Các ý kiến nói họ quan ngại Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua sẽ gây ảnh hưởng tới nhiều mặt trong đời sống người dân và các quyền trong xã hội.
Các ý kiến nói với cuộc thảo luận của BBC hôm 12/06 về các lý do họ cho là đã gây phản ứng của dân trước Luật An ninh mạng và vấn đề tới đây sẽ ra sao.
Luật An ninh mạng được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 12/06/2018 với đa số phiếu bầu trên 86%.
Qua Facebook Live từ London, hai khách tại Hà Nội, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh và Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng nêu quan điểm của họ về luật này.
Cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh ngay sau khi Luật An ninh mạng được thông qua, một nhóm có tên gọi là Hate Change đã đưa ra tuyên bố phản đối.
Họ cũng kêu gọi Chủ tịch nước Trần Đại Quang không ký lệnh công bố Luật An ninh mạng.
Nhóm vận động đại diện cho 56.000 công dân và 22 tổ chức xã hội này cho rằng Luật An ninh mạng của Việt Nam "có nhiều điều khoản xâm phạm nghiêm trọng đến quyền con người, quyền công dân và tước đi tự do của người dân".
Nhu cầu giáo dục và xã hội
Tham gia ký tên vào bản kiến nghị này, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh cho biết:
"Thời gian vừa qua Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ vượt bậc về cả kinh tế, dân trí và xã hội. Có được sự thay đổi này là phần lớn nhờ vào mạng Internet. Là một người làm khoa học, chúng tôi thường xuyên sử dụng mạng Internet để truy cập những công trình nghiên cứu mới nhất.
Trong hoàn cảnh Việt Nam chưa thể nhập khẩu được hết tất cả các giáo trình ở nước ngoài, mạng Internet là công cụ giúp chúng tôi tiếp cận với các giáo trình này, nhằm giúp sinh viên cập nhật kiến thức để đi cùng với thế giới."
"Khi nghe nói có dự luật An ninh mạng, chúng tôi đã rất lo ngại liệu Việt Nam có rơi vào tình cảnh của Trung cộng hay không?
Ở Trung cộng, tất cả các trang mạng phổ biến trên thế giới đều bị chặn và mọi hoạt động phải thông qua Baidu (dịch vụ tìm kiếm dữ liệu trên mạng lớn nhất nước). "
Trung cộng có mạng riêng và phát triển rất mạnh nhưng Việt Nam thì tiềm lực web yếu hơn nhiều
Bà Hoàng Ánh cũng so sánh Việt Nam với Trung cộng:
"Trung cộng là một nước có nguồn kinh tế dồi dào và dân số đông, do đó họ có thể phát triển theo cách của họ. Trong khi đó, Việt Nam có tiềm lực nhỏ yếu hơn rất nhiều và nếu như không có mạng Internet thì đó sẽ là một thiệt thòi rất lớn cho các ngành nghề nói riêng và xã hội nói chung,"
Tác động ra sao?
Để đánh giá sự tác động của Luật An ninh mạng đối với đời sống người dân, bà Hoàng Ánh giải thích:
"Hiện nay, mọi hoạt động của con người đều thông qua mạng xã hội từ nói chuyện, mua sắm cho đến trao đổi việc nhà. Do đó, người dân sẽ có cảm giác bất an nếu tất cả những câu chuyện riêng tư của họ bị giám sát bởi một bên thứ ba.
Xét về mặt nguyên tắc, Nhà nước có quyền quản lý những hành vi đe doạ an ninh xã hội như khủng bố.
Tuy nhiên, đối với những người dùng chỉ muốn phản biện một cách lành mạnh thì một số điều khoản trong Luật An ninh mạng là chưa phù hợp."
Bình luận về điều 16 Luật An ninh mạng vừa được thông qua, Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động tại Hà Nội nói:
"Trong điều 16 có quy định cấm "Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe doạ, lôi kéo, tụ tập đông người gây rối". Tôi không đồng tình với nội dung này vì nó đi ngược lại với quyền biểu tình của công dân đã được quy định ở trong Hiến pháp.
"Là một thành viên tham gia các hoạt động đường phố chống chính sách "Đường lưỡi bò" của Trung cộng nhiều năm qua, tôi cũng phản đối Khoản b, Điều 16 với nội dung cấm "Chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh, chia rẽ gây hận thù giữa các dân tộc" vì chúng tôi chỉ làm điều đó với mục đích bảo vệ lợi ích dân tộc."
Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng cũng không đồng tình với nội dung cấm "xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm cuả người khác".
Theo ông, người dân có quyền bày tỏ chính kiến của mình nếu các quan chức có "hành vi sai trái hoặc tài sản bất minh".
Đang rất cần luật này?
Báo chí Việt Nam đang tải ý kiến của ông Lưu Bình Nhưỡng, một Đại biểu Quốc hội ủng hộ Luật An ninh mạng trong phiên bỏ phiếu hôm 12/06, cho rằng:
"Thông thường các đạo luật ra đời để phúc đáp các yêu cầu của xã hội, bây giờ xã hội đang rất cần nó thì dứt khoát phải bấm nút thông qua."
Bình luận ý kiến này, ông Nguyễn Lân Thắng cho biết:
"Mặc dù ông Lưu Bình Nhưỡng là một Đại biểu Quốc hội được chọn thông qua thủ tục bầu cử hợp pháp và hợp hiến, nhưng tôi không cho rằng tiếng nói của ông Nhưỡng là thực sự đại diện cho ý kiến của người dân.
"Tôi mong muốn, tất cả các dự luật cần phải được trưng cầu dân ý. Hơn nữa, Quốc hội còn nợ người dân Luật biểu tình."
Khi được hỏi người dân nên làm gì để phản đối Luật An ninh mạng hay nên chấp nhận luật này, ông Thắng nêu quan điểm:
"Chúng ta phải khẳng định quyền công dân bằng cách tiếp tục nói lên chính kiến của mình. Nếu hoạt động đơn lẻ và chỉ có vài trăm người xuống đường thì chính quyền có thể đàn áp được.
Tuy nhiên, nếu tất cả người dân cùng lên tiếng phản đối và tiếp tục làm những điều như trước khi có Luật An ninh mạng thì đạo luật này sẽ bị vô hiệu hoá.
"Nếu chính quyền áp dụng Luật An ninh để đàn áp người dân thì cần có các bài viết, bài phỏng vấn và các hoạt động phản kháng đường phố nhằm buộc các quan chức phải hành xử đúng với trách nhiệm và chức năng của mình."
Trong khi đó, TS Nguyễn Hoàng Ánh lại có cách nhìn khác:
"Mặc dù bản thân tôi cũng rất thất vọng với kết quả bỏ phiếu thông qua Luật An ninh mạng, nhưng tôi mong người dân không nên quá mất tinh thần. Chúng ta vẫn có thể tiếp tục ký thư gửi Chủ tịch nước hoặc kiến nghị có các sửa đổi sau này.
Người dân cũng nên chú ý hơn về cách hành xử của mình vì theo tôi, cuộc biểu tình quá khích ở Bình Thuận vừa rồi cũng là một trong những lý do khiến Quốc hội quyết tâm hơn trong việc bấm nút thông qua Luật An ninh mạng."
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.