Bạn đã bao giờ trộm đồ văn phòng phẩm ở công ty mang về nhà? Bạn lấy vài cây bút và mấy tờ giấy của công ty cho con trẻ xài trên lớp học vẽ hay làm thủ công? Hay sử dụng máy in trong văn phòng để in vé đi nghe hòa nhạc?
Trong một khảo sát ẩn danh gần đây do công ty Papermate tổ chức khi chuẩn bị tung ra sản phẩm bút viết mới, kết quả cho thấy 100% nhân viên văn phòng thừa nhận họ đã từng trộm một cây bút mang về nhà.
Một số nhà nghiên cứu khác từng xác định có đến 75% nhân viên làm việc thừa nhận họ trộm đồ văn phòng phẩm trong công ty năm rồi.
Thiệt hại về mặt kinh tế bởi những hành vi "trộm vặt" này lên tới hàng tỷ đô la mỗi năm. Chính điều này góp phần vào khoảng 35% số vật phẩm trong kho bị hao hụt hàng năm và gây thiệt hại tới 1,4% tổng doanh số của công ty.
Nếu những hành vi như thế gây thiệt hại kinh tế, tại sao mọi người vẫn làm vậy?
Khi bạn bắt đầu một công việc mới, công ty thuê bạn thường có xu hướng đưa ra nhiều hứa hẹn về công việc mà không ghi rõ trong hợp đồng lao động.
Hãy tưởng tượng sếp hứa với bạn sẽ cho "giờ làm việc linh hoạt" và "môi trường làm việc theo nhóm." Với những lời hứa đó, sếp bạn tạo ra một hàng loạt mong đợi. Những mong đợi đó tạo thành thứ mà người ta gọi là "hợp đồng tâm lý".
Nếu sếp giữ đúng giao ước, bạn sẽ là một nhân viên vui vẻ, có cam kết với công việc và trung thành. Chỉ có điều sự hoàn hảo này ít khi thành hiện thực. Qua thời gian ta nhận ra rằng, sự kỳ vọng của sếp và nhân viên vào những gì được hứa hẹn sẽ bắt đầu rơi rụng.
Bị thất hứa
Trong thực tế, rất nhiều người sẽ cảm thấy sếp họ đang dần hành động khác đi so với những gì họ đã hứa. Thật vậy, khoảng 55% người lao động báo cáo rằng sếp của họ đã thất hứa trong hai năm đầu tiên làm việc, và 65% bị thất hứa trong năm vừa rồi.
Gần đây, các nhà nghiên cứu nhận thấy người lao động thường bị thất hứa hàng tuần và thậm chí mỗi ngày.
Bị căng thẳng và liên tục bị sếp thất hứa khiến mọi người muốn trả thù bằng cách trộm đồ văn phòng phẩm
Đến mức này, bạn có lẽ sẽ bắt đầu suy nghĩ: "Vậy nếu họ thất hứa quá thường xuyên như vậy, ít nhất họ phải xin lỗi chứ, đúng không?"
Đáng buồn là hàng loạt nghiên cứu cho thấy người chủ lao động hiếm khi để ý thấy họ làm gì đó sai.
Kết quả là, họ chỉ cố gắng biện minh hay sửa sai hành vi của mình trong khoảng 6%-37% số trường hợp. Vì thế người chủ thuê lao động thường xuyên thất hứa, nhưng có vẻ như họ không thừa nhận mình đã làm sai hay chẳng màng đến chuyện tìm một giải pháp khắc phục nào đó.
Nếu sếp không phải với chúng ta, liệu chúng ta có nên báo thù?
Vì những lời hứa đóng vai trò trung tâm trong thỏa ước lao động, bạn cảm thấy khi sếp thất hứa, bạn sẽ lấy thứ gì "xứng đáng" thuộc về bạn.
Nhân viên từng bị thất hứa có xu hướng trải qua hàng loạt cảm xúc tiêu cực dữ dội như giận dữ, thất vọng và phẫn nộ, và cảm xúc này sẽ dẫn đến những cảm xúc như muốn giành ưu thế, trả thù hay ăn thua đủ với sếp.
Hơn thế nữa, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng hệ quả này dữ dội nhất ở những người làm việc rất giỏi và mong muốn được đối xử công bằng. Điều này có nghĩa là những nhân viên giỏi nhất trong công ty có vẻ là những người "thù địch" nhất với chuyện bị thất hứa.
Một số nghiên cứu cho thấy nhiều người có vẻ thích thú khi trả thù, đặc biệt là khi họ đang ở vị trí cao cấp hơn và cảm thấy mình có quyền hơn. Vì thế khi ta kết hợp hai yếu tố này lại, ta nhận thấy sự kết hợp giữa "khao khát trả thù" và "thích thú thực hiện chuyện trả đũa" sẽ dẫn đến sự tăng cường cho hành vi này.
