Chính quyền TPHCM tăng cường an ninh ngoài đường phố tại Sài Gòn ngày 17/6, một tuần sau khi có biểu tình chống ba đặc khu và luật an ninh mạng
Một nhân chứng ở Sài Gòn cáo buộc họ bị chửi bới, bạt tai, và chứng kiến nhiều người bị đánh trong một khu thể thao dùng làm nơi tạm giam hơn 300 người hôm 17/6.
Bắt giữ và đánh đập
"Tôi chưa bao giờ thấy cảnh đàn áp người như vậy. Họ coi chúng tôi như tội phạm." Đó là kết luận của bà Nguyễn Ngọc Lụa qua điện thoại từ TP HCM.
Bà Lụa cho biết bà bị bắt khi vừa ra khỏi Nhà thờ Đức Bà sáng 17/6.
"Lúc ấy vừa xong lễ sớm, khoảng 7:45. Tôi vừa đi ra ngoài Nhà thờ Đức Bà, đang đứng cầu nguyện trước tượng Đức Bà thì bốn người mặc thường phục ập đến túm cổ áo tôi. Tôi la lên thì họ bạt tai rồi lôi lên xe," bà Lụa nói.
Sau đó, bà Lụa được đưa về một khu nhà rộng mà theo bà mô tả là khu thể thao trong công viên. Bên trong nhà chia ra làm hai dãy để chơi tennis, bóng rổ và tập võ. Ước chừng hơn 300 người bị đưa về đây trong sáng 17/6.
Lời nhân chứng: 'Chưa bao giờ thấy cảnh đánh người như thế'
"Lúc tôi đến mới có 10 người, bị đẩy vào một phòng nhỏ. Ở đó tôi gặp anh Trịnh Toàn và vợ là chị Loan."
"Ít nhất có 10 người bị đánh. Quần áo rách tả tơi, mặt bầm tím. Nhưng nặng nhất vẫn là anh Toàn cùng vợ là chị Loan."
"Rồi sau đó xe bus tới, mang theo cả trăm người, có cả trẻ em. Khu nhà trở nên hỗn loạn chưa từng có."
"Trong dãy nhà đó, có một phòng nhỏ. Anh Toàn bị lôi và đánh trong đó. Anh kêu 'Mọi người ơi cứu tôi với' rất thảm thương, mặt anh đầy máu."
"Chúng tôi ở bên ngoài kêu gào: 'Anh ấy là người Việt, không phải Trung Cộng, đừng đánh anh ấy'... thì một toán công an cầm dùi cui tới trấn áp, lôi mọi người ra ngoài."
"Lát sau thì xe cứu thương tới, đưa anh Toàn và chị Loan vào bệnh viện."
Anh Toàn đang điều trị tại bệnh viện
"Tôi hỏi sao họ chửi bới người bằng tuổi cha chú họ, họ bạt tai. Họ yêu cầu tôi cởi chuỗi mân côi trên người, tôi không chịu, họ cho một bạt tai."
"Tôi bị giam ở đó 18 tiếng. Tôi từng tham gia một số cuộc biểu tình trước đó, nhưng tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh đàn áp người Công giáo như vậy. Họ coi chúng tôi như tội phạm."
Bà Lụa cũng cho biết chiều 18/6 bà dự định vào bệnh viện "thăm vợ chồng anh Toàn chị Loan hiện vẫn đang phải điều trị do bị đánh đập hôm 17/6".
Quay phim, chụp ảnh 'cũng bắt'
Bà Khánh Mai cho hay đang chụp ảnh cho người mẫu thì bị bắt sáng 17/6
Một người khác, bà Khánh Mai nói rằng bà bị bắt khi đang chụp ảnh trên đường Nguyễn Văn Bình, Sài Gòn, sáng 17/6.
"Do công việc, tôi tới đường Nguyễn Văn Bình để chụp cho người mẫu. Khi tôi và ê kíp đang đứng chụp thì thấy cảnh công an bắt người đưa lên xe. Tôi tò mò đưa máy lên chụp thì ngay lập tức hai thanh niên chỉ thẳng vào mặt tôi từ phía xa."
"Một anh khác ở gần đó chạy lại, họ hét lên: Chụp cái gì đấy. Đưa về đồn ngay!"
"Ngay lập tức tôi bị đẩy lên xe cùng với một chị phụ nữ đang gào khóc."
"Tôi bị đưa về một trại tạm giữ nơi đó đã có khá đông người ngồi sẵn. Đó là một căn phòng rộng, được dựng tạm bên sân bóng của công viên Tao Đàn, đường Huyền Trân Công Chúa. Phía trên có lớp tôn và phía dưới trải tấm bạt. Rất đông người la lết nằm ngồi một góc ở phía đó."
"Lần đầu tiên, chứng kiến cảnh tượng cả đoàn người lê lết nằm ngồi, bị lăn tay, chụp hình với tôi là một kí ức khó quên."
"Vây xung quanh tôi là những gương mặt nông dân lao động, là những cô cậu bé sinh viên hoặc những người thanh niên muốn làm được một cái gì đó cho đất nước này."
"Lấy lời khai xong chúng tôi ngồi vào một góc nữa. Có người ngồi thiền, có người nằm ngủ. Có người mệt mỏi dựa đầu vào người kia."
"Tôi bị hốt lên xe lúc 9 giờ 5 phút và được "đặc cách" thả ra lúc khoảng 4 giờ 45 phút."
"Tôi chỉ muốn nói rằng tôi là một người bình thường, viết sách, không hề có ý định tham gia biểu tình. Nhưng sự việc hôm nay khiến cuộc sống của tôi bị xáo trộn và tôi vô cùng lo sợ..."
Theo biên bản vi phạm hành chính mà bà Mai cung cấp, bà bị phạt vì hai lỗi, không mang chứng minh thư và tụ tập đông người.
Cùng ngày, hôm 17/6, tiếp xúc với cử tri ở Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói lòng yêu nước chân chính 'bị lợi dụng' trong sự kiện biểu tình phản đối dự luật Đặc khu và An ninh mạng.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam mô tả các cuộc biểu tình tại một số thành phố và địa phương, trong đó có vụ trở thành bạo động ở Bình Thuận, là 'có bàn tay của phần tử phá hoại' và 'không loại trừ có yếu tố nước ngoài'.
Từ hơn một tuần qua, không khí phản đối Luật về ba đặc khu và luật An ninh mạng đã khiến nhiều nhóm vận động kêu gọi biểu tình cả ở Việt Nam và nước ngoài.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.