứu Mike Baillie và David Brown cùng các nhà khoa học khác đã chỉ ra, những sự kiện thảm họa này trùng hợp với sự gia tăng đáng kể việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo ở cả Ireland và Scotland.
"Ở những vùng như thế này, thậm chí nhiệt độ chỉ cần thay đổi một vài độ cũng có nghĩa là con người phải di chuyển xuống từ những vùng đất cao hơn, nơi đá được cắt đẽo và và những vòng tròn bằng đá là bằng chứng cho thấy sự tồn tại của những tộc người cổ hơn," Dixon giải thích.
Chỉ riêng ở hồ Loch Tay, ông nói thêm, "Chúng tôi cho rằng khoảng 500 người đã di chuyển xuống phía hồ. Do áp lực về đất đai, họ đã trở nên chú tâm hơn đến việc phòng ngự. Và những crannog này là những khu định cư mang tính phòng vệ."
Amanda Ruggeri
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.