Kết quả là, nhân viên sẽ có xu hướng trả đũa nhiều hơn trong tương lai khi đối mặt với sự thất hứa vì họ trải qua cảm xúc tích cực với hành vi tiêu cực của mình trước đó.
Đòi ăn thua đủ
Liệu điều này có nghĩa là tôi đang cổ súy bạn nên trả đũa khi sếp bạn thất hứa? Tất nhiên là không.
Hãy để tôi giải thích cụm từ được viết tắt là BRAIN, vừa có nghĩa là não bộ, vừa là viết tắt của các từ Benefits, Risks, Alternatives, Information và Nothing (BRAIN: Ích lợi, rủi ro, cách làm thay thế, thông tin, và không làm gì cả).
Đầu tiên, khi bạn bị thất hứa, hãy lùi lại một chút và suy nghĩ về LỢI ÍCH của sự thù địch trong khi sẽ có RỦI RO liên quan đến việc trộm đồ từ công ty.
Dù rằng nghe có vẻ dễ chịu nếu ta ăn thua đủ được với sếp, người đã thất hứa, nhưng ta biết rằng cơn hưng phấn ăn thua đủ chỉ diễn ra rất ngắn ngủi. Trong thực tế, khả năng cao là sau đó bạn sẽ nhanh chóng thấy tội lỗi với hành vi xấu của mình.
Bạn cũng có thể gặp rủi ro bị bắt quả tang và có nguy cơ mất việc. Vì thế hãy tự hỏi: "Liệu điều này có đáng không?" Thay vào đó, hãy nghĩ đến những CÁCH THAY THẾ!
Như tôi đã nói, sếp bạn thường không để ý thực tế là họ đã thất hứa với bạn. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng bạn có thể thay đổi tình huống nếu bạn nói rõ việc này bằng thái độ tôn trọng.
Hãy nói với sếp họ đã thất hứa điều gì và điều đó ảnh hưởng đến khả năng làm việc của bạn ra sao và trên hết là ảnh hưởng đến hoạt động chung của công ty thế nào. Các sếp thường phản hồi tích cực với những đối thoại như vậy - ít nhất là trong 52% - 66% số trường hợp - và họ sẽ cố gắng làm đúng bằng cách xin lỗi hay đền bù thiệt hại.
Tuy nhiên, trước khi bạn làm gì, nên nhớ là bạn phải có đủ THÔNG TIN bạn cần. Hãy tự hỏi bản thân các câu hỏi như:
Sự thất hứa đó có nằm ngoài khả năng kiểm soát của sếp không?
Những đồng nghiệp khác có bị thất hứa tương tự không?
Đây có phải lần đầu tiên việc này xảy ra với tôi không?
Càng có nhiều thông tin, bạn càng có thể suy nghĩ xem nên làm gì trong trường hợp này: để việc này trôi qua, trao đổi thẳng thắn, hay yêu cầu đền bù…
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy bạn có khả năng khơi gợi phản ứng, như xin lỗi hay sửa sai, khi bạn chứng minh được với sếp là họ đã cố ý thất hứa ra sao. Vì khi làm vậy, bạn có thể chứng tỏ rằng họ có thể kiểm soát tình huống và vì thế họ có thể sửa sai được.
Hơn thế nữa, bạn càng dễ được xin lỗi hay khiến sếp khắc phục nếu bạn có thể đưa thêm những người từng bị thất hứa cùng tham gia vào cuộc, sức mạnh sẽ lớn hơn khi có đông người.
Cuối cùng, và trước khi làm bất cứ gì, hãy tự hỏi: "Liệu điều này có đáng không?"
Có thể đôi lúc KHÔNG LÀM GÌ mới là cách tốt nhất khi đối mặt với sự thất hứa. Tôi không nói là bạn nên im lặng khi chứng kiến hay trải qua một tình huống bất công trong công sở, mà tôi đang đề nghị bạn nên chọn kỹ chiến trường.
Bằng cách quyết định xem khía cạnh nào trong hợp đồng lao động là không thể thiếu được với bạn, và điều nào là có cũng tốt nhưng không nhất thiết phải có, từ đó bạn có thể bảo vệ chính mình không phải đối mặt với đủ mọi sự thất hứa.
Lời khuyên của tôi là hãy sử dụng các bước BRAIN trước khi đối chất với sự thất hứa trong công sở và bạn biết bạn có thể lên tiếng để đòi hỏi lời xin lỗi hay sự khắc phục thay vì thò tay vào chôm đồ trong tủ văn phòng phẩm ở công ty.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